Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Khách sạn” – Anne Enright

the hotel.jpg

Illustration by Tim Enthoven for The New Yorker

Anne Enright sinh năm 1962 ở Dublin, học văn học Anh và triết học ở Trinity College, và tốt nghiệp thạc sĩ ngành sáng tác văn chương tại Đại học East Anglia. Bà được trao giải Encore năm 2001, giải Man Booker năm 2007, và giải Sách Ireland cho tiểu thuyết năm 2008.

Khách sạn

Đến lúc ấy, cô đã bay từ Dublin sang New York, rồi về Milan, cho một ngày thảm hại theo sau là một cuốc chạy dài về Cổng D09, nơi chẳng có gì xảy ra. Chẳng có hành khách nào, chỉ độc một người đàn bà có vẻ hơi đổ lỗi mặc đồng phục, nói chuyến bay đã bị hủy từ hôm qua và cô sẽ phải đổi tuyến—và ở đây đầu óc cô trở nên trống rỗng, cái cách bạn trống rỗng trước tên của một người nào trong bữa tiệc—dù phần nào trong bộ não cô chắc hẳn đã biết, vì cô quay đi và bước trên con đường mà cô đã đến, qua cửa hàng nhượng quyền Segafredo, quầy đồng hồ Swatch, qua hai anh chàng người Ý đang mua kính râm ở một sạp quay nhỏ, đến cổng mới, số cổng khoanh tròn trên tấm vé lên máy bay mới. Và nó phải được lưu ý ở đâu đó, thời gian quá cảnh ở Đức, hay Thụy Sĩ, hay Áo này (biển báo, khi cô đến, toàn tiếng Đức), cô đã quên—chắc hẳn cô đã quên vài lần, cô quá bận căm ghét các hãng hàng không Ý, và có lẽ toàn bộ người Ý, đầu óc cô vẫn mải mê với chuyến bay bị hủy, hai anh chàng điển trai kia, mỗi người đều quay sang ngưỡng mộ hình ảnh phản chiếu của chính mình trên mắt kính tối màu của người kia.

Khi máy bay hạ cánh, cô đi theo những hành khách khác trên cầu hành khách, lên thang cuốn, xuống một hành lang vách kính, rồi dích dắc qua một khu xếp hàng vắng, không có hàng người nào để điều tiết. Cô đưa hộ chiếu cho một nhân viên mệt mỏi ngồi trên cao trong một căn buồng, người không thèm hỏi cô có biết mình đang cố bước vào đất nước nào muộn thế này không. Phải có biển báo, cô nghĩ. Có mấy cái túi xoay trên băng chuyền, nhưng cô kệ, và bước giữa những cái bàn thép trống trơn, ra ngoài qua khung cửa trượt vào chốn mới mẻ này.

Mấy hành khách cuối lách qua cô về phía những cánh cửa xoay lớn: đàn ông, hầu hết, về nhà giường êm nệm ấm trong khi cô đứng nhìn một tờ voucher khách sạn và tấm vé lên chuyến bay sẽ khởi hành sau bốn tiếng nữa. Hoặc năm. Thỉnh thoảng cái điện thoại thông minh của cô mất một lúc mới bắt múi giờ, nhưng cô khá chắc chuyến bay sẽ khởi hành sau năm tiếng, trừ một tiếng check-in. Lên máy bay lúc 05:55 ở Cổng 19. Cô cần trở lại đây, ở sân bay, sau đúng bốn giờ.

Khi cô tính toán xong nhìn lên, cửa ra đã ngừng xoay. Những chiếc đèn đằng xa đã tắt—những mép cạnh của cái sảnh khổng lồ đã không còn thấy được, và chẳng có ai để hỏi đường. Không lao công, không nhân viên an ninh, không hành khách kéo hành lý hay đẩy xe trong những bộ hijab hay mặc quần soóc hay quấn khăn choàng du lịch. Không có thông báo nào cất lên. Sân bay đã đóng. Ngay cả tiếng cửa xoay cũng đã im lặng, cái giọng nói bằng các thứ tiếng khác nhau—các thứ tiếng xoay vòng—rằng xin đừng đẩy cửa. Cô kiểm tra lần lượt từng biển báo cho đến khi tìm được cái cô đang tìm: hình người như cái que nằm trên một chiếc giường hẹp, chữ “Hotel” viết bên dưới, rồi lặp lại bằng một thứ tiếng khác, mà chắc hẳn là tiếng Pháp—“Hôtel.”

“O.K., O.K., O.K.,” cô nói thầm trong lúc nghe theo biển báo và kéo cái túi trung thành của mình đi qua một hàng quầy cho thuê xe vắng vẻ. “O.K., O.K., O.K.,” trong lúc cô đi qua một đường lăn đứng yên, tự hỏi nó sẽ cuộn theo chiều nào khi hoạt động. Sau khoảng trống có một đường lăn khác, rồi một đường lăn khác; chúng nối nhau theo một vạch đứt đoạn. Xa hơn, tiếng ầm ì báo hiệu một đường lăn đang ì ạch cuộn qua giờ ngủ của mình. Đến gần hơn, cô có thể thấy đường lăn bằng thép không gỉ đang chuyển động, và lan can cao su đen đang chuyển động, nhưng chúng trông như đang cuộn đi theo các hướng khác nhau và chân cô gần như đã đặt lên nó trước khi cô nhận ra nó đang đi về phía mình. Cô nhích sang lề và tiến về phía một biển báo khác, chỉ sang trái, rồi một hành lang nữa có mái cong như thân máy bay, và nó dài đến mức cô không thấy được tận cùng. Có đường lăn tự động ở cả hai bên cô đứng lúc này, nhưng không bên nào di chuyển. Cô nghe được tiếng tay áo khoác cọ vào áo và tiếng gõ đều đặn của cái túi trung thành lên nền gạch sàn: ka-thock ka-thock ka-thock. Không còn biển báo nào khác.

Ở đằng xa, một cái động cơ bắt đầu cục cựa và cô giật mình, nên tiếng bánh xe của cô chệch nhịp. Nó giống như một sự thay đổi điệu tính. Ka-thick ka-thick ka-thick, trong tiếng ầm ì của đường lăn đang chầm chậm cuộn về phía cô. Bóng tối ở cuối hành lang mang đến hai người đàn ông, hơi rung vì họ đang được tải đi như những hình nhân đồ chơi—hay lính đồ chơi, quả thế, vì họ đội mũ kêpi và một người có một khẩu súng lớn, giữ bằng cả hai tay trước ngực. Họ bước ra khỏi đường lăn và bước lên đoạn đường lăn tiếp theo, nó bắt đầu hoạt động trong lúc cái đằng sau chậm lại. Có lẽ cô cũng có thể làm như vậy. Cô có thể bật một trong những thứ này lên và dong qua hai người lính giống như họ ở đầu bên kia. Nhưng có một khẩu súng. Và cô không chắc động cơ có bật cho cô không. Hai người lính tiến từ đường lăn này sang đường lăn kế tiếp. Họ đội mũ trắng và mặc sơ mi xanh lá nhạt trong áo khoác xanh lá đậm. Khi họ bước lên đường lăn bên cạnh cô, cô đứng trên sàn nhà bất động và chờ họ đi qua. Họ khẽ quay lại khi đi qua cô.

“Hotel?” cô nói.

Một người khẽ cười, cái người cầm súng. Người còn lại chỉ qua vai, về phía mà họ đến.

Ein bisschen weiter. You must go a little fuurthher.”

“Thank you,” cô nói, nghĩ giọng họ mềm quá nên chắc hẳn cô phải ở đâu đó miền Nam. Có lẽ cô đã hạ cánh xuống Thụy Sĩ.

Ở cuối hành lang có một cặp cửa kính và, đằng sau nó, những ngọn đèn đường màu cam đậm chiếu sáng những bụi cây rõ bóng, một con đường màu xanh lam hoang vắng, và, bên kia đường, một khách sạn lớn, đẹp đẽ. Cô có thể hình dung ra nó: cảm giác tấm thảm đỏ dưới những bánh xe của cái túi, gỗ tối, những đóa hoa khổng lồ tỏa hương trong không khí, một nhân viên lễ tân nói, “Sẽ có xe khởi hành lúc 4:45 sáng.” Một chiếc vòi sen. Một chiếc giường.

Hoặc không phải khách sạn. Tòa nhà ấy là nhà kho, hay một kiểu ga ra. Chuyện đó cũng có thể.

Cô nhắm mắt lại trong giây lát, rồi mở mắt ra, ka-thick ka-thick ka-thick, đặt một chân lên trước chân kia trên sàn nhà có vẻ rắn chắc. Cửa đã ở trước mặt cô. Nó sẽ mở khi cô đến thật gần. Cô sẽ bước qua nó vào bầu không khí trong đêm và, bên kia đường, một cô gái mỉm cười sau quầy, một tấm thẻ chìa để ấn vào một cánh cửa đánh số, một tia sáng lóe lên màu xanh lá.

Hoặc không khách sạn nào. Bên ngoài, bên kia đường, chỉ là một hàng chờ khác mà cô phải đứng, một dòng người nhúc nhích với những cái túi. Một số ngồi xuống mặt bê tông trên phố, nơi cỏ mọc lên từ những kẽ nứt, và những gã đàn ông mặc đồng phục màu xanh lá đi hai người một, vỗ lên báng súng, như thể để trấn an những khẩu HK416C, như thể để nhắc nhở những khẩu HK416C của họ rằng họ vẫn ở đây. Và những người xếp hàng này mặc quá nhiều quần áo: họ có áo khoác ngoài và những cái áo parka rẻ tiền, cardigan trên cardigan; họ có những miếng vải treo lủng lẳng trên mình, khăn quàng và khăn san, và một người khoác chăn, không sạch.

*

Ngoài sân bay không có khách sạn nào, không cánh cửa đánh số nào dẫn vào một căn phòng với một chiếc giường mà cô có thể ngồi rồi nằm xuống, tụt từng chiếc giày một bằng đầu mũi chân kia, để chiếc bên này rồi chiếc bên kia rơi xuống thảm. Không cái gối nào mà cô có thể vùi mặt vào rồi lăn ngửa lại, sợ mình ngủ quên mà vẫn mặc nguyên quần áo, sợ mình chảy nước dãi vào tóc. Không. Chỉ có hàng người này đang cần tắm, và chẳng có tắm giặt gì—có thể thấy điều đó trên gương mặt họ— chẳng có hy vọng nước nôi gì, chưa nói đến xà phòng, chưa nói đến cái vòi sen mà cô đang thèm thuồng, với những bức tường đá màu be và tấm sàn hạt chống trơn, đầu voi sen phẳng và rộng như đáy xô, xà phòng hương bergamot, hoa cam, trà xanh. Chỉ có kỳ mặt cho ghét rụng xuống theo những cuộn đất đen mỏng như kim trộn mồ hôi cũ, và mùi là cái mùi lắng đọng khi bạn đã hoàn toàn bẩn thỉu và bước ra đầu bên kia—một tuần sau, một tháng sau—khi bạn không còn bốc mùi, chỉ dơ cũ. Vì hàng người đã ở đó một thời gian dài, đợi vào nơi trú ẩn của tòa nhà bên kia đường, một khối nhà hình vuông không có vẻ gì là một nơi trú ẩn, trừ việc nó có mái. Và bên trong tòa nhà này, với những ô cửa sổ nhỏ và cao, dĩ nhiên có một hàng người khác, và nhiều lính hơn nữa, thỉnh thoảng hơi khó chịu vì cái mùi, và thỉnh thoảng cáu bẳn, thỉnh thoảng buồn chán, vỗ báng súng một cách thiếu kiên nhẫn vì bạn lo lắng và chậm chạp. Vì bạn cần đi vệ sinh, và điều đó có nghĩa là rời khỏi hàng, một điều vô cùng rắc rối, và thỉnh thoảng khi về hàng, trên người bạn, trên giày bạn, hoặc trên vạt áo khoác của bạn dính phân người thật, vì chẳng có tiền, chẳng cần gì, dưới hoàn cảnh này, dọn sàn nhà vệ sinh.

*

Sau cánh cửa tự động không có nhân viên lễ tân mỉm cười nào, trong bộ vét xẻ nhẹ màu xanh dương khách sạn, để bảo cô rằng, vâng, chuyến bay của cô đúng lịch, xe sẽ ở đây trước 5h, còn nhiều thời gian, vì sân bay—ở cái thị trấn này, bất kể là ở đâu—thực sự rất hiệu quả. Và, ồ, bữa sáng 6h mới phục vụ, nên trong sảnh có croa-xăng. Sẽ không có croa-xăng, bây giờ cô biết.

Ngoài cửa, không có máy bán hàng tự động cho người xếp hàng chờ, để rút ra một thanh Twix hay chai nước. “Hộ chiếu cô đâu?” một tay lính nói. “Cái này không có thị thực không được. Ai đưa cô cái thẻ này? Ồ, cái đó không áp dụng được, cái thẻ lên máy bay, nó không đưa cô lên cái máy bay nào được đâu.” Và bọn trẻ đang khóc, nên đừng nghĩ đến croa-xăng—cô chỉ cần vượt qua được hàng người này, tất cả những người mặc những bộ đồ rẻ tiền này, quá lộn xộn và lề mề, và cô mở túi ra lấy khăn vì trời lạnh. Và, thay vì nhân viên lễ tân, có một gã với một khẩu súng, buồn chán đến nỗi mất trí với nỗi buồn chán của mình. Gã chỉnh đũng quần sang trái, xách thắt lưng—hắn phải rũ cái tay cầm báng súng—và hắn soi vú những người phụ nữ trong hàng; hắn soi vú cả đêm, vì hắn chán đến mức hắn chỉ muốn có người để chơi ngay bây giờ. Hắn đẩy một cô bé khi hắn đưa con bé lên, hắn xô con bé một chút, và quan trọng là đừng nhìn vào mắt gã đàn ông này; cứ dán mắt xuống sàn mới thật quan trọng. Đừng nghĩ đến những tấm chăn bông—cô chỉ muốn ánh mắt nhẹ nhàng của người đàn ông của mình, ánh mắt nhẹ nhàng của con trai mình. Cô muốn hôn mẹ, vì cô sợ mẹ mình đang ở đâu đó đằng trước trong hàng, trong khối nhà đang say ngủ, có lẽ, khối nhà đằng sau khối nhà này, ngồi trên một chiếc giường tầng, hoặc trong hàng người bất tận trải dọc theo hàng rào mắt cáo, một hàng người kéo dài hàng tuần hàng tháng hàng năm. Và mẹ cô thật kiên nhẫn, nhưng bà cũng đã già.

Cô ở gần cánh cửa đến nỗi cô sợ mình sẽ đập vào kính. Cô sợ nó sẽ không mở ra, và cô sợ những gì đang ở phía bên kia. Khách sạn chỉ là một trò đùa và cô đã bị lạc. Cô không biết tên của đất nước mình đang ở, và cô không còn biết phải đi đâu.

Anne Enright, “The Flight,” The New Yorker (November 6, 2017 Issue).

Copyright © 2017 by Anne Enright | Bản dịch © 2017 Nguyễn Huy Hoàng.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on October 30, 2017 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: