Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Khi hạnh phúc chúng ta mang tên khác” – Yiyun Li

When We Were Happy We Had Other Names.jpg

Photograph by Gregory Halpern for The New Yorker

Yiyun Li (1972–) là nhà văn người Mỹ gốc Trung Quốc. Cô được trao giải Whiting cho tác phẩm hư cấu năm 2006, giải truyện ngắn quốc tế Frank O’Connor năm 2005, và giải PEN/Hemingway năm 2006. Cô hiện là giáo sư ngành văn học Anh tại Đại học California, Davis.

Khi hạnh phúc chúng ta mang tên khác

Giám đốc nhà tang lễ sẽ tiếp họ ngay, giọng một người phụ nữ nói qua bộ đàm khi họ bấm chuông. Sau khi đứng trên hiên một phút rồi thêm một phút nữa, Jiayu và Chris ngồi xuống hai chiếc ghế mây, một cái bàn tròn nhỏ đặt một chậu cúc vàng giữa họ. Ngày không mây, bầu trời xanh thẳm. Một cặp sóc đuổi nhau trên bãi cỏ, mấy con chim giấu mình tíu tít trong những cái cây vẫn còn chưa đổi sắc, một trò hô hoán trong khu phố yên tĩnh. Có lẽ dàn cảnh thực sự của mỗi vở kịch Shakespeare, Jiayu nghĩ, là một phòng chờ không tường như thế này đây: cuộc đời là một tiền sảnh dẫn vào cái chết.

Ý nghĩ ấy, bốn tháng sau, Jiayu thấy kịch tuồng một cách không cần thiết. Cô là ai mà nói về Shakespeare, khi lần cuối cô đọc ông là hồi đại học, ở Bắc Kinh, vì tấm bằng văn học Anh mà cô chẳng mấy khi dùng đến? Giờ, khi nghĩ về những ngày ngập nắng sau cái chết của Evan, Jiayu nhận ra rằng người phụ nữ mà cô và Chris nghe giọng qua bộ đàm vào lần đầu tiên và những lần sau họ đến chưa bao giờ xuất hiện trực tiếp. Ở nhà tang lễ không có quầy lễ tân. Mỗi lần cửa mở ra họ đều gặp cái bắt tay của giám đốc nhà tang lễ. Lần đầu Jiayu gọi điện, người đàn ông nói giọng nhẹ nhàng ấy đã thốt lên, “Ôi, Chúa ơi,” sau khi hỏi ngày sinh của Evan và nhận được câu trả lời.

Nhưng cái giọng trên bộ đàm phải thuộc về ai đó, một nhân viên lễ tân không cần đến tấm thẻ tên. Và cô không phải gặp tất cả những khách hàng kia, ngày này qua ngày khác, những người sẽ không bao giờ bước chân vào ngôi nhà này nếu không phải vì chuyện nghĩa tận. Jiayu chưa từng có suy nghĩ gì về nhân viên lễ tân ở bất cứ văn phòng nào. Nhưng người phụ nữ vô danh mà cô chưa gặp này thì từ chối bị xem như một nhân viên lễ tân chung chung. Người chết cũng không đáng phải trở thành người chết một cách đại khái và chung chung, nhưng điều đó, Jiayu nhận ra khi cô đọc một bài báo gần đây về những con số thống kê đáng báo động về tự sát tuổi vị thành niên, chỉ là một phản kháng vô ích.

*

Cái chết mang đến một nếp sinh hoạt mới. Có những nhóm hỗ trợ để tham gia, thư từ của người thân và bạn bè để giải quyết, những cuộc gọi nài nỉ phải gọi cho Naomi, con bé đang là sinh viên năm hai ở Wisconsin và sau đám tang, nó đã bắt đầu hạn chế bố mẹ tiếp cận cuộc sống của nó. Cái nếp mới, mỏng manh này làm Jiayu nhớ về cái đài bán dẫn đầu tiên của cô, quà sinh nhật của ông nội khi cô lên năm. Một món xa xỉ đối với một đứa bé năm tuổi. Bực bội nữa, vì chỉnh núm vặn để tìm cái kênh có chương trình mầm non kéo dài nửa tiếng buổi chiều với ngón tay cô không phải là dễ. Và, khi làm được rồi, cái núm vặn chỉ giữ nguyên tần số một vài phút trước khi nó bắt đầu lệch đi, và bài hát về những con cáo chuyên đi ăn trộm và những con gấu tiệc tùng sẽ bắt đầu trôi dạt vào trong tiếng nhiễu.

Làm sao mà cô bé ôm chiếc đài trong lòng ấy lại trở thành người phụ nữ này, ở giữa cuộc đời của cô ta, với vô số chỉnh vặn thất bại? Có những khi Jiayu đỗ trước cửa ga ra, chẳng thể nào ấn được nút để mở cửa. Khi khác cô dọn nhà không biết mệt, hoặc băm hành cho đến khi nó trở thành một vũng nước mắt trong suốt trên thớt. Cô không hỏi vì sao mình chần chừ trước cửa ga ra hay băm nát hành, bởi vì câu trả lời đã có. Bất cứ hành động nào, cảm xúc nào, thất thường hay không, đều nằm trong cái ô bao trùm lên mọi thứ có tên là đau buồn.

Đau buồn? Đau buồn là cái gì? Một buổi sáng mở mắt ra Jiayu nói với cái trần nhà, Đau buồn ạ, tao chẳng biết mày là ai, nên mày đừng giả vờ là mày biết tao là ai nữa đi.

Cô và Chris đi làm lại ngay sau lễ tang. Jiayu quản lý các dự án trao đổi văn hóa cho một trường đại học công lập ở thị trấn lân cận. Chris điều hành bộ phận kỹ thuật y tế ở một bệnh viện địa phương. Cả hai ban đầu đều gặp khó khăn, Chris dở việc vài lần, Jiayu trốn trong phòng vệ sinh và khóc hai ngày liên tiếp, nhưng họ vẫn gắng sức với một sự kiên định có vẻ là khắc khổ với thế giới. Jiayu dọn vườn và trồng những củ hoa mùa thu trước đợt sương giá đầu. Chris chuẩn bị hệ thống nước tưới cho mùa đông. Cùng nhau họ mua bí ngô ở một quầy ven đường, bốn quả như thường lệ. Cả hai đều nhắn tin cho Naomi hằng ngày, biết rằng sau cái mặt nạ lạnh lẽo kia là một trái tim cũng tổn thương như họ. Sau một thời gian, Naomi cũng mềm lòng và đồng ý về nhà đón lễ Tạ ơn.

Trong tâm trí họ, cái nâng đỡ họ không phải chủ nghĩa khắc kỷ mà là chủ nghĩa thất bại. Vào cuối ngày làm việc, khi một trong hai người cảm thấy tê liệt—họ thay nhau rơi vào trạng thái ấy—người kia sẽ một mực đưa cả hai đến một công viên trong một thị trấn gần đó. Ở đó họ chỉ là một cặp đôi trung niên đi dạo dưới hoàng hôn. Hoàng hôn buông ngày một sớm rồi cất một bước nhảy vọt vào bóng tối đầu tháng Mười một.

Nhưng tại sao? một trong hai người sẽ nói, phá vỡ sự im lặng trên con đường đi dạo.

Và sao lại là nó?

Anh không thấy trước được, em có thấy gì không?

Không, em đã nghĩ tuổi dậy thì là thế.

Anh cũng thế. Anh hình dung tuổi dậy thì là một bài kiểm tra khó mà ai cũng phải làm.

Không phải ai cũng vượt qua.

Làm bọn trẻ bây giờ khó lắm.

Khó hơn mình ngày xưa, đúng không?

Nhiều nhà nghiên cứu nghĩ vậy. Anh đọc thấy báo nói như thế.

Nhưng em không hiểu. Mới sáng nó còn nói về cuộc thi bơi. Em nghĩ trông nó hào hứng lắm.

Cả cái cách mà nó nói về bằng lái nữa. Anh định sinh nhật nó điều đầu tiên là đưa nó đến Nha lộ vận. Anh định gọi đến trường bảo là nó có hẹn với bác sĩ.

Anh có nghĩ ở trường có chuyện gì không?

Nếu bạn nó không ai biết…

Ai chả nghĩ là nếu như có nhiều bạn như thế…

Và một tuổi thơ hạnh phúc…

Chúng mình đã cho nó một tuổi thơ hạnh phúc mà, đúng không?

Nó cũng nói thế.

Naomi cũng nói thế.

Thế thì có chuyện gì?

Mình sẽ không bao giờ biết được.

Không biết là một cái khó.

Rất khó.

Cái khó nhất, đúng không?

*

Nếu là năm mươi năm trước, Jiayu và Chris có thể đã bắt gặp những cái liếc xéo trong thị trấn Trung Tây này. Nhưng bây giờ nó không còn là chuyện lớn nếu một người đàn ông lớn lên ở một trang trại ngô và một người phụ nữ lớn lên trong một con hẻm ở Bắc Kinh cưới nhau và sống một cuộc sống gia đình không khác mấy những người hàng xóm, dù mẹ Chris đã nói nhiều lần trong lễ cưới rằng với bà đây là một phép lạ không thể tin được. Cuộc hôn nhân của họ—qua hè này là mười chín năm—cũng có những sơ sẩy của nó, kiểu mà trong cuộc hôn nhân nào cũng vậy. Jiayu và Chris đã cùng nhau phấn đấu gây dựng một cuộc sống vững chắc, nuôi dạy Naomi và Evan bằng lẽ thường và tình yêu. Làm sao chuyện tày đình này lại tìm thấy và đặt bẫy họ, Jiayu nghĩ, khi họ bình thường như thế, ít tham vọng như thế, kín đáo như thế? Cái chết của một đứa trẻ thuộc về một địa hạt khác—địa hạt của một bi kịch Hy Lạp hay một bộ phim sến sẩm. Xác suất một con kiến bị sét đánh là bao nhiêu? Xác suất nó sống sót và tiếp tục lê lết? Với những vết thương nào?

Jiayu mở một trang tính trên máy tính. Những người trong gia đình, người thân, hàng xóm, người quen—cô cố gắng liệt kê tất cả những người đã chết mà cô từng gặp. Cô ghi vào những gì cô nhớ được, năm sinh và năm mất của từng người và nguyên nhân cái chết, thỉnh thoảng để lại những dấu hỏi, cho dù cô có thể tra cáo phó tìm thông tin còn thiếu. Cái cô muốn là kiểm tra trí nhớ của mình. Nếu cô nhớ được một hay hai câu chuyện về mỗi người đã chết thì họ sẽ không phải chịu cảnh là người chết đại khái và chung chung.

Ví dụ, cụ Eileen Wilson, một trong những vị khách lớn tuổi nhất ở đám cưới Jiayu. Một người em họ của cụ, cụ Wilson bảo Jiayu trong lúc cô đón khách, là một nhà truyền giáo ở Trung Quốc.

Đó là từ bao giờ ạ? Jiayu hỏi.

1891, cụ Wilson đáp.

Ông nội cháu ra đời năm ấy, Jiayu bảo.

Thật là trùng hợp quá! Em họ tôi qua đời năm ấy. Nó ở tỉnh Sơn Đông hai tháng rồi bị người ta chặt đầu, cụ Wilson nói, đặt một tay lên cổ.

Ôi, trời ơi, Jiayu nói. Cháu rất tiếc.

Bà cụ cười. Thôi, không việc gì mà phải xin lỗi. Tôi cũng chưa bao giờ gặp nó. Tôi bảo chị tôi thích gặp ai nhé. Bà dì tôi Sallie. Bả trộm năm con cừu của nhà hàng xóm. Lúc bấy giờ phải tội ấy là treo cổ, nhưng bả được tha vì là đàn bà.

*

Nghĩ về người đã khuất chẳng có gì giống như đi xuống một làn đường ký ức. Làn đường ký ức, Jiayu tự nhủ, một cụm từ kỳ quặc. Chỉ có một bộ óc có tổ chức mới nghĩ được ra nó. Hồi nhớ thì không giống như bước đi trên một con đường rợp bóng cây với những tấm bảng gỗ đánh dấu tháng năm. Ký ức là một đống cỏ khô. Tìm một chuyện rồi bạn sẽ thấy cả trăm câu chuyện, không chuyện nào trọn vẹn.

Và những câu chuyện ấy cứ tiếp tục đến. Chúng là những thứ làm xao nhãng khỏi suy nghĩ về Evan, cho dù sự xao nhãng là thứ không thể đạt được, và suy nghĩ về Evan là một cách nói không phải là đúng. Suy nghĩ, cũng giống như hồi nhớ, là một hành động nhìn lại. Nhưng Evan thì ở đây mọi lúc: trong những công thức mới, phức tạp cô thử vào cuối tuần, trong những bình hoa cô đặt quanh nhà để chống lại vẻ ảm đạm, trong cái giọng vô hồn của ứng dụng hướng dẫn thiền chẳng trì hoãn cho cô cơn đau lòng được mấy.

Cô để trang tính mở sẵn trên máy tính. Mỗi cái tên không chỉ là câu chuyện về một cái chết. Lấy chồng chị Wen làm ví dụ. Chị Wen, con gái út của gia đình sống cạnh nhà Jiayu ở Bắc Kinh, hơn Jiayu mười bốn tuổi. Khi chị Wen bắt đầu hẹn hò với một anh cảnh sát, sáng Chủ nhật nào Jiayu cũng đợi anh ta ở đầu con hẻm. Lúc anh ta đi xe máy đến, cô sẽ chạy về. Không quan trọng chuyện chị Wen đã đứng sẵn trong sân, lắng nghe tiếng động cơ. Jiayu muốn là người hét lên, Anh ấy đến, anh ấy đến, anh ấy đến, như thể cô là một con ác là, đem đến những tin tốt lành đầu tiên của cuộc hôn nhân.

Năm mươi, ung thư gan. Khi gõ dòng này cạnh tên người đàn ông, Jiayu không thể nghĩ về anh ta như một người đàn ông lớn tuổi hơn. Có lần, anh ta với chị Wen đưa Jiayu đi chơi cùng. Jiayu trèo lên xít đờ ca, nắm chặt cái thanh kim loại trước mặt và nhìn lên chị Wen và bạn trai của chị: chị mặc váy màu mơ, anh vận đồng phục trắng. “Khi hạnh phúc chúng ta mang tên khác”: Jiayu nhớ là đã đọc dòng này từ hồi sinh viên, dù bây giờ cô không nhớ được bối cảnh nữa. Một đôi trẻ đang yêu và một đứa bé chẳng muốn gì hơn là chứng kiến chuyện tình ấy—giờ thì họ là gì? Một người đàn ông đã chết, một góa phụ, và một người mẹ đã mất con trai.

Nhưng Jiayu không phải là người đầu tiên mất con. Điều này cô liên tục nhắc nhở mình. Con gái chị Min, chị họ cô, chết vì bệnh bạch cầu trước khi con bé lên hai. Nó đã phai mờ trong ký ức Jiayu, dù cô biết là nếu mở cuốn album cũ ra thì cô sẽ thấy một bức ảnh của nó. Sau khi con bé chết, nhiều người thân đã rơi nước mắt, nhưng bao nhiêu người có thể kể chuyện gì về nó bây giờ? Chị Min sau này đẻ thêm một đứa nữa, một thằng bé khỏe mạnh. Một bà dì trọng nam hơn trọng nữ từng bảo mẹ Jiayu là chuyện này cũng có thể nhìn một cách tích cực, vì con bé chết đi đã nhường chỗ cho thằng em nó. Con gái có khi chỉ là điềm gở, bà dì nói, và chính sách một con chắc chắn chẳng giúp được gì.

Rồi còn có Yingying, bạn chơi cùng Jiayu trước khi hai đứa chuyển đến hai trường tiểu học khác nhau. Mẹ hai đứa đều dạy ở Trường Câm điếc số 2 Bắc Kinh, và hai đứa thường chơi với nhau trên sân trường trong lúc chờ mẹ đi làm về vào buổi chiều. Nhỏ hơn Jiayu một tuổi, Yingying là một đứa con gái nhút nhát, và Jiayu thích trêu chọc nó bằng một con sâu bướm giấu trong hộp diêm, hoặc con bọ cánh cứng thả lên mu bàn tay. Yingying sẽ khóc, Jiayu dỗ nó, rồi hai đứa lại làm lành, trong lúc giả vờ không để ý những học sinh xung quanh, hầu hết là học sinh nội trú được chính phủ hỗ trợ. Những học sinh ấy lớn tuổi hơn nhiều, một số cuối tuổi vị thành niên, sẵn sàng rời trường sau khi học việc xong.

Bây giờ Jiayu băn khoăn có phải là hai đứa đã làm trò một chút, cô tìm bất cứ lý do nào để chọc cho Yingying khóc, còn Yingying thì nắm lấy mọi cơ hội để gào to lên, tách biệt hai đứa khỏi đám học sinh. Một số đứa đứng thành nửa vòng tròn xung quanh Jiayu và Yingying, nhìn hai đứa một cách nghiêm nghị rồi ra hiệu với nhau. Jiayu thấy phấn khích khi biết rằng họ đang nói về mình và bạn mình. Không có cách nào khác để cô và Yingying có thể bước vào cái thế giới im lặng ấy ngoài việc làm trung tâm của vòng bán nguyệt, nói chuyện với nhau mà không cần động đậy một ngón tay.

Một năm trước, mẹ Jiayu gọi điện để báo tin Yingying đã chết. Ung thư buồng trứng, bốn mươi ba, con gái vừa lên cấp hai. Jiayu không thể nghĩ về bạn hồi nhỏ của mình như một người phụ nữ nằm trong quan tài, đứa con đã khuất của một người mẹ, người mẹ đã khuất của một đứa con. Nhưng nhìn nhận thế nào thì có khác gì? Có lẽ đau buồn chẳng là gì ngoài sự không tin.

*

Đợt tuyết đầu rơi xuống rồi tan. Rồi đợt tuyết thứ hai. Sau đó thì chẳng còn lý do gì để tiếp tục đếm. Hàng xóm treo đèn Giáng sinh, những cột băng xanh và trắng rủ xuống mái hiên, những bóng đèn cam đỏ tạo hình theo những cây thường xanh, một con nai kéo xe trên một sân trước, những thiên thần cánh rộng thổi kèn vào nhau. Thế giới không còn mới và đưa ra rất ít bằng chứng cho thấy nó sẽ lại mới lại. Có lẽ đau buồn là sự thừa nhận rằng ảo tưởng đã hết.

Trang trí ngôi nhà có làm chúng ta buồn quá không? một buổi tối Jiayu hỏi trong lúc họ đang đậu trước ngôi nhà chưa sáng đèn của họ.

Có khi không thì còn buồn hơn nữa?

Anh nghĩ Evan sẽ muốn mình làm gì?

Anh không biết. Với anh thế nào cũng được.

Em cũng thế.

Còn cây thông Giáng sinh thì sao? Còn bốn chiếc tất mà Jiayu đã thêu tên họ thì sao? Còn chuyện đến nhà bà Erickson vào đêm Giáng sinh thì sao? Cháu gái bà Erickson và Evan sinh cách nhau một ngày, và, vì nhiều lý do khác nhau, nằm ở hai căn phòng cạnh nhau trong đơn vị chăm sóc tích cực cho trẻ sơ sinh. Sau đó, bà Erickson đã biến Evan thành một đứa cháu nữa của mình, và suốt mười lăm năm họ đã cùng bà Erickson và gia đình mở rộng của bà ăn giăm bông nướng, khoai tây nghiền, và krumkake. Sau đó họ hát những bài hát mừng Giáng sinh, trong khi bà Erickson đệm nhạc trên một chiếc dương cầm đứng cũ, được lên dây mỗi năm một lần cho dịp này.

Mọi câu hỏi đều dẫn đến một con đường cụt. Jiayu hình dung một hôm nào đó cô và Chris sẽ nhìn nhau và, không chút do dự, lái đến chợ chọn một cây về. Chris sẽ mắc đèn còn Jiayu treo tất, kể cả tất của Evan, lên trên bệ lò sưởi. Khi bà Erickson gửi lời mời, họ sẽ hỏi họ mang sủi cảo đến được không, phần đóng góp thường lệ. Họ sẽ làm mọi thứ như họ vẫn luôn luôn làm. “Luôn luôn” là một từ không đáng tin cậy. Nhưng người ta còn làm được gì ngoài tuân thủ quy tắc “luôn luôn”? Trong một cuộc đời mà sai lầm có thể mắc, nó là một con đường không tốt hơn mà cũng không tệ hơn bất cứ con đường nào khác.

*

Cái trang tính đã thôi dài ra. Nỗi đau vẫn còn khôn nguôi. Một người có thể rút ra mọi kiến thức của họ về cái chết, nhưng nó chẳng làm gì để rút đi nỗi đau của việc mất đi một đứa trẻ. Nếu Jiayu soạn một trang tính những người còn sống, khỏe mạnh và hạnh phúc, có lẽ cô sẽ có một danh sách dài hơn, nhưng nếu như nhiều cái chết cũng không sản sinh ra một liều thuốc giải hiệu quả cho một cái chết thì nhiều người sống cũng có khác gì?

Jiayu chợt nghĩ rằng một ngày nào đó Evan có thể cũng sẽ xuất hiện trên danh sách của một người khác. Ý nghĩ ấy không an ủi cũng không làm cô phiền lòng. Trên trang tính có Hua, một người bạn cùng lớp hồi cấp ba đã tự sát một năm trước khi họ tốt nghiệp. Rồi còn bố một bạn mầm non của Jiayu, tự sát hai năm trước, một buổi tối sau khi tập luyện xong với dàn hợp xướng của những người về hưu. Jiayu chưa một lần nói chuyện với Hua ở trường. Bố bạn cô thì đeo một cặp kính gọng viền đậm, nhưng cô chỉ nhớ có thế.

Tuy vậy, cô vẫn trở lại với trang tính thường xuyên, cố gắng nhớ thêm một khoảnh khắc nữa, thêm một chi tiết nữa. Đôi khi một cái tên mới trở lại với Jiayu, làm cô ngạc nhiên, như thể người chết đang kiên nhẫn đợi cô tìm lại họ. Một bà cụ mà người ta vẫn gọi là Bà già Dũng cảm, trước đây sống một mình trong con hẻm kế bên, người ta nói bà là một nghĩa binh nông dân trong Thế chiến II. Sau khi bà qua đời, điều này được báo chí xác nhận, in kèm với một bức ảnh của Cô gái Dũng cảm—biệt danh của bà thời chiến—thời niên thiếu, tóc cắt ngắn, một khẩu cạc bin trên vai, và đôi dao găm không vỏ giắt qua thắt lưng một cách nguy hiểm. Hồi lớp ba, Jiayu và bạn thân nhất của cô đã lên kế hoạch giành chiến thắng trong một cuộc thi người tốt việc tốt kéo dài một năm, và hai đứa đã quyết định ngày nào cũng đến thăm Bà già Dũng cảm, dọn nhà, chạy việc cho bà, chuẩn bị những bữa đơn giản, và nghe bà hồi tưởng về những năm chiến tranh huyền thoại. Bà vẫy hai đứa đi hai lần đầu chúng đến, rồi khi chúng vẫn thò mặt ra thì bà lấy chổi đuổi. Nếu còn dám xuất hiện lần nữa, bà cảnh cáo, thì bà sẽ báo cáo lên trường là quấy rầy cựu chiến binh cách mạng. Ồ, cái sự bẽ mặt ấy, sự bất công ấy, bây giờ Jiayu mới nghĩ, lần đầu tiên cô thấy buồn cười trong một thời gian dài. Cô còn nhớ cái hôm sau khi bị Bà già Dũng cảm dọa, cô với bạn cô đã đào mười con giun đất lên rồi quẳng vào sân nhà bà cụ.

Ồ, sống lại những năm tuổi trẻ và bất khả chiến bại mới vui làm sao.

Hoặc lần lại cuộc sống của những người già và những người đã ra đi mãn nguyện. Trong tất cả những người trong danh sách, ông nội là người kéo Jiayu lại nhiều nhất. Ông đã sống một cuộc đời dài và hạnh phúc và ra đi ở tuổi một trăm linh mốt. Ông là một người chồng tốt, một người cha yêu thương với tám đứa con, tình cảm và công bằng với mọi đứa cháu. Ông không khóc khi con gái chị Min qua đời nhưng cho mỗi đứa chắt ra đời sau đó một cái khóa trường mệnh bằng bạc—một cái mặt dây chuyền khắc dòng chữ “Bách Niên Trường Thọ” ở một mặt và “Phú, Cát, An, Bình” ở mặt kia—để đảm bảo sự tồn tại mong manh của chúng.

Ở tuổi già, sau cái chết của vợ, ông dành một phần thời gian để sống với từng đứa con và phần còn lại để đi du lịch một mình, đôi khi ghé qua nhà của những đứa cháu đã lập gia đình riêng. Vì mẹ Jiayu là con út nên gia đình cô thường tiếp ông vào tháng Tám. Chuyến thăm của ông không bao giờ kéo dài hơn một vài tuần. Ông không cho phép mình trở thành một mối phiền hà cho bất cứ ai.

Riêng cuộc đời của ông nội thôi cũng sẽ tạo nên một làn ký ức tốt đẹp, Jiayu nghĩ. Chuyến thăm của ông thường trùng với kỳ nghỉ hè, và cô là bạn đồng hành của ông trên những cuốc chạy buổi sáng, đi dạo buổi chiều, và nhiều chuyến thăm các cung điện và công viên ở Bắc Kinh.

Cô có thể, trong lúc ngồi trước màn hình, đi xuống làn đường ký ức ở Di Hòa Viên hay Tử Cấm Thành, miễn là cô đi theo những lộ trình không bao giờ thay đổi: từ một đình lâu tròn đến một đình lâu hình bát giác, từ một cây cầu đá vòm đến một cây cầu gỗ vòm, từ một hồ cá chép có hoa súng đến một hồ cá chép không có hoa súng. Những ngày nóng nhất thì họ ở nhà, ngồi dưới bóng cây hòe trong sân, ông nội cô rót trà cho mình từ cái ấm thiếc được giữ lạnh trong một chậu nước, Jiayu tìm sâu trên những cành sà xuống. Cái đài bán dẫn mà ông tặng cô họ sẽ mở nhỏ loa, nhưng khi đã mệt chỉnh núm họ cứ để nó phát tiếng nhiễu. Thỉnh thoảng ông nội cô lại ngủ gật. Chỉ khi ấy Jiayu mới nhón lấy một đồng xu mà ông cho cô để đi mua kem.

Mùa hè nào trước khi ông nội đến, mẹ cô cũng tự nói chuyện với mình trong lúc dọn phòng cho ông. Mỗi chuyến thăm là bớt đi một chuyến thăm trong cuộc đời này, bà nói. Ở tuổi ông, người ta không bao giờ biết là có lần sau nữa hay không. Sau nhiều năm dạy ở trường cho người câm điếc, bà quen nói thành tiếng những suy nghĩ của mình, quên mất rằng thế giới có thể nghe thấy bà.

Jiayu nghe thấy tất cả. Một đứa trẻ nhạy cảm hơn có thể đã lo lắng đến mất ngủ hay dõi theo mỗi cử động của ông với sự lo âu. Nhưng chẳng có gì ở ông cho thấy dấu hiệu của sức khỏe suy yếu. Sau một hoặc hai hôm thì không còn khó để tin là ông sẽ sống mãi mãi.

Mọi thứ đều có vẻ trật tự dưới cây hòe ấy. Jiayu là một đứa trẻ bình thường, dễ chiều; ông nội cô, một người đàn ông với một cuộc đời mãn nguyện. Cuộc sống đáng ra phải thế, từng thế hệ đến với một cái kết nhẹ nhàng khi đến lượt họ. Nhưng trật tự này, bị cái chết của Evan làm cho xáo trộn, khiến Jiayu không yên. Nếu cứ cho là đương nhiên Evan sẽ sống một cuộc đời dài và hạnh phúc, như ông nội cô, thì chẳng phải cô cũng có thể mắc những sai lầm tương tự khi mù quáng cho rằng mọi thứ đương nhiên phải thế?

*

Rồi một hôm, thêm hai cái chết nữa xuất hiện cho danh sách của cô, một người mẹ và một đứa con gái, cả hai cô đều không biết tên. Điều này làm Jiayu sửng sốt đến nỗi cô nghĩ rằng trái tim cô, vốn dễ vỡ, sẽ không còn có thể là một cơ quan ổn định trong người. Những ngày sau đó, cô sống trong một cơn mê, lo sợ những sự thiếu chính xác của ký ức, khai quật thời thơ ấu, những mảnh vụn như những mẩu xương giăm, mảnh mai và bụi bặm.

Jiayu và ông nội cô gặp người phụ nữ và hai đứa con gái của cô, đứa lớn bằng tuổi Jiayu, đứa nhỏ còn nằm trong xe đẩy bằng tre, chính là vào một buổi chiều đi dạo. Jiayu chắc chắn là có hai đứa con gái. Và chắc chắn là có cái xe đẩy bằng tre. Jiayu và con bé kia thay nhau đẩy cái xe đi vòng quanh trong lúc ông nội cô và người mẹ ngồi trên một băng ghế gần đó. Mùa xuân năm ấy Jiayu vừa mới lên năm, và đi đâu cô cũng mang theo cái đài bán dẫn. Con bé kia, sẽ là bạn chơi cùng với Jiayu trong vài tuần lễ, hỏi xem cái đài, và cô cho nó xem cái công tắc bật tắt, những núm vặn để thay đổi tần số và âm lượng, và cái ăng ten rút gọn được, thứ mà hai đứa kéo ra để giả vờ là cần câu cá. Trong trò chơi của chúng, đứa bé trong cái xe đẩy là con cá để câu, nó giơ tay lên và khóc, nhưng hai đứa vẫn giữ cái đầu ăng ten ở ngoài tầm với. Những thứ ấy bây giờ Jiayu mới nhớ. Cô có thể thấy cái mái tóc nắp nồi của cả hai chị em. Và cái váy yêu thích của chính cô, một cái váy không tay màu vàng điểm xuyết những bông hướng dương quanh viền.

Rồi sau đó đứa em biến mất, cùng với cái xe đẩy. Chuyện xảy ra cũng trong mùa hè ấy, nhưng Jiayu không thể nhớ chính xác là khi nào. Một hôm, cô và con chị trèo lên một tảng đá cạnh cái hồ nhân tạo, nơi mà con bé nói là em gái nó đã chết nhưng không nói là như thế nào. Không còn đứa em gái để câu, Jiayu và con bé kia hôm ấy không còn trò gì chơi. Chúng ngồi trên tảng đá nghe đài, Jiayu nhớ, cẩn thận không đánh rơi cái đài từ độ cao ấy, và nhìn mẹ con bé và ông nội Jiayu trên băng ghế. Người phụ nữ kia báo tin cho ông với nước mắt hay đôi mắt khô cạn? Liệu ông, mặc dù vẫn duy trì khoảng cách thích hợp giữa một người đàn ông già và một người mẹ trẻ, có tưởng tượng tay cô trong tay mình?

Rồi chẳng mấy mà bão ập vào nhà. Đó là lần duy nhất Jiayu thấy mẹ mình mất bình tĩnh với ông nội cô. Không thể nào tin nổi, bà gọi ông. Điên rồ, bà kêu người phụ nữ. Người ta sẽ nghĩ gì, bà hét, một người ở tuổi ông với một người phụ nữ đáng tuổi cháu mình?

Cái mà ông muốn trao cho người phụ nữ kia không thể chỉ là sự hỗ trợ tài chính, bây giờ Jiayu nghĩ, khi ông có thể cho cô ta tiền mà không để cho ai biết. Cái mà ông đề xuất lúc ấy là một cuộc hôn nhân hay một sắp xếp nào đó ít lễ nghi hơn? Ông đã hình dung sẽ thay đổi cuộc sống góa vợ của mình vì tình thương với một người phụ nữ góa chồng, một người mẹ đã mất mát quá nhiều, hay vì tình cảm với một người phụ nữ đã làm rạng rỡ mùa hè của ông khi cuộc đời ông đang đến màn kết thúc, hay có lẽ vì một nỗi cô đơn mà con cháu ông không thể nào bù đắp hoàn toàn? Jiayu không dám trả lời bất cứ câu hỏi nào trong số đó. Câu trả lời là không cần thiết khi câu hỏi được hỏi đã đủ để cho quá khứ một cái tên khác.

Mùa hè sau chẳng có sự kiện gì, cũng như những mùa hè sau đó. Như mọi khi, Jiayu cùng ông nội cô đi dạo khắp thành phố, nhưng họ không còn gặp người phụ nữ và đứa con gái còn lại của cô ấy nữa. Vài năm sau, đứa con gái chuyển đến trường Jiayu. Jiayu nhận ra ngay, nhưng có vẻ nó không nhớ Jiayu. Chuyện là mẹ con bé đã chết, và bây giờ nó sống với chú dì, dì nó là một người em họ xa của mẹ. Họ đặt cho nó một cái tên mới, bây giờ Jiayu nhớ ra—ký ức có thể rất keo kiệt với quá khứ rồi mở cửa xả lũ ra mà không báo trước. Shuchang, một cái tên có hai ký tự, nghĩa là “thoải mái và vui vẻ.” Cặp vợ chồng nhận nuôi con bé chắc hẳn đã dành chút hy vọng cho nó. Jiayu nhận ra cô không biết và sẽ không bao giờ biết cái tên cũ của con bé kia, khi nó còn là con gái của mẹ nó.

Ông nội Jiayu mất khi cô học đại học. Đến lúc ấy cô mới biết được là ông từng có một người vợ trước khi lấy bà nội cô. Bà đã tự sát khi đứa con trai duy nhất của hai người chết yểu vì bạch hầu. Thông tin này, được biết khi đã quá muộn, Jiayu đóng kín như một quá khứ xa xôi, một quá khứ cổ đại, và đến tận bây giờ cô mới hình dung được gia đình ba người ấy. Nếu cuộc đời là một tiền sảnh dẫn vào cái chết thì cái chết cũng là một tiền sảnh—dẫn vào những cuộc đời khác. Cô nghĩ về tảng đá bên hồ nhân tạo, nơi mà cô và đứa bé gái đã ngồi nhìn ông cụ và người phụ nữ trên băng ghế. Có cái chết của con trai mình Jiayu mới biết tiếc thương ông nội cô lần nữa, lần này như một người đàn ông trẻ đã chôn cất vợ con mình. Nhưng cô sẽ không nói điều này là đã muộn. Sự đau buồn đích thực, bắt đầu bằng sự không tin và thường kết thúc ở nơi khác, không bao giờ là quá muộn.

Yiyun Li, “When We Were Happy We Had Other Names,” The New Yorker (October 1, 2018 Issue).

Copyright © 2018 by Yiyun Li | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on September 28, 2018 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: