Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Gái” – Harold Pinter

harold pinter.jpg

Photo by Steve Forrest

Harold Pinter sinh năm 1930 ở London. Ông được trao giải nhà nước Áo cho văn chương châu Âu năm 1973, giải David Cohen năm 1995, giải Laurence Olivier cho thành tựu trọn đời trong nghệ thuật sân khấu năm 1996, giải Nobel văn chương, giải Wilfred Owen, và giải Franz Kafka trong cùng một năm 2005, và giải Sân khấu châu Âu năm 2006. Ông qua đời năm 2008.

Gái

Tôi đọc truyện ngắn này ở một tờ tạp chí trong đó có một cô nữ sinh bước vào văn phòng giáo sư của cô ta và ngồi xuống bàn và đưa ông ta một mẩu giấy mà ông ta mở ra và thấy ghi: “Con gái thì thích bị đòn.” Nhưng tôi đã làm mất nó. Tôi làm mất tờ tạp chí. Tôi không tìm được nó. Và tôi không nhớ chuyện gì xảy ra tiếp theo. Tôi còn không biết truyện đấy là bịa hay là thật. Có thể là một đoạn tự truyện. Nhưng truyện kể từ góc nhìn của ai? Của vị giáo sư hay của cô gái? Tôi không biết. Tôi không nhớ được. Cái sự vô tri đui mù mà tôi đang trải qua là con đường rõ ràng và thoáng đãng nhất đến sự điên rồ. Cái tôi muốn biết thật vô cùng đơn giản. Cô ta có bị đòn không? Tức là, cô ta có vơ cả mình vào cái mệnh đề bao trùm tất cả ấy không. Nếu vơ cả mình vào cái mệnh đề bao trùm tất cả ấy, thì cô ta, cá nhân mà nói, có lợi gì không? Có phải cô ta, thẳng thừng mà nói, là một trong số đó? Có phải cô ta từng, hay vẫn, là một trong những cô gái, theo lời cô ta, thích bị đòn? Nếu đúng là thế thì chuyện đó có xảy ra không? Nó xảy ra trong văn phòng của vị giáo sư, hay trên bàn của vị giáo sư? Hay là không? Còn vị giáo sư thì sao? Ý ông ta thế nào? Vả lại, ông ta là loại giáo sư nào? Ông ta nghiên cứu ngành nào? Ông ta có đưa khẳng định của cô gái (con gái thì thích bị đòn) vào xem xét phê phán nghiêm cẩn không? Ông ta thấy đó là một sự khái quát mơ hồ, hay là, đúng hơn, ông ta có quyết định sẽ kiểm chứng nó không? Nói cách khác, ông ta có đưa nó vào kiểm nghiệm hay không? Nói cách khác, ông ta có nói, ví dụ: “OK. Nằm lên bàn tôi, giơ mông lên, quay mặt đi, và chúng ta hãy xác định xem khẳng định này có thực chất hay không” không? Hay ông ta chỉ đơn giản là cảnh báo cô sinh viên, vì lợi ích của khoa học, phải thận trọng bước đi mãi mãi, trong lĩnh vực khẳng định đầy nguy hiểm?

Vấn đề là, tôi không tìm được tờ tạp chí. Tôi đã làm mất nó. Và tôi không biết câu chuyện—hay đoạn tự truyện—diễn biến ra sao. Họ có yêu nhau? Có cưới nhau? Có sinh ra nhiều con thú nhỏ?

Một người đàn ông hay đàn bà hay cả hai nhất định đã viết mẩu truyện này về một cô gái bước vào văn phòng giáo sư của cô ta và ngồi xuống bàn và đưa cho ông ta một mẩu giấy mà ông ta mở ra và thấy ghi: “Con gái thì thích bị đòn.” Nhưng tôi không biết tên anh ta hay cô ta; tôi không biết danh tính tác giả. Và đơn giản là tôi không biết cô gái kia trên thực tế có bị đòn hay không, lập tức, không chần chừ gì thêm, trong văn phòng giáo sư, trên bàn ông ta, hay bất cứ lúc nào khác, trên bàn người khác, ở đây, ở kia, ở mọi nơi, mọi lúc, vào giờ chẵn, trang nghiêm, dịu dàng, mãnh liệt, bất tận, mãi mãi và mãi mãi và mãi mãi. Nhưng cũng có khả năng là cô ta không nói về mình. Ý cô ta không nhất thiết là cô ta thích bị đòn. Có thể cô ta chỉ đang nói về những cô gái khác, những cô gái mà cô ta còn không quen, hàng triệu cô gái mà cô ta chưa gặp bao giờ, sẽ không bao giờ gặp, hàng triệu cô gái mà thật ra cô ta còn chưa từng nghe đến, hàng triệu và hàng tỷ cô gái ở bên kia thế giới mà theo cô ta, họ thích, một cách đơn giản, không cần vòng vo, bị đòn. Mà mặt khác cũng có thể cô ta đang nói về những cô gái khác, những cô gái sinh ra ở Cockfosters hay đang học văn học Mỹ ở Đại học East Anglia, những người đã tận miệng kể với cô ta, trong những cơn thật thà đến sửng sốt, rằng họ, khi mọi thứ đều đã nói nhưng chưa có gì làm, thích, trong những tình cảnh ngặt nghèo, không gì hơn là bị đánh. Nói cách khác, khẳng định của cô ta (con gái thì thích bị đòn) có thể là đỉnh cao của một quá trình nghiên cứu dài, sâu, toàn diện mà cô ta đã tiến hành một cách ngay thẳng và kết luận một cách chính trực.

***

Tôi yêu nàng. Tôi yêu nàng thật nhiều. Tôi nghĩ nàng là một người phụ nữ tuyệt vời. Tôi nhìn thấy nàng một lần. Nàng quay đi và mỉm cười. Nàng nhìn tôi và mỉm cười. Rồi nàng vẫy một chiếc taxi từ trong bến đậu. Nàng chỉ đường cho gã tài xế, mở cửa, bước vào, đóng cửa, liếc nhìn tôi lần cuối qua cửa sổ xe rồi gã tài xế lái đi và tôi không bao giờ gặp lại nàng nữa.

Harold Pinter, “Girls,” Various Voices: Sixty Years of Prose, Poetry, Politics, 1948-2008 (Faber and Faber, 2009). This story was first published in Granta 51 (October 1995).

Copyright © 2009 by Fraser52 Limited | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on October 24, 2017 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: