Illustration by Geoff McFetridge for The New Yorker
Zadie Smith (1975–) là nhà văn người Anh và giáo sư môn sáng tác tại Đại học New York. Cô được trao giải tiểu thuyết đầu tay của giải Whitbread năm 2000, giải Orange cho tác phẩm hư cấu năm 2006, giải Welt-Literaturpreis năm 2016, và huân chương Langston Hughes năm 2017.
Chúng ta đều ở dưới nước, tất cả chúng ta. Anh, em, bọn trẻ, bạn chúng ta, con cái họ, những người khác. Thỉnh thoảng chúng ta ra ngoài: để ăn trưa, đọc sách hoặc tắm nắng, không bao giờ quá lâu. Rồi tất cả chúng ta lại trèo vào ẩn dụ. Sông Lười là một vòng tròn, nó ướt, nó có một dòng chảy nhân tạo. Ngay cả khi bạn không di chuyển bạn cũng đến một nơi nào đó rồi trở về nơi mà bạn bắt đầu, và nếu chúng ta có thể nói về chiều sâu của một ẩn dụ thì nó sâu khoảng chín mươi phân, trừ một đoạn ngắn nó dâng đến hai mét. Ở đây trẻ con la hét—bám vào tường hoặc người lớn gần nhất—cho đến khi nó lại sâu chín mươi phân. Vòng quanh vòng quanh chúng ta đi. Cả cuộc sống đều ở đây, chảy. Chảy!
Có nhiều phản ứng. Hầu hết chúng ta trôi theo chiều dòng nước, bơi một chút, hoặc đi bộ, hoặc đạp nước. Nhiều người dùng một thiết bị nổi nào đó—vòng cao su, ống, bè—đặt các vật dụng này một cách chiến thuật dưới cánh tay hoặc cổ hoặc lưng, tạo ra sức nổi, và bởi vậy khiến chuyện vốn gần như không tốn sức lực càng trở nên dễ dàng hơn. Cuộc sống là đấu tranh! Nhưng chúng ta đang đi nghỉ, khỏi cả cuộc sống lẫn cuộc đấu tranh. Chúng ta đang “xuôi theo dòng nước.” Và bước xuống Sông Lười chúng ta phải có một thiết bị nổi, mặc dù chúng ta biết, một cách duy lý, rằng dòng chảy nhân tạo là đủ nổi. Tuy thế, chúng ta vẫn muốn có. Phao có thương hiệu, phao quá cỡ, phao hình thù kỳ khôi. Chúng là một thứ mới mẻ, một thứ sang trọng: chúng lấp đầy thời gian. Chúng ta sẽ hoàn thành nhiều cuộc cách mạng trước khi sức quyến rũ của chúng phai tàn—và với một vài người may mắn nó sẽ không bao giờ phai. Với những người còn lại chúng ta, thời khắc ấy đã đến khi chúng ta bắt đầu thấy rằng người cứu hộ nói đúng: những thiết bị ấy quá lớn; chúng quá khó quản lý, chúng đầy mệt mỏi. Thực tế rõ ràng là tất cả chúng ta đều sẽ được Sông Lười mang đi, ở cùng một tốc độ, dưới cùng một mặt trời Tây Ban Nha gay gắt, mãi mãi, cho đến khi chúng ta không còn được mang đi.
Có người tận dụng nguyên tắc của dòng chảy phổ quát này đến mức cực đoan. Họ giả chết—đầu sấp, tay chân mềm oặt, không tạo ra chút sức lực nào—và bằng cách này họ nhận ra ngay cả xác chết cũng di chuyển. Một vài người—ít hình xăm hơn, thường có trình độ đại học—cố quay ngược mình lại, định tung ra một đòn đánh vào dòng chảy, nhưng không bao giờ tiến lên, thay vào đó giữ nguyên vị trí, dù chỉ trong phút chốc, trong khi những người khác trôi qua. Nó là một điệu bộ: nó không thể kéo dài. Tôi nghe một người đàn ông có kiểu đầu thời trang nói anh ta có thể bơi hết chiều dài ngược lại. Tôi nghe cô vợ hipster của anh ta thách anh ta làm thế. Họ có thời gian cho những trò như vậy, không có con. Nhưng khi quay ngược lại và bơi anh ta bị cuốn đi chỉ trong vòng một phút.
*
Sông Lười là một ẩn dụ và đồng thời là một khối nước nhân tạo thực thụ, ở một khách sạn trọn gói, ở Almería, đâu đó ở miền Nam Tây Ban Nha. Chúng ta không rời khách sạn (trừ khi mua thiết bị nổi). Kế hoạch là dùng gậy ông đập lưng ông cái khách sạn này. Bạn làm là bạn làm thế này: bạn uống nhiều rượu đến mức chỗ ở của bạn về cơ bản là miễn phí. (Chỉ những người khiếm nhã nhất trong số chúng ta mới nói ra kế hoạch này nhưng chúng ta đều cùng hội cùng thuyền.) Vì ở khách sạn này chúng ta đều là người Anh, chúng ta là một nhóm, chúng ta không xấu hổ. Chúng ta tận hưởng sự có mặt của nhau. Ở đây chẳng có người Pháp hay người Đức nào để thấy chúng ta trong bữa tiệc búp phê, từ chối paella và cá kiếm để ăn xúc xích và khoai tây chiên, cũng không có ai để đánh giá chúng ta khi chúng ta nằm trên ghế dài, chuyển từ khái niệm của văn chương sang thực tế của sodoku. Một người trong bộ tộc của chúng ta, một quý ông lớn tuổi, có một bức chân dung của Amy Winehouse trên mỗi ống đồng, và chúng ta không đánh giá gì ông, không hề, sao chúng ta có thể? Chúng ta không còn nhiều vị thánh có tài năng như của Amy; chúng ta yêu quý cô. Cô là một trong ít người bày tỏ nỗi đau của chúng ta mà không chế giễu hay hạ thấp nó. Thế mới hợp lẽ khi vào các buổi tối, trong giờ khắc ngắn ngủi chúng ta rời khỏi con Sông Lười, chúng ta sẽ, trong giờ karaoke, hát những bài tình ca nổi tiếng của cô—gân họng, đã say—mãn nguyện, biết rằng sau này, rất lâu sau này, khi tất cả đã qua, những khúc ca yêu dấu ấy sẽ được hát trong đám tang của chúng ta.
Nhưng karaoke là đêm qua; đêm nay chúng ta có một ảo thuật gia. Anh ta kéo thỏ ra từ các chỗ, các chỗ không ngờ đến. Chúng ta đi ngủ và mơ về thỏ, tỉnh dậy, lại xuống Sông Lười. Bạn đã nghe nói về vòng đời chưa? Chuyện này giống như thế. Vòng quanh vòng quanh chúng ta đi. Không, chúng ta chưa thấy các di tích của người Moors. Chúng ta cũng sẽ không đến những ngọn núi trơ trụi, khô cằn ấy. Chưa ai trong chúng ta đã đọc cuốn tiểu thuyết gần đây lấy bối cảnh ở chính đây, ở Almería, và chúng ta cũng không có ý định đọc. Chúng ta sẽ không bị đánh giá. Con Sông Lười là một vùng không đánh giá. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta đui mù. Vì chúng ta đã thấy những căn nhà kính—từ trên xe, trên đường từ sân bay về đây—và chúng ta đã thấy những người châu Phi làm việc ở đây, một mình hoặc theo cặp, đạp xe dưới ánh mặt trời tàn nhẫn, di chuyển giữa các nhà kính. Nhìn họ, tôi tựa đầu vào tấm kính rung rung của ô cửa sổ và, như trong câu chuyện ngụ ngôn về bụi cây cháy, thay vì người châu Phi tôi thấy một ảo ảnh. Đó là một ảo ảnh về một khay quả cà chua con, bọc trong bóng kính. Trôi nổi ngay bên ngoài cửa sổ, ở nơi gần như là sa mạc, giữa các di tích của người Moors. Quen thuộc trong diện mạo, với tôi nó thật như là tay của mình. Và bên trên cái khay tôi thấy một mã vạch, và ngay trên mã vạch là dòng chữ SẢN PHẨM TÂY BAN NHA—ALMERÍA. Ảo ảnh đã biến mất. Nó chẳng có tác dụng gì cho tôi hay bất cứ ai, ở thời điểm đó, trong kỳ nghỉ của chúng ta. Vì chúng ta là ai với—và bạn là ai với—và họ là ai mà hỏi chúng ta—và bất cứ ai ném hòn đá—
*
Đúng là chúng ta, là người Anh, không thể chỉ được con Sông Lười trên bản đồ Tây Ban Nha, nhưng cũng đúng là chúng ta không cần phải làm vậy, vì chúng ta chỉ rời khỏi dòng nước để mua các thiết bị nổi, như đã kể ở trên. Đúng, hầu hết chúng ta bỏ phiếu cho Brexit và do đó không thể chắc chúng ta có cần một tấm visa phức tạp để bước xuống Sông Lười vào mùa hè năm sau hay không. Đây là chuyện chúng ta sẽ phải lo về mùa hè năm sau. Trong chúng ta, có vài người ở London, có trình độ đại học và thích những thứ như ẩn dụ và ở lại trong châu Âu và bơi ngược dòng chảy. Bất cứ khi nào đám thiểu số đáng chú ý này không ở trong Sông Lười, họ đều cảnh báo con cái về những miếng khoai tây chiên bất tận và thoa kem chống nắng có chỉ số cao nhất có thể. Và ngay cả ở dưới nước họ vẫn muốn duy trì một số khác biệt nhất định. Họ sẽ không nhảy Macarena. Họ sẽ không tham gia lớp Zumba. Có người nói họ không biết vui, người khác nói họ sợ bị sỉ nhục. Nhưng, công bằng mà nói, ở dưới nước thì khó mà khiêu vũ. Dù thế nào, sau khi ăn—một cách lành mạnh—hoặc mua một thiết bị nổi (không thương hiệu), họ sẽ lại trèo vào ẩn dụ với những người còn lại, trở lại con Ouroboros bằng nước này, mà nó, không như dòng sông của Heraclitus, mãi luôn luôn như cũ bất kể bạn tình cờ bước vào đâu.
*
Ngày hôm qua Sông Lười màu xanh lục. Không ai biết vì sao. Có nhiều giả thuyết. Tất cả đều liên quan đến nước tiểu. Màu này là hệ quả của nước tiểu hoặc là màu của hóa chất được pha vào để át đi nước tiểu hoặc là phản ứng của nước tiểu với chlorine hoặc một tác nhân hóa học nào khác chưa biết. Tôi không nghi ngờ chuyện nước tiểu có liên quan. Chính tôi cũng đã tè vào đó. Nhưng nước tiểu không phải là cái chúng ta thấy lo ngại. Không, hệ quả đáng buồn của màu xanh lục là nó tập trung tâm trí một cách rất khó chịu vào tính nhân tạo căn bản của Sông Lười. Bỗng nhiên cái vốn mang vẻ khá tự nhiên—chầm chậm trôi trong một vòng tròn bất tận, nghe bản hit của mùa hè, tình cờ cũng mang tên “Chầm chậm”—không chỉ có vẻ không tự nhiên mà còn kỳ dị một cách quá đáng. Bớt giống một kỳ nghỉ khỏi cuộc sống mà giống một kiểu ẩn dụ đáng sợ cho nó. Cảm giác này không chỉ giới hạn trong số ít người hâm mộ ẩn dụ có mặt. Mọi người đều chia sẻ nó. Nếu tôi phải so nó với cái gì, đó sẽ là nỗi xấu hổ của Adam và Eva khi họ nhìn vào chính mình và nhận ra lần đầu tiên rằng họ đang trần truồng trong con mắt của nhau.
*
Giải pháp cho cuộc sống là gì? Làm sao nó có thể sống “tốt”? Đối diện với ghế nằm của chúng tôi là hai cô gái ngực bự, hai chị em. Họ đến rất sớm mỗi sáng, và thay vì ghế nhựa thông thường mà hầu hết những người còn lại chúng ta đều dùng họ chiếm được một trong những chiếc giường bốn mặt của hiếm màu trắng nhìn ra đại dương. Hai chị em này mười tám và mười chín. Cái giường ngoài trời của họ có rèm trắng nhờ ở cả bốn mặt, để bảo vệ bất cứ ai nằm trong đó khỏi mặt trời. Nhưng hai chị em kéo rèm lên, tạo ra một sân khấu, và nằm đó, hoàn thiện làn da rám nắng của họ, thường xuyên chỉnh đáy bikini để kiểm tra tiến độ, cái đường mỏng manh tách phần bụng nâu với phần kín trắng. Một cách vô hồn họ nhìn cái mu trần trụi của mình trước khi nằm lại xuống giường.
Lý do tôi đưa họ lên là trong bối cảnh của con Sông Lười họ hoạt động nhiều một cách bất thường. Họ dành nhiều thời gian trên cạn hơn bất cứ ai, chủ yếu là chụp ảnh nhau trên điện thoại. Với hai chị em, chuyện ảnh ọt này là một hình thức lao động lấp đầy mỗi ngày đến giới hạn của nó, giống như con Sông Lười lấp đầy giới hạn của chúng ta. Nó là một diễn giải về cuộc sống mà mất thời gian chính bằng cuộc sống. “Chúng ta vừa bước vừa không bước vào cùng một dòng sông. Chúng ta vừa là vừa không phải là cùng một người.” Heraclitus nói thế, và hai chị em nói thế, khi họ đi vào và ra khỏi khung hình, bắt lấy dòng chảy của mọi thứ, đóng khung mình trong một khoảnh khắc: như là họ, và như không là họ. Cá nhân mà nói, tôi thấy cảm động với việc làm của họ. Không ai trả tiền cho họ làm việc, nhưng chuyện này không ngăn cản họ. Như trợ lý nhiếp ảnh gia cho những buổi chụp ảnh thực sự, trước tiên họ chuẩn bị khu vực, dọn dẹp nó, cải thiện nó, thảo luận về góc sáng, và, nếu cần, họ sẽ kê lại giường để loại bỏ bất cứ thứ gì khó coi: rác lạc, lá già, người già. Chuẩn bị khu vực mất một lúc. Vì điện thoại của họ có độ sâu hình ảnh như vậy nên chỉ một tờ giấy gói kẹo cách đó nhiều bước cũng phải loại bỏ. Rồi đạo cụ của họ được thu thập: những cánh hoa màu hồng, những ly cocktail xa hoa cắm những cái ô ăn ảnh, kem (để chụp chứ không để ăn), và, có lần, một cuốn sách, chỉ được cầm lên trong lúc chụp ảnh và—dù có lẽ chỉ mình tôi nhận ra điều này—lộn ngược. Khi họ chuẩn bị, mỗi người đeo một cặp kính trơn gọng đen đẹp nhói lòng. Khi đã sẵn sàng chụp, người này sẽ đưa kính của mình cho người kia cầm. Không khó để nói là họ khiến việc là người trẻ trông như một việc nặng nhọc, nhưng chẳng phải nó luôn là việc nặng, dù trung bình độ khó của nó có khác nhau hay sao? Ít nhất họ cũng đang làm một dự án về cuộc sống của họ, một dự án đo lường được mà người ta có thể thích hoặc bình luận. Còn chúng ta đang làm gì? Nổi.
*
Cách ba phút đi bộ từ cửa sau của khách sạn là đường đi dạo, nơi có các trò giải trí nhẹ vào buổi tối, nếu chúng ta muốn làm gì trong ít giờ tối tăm mà con Sông Lười được bảo trì, dọn dẹp, và khử trùng. Một trong những trò giải trí này tất nhiên là biển. Nhưng một khi đã bước vào Sông Lười, với tất cả sự mềm mại và dễ dàng của nó, với chlorine khử trùng và dòng chảy nhanh nhưng quản lý được của nó, thì rất khó chấp nhận được biển: lượng muối thừa thãi của nó, đời sống hải dương của nó, những hòn đảo nhỏ đầy nhựa xoắn. Chưa kể đến những độ sâu bị khai thác cá quá mức, nhiệt độ cao hơn bao giờ hết, và những đường chân trời bất tận, những thứ nhắc về cái chết. Chúng tôi bỏ qua nó. Thay vào đó chúng tôi bước trên đường, qua hai bà cô ngồi tết tóc, đi thêm vài phút nữa cho đến khi đến chỗ giàn nhún. Đây là khoảng cách dài nhất chúng tôi đi kể từ khi kỳ nghỉ bắt đầu. Chúng tôi đi “vì bọn trẻ.” Và giờ chúng tôi thắt đai cho bọn trẻ và nhìn chúng nhảy lên xuống trên ẩn dụ, lên và xuống, lên và xuống, trong lúc chúng tôi ngồi trên một bức tường thấp, đối diện chúng và biển, chân lơ lửng, nhấm nháp cốc vodka mang ra từ khách sạn, băn khoăn giàn nhún rốt cuộc có phải là một ẩn dụ vượt trội hơn những con sông lười. Cuộc đời chắc chắn là một sự thăng trầm, một chuyện lên voi xuống chó, mặc dù với bọn trẻ đi xuống dường như là sự bất ngờ—gần như như một niềm vui, thật bất thường, thật khó tin—trong khi với chúng tôi, ngồi trên tường, ôm chặt cốc rượu, đi lên mới có vẻ hơi phi lý, khó tin; với chúng tôi nó như một mánh đánh lạc hướng xảo quyệt, hiếm hơn một mặt trăng máu.
Nhân nói về nó, đêm ấy là một đêm trăng máu. Đừng nhìn tôi: miền Nam Tây Ban Nha có tỷ lệ ẩn dụ so với thực tế cao nhất trong bất cứ nơi nào mà tôi từng biết. Ở đó mọi thứ đều nằm trong mọi thứ khác. Và tất cả chúng ta đều nhìn lên trăng máu—mặt trăng ác ý của năm 2017—và mỗi người đàn ông và mỗi người đàn bà trong chúng ta đều hiểu rằng bạn không thể rút ra một kỳ nghỉ nào từ một năm như thế này. Tuy thế nó vẫn đẹp. Nó tắm bọn trẻ đang nhún nhảy của chúng tôi trong ánh sáng đỏ của nó và châm lửa đốt bãi biển.
*
Rồi thời gian đã cạn. Bọn trẻ giận dỗi, chưa hiểu gì về thời gian đã cạn, đấm đá và cào cấu chúng tôi trong lúc chúng tôi tháo đai cho chúng. Nhưng chúng tôi không chịu thua, chúng tôi không nhân nhượng; không, chúng tôi ôm chặt chúng, và chấp nhận cơn giận của chúng, nhận lấy nó vào cơ thể mình, tất cả, như chúng tôi chấp nhận tất cả những cơn cáu kỉnh ngớ ngẩn của chúng, như một sự thay thế cho cơn giận đích thực mà tất nhiên chúng còn chưa biết, vì chúng tôi chưa kể cho chúng, vì chúng tôi đang đi nghỉ—lý do mà chúng tôi đến một khách sạn có một con sông lười. Thật ra, chưa bao giờ có một khoảnh khắc nào tốt đẹp. Một ngày chúng sẽ giở một tờ báo hoặc mở một trang Web và tự mình đọc lấy về cái năm—2050 khoảng đó, theo các nhà tiên tri—mà thời gian cạn kiệt. Một năm mà chúng sẽ không lớn tuổi hơn chúng tôi bây giờ. Không phải cái gì cũng đi vòng quanh và vòng quanh. Có những thứ đi lên và—
Trên đường về khách sạn, chúng tôi dừng lại chỗ hai bà cô ngồi tết tóc, một người từ Senegal còn một người từ Gambia. Dưới ánh trắng đỏ như máu, rọi xuống thứ ánh sáng phim ảnh của nó, chúng tôi có thể thấy mập mờ bờ biển lục địa của họ ở bên kia vùng nước từ lục địa của chúng tôi, nhưng họ không vượt qua vùng đại dương này, vì nó còn mạo hiểm hơn cả vùng biển giữa Libya và Lampedusa, con đường mà họ đến. Chỉ cần nhìn họ bạn cũng biết được rằng cả hai người họ đều thuộc dạng có thể bơi cả một vòng ngược con Sông Lười. Thật ra, chẳng phải đây là chuyện họ đã làm sao? Một người tên Mariatou, người kia tên Cynthia. Đổi mười euro họ sẽ tết tóc theo kiểu hàng mía hoặc bện xoắn kiểu Senegal hoặc búi cao kiểu Hà Lan. Trong nhóm chúng tôi, ba người muốn làm tóc; hai bà cô bắt đầu làm việc. Đàn ông ở nhà kính. Cà chua ở siêu thị. Mặt trăng ở trên trời. Người Anh đang rời khỏi châu Âu. Chúng tôi đang đi “nghỉ.” Chúng tôi vẫn tin vào kỳ nghỉ. “Ở Tây Ban Nha rất khó,” Mariatou nói, để trả lời những câu hỏi của chúng tôi. “Rất khó.” “Để sống tốt?” Cynthia nói thêm, kéo tóc con gái tôi, làm nó kêu oái. “Không hề dễ.”
*
Lúc chúng tôi đến cổng khách sạn thì tất cả đã tối. Một cặp sinh đôi, Rico và Rocco, tuổi ngoài hai mươi, với những lọn tóc đen bóng và quần bò bó trắng—cặp iPhone sinh đôi nhét trong túi quần chật của họ—vừa kết thúc buổi diễn và đang cất cái đài boom box. “Bọn em đoạt giải nhì ‘X Factor’ Tây Ban Nha,” họ nói, để trả lời những câu hỏi của chúng tôi. “Bọn em sinh ra là người Tunisia nhưng bây giờ là người Tây Ban Nha.” Chúng tôi chúc họ những điều tốt lành và chúc ngủ ngon, và hướng ánh mắt của các con tôi khỏi chỗ phình lên gớm ghiếc của cái iPhone, thứ mà chúng tôi đã quyết định không tiết lộ cho chúng về sự tồn tại của nó từ nhiều năm nay, ít nhất là cho đến khi chúng đã đủ mười hai. Ở thang máy, chúng tôi tách khỏi bạn bè của mình và con cái họ và lên phòng mình, giống hệt như phòng của họ và phòng của những người khác, và đặt bọn trẻ lên giường và ngồi trên ban công với laptop và điện thoại, nơi chúng tôi vào Twitter của ông ta, như chúng tôi vẫn làm hằng đêm kể từ hồi tháng Giêng. Đây đó, trên những ban công khác, chúng tôi thấy những người đàn ông và những người phụ nữ khác trên những chiếc ghế khác với những thiết bị khác, cũng tham gia vào một thói quen gần như tương tự. Bên dưới, Sông Lười đang chảy, một màu xanh neon, một màu xanh ngớ ngẩn, một màu xanh Facebook. Đứng trong đó là một người đàn ông mặc quần áo đầy đủ được trang bị một cái chổi dài—anh ta được giữ tại chỗ bởi một người đàn ông khác, người giữ chặt lấy hông anh ta, để anh ta có thể đẩy cái chổi lau và đứng vững trước dòng chảy mạnh mẽ nhưng buồn ngủ và dọn sạch chút cặn bã nào của chúng tôi mà chúng tôi để lại ở hai bên thành.
Zadie Smith, “The Lazy River,” The New Yorker (December 18 & 25, 2017 Issue).
Copyright © 2017 by Zadie Smith | Nguyễn Huy Hoàng dịch.