Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Chó mặt trời” – Dorthe Nors

sun dogs.jpg

Illustration by Chloe Scheffe for The New Yorker

Dorthe Nors (1970–) là nhà văn người Đan Mạch. Cuốn sách gần đây nhất của cô là Mirror, Shoulder, Signal, cuốn tiểu thuyết lọt vào vòng chung khảo giải Man Booker Quốc tế năm 2017.

Sun Dogs,” với bản dịch tiếng Anh của Misha Hoekstra, là truyện thứ tư trong chuỗi truyện chớp/truyện cực ngắn (flash-fiction) mà tạp chí The New Yorker giới thiệu mùa hè này.

Chó mặt trời

Chuyện xảy ra đã lâu, nhưng tôi từng sống trong một cái lán gỗ ở Na Uy. Olav là người nhắc đến nơi ấy, ở buổi đầu mối quan hệ của chúng tôi. Anh bảo tôi đó từng là nhà nghỉ dưỡng hè của nhà văn người Na Uy Knut Terje Aasbakken. Giờ thì nó được dùng làm chỗ tĩnh dưỡng cho nhà văn, và có một con đường hẹp dẫn đến đó từ làng quê của Olav. Hồi còn nhỏ anh thường theo dõi các nhà văn. Họ có vẻ rất bí ẩn, anh nói, và lao vào tôi.

Sau khi mối quan hệ của chúng tôi trở nên phức tạp, một người bạn gợi ý tôi nên đi đâu đó. Vậy là tôi nhớ đến cái lán gỗ của Aasbakken. Cái lán trên một sườn núi, trong một khu rừng.

Tôi nộp đơn, được nhận cái lán gỗ, và rời nhà vào đầu tháng Chín. Một người phụ nữ ở cửa hàng tạp hóa chở tôi đi từ làng. Bà kể về khu vực này trong lúc chúng tôi bò lên núi trên con xe Gôn nho nhỏ của bà. Trên đường chúng tôi đi qua trung tâm cộng đồng. Bà nói thông lệ cho bất cứ ai đến lán gỗ là tổ chức một buổi đọc ở trung tâm. Tôi nhìn chằm chằm xuống dòng sông dưới thung lũng, rồi bà thả tôi xuống với một chiếc chìa.

Các buổi tối tôi thường đem ghế ra trước lán và nán ở lại đó cho đến khi run lên vì lạnh. Sáng thì đọc sách, viết vụn. Cuối ngày tôi sẽ đi dạo. Rồi một hôm tôi thấy mình đứng bất động trước bảng thông báo của trung tâm cộng đồng. “BUNADS,” tấm bảng đề, và dưới đó là tên của mẹ Olav. Bà được gọi là Halldis và dạy người địa phương may trang phục dân gian.

Ngày dài bất tận, và ban đêm thì cái lạnh kéo đến. Tôi bước quanh căn nhà của Aasbakken và bóc sơn trên các cánh cửa tủ. Trong rừng nấm trồi lên, và không có cách nào thoát được buổi đọc ở trung tâm cộng đồng. Một buổi tối tháng Mười tôi tựa mình vào một tấm thảm dệt thoi lớn. Trong giờ nghỉ uống cà phê, một người đàn bà có mái tóc đen ngắn và khuôn mặt như của người Eskimo tiến đến. Bà nói, “Cô nghĩ cháu đã gặp con trai cô. Nó sống ở Copenhagen.” Tôi chắc phải sững người. “Cô có một bài báo nó viết về cháu,” bà nói.

Bằng cách đó tôi trở thành bạn với mẹ của Olav, bà Halldis. Chúng tôi đồng ý sẽ đi dạo cùng nhau. Sau này chúng tôi còn đi cưỡi những con ngựa Fjord của bà. Bà nói về cảnh quan, các kiểu dấu vết mà các con vật để lại, và cảm giác của mùa đông mà chúng tôi đang bước vào. Chúng tôi không bao giờ nói chuyện về Olav. Ấn tượng của tôi là bà là một con người mạnh mẽ, nhưng cứ đều đều bà lại lo về chuyện tôi có viết về bà hay không.

Một ngày đầu tháng Mười một, chúng tôi cưỡi ngựa vào rừng. Khi đến một khoảnh rừng trống, tôi nói nhã cảnh trước mặt sẽ tạo nên một cảnh mở đầu tốt. Bà nói, “Ừ, cô cũng sợ thế.”

Tôi nghĩ về Olav, về khuôn mặt anh và khuôn mặt bà, và có thể đó là ngày mà bà mời tôi về nhà uống cà phê. Dù sao đi nữa, tôi vẫn nhớ là chúng tôi đã thả rông ngựa trên đồng và ngồi trong bếp. Có những tấm ảnh của Olav và vợ anh trên bảng tin, và tôi chắc mình đã ôm bà Halldis một cái khi ra về.

Bất chấp sự ngượng ngùng trong mối quan hệ của mình, chúng tôi vẫn gặp nhau. Một hôm chúng tôi đang ở trong bếp thì bố của Olav bước vào. Ông miễn cưỡng ngồi xuống bàn, vì có lẽ chúng tôi không muốn bị quấy rầy. Halldis tìm cho ông một cái cốc cà phê, và tất nhiên là ông đang quấy rầy chúng tôi. Tôi nhớ ông bảo là ông không quan tâm đến những người có giáo dục. Ông là thợ mộc, cha của Olav. Nói lao động chân tay thì quan trọng và chỉ xuống cái bàn. Tôi khen cái bàn, sau đó phải đi thăm xưởng mộc của ông.

Chúng tôi ra ngoài xưởng, cả ba, và cái mà tôi nhớ rõ nhất là có một tấm ảnh chụp một người phụ nữ trần truồng mà ông đính bằng đinh ghim. Ông ghim nó lên trên cánh cửa của căn phòng mà Halldis may đồ. Thế có nghĩa là Halldis phải bước dưới người phụ nữ trần truồng kia mỗi lần bà vào phòng và may đồ. Ta không bao giờ biết về mối quan hệ của những người khác, nhưng tôi thầm nghĩ đây là cuộc hôn nhân mà Halldis không muốn tôi viết về. Nó có vẻ phức tạp với tôi, dẫu tôi nghĩ nó có vẻ lành mạnh với bà.

Mỗi ngày bà đều đi qua người phụ nữ trần truồng treo trên cửa với đôi chân hơi giạng, và cô ta đã bị treo ở đó lâu đến nỗi Halldis không còn để ý nữa. Chắc chắn bà đang nghĩ về con trai mình ở Copenhagen. Vợ anh ấy đẹp và siêng năng. Anh phỏng vấn những tác gia nổi tiếng. Và giờ thì một trong số họ đang sống trong cái lán gỗ của Aasbakken.

Cái lán gỗ không có điện thoại, nên cuối cùng tôi nhận được một lá thư. Tôi vẫn còn giữ nó. Anh ấy giận, Olav. “Anh không nghĩ em lại thế,” anh viết.

Anh không giống mẹ anh là ở chỗ đó. Tôi còn nhớ một lần khác chúng tôi đi cưỡi ngựa cùng nhau. Đó là một buổi sáng mùa thu trong trẻo. Trên đường đi chúng tôi đi qua một cái hồ. Với tôi, những cái hồ ở Na Uy có cảm giác như vô đáy, một cảnh quan không thể biết được. Sự không chắc chắn ấy chắc hẳn phải để lại dấu ấn lên người địa phương, tôi nghĩ. Sau đó chúng tôi đi giữa những thân cây, nơi có mùi của nấm và thối rữa.

Vừa đi chúng tôi vừa nói về vẻ đáng yêu của khu rừng trong sự mục ruỗng của nó. Tôi bảo bà là bà giống người Eskimo, và chắc hẳn Olav đã thừa hưởng những nét ấy từ bà. Bà mỉm cười, và có những con chim săn mồi ở trên đầu, và rêu phủ trên những thân cây vân sam lớn, và tôi nuốt mọi thứ tôi nhìn thấy.

Rồi một hôm, khi chúng tôi đang uống cà phê trong bếp thì chồng bà bước vào, muốn có sự chú ý, bà bắt đầu thực sự kể một câu chuyện. Bà nhìn bố Olav, hỏi ông, “Em có kể được chuyện này không?” và ông nói, “Ừ, cứ kể đi.”

Ban đầu tôi cứ nghĩ bà hỏi ông xem bà có nên kể chuyện này ra không vì đó là chuyện của ông, hay vì ông là người quyết định xem chuyện gì trong mối quan hệ của họ là kể được. Dù sao đi nữa thì bà cũng bắt đầu kể, dù thỉnh thoảng lại lấy tay bịt miệng. “Không, em không biết em có kể được không nữa,” bà nói, liếc nhìn chồng rồi nhìn xuống cốc.

Chuyện là người em họ của bà đã kết hôn với một gã đàn ông tồi tệ.

Đến khi hắn ta chết em họ bà mới phát hiện ra hắn tồi tệ thế nào. Nó lộ ra từ chuyện tài sản và một số bức thư tìm thấy. “Nhưng cháu không được viết chuyện này,” bà nói. Tôi bảo bà đừng lo. “Chồng của em họ cô không phải là quá hiếm gặp.” Bà hỏi, “Cháu có biết những gã như thế không?” Tôi bảo thỉnh thoảng tôi lại gặp phải một người như thế. Bà hỏi tôi có viết về họ không. “Thỉnh thoảng,” tôi đáp.

Tôi có ấn tượng là trong thời gian chúng tôi ở bên nhau bà đã tìm đọc sách của tôi. Bà còn nhắc đến riêng một cuốn. Đó đã là mùa đông, chúng tôi ở trong rừng, và mọi thứ xung quanh thì rộp roạp với tuyết và băng. Bà đã đọc cuốn sách nhưng không chắc nên hiểu thế nào về nó. Bà thấy sự thiếu quyết đoán của nhân vật nữ chính là đặc biệt khó mà chịu đựng nổi.

Chúng tôi bò qua một bức tường đá cũ. Mặt trời đang chiếu rọi; sắc trắng ở khắp nơi làm tôi nhức mắt. Tôi mới xem một bức ảnh cũ từ thị trấn khai thác vàng Yellowknife, ở gần Vòng Bắc Cực. Đó là bức ảnh chụp một người Eskimo và rồi mặt trời, nhưng mặt trời ấy không đơn độc. Nó có bạn. Đó là một hiện tượng quang học—ánh sáng mặt trời bị các tinh thể băng làm khúc xạ và hai điểm sáng xuất hiện ở hai bên. Dưới bức ảnh ghi nhập cuộc với mặt trời là các địch thủ của nó, mà trong ngôn ngữ của thảo nguyên được gọi là chó mặt trời.

“Chính xác thì cô sợ cháu viết về điều gì?” tôi hỏi bà. “Cô không biết,” bà nói.

Bà đứng đó và ánh sáng đi xuyên qua bà, đó là cách mà tôi nhớ nó.

Cách mặt trời khiến hình thái vật lý của bà thôi không còn tồn tại. Trên dải trắng rộng bà đổ xuống một cái bóng sắc nét và tôi đứng đối diện bà, không chỉ có một mình.

“Halldis?” tôi gọi.

Bà kéo đôi găng tay, gật đầu.

Copyright © 2018 by Dorthe Nors | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

sun dog.JPG

Sun dogs on New Year’s Day 2011 near Carthage, South Dakota | Photo by Joe Unterbrunner

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on July 27, 2018 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: