Photograph by Jon Lowenstein/NOOR
Cristina Henríquez là tác giả của ba cuốn sách, bao gồm các cuốn tiểu thuyết The World in Half và The Book of Unknown Americans. Truyện ngắn “Everything Is Far from Here” được đăng trên tạp chí The New Yorker (July 24, 2017 Issue) và được đưa vào tập Truyện ngắn Mỹ hay nhất năm 2018.
Vào ngày đầu tiên, có một cảm giác nhẹ nhõm. Cũng có những cảm giác khác, nhưng nhẹ nhõm là một trong số đó. Cô đã đến, rốt cuộc. Sau ba tuần. Sau một quai dép đứt, cháy nắng trên má, bùn trong tai, bọ trên tóc, rộp quanh mắt cá chân, bầm bên hông, trứng luộc, nước đóng chai, quả chua, những chiếc xe tải và tàu hỏa và những bước chân qua bùn đất, những bình minh và những hoàng hôn, nỗi ngờ vực dày vò và hy vọng nứt vỡ—cô đã đến.
*
Họ bảo cô ngủ đi, nhưng như thế sao được. Đầu tiên cô phải tìm con trai, nó lẽ ra cũng phải ở đây. Họ bị tách trên đường, trong đêm, cách đây mấy ngày. Người đàn ông dẫn họ đến đây đã tách nhóm ra. Mười hai người thu hút quá nhiều sự chú ý, anh ta nói. Anh ta tách phụ nữ ra, bịt miệng mọi phản đối bằng mu bàn tay lướt qua hàm. “Có muốn đến đấy không thì bảo?” Họ muốn. “Cứ tin tôi,” anh ta nói.
Anh ta giao cho một người bạn hộ tống họ đi. Khi ngoái lại nhìn, cô cảm thấy một bàn tay xô vào giữa hai bả vai. “Chỉ vài dặm thôi,” gã thì thầm vào tai cô. “Đi đi.”
Đến sáng, đàn ông đã biến mất, bọn trẻ đã biến mất. Gã bạn, đeo kính râm và răng cửa mẻ, nói, “Tôi ở đây để chăm sóc các cô.” Ý gã là họ ở đó để chăm sóc gã. Bốn người phụ nữ. Họ đã làm. Họ bị bắt phải làm.
*
“Con tôi đâu?” cô hỏi một viên bảo vệ nói tiếng Tây Ban Nha. Anh ta nhún vai đáp lại. “¿Mi hijo?” cô hỏi bất cứ ai chịu nghe và nhiều người không chịu nghe. “Nó năm tuổi. Tóc đen, rẽ ngôi, có một đốm tàn nhang, ngay đây, dưới mắt. Nó mặc áo Người nhện.” Người ta chỉ lắc đầu.
“Có một đơn vị gia đình,” một người phụ nữ nói, chỉ xuống hành lang. “Họ có cũi,” cô thêm, như thể là đáng nói.
Trong đơn vị gia đình, ở một căn phòng rộng, cô tìm mọi cái cũi. Cô nhìn xuống những đứa bé sơ sinh và những đứa trẻ tám tuổi cuộn tròn cạnh thành cũi. Cô dò từng gương mặt của những đứa trẻ đang xem “Nhà thám hiểm Dora” trên một chiếc TV treo tường.
“Nó sẽ đến thôi,” một người mẹ trẻ ngồi trong góc trấn an cô. Cô có một đứa bé ngồi trong lòng. “Em cũng gặp chuyện đấy. Chỉ là bọn trẻ thì đến lâu hơn thôi. Chúng nó không đi nhanh bằng. Con em đến em sau cả tuần. Ai rồi cũng đến được thôi.”
Cô muốn tin rằng đó là thật.
*
Đêm đầu tiên, cô nằm trên giường và lắng nghe tiếng ồn của những người phụ nữ cùng phòng. Hàng chục người. Họ nằm chen chúc trên những chiếc giường tầng, như những thi thể trong một nhà xác, và cô nhìn chằm chằm vào chiếc nệm võng xuống bên trên, những cuộn kim loại căng ra, sợ rằng nó sẽ không giữ được. Cô tính đến khả năng là người đàn bà tóc bạc trèo lên trên lúc nãy và giờ đang ngáy sẽ rơi xuống và đè chết cô. Cô bật cười. Nếu thế thì sao? Sau mọi thứ? Nếu như nó kết thúc như thế thì sao? Tiếng cô cười rộ lên trong bóng tối. Từ phía bên kia phòng, một giọng nói cất lên, “Có cái đéo gì mà buồn cười thế?”
*
Họ cho cô cất: quần áo, đôi dép da rách, một cái lược nhựa, một dây buộc tóc. Họ cho cô giữ: cái nhẫn cưới bạc cô vẫn đeo dù chồng cô đã mất bốn năm. Họ lấy: con dao bỏ túi (không vũ khí), một thỏi bánh quy Maria (không đồ ăn), một hộp Vaseline (không lý do).
*
Buổi sáng, họ đếm. Buổi tối, họ lại đếm. Đám bảo vệ giật cái ga màu be ra khỏi giường cô, giũ tung nó lên không trung. “Bốn không một tám, trống!” Họ đến giường kế tiếp.
Đó là một nhà kho, nơi này: sàn xi măng, đèn tuýp trên trần, tờ rơi dán vào những bức tường gạch sơn—quảng cáo dịch vụ điện thoại, luật sư di trú, các chuyên gia tâm lý. Cô lấy hết.
Khám xét xong, cô trở lại bàn tiếp nhận, gần mặt trước của cơ sở này. Qua những ô cửa sổ cô có thể thấy một hàng rào mắt cáo có mắc một hàng dây kẽm gai bên trên và, ngay sau nó, một cánh trồng trống lốm đốm hoa dại, cỏ dài và một vài cây tán rộng.
“Con tôi?” cô hỏi người đàn bà ở bàn. “Gabriel Rivas? Nó đã đến đây chưa?”
Người đàn bà tra máy tính. “Rất tiếc,” bà nói. “Không có ai tên như thế.”
Cô nhìn chằm chằm vào người đàn bà, không chắc phải nói gì.
“Chị kiểm tra khu vực gia đình chưa?” người đàn bà hỏi.
*
Họ có một giờ để ăn. Khoai bào chiên và si rô cho bữa sáng. Canh gà và khoai tây chiên cho bữa trưa. Cốt lết gà tây và bánh bao khoai tây cho bữa tối. Rất nhiều khoai tây. Đó là một thế giới được làm bằng khoai tây. Có nước uống, nhưng vị như clo, và nó làm cô buồn nôn.
Họ tắm trong các xe kéo. Đám bảo vệ kiểm soát khi nào thì xả nước ra và khi nào thì khóa nó lại. Bọt xà phòng loang khắp sàn.
Trong phòng vệ sinh, ở trên một xe kéo riêng biệt, cô vo giấy vệ sinh lại và nhét vào trong quần lót. Một người phụ nữ bên cạnh cô để ý thấy.
“Nói chuyện với Esme,” cô ta nói. “Bà ấy sẽ sắp xếp cho.”
Cô tìm được Esme trong phòng sinh hoạt chung, đang xem TV. Esme chào bán cho cô một đô một cái tampon, số tiền mà cô không có.
Esme không động lòng gì. Bà mím môi. “Ít nhất cô còn có kinh,” bà nói. “Nhiều người chúng tôi không có đâu, cô biết đấy, sau chuyện chúng nó làm. Chúng tôi có thai cơ.”
*
Cô đánh dấu ngày lên cánh tay. Một chấm nhỏ ở mặt trong cổ tay trở thành một đường, rồi một chuỗi uốn lượn.
*
Theo định kỳ, những người mới đến, được hộ tống bởi các nhân viên tuần tra biên giới. Tuần nào cũng vài người. Cô nhìn họ với những chiếc ba lô rách nát, bọn trẻ cắp nách những con thú nhồi bông. Khi trời trở lạnh, người ta được quấn trong chăn thiếc trong lúc lê lết bước đi.
“Chị có thấy một đứa nhỏ không?” cô hỏi từng người mới đến. “Một thằng bé giống như tôi?”
Người ta liếc nhìn đôi mắt mệt mỏi, khóe đỏ hoe của cô. Một số người lắc đầu. Người này đến người khác, không một ai là nó.
*
Nếu cô quên nó trông như thế nào rồi thì sao? Nếu cô đã phát điên thì sao? Nếu nó đang ở đây, nằm ở một trong những cái cũi kia, và hằng ngày cô đều thấy nó mà không nhận ra nó là con mình thì sao? Nếu đã quá lâu rồi thì sao? Nếu trí nhớ rơi rụng thì sao? Nếu mọi thứ đều rơi rụng, và đi qua cuộc sống này chỉ đơn giản là học cách đối phó với thất bại thì sao? Không, cô quở mình. Đừng có nghĩ như thế. Đừng có để bản thân nhường bước.
*
Một người phụ nữ tên là Alicia từ El Salvador đến đây với cô con gái sáu tuổi theo sau. Họ ngủ chung giường. Họ tắm cùng nhau. Con bé không chịu rời mẹ.
“Nó lo lắm,” Alicia nói, như thể cần một lời giải thích. “Một chuyến đi kinh hoàng.”
“Ừ.”
“Bọn em định tìm bố nó ở Minnesota.”
“Nhưng đây là Texas.”
“Có xa không?”
Và cô, cô băn khoăn, sẽ trả lời một câu hỏi như thế như thế nào? Có xa không? Mọi thứ đều xa nơi đây, ngay cả khi nó chỉ ở bên kia phố.
*
Cô gặp một luật sư, một người đàn ông mặc áo thể thao màu nâu ố. Cô hỏi anh ta là cô sẽ ở đây trong bao lâu nữa. Cô hỏi anh ta là sẽ có chuyện gì sau chuyện này. “Eso depende” là câu trả lời của anh ta cho cả hai. Rồi: “Kể tôi nghe mọi thứ. Họ sẽ cần xác định cô có đủ điều kiện xin tị nạn hay không, nếu cô có một nỗi sợ thuyết phục.” Và mặc dù cô không muốn nhớ lại, cô vẫn kể cho anh ta về cái ngày, đến giờ là cách đây vài tháng, mà bọn thanh niên—bọn thanh niên mà cô biết mẹ chúng trong khu phố—đẩy cô xuống một chiếc xe buýt đang đi và kéo lê cô qua một ngã tư đông người, cô cố gắng quờ quạng đôi chân bên dưới để đứng dậy như thế nào, và chúng lại đá cô để làm cô khuỵu xuống ra sao. Không ai giúp cô, không ai ngăn chúng lại bởi vì không ai biết cách ngăn bọn thanh niên như thế lại. Chúng bắt cô quỳ trong con hẻm sau cửa hàng hoa quả trong lúc chúng dí súng vào đầu cô và tất cả thay phiên nhau, chúng nhét khẩu súng vào mồm cô và bắt cô mút, và khi xong xuôi chúng nói, “Giờ mày là em út trong nhà rồi đấy, con đĩ,” và cười.
“Cô nghĩ sao họ lại nhắm vào cô?” luật sư hỏi.
“Tôi có một mình thôi.”
“Cô chưa cưới sao?”
“Không còn nữa.”
“Và cô rất xinh.”
Cô nheo mắt.
“Và bọn đàn ông…”
“Bọn nó là thanh niên.”
“Thì lại càng thế. Ở đây chúng tôi vẫn nói: Thanh niên thì vẫn là thanh niên.”
Cô cảm thấy một cơn giận dâng lên.
“Chúng tôi mà quay lại,” cô bình thản nói, “bọn nó sẽ lại làm thế.”
“Chúng tôi?” anh ta hỏi. “Còn ai nữa?”
“Con trai tôi,” cô bắt đầu, nhưng giọng cô nghẹn lại. Cô siết chặt nắm đấm tay. Cô ấn sâu móng tay vào trong lòng bàn tay, quyết không khóc.
*
Ban đêm, nằm trên giường trên tấm ga màu be, cô tưởng tượng mình chạy ngược lại con đường mà cô đến, lần theo những bước chân qua bùn đất và cỏ dại cho đến khi cô tìm thấy nó đang đứng giữa một lùm cỏ cao đâu đó, đói và lạnh. Cô muốn nhấc bổng nó lên, ôm nó thật chặt, hít hà cái mùi ngọt như mơ trên da nó, cảm thấy lông tơ ở tai nó cọ vào má, nói Mẹ xin lỗi mẹ xin lỗi mẹ xin lỗi—vì gì? Có phải cô đã muốn quá nhiều? Sự an toàn cho cô và cho nó? Như thế có phải là quá nhiều? Khi ấy thì không có vẻ là thế, nhưng nếu như cô không muốn thì họ đã không bao giờ rời đi, và nếu họ không bao giờ rời đi thì cô đã không mất nó. Cô đã không đánh mất mọi thứ.
*
Bây giờ, thường xuyên cô muốn hét lên. Đôi khi cô hét lên, rồi đám bảo vệ sẽ đến khống chế cô. Họ quặt tay cô ra sau lưng. Họ kéo cô xuống hành lang và đưa cô vào một căn phòng, một cái hộp không màu nhện chăng ở các góc, cho đến khi cô bình tĩnh lại. Nhưng như thế là đi sai hướng. Tiếng hét là để giúp đỡ, không phải là để cản trở. Vì sao họ không hiểu? Người phụ nữ trong cái hộp cạnh cô ở đó là bởi vì cô ấy nôn. Nôn là bất tuân lệnh. Bạn bất tuân lệnh thì bạn vào hộp. Đám bảo vệ nghĩ: Cái hộp càng nhỏ, chúng ta càng kiểm soát được họ. Nhưng những người khác đều biết: Cái hộp càng nhỏ, người ta càng mất kiểm soát.
*
Một hôm, khi không khí ẩm ướt và bầu trời lốm đốm xám xịt, có một cuộc biểu tình. Những người ở bên ngoài giơ cao các tấm biển đề “BẤT HỢP PHÁP TỨC LÀ TỘI PHẠM”
và “ĐƯA HỌ VỀ CÙNG KIỂM SOÁT SINH SẢN.” Người ta giơ quốc kỳ Mỹ qua vai như áo choàng. Những người Mỹ siêu anh hùng. Cô hình dung họ ở nhà trong phòng khách của họ, một cái bát thức ăn cho chó cạnh cửa, một cốc trà lạnh đã ngâm quá lâu trên quầy. Cô hình dung họ để các tấm biển xuống sàn, tháo nắp bút ra, vẽ những chữ cái, rồi tô màu lên đó.
*
Esme đã mất đứa bé. Bà không kể chuyện ấy.
“Vài tuần sau khi đến đây thì bà ấy bị sảy,” một người đàn bà tên là Marta kể cho cô. “Gracias a Dios là bà ấy không phải mang nó đến hết kỳ. Cơ thể tự giải thoát cái cơn đau của nó.” Marta dừng lại và lắc đầu. “Chúng nó chả chăm sóc cho ai ở đây hết, thấy chưa. Chúng nó chả quan tâm chúng ta là ai cả. Chơi người ta thì dễ hơn là chăm cho người ta, cô biết đấy?”
*
Một sáng, một mụ đàn bà mặc áo phông màu hồng nhạt tiếp cận cô trong căng tin trong lúc cô lấy khay.
“Tôi nghe nói cô đang tìm con trai,” mụ ta nói khẽ.
Cô nhìn mụ đàn bà—không thể khác được—với niềm hy vọng khôn cùng.
“Có khi tôi biết gì đấy,” mụ đàn bà nói.
“Như là gì?” Tim cô đập dữ dội. Cô có thể nghe thấy tiếng vọng của nó sâu trong tai, ngay cả giữa tiếng lách cách và loảng xoảng của đồ bếp, tiếng càu nhàu của những giọng nói quanh họ.
“Cái nhẫn,” mụ đàn bà nói.
Cô bối rối trong chốc lát, nhưng rồi hiểu ra. “Nói tôi đã,” cô nói.
Mụ đàn bà hất đầu về phía cái nhẫn.
“Nói tôi trước.”
Một điệu cười lan ra như một lớp dầu loang trên mặt mụ đàn bà, nhưng mụ ta không nói.
Cô vẫn nhìn vào mụ đàn bà, cái mặt tròn và cái mũi chân tóc của mụ ta, trong lúc cô lần xuống cái nhẫn trên ngón tay. Nó đã lỏng hơn khi cô đến. Cô nhẹ nhàng xoay và tháo nó ra. Cô khép tay lại nắm nó. Khi đưa nó cho mụ đàn bà, cô cảm thấy một phần mình tê dại.
“Nói đi,” cô nhắc lại.
Mụ đàn bà đút cái nhẫn lên đầu ngón cái. “Tôi nghe nói người ta tìm thấy một thằng bé bên vệ đường,” mụ ta nói. “Họ đưa nó đến một bệnh viện ở Laredo.”
“Bao tuổi?”
“Mười?”
Cô dằn mình nuốt nước bọt. “Không,” cô nói yếu ớt. “Con trai tôi nhỏ hơn.”
“Ồ, thế hả?”
Cô gật đầu.
“Xin lỗi,” mụ ta nói. “Tôi cứ nghĩ có khi là nó.”
*
Cô mất dấu những dấu chấm. Cô mất dấu mình.
*
Alicia và con gái cô được thả. Marta bị trả về. Cô không thấy Esme nữa.
Vậy mà. Hằng ngày cô vẫn đợi nó bên cửa trước. Cô ngồi trên sàn, đan tay trong lòng.
Và rồi—
“Gabriel!”
Cô loạng choạng đứng dậy. Lẫn trong một đám người, thằng bé kia. Mái tóc đen, rẽ ngôi, đốm tàn nhang dưới mắt. Lạy trời! Đúng là nó! Cô lao đến và lôi nó khỏi đám đông. Cô khuỵu xuống gối và kéo nó vào lòng. Choáng váng và biết ơn tràn ngập trong cô làm cô suýt không thở nổi. Ấn mũi vào tóc nó, cái mùi ngọt ngào gần như không thể chịu đựng được của nó. Tay cô ôm vai nó, vẫn là đôi bờ vai nhỏ nhắn ấy, bé và dễ vỡ như những quả trứng. “Gabriel,” cô thì thầm đi thì thầm lại. Cô có thể thấy nó rùng mình. “Không sao mà,” cô bảo nó trong nước mắt.
Xung quanh cô có tiếng hoan hô. Hay đó là tiếng hét? Sao ai cũng hét? Giọng một người đàn bà thét lên, “Đừng động vào con tôi! Meteo!” Và sao cô lại cảm thấy những bàn tay đang nắm lấy mình, xốc cô lên, kéo cô lại khi cô với tới nó—chẳng phải là nó đấy sao? chẳng phải sao? nhưng nó giống thằng bé lắm mà!—những bàn tay đưa cô xuống hành lang, những bàn tay xô cô vào trong một căn phòng, những bàn tay vặn chìa trong ổ.
Cô sụm xuống sàn và chớp mắt trong bóng tối. Từ bên trong cái hộp, cô hét.
*
Và rồi một ngày có lá trên cây, hoa mộc lan dại nở khắp các cành, khẽ dập dềnh trong gió. Cô sẽ ở lại đây, cô tự nhủ, cho đến khi nó đến. Qua cửa sổ trong phòng sinh hoạt chung, cô ngắm những cánh hoa trắng run rẩy, và, trong một cơn gió, một bông hoa bị ngắt khỏi cành. Những cánh hoa rụng ra, xoáy, và trôi xuống đất.
Cô nhắm mắt lại. Cô đã đi đâu và đã trở thành gì? Những nốt rộp đã lành, những vết bầm đã mờ, bằng chứng đã biến mất—mọi thứ tan đi như đường trong nước. Để nó xảy ra đã dễ, khuất phục càng dễ hơn nhiều, trở thành con người mà họ muốn bạn trở thành: một thứ bung ra trong tiếng ồn ào, một thứ đầu hàng trước gió.
Copyright © 2017 by Cristina Henríquez | Nguyễn Huy Hoàng dịch.
Một câu chuyện thật ám ảnh. Và buồn.