Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Một nơi sạch sẽ, sáng sủa” – Ernest Hemingway

nighthawks.jpg

Nighthawks, 1942 by Edward Hopper

Ernest Hemingway (1899–1961) là nhà văn người Mỹ. Ông được trao giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1953 cho cuốn The Old Man and the Sea và giải Nobel văn chương năm 1954.

Một nơi sạch sẽ, sáng sủa

Đêm đã khuya và quán cà phê chỉ còn một lão già ngồi trong bóng tán cây dưới ánh đèn điện. Ban ngày con phố này bụi bặm, nhưng về đêm sương kéo màn bụi xuống và lão thích ngồi lúc khuya bởi vì lão điếc và giờ đây trong đêm tĩnh lặng, lão cảm nhận được sự khác biệt. Hai cậu bồi bàn trong quán biết rằng lão đã ngà ngà say, và dẫu là khách đường hoàng họ thừa biết là nếu quá chén lão sẽ đi mà không trả tiền, nên họ phải để mắt đến lão.

“Tuần trước lão tự tử đấy,” một cậu nói.

“Sao thế?”

“Lão tuyệt vọng thôi.”

“Tuyệt vọng cái gì?”

“Chả cái gì cả.”

“Sao mày biết là chả cái gì?”

“Lão có cả đống tiền mà.”

Họ ngồi bên một cái bàn kê sát tường gần cửa và nhìn ra hiên nơi bàn ghế chẳng còn ai ngoài lão già dưới bóng tán cây khẽ rung rinh trong gió. Có một cô gái và một người lính đi qua dưới phố. Đèn đường ánh lên trên số hiệu bằng đồng trên cổ áo anh ta. Cô gái đầu trần hấp tấp đi cạnh.

“Lính tuần sẽ tóm được cho mà xem,” một cậu nói.

“Muốn gì được nấy rồi thì quan trọng gì?”

“Biết điều thì lẩn đi ngay. Bọn lính tuần bắt đấy. Bọn nó vừa mới đi qua được năm phút.”

Lão già ngồi dưới bóng cây cầm ly gõ vào đĩa. Cậu bồi bàn trẻ hơn đến chỗ lão.

“Ông gọi gì à?”

Lão già nhìn cậu ta. “Cho một ly brandy,” lão nói.

“Ông say mất đấy,” cậu bồi bàn nói. Lão già nhìn cậu ta. Rồi cậu ta quay đi.

“Lão sẽ ngồi cả đêm,” cậu ta nói với cậu đồng nghiệp. “Tao buồn ngủ quá. Chả bao giờ được lên giường trước ba giờ cả. Sao lão không chết quách từ tuần trước cho rồi.”

Cậu bồi bàn lấy chai brandy và một cái đĩa khác ở quầy trong quán ra bàn cho lão già. Cậu đặt đĩa xuống và rót rượu đầy ly.

“Sao ông không chết quách từ tuần trước cho rồi,” cậu ta nói với lão già điếc. Lão vẫy ngón tay. “Tí nữa,” lão nói. Cậu ta rót thêm làm rượu tràn ra ngoài, chảy dọc cuống ly xuống chiếc đĩa trên cùng. “Cảm ơn,” lão già nói. Cậu bồi bàn cầm chai rượu vào rồi lại ngồi xuống cạnh đồng nghiệp.

“Lão say rồi,” cậu ta nói.

“Đêm nào mà chả say.”

“Lão tự tử vì cái gì nhỉ?”

“Làm sao tao biết.”

“Lão tự tử kiểu gì?”

“Lấy dây treo cổ.”

“Ai cắt lão xuống?”

“Cháu gái lão í.”

“Sao lại làm thế nhỉ?”

“Vì linh hồn lão í.”

“Lão nhận được nhiêu?”

“Nhiều lắm.”

“Lão phải tám chục rồi.”

“Dù sao thì tao cũng nói lão tám chục rồi.”

“Ước gì lão về nhà đi. Chả bao giờ được lên giường trước ba giờ cả. Người ta lên giường lúc mấy giờ nhể?”

“Lão thích thì lão thức thôi.”

“Đấy là lão cô đơn. Tao có cô đơn đâu. Tao có vợ nằm chờ kia kìa.”

“Lão cũng từng có vợ đấy.”

“Lão có vợ bây giờ cũng chả được ích lợi gì.”

“Mày biết sao được. Có vợ có thể sẽ tốt hơn chứ.”

“Lão có cháu chăm sóc còn gì.”

“Biết rồi. Mày bảo nó cắt lão xuống.”

“Tao cũng chả muốn già đến thế. Già rồi gớm ghiếc lắm.”

“Có phải lúc nào cũng thế đâu. Lão này sạch sẽ mà. Uống không dây ra một giọt nào. Say mà vẫn thế cơ mà. Nhìn lão kìa.”

“Tao chả muốn nhìn đâu. Ước gì lão về nhà đi. Người ta còn phải làm việc, lão quan tâm gì đâu.”

Lão già ngước lên nhìn qua quảng trường, rồi ngoái về phía hai cậu bồi bàn.

“Cho thêm một ly,” lão nói, chỉ vào ly. Cậu bồi bàn đang sốt ruột về bước đến.

“Hết rồi,” cậu ta nói cộc lốc theo cái cách mà những người ngu dốt thường dùng khi nói chuyện với người say hay người ngoại quốc. “Đêm nay thế thôi. Đóng cửa rồi.”

“Cho thêm một ly,” lão già nói.

“Không. Hết rồi.” Cậu ta lấy khăn lau mép bàn rồi lắc đầu.

Lão già đứng dậy, chậm rãi đếm chồng đĩa, lấy ví da đựng xu trong túi quần ra trả tiền, bỏ lại nửa đồng peseta tiền boa.

Cậu bồi bàn nhìn lão bước xuống phố, một ông lão rất già, đi không vững nhưng đầy cốt cách.

“Sao không để lão uống tiếp?” cậu bồi bàn không vội vã kia trả lời. Họ đang đóng cửa chớp. “Chưa đến hai rưỡi mà.”

“Tao muốn về nhà ngủ.”

“Một tiếng có là gì đâu.”

“Với tao thì hơn là với lão.”

“Tiếng nào mà chả như nhau.”

“Mày nói như ông già í. Lão thích thì mua một chai ở nhà mà uống.”

“Khác nhau mà.”

“Ừ, khác,” cậu bồi bàn đã có vợ đồng ý. Cậu không muốn quá đáng. Chỉ là cậu đang vội.

“Mày thì sao? Mày không sợ về nhà sớm hơn bình thường à?”

“Mày nói đểu tao à?”

“Đâu, bạn ơi, tao đùa tí thôi.”

“Không,” cậu bồi bàn đang vội vã nói, đứng dậy sau khi đóng tấm cửa chớp kim loại. “Tao có lòng tin. Tao có niềm tin.”

“Mày có tuổi trẻ, lòng tin, có công việc,” cậu bồi bàn lớn tuổi hơn nói. “Mày có mọi thứ.”

“Mày thì thiếu gì?”

“Mọi thứ trừ công việc.”

“Cái gì tao có mày chả có.”

“Không. Tao chả bao giờ có lòng tin và cũng không còn trẻ.”

“Giồi ôi. Thôi lảm nhảm đi rồi còn khóa cửa.”

“Tao thuộc kiểu người muốn ngồi cà phê muộn,” cậu bồi bàn lớn tuổi hơn nói.

“Với tất cả những người không muốn ngủ. Với tất cả những người cần đèn đêm.”

“Tao muốn về nhà rồi lên giường.”

“Tao với mày là hai kiểu khác nhau,” cậu bồi bàn lớn tuổi hơn nói. Cậu ta đang khoác áo để chuẩn bị về. “Đấy không chỉ là vấn đề tuổi trẻ và lòng tin, dẫu những thứ ấy rất là đẹp. Đêm nào tao cũng ngại đóng cửa vì biết đâu có người nào đấy cần đến quán cà phê.”

“Bạn ơi, có mấy cái bodega mở cả đêm kìa.”

“Mày không hiểu rồi. Đây là một quán cà phê sạch sẽ và dễ chịu. Một quán cà phê sáng sủa. Ánh sáng rất là được và còn nữa, kia kìa, còn có cả bóng lá.”

“Thôi ngủ ngon,” cậu bồi bàn trẻ hơn nói.

“Ngủ ngon,” cậu còn lại nói. Trong lúc tắt điện cậu tiếp tục cuộc trò chuyện với chính mình. Ánh sáng là tất nhiên nhưng nơi ấy cũng nhất thiết phải sạch sẽ và dễ chịu. Mi không muốn âm nhạc. Chắc chắn mi không muốn âm nhạc. Mi cũng không thể nào đứng trước một quầy bar với lòng tự trọng dẫu cho những giờ này thì chỉ còn có vậy. Cậu sợ cái gì? Nó không phải nỗi sợ hay là nỗi khiếp đảm. Nó là một cái-không mà cậu biết quá rõ. Nó là một cái-không và con người cũng là một cái-không. Nó chỉ là thế và nó chỉ cần ánh sáng và một chút sạch sẽ và một chút trật tự nhất định. Có người sống trong nó mà không bao giờ cảm nhận được nó nhưng cậu biết nó chỉ là hư vô và rồi hư vô và hư vô và rồi hư vô. Lạy hư vô hư vô ở hư vô, hư vô tên người và vương quốc người hư vô, người sẽ được hư vô trong hư vô như là trong hư vô. Cho chúng con hư vô cái hư vô hằng ngày và hư vô chúng con khỏi hư vô của chúng con như chúng con hư vô hư vô của chúng con và chớ để chúng con hư vô vào hư vô mà cứu vớt chúng con khỏi hư vô; lạy hư vô. Mừng hư vô đầy ắp hư vô, hư vô ở bên người. Cậu mỉm cười, đứng trước một quầy bar có máy pha cà phê bằng áp suất hơi sáng loáng.

“Cậu uống gì?” tay pha chế hỏi.

“Hư vô.”

“Lại một thằng điên,” tay pha chế nói rồi quay đi.

“Cho một cốc nhỏ,” cậu bồi bàn nói.

Tay pha chế rót rượu cho cậu.

“Đèn rất sáng và dễ chịu nhưng quầy bar thì không được bóng bảy,” cậu bồi bàn nói.

Tay pha chế nhìn cậu nhưng không trả lời. Đã quá khuya để bắt chuyện.

“Thêm một ly nữa không?” tay pha chế hỏi.

“Không, cảm ơn,” cậu bồi bàn nói rồi bước ra ngoài. Cậu không thích các quán bar và bodega. Một quán cà phê sạch sẽ, sáng sủa là một thứ rất khác. Giờ, không nghĩ ngợi thêm nữa, cậu sẽ về phòng mình. Cậu sẽ nằm xuống giường và cuối cùng, dưới ánh sáng ban ngày, cậu sẽ ngủ. Suy cho cùng, cậu tự nhủ, có lẽ đó chỉ là mất ngủ. Chắc hẳn là nhiều người cũng bị.

Ernest Hemingway, “A Clean, Well-Lighted Place,” Winner Take Nothing (Charles Scribner’s Sons, 1933).

Copyright © 1933 by Ernest Hemingway | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

2 comments on “Truyện ngắn: “Một nơi sạch sẽ, sáng sủa” – Ernest Hemingway

  1. Pingback: Endless sadness. – HtheOrgans.

  2. Pingback: Mình đọc gì trong năm 2019. – HtheOrgans.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on May 8, 2019 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: