Photo by Chuck Fishman
Isaac Bashevis Singer sinh năm 1904 ở một ngôi làng gần Warsaw, Ba Lan, và lớn lên trong khu Do Thái nói tiếng Yiddish của thành phố. Dù ban đầu cân nhắc trở thành thầy đạo như cha mình, Singer đã từ bỏ nghiên cứu tôn giáo trong những năm tuổi hai mươi để theo đuổi sự nghiệp văn chương. Năm 1935, khi mối đe dọa của Đức Quốc xã ngày càng đáng ngại, Singer chuyển đến Mỹ. Tuy xuất bản nhiều tiểu thuyết, sách thiếu nhi, hồi ký, và tiểu luận, ông nổi tiếng nhất với tư cách nhà văn viết truyện ngắn. Ông được trao giải Sách Quốc gia Mỹ cho tác phẩm hư cấu năm 1974 và giải Nobel văn chương năm 1978, và qua đời ở Florida năm 1991.
Còn gì sướng hơn là đứng trên ban công và có thể nhìn thấy toàn bộ Phố Krochmalna (nơi người Do Thái sống) từ Gnoyna đến Ciepla và thậm chí xa hơn, đến Phố Sắt, nơi có những chiếc xe điện! Không ngày nào trôi qua, thậm chí không giờ nào trôi qua mà không có gì xảy ra. Vừa lúc trước có một tên trộm bị bắt thì lúc sau gã nát rượu Itcha Meyer—chồng của Esther ở cửa hàng kẹo—đã lại đổ đốn và nhảy múa giữa rãnh nước. Có người bị ốm và xe cứu thương được gọi đến. Có một đám cháy bùng lên ở một ngôi nhà và lính cứu hỏa, đội mũ chuyên dụng và đi ủng cao su cổ cao, phi ngựa đến. Buổi chiều hè hôm ấy tôi đứng trên ban công mặc cái áo thụng dài, đội một cái mũ nhung qua mái tóc đỏ, hai bím tóc rối hai bên, đợi một chuyện gì nữa xảy ra. Trong khi đó, tôi quan sát các cửa hàng bên kia đường, khách hàng của họ, và cả Quảng trường, nơi tụ tập những kẻ móc túi, gái làng chơi và những người bán vé số. Bạn rút lấy một con số từ cái túi kia ra, và nếu may mắn đứng về phía bạn, bạn có thể giành được ba cây bút chì màu, hoặc một con gà trống bằng đường với một chiếc lược sô cô la, hoặc một chú hề làm bằng bìa cứng biết lắc tay chân khi bạn kéo dây. Có lần còn có một gã người Tàu tóc tết đuôi sam đi qua phố. Trong tích tắc nó lại đen kịt người. Một lần khác có một gã đàn ông da sậm màu xuất hiện, đội khăn turban đỏ có một quả tua rua, mặc áo choàng giống khăn choàng cầu nguyện, đi xăng đan chân trần. Sau này tôi biết anh ta là một người Do Thái quê ở Ba Tư, thành phố Shushan—cố đô nơi Vua Ahasuerus, hoàng hậu Esther, và tên Haman nham hiểm từng sống.
Vì tôi là con trai của thầy đạo nên mọi người trên phố đều biết tôi. Khi đứng trên ban công bạn chẳng sợ ai hết. Bạn giống như một vị tướng. Khi kẻ thù của tôi đi qua tôi có thể nhổ nước bọt xuống mũ của hắn và hắn chỉ có thể dứ dứ nắm tay mà chửi thề thôi. Ngay cả viên cảnh sát cũng không có vẻ cao lớn và dũng mãnh đến thế từ trên cao. Những con ruồi bụng tím, ong và bướm đậu trên lan can ban công. Tôi cố lấy bắt chúng hoặc chỉ đứng ngắm nghía. Làm thế nào mà chúng có thể bay đến Phố Krochmalna, và chúng lấy những sắc màu sặc sỡ này ở đâu ra? Tôi đã cố đọc một bài báo về Darwin trên báo tiếng Yiddish nhưng hầu như chẳng hiểu gì.
Bỗng lại có tiếng huyên náo. Hai viên cảnh sát đang dẫn theo một người đàn ông nhỏ thó, và có những người đàn bà la hét chạy theo anh ta. Trước sự ngạc nhiên của tôi, tất cả đều bước vào cổng nhà tôi. Không thể tin nổi: hai viên cảnh sát dẫn người đàn ông nhỏ thó này vào nhà tôi, vào phòng xử của cha tôi. Đi cùng anh ta là Shmuel Smetena, một luật sư không chính thức, bạn thân của cả phường trộm cắp lẫn đám cảnh sát. Shmuel biết tiếng Nga và thường làm phiên dịch cho người Do Thái trên phố với cả chính quyền. Tôi nhanh chóng phát hiện ra là có chuyện gì. Người đàn ông nhỏ thó kia, Koppel Mitzner, người bán quần áo cũ, là chồng của bốn người vợ. Một người ở phố Krochmalna, một người ở phố Smocza, một người ở Praga và một người ở Wola. Cha tôi mất một lúc mới nắm được tình hình. Viên cảnh sát cấp cao, có một phù hiệu vàng trên mũ, giải thích rằng Koppel Mitzner đã không kết hôn với những người đàn bà kia một cách hợp pháp, với giấy phép của thẩm phán, mà chỉ là theo luật Do Thái. Chính quyền khó có thể truy tố anh ta vì những người đàn bà chỉ có khế ước hôn nhân Do Thái, mà không có giấy chứng nhận của Nga. Koppel Mitzner cho rằng họ không phải là vợ mà là người tình của anh ta. Mặt khác, các quan chức không thể cho phép anh ta vi phạm pháp luật mà không bị trừng phạt. Vì vậy mà viên cảnh sát trưởng đã ra lệnh đưa bị cáo đến chỗ thầy đạo. Thật kỳ lạ khi tôi, chỉ là một cậu bé, lại nắm được những rối rắm này nhanh hơn cả cha tôi. Ông đang bận rộn với những quyển Talmud và bình luận thì Koppel, những bà vợ của anh ta, và cả đám cả đàn ông lẫn đàn bà hiếu kỳ kéo vào nhà tôi. Có người cười cợt, có người lại trách móc Koppel. Cha tôi, một người đàn ông nhỏ bé, gầy gò, mặc áo choàng dài và đội một cái mũ chỏm sọ bằng nhung trên vầng trán cao, đôi mắt màu xanh lam, râu đỏ, miễn cưỡng đặt bút và giấy xuống bục. Ông ngồi xuống đầu bàn và yêu cầu những người khác ngồi. Một số ngồi xuống ghế đơn, những người khác thì ngồi xuống một băng ghế dài đặt dọc theo bức tường, sách vở xếp sát tường đến tận trần nhà. Giữa các cửa sổ là cái Rương đựng những Cuộn giấy Thánh với đường viền mạ vàng, trên đó có hai con sư tử giữ tấm bảng khắc Mười điều Răn giữa hai cái lưỡi cuộn tròn.
Tôi lắng nghe từng lời và quan sát từng khuôn mặt. Koppel Mitzner, nhỏ thó như một cậu học trò, chỉ toàn da bọc xương, có khuôn mặt hẹp, mũi dài và yết hầu nhọn. Trên chiếc cằm nhỏ xíu có lưa thưa một chòm râu nhỏ màu rơm. Anh ta mặc áo khoác kẻ và một chiếc áo sơ mi cài nút cổ bằng cúc đồng hoa văn. Anh ta không có môi mà chỉ có kẽ miệng. Anh ta mỉm cười tinh ranh và cố gắng át tiếng những người khác bằng cái giọng the thé của mình. Anh ta làm như toàn bộ chuyện này chẳng có gì hơn một trò đùa hay một sự nhầm lẫn. Khi rốt cuộc cha tôi cũng nắm được những gì Koppel đã làm, ông hỏi, “Làm sao anh dám phạm tội như thế này? Anh có biết là Rabbi Gershom đã quyết định phạt vạ tuyệt thông cho tội đa thê không?”
Koppel Mitzner giơ ngón trỏ ra hiệu cho mọi người im lặng. Rồi anh ta nói, “Thưa Rabbi, trước hết, tôi không kết hôn với họ theo ý chí tự do của riêng tôi. Họ đã gài bẫy tôi. Tôi bảo họ tôi có vợ cả trăm lần rồi, thế mà họ cứ dính lấy tôi như đỉa. Tôi không phải vào nhà thương điên trên phố Bonifrate đã là cứng hơn sắt rồi. Thứ hai, tôi không cần phải ngoan đạo hơn tổ phụ Jacob của chúng ta. Nếu Jacob được phép cưới bốn vợ thì tôi cũng được có mười—thậm chí một ngàn, như Vua Solomon. Tôi cũng được biết là phán quyết của Rabbi Gershom có hiệu lực một ngàn năm, mà chín trăm trong một ngàn năm đó đã qua rồi. Chỉ còn một trăm năm nữa thôi. Tôi đã tự nhận hình phạt cho mình rồi. Thưa Rabbi, ngài sẽ không bị nướng trong Gehenna của tôi đâu.”
Có tiếng cười rộ lên. Một vài thanh niên vỗ tay. Cha tôi nắm chặt chòm râu. “Chuyện gì sẽ xảy ra sau một trăm năm nữa chúng ta không thể biết. Còn hiện tại, phán xử của Rabbi Gershom là hợp lệ và kẻ nào không tuân theo sẽ là một kẻ phản bội Israel.”
“Thưa Rabbi, tôi không ăn cắp, tôi không lừa đảo. Người Hasidic giàu có phá sản hai lần một năm rồi đến chỗ rabbi của họ vào các ngày lễ và ngồi xuống bàn của thầy ta. Mua cái gì tôi đều trả tiền. Tôi chẳng nợ ai một xu. Tôi trợ cấp cho bốn cô con gái Do Thái và chín đứa con ngoan.”
Những người vợ của Koppel cố ngắt lời anh ta nhưng cảnh sát không cho. Shmuel Smetena dịch lời của Koppel sang tiếng Nga. Tôi không hiểu tiếng Nga nhưng có vẻ như ông ta đã rút ngắn những lập luận của Koppel—ông ta nói, nháy mắt và dường như ông ta không muốn người Nga hiểu hết những lời biện hộ của Koppel. Shmuel Smetena cao, mập, có một cái cổ đỏ. Ông ta mặc áo khoác nhung với cúc mạ vàng và trên áo vét của ông ta có một cái đồng hồ xâu chuỗi bằng những đồng rúp bạc. Mũi bốt ông ta bóng như sơn mài. Tôi cứ liếc những bà vợ của Koppel. Mụ ở Phố Krochmalna thì lùn, bè như cái nồi hầm Sabbath, mũi khoai tây và có bộ ngực to. Mụ dường như là người già nhất. Bộ tóc giả của mụ rối tung và đen như bồ hóng. Mụ khóc và lấy tạp dề lau nước mắt. Mụ giơ một ngón tay mập với cái móng gãy về phía Koppel, gọi anh ta là tội phạm, là lợn, quân giết người, quân dâm dục. Mụ dọa sẽ bẻ gẫy xương sườn của anh ta.
Một người trẻ như một cô gái. Cô đội mũ rơm có dải ruy băng xanh lá và mang cái ví có khóa bằng đồng. Má cô đỏ như mấy cô gái đứng đường ở cổng chờ khách. Tôi nghe cô nói, “Ảnh là kẻ dối trá, ảnh là kẻ giả dối nhất thế gian này. Ảnh hứa trăng hứa sao với em. Một kẻ giả mạo, một kẻ khoe khoang mà có lục cả Warsaw cũng chẳng tìm thấy. Ảnh mà không ly dị với em ngay thì ảnh sẽ phải chết rữa trong tù. Em có sáu người anh mà ai cũng sẵn sàng làm gỏi ảnh.”
Khi cô nói những lời giận dữ này đôi mắt cô mỉm cười và má cô lộ ra núm đồng tiền. Với tôi cô có vẻ đáng yêu. Cô mở ví, lấy một tờ giấy ra và giơ trước mặt cha tôi. “Đây là khế ước hôn nhân của em.”
Người đàn bà thứ ba thì thấp, tóc vàng, già hơn cô mũ rơm nhưng trẻ hơn nhiều so với mụ ở phố Krochmalna. Cô nói mình làm đầu bếp trong bệnh viện Do Thái, nơi cô gặp Koppel Mitzner. Anh ta giới thiệu mình là Morris Kelzer với cô. Anh ta đến viện vì bị đau đầu dữ dội và bác sĩ Frankel bảo anh ta ở lại hai ngày để theo dõi. Cô bảo cha tôi “Giờ thì tôi hiểu sao anh ta lại đau đầu rồi. Tôi mà phải nấu bánh vẽ như anh ta thì đầu tôi đã nổ tung và mất trí mười lần một ngày rồi.”
Người đàn bà thứ tư có mái tóc đỏ, khuôn mặt đầy tàn nhang và mắt xanh như quả lý chua. Tôi để ý thấy một chiếc răng bọc vàng ở bên miệng cô ta. Mẹ cô ta, đội mũ bonnet với chuỗi hạt và ruy băng, ngồi trên băng ghế, hét lên mỗi lần tên con gái được nhắc đến. Cô con gái cố dỗ bà bằng muối ngửi, thứ vẫn được dùng vào dịp Yom Kippur cho những người không đủ khỏe để nhịn ăn hay không muốn nhịn ăn. Tôi nghe cô con gái nói, “Mẹ ơi, khóc than cũng có ích gì. Chúng ta đã mắc phải cái mớ bòng bong này thì phải tìm cách thoát ra thôi.”
“Có Chúa chứ, có chứ,” bà cụ rít lên. “Người đợi lâu nhưng Người sẽ phạt nặng. Người sẽ thấy nỗi xấu hổ và ô nhục của chúng ta và ra phán quyết. Một thằng bất lương, một thằng vô lại, một thằng thú vật!”
Đầu bà ngửa ra như sắp ngất đi. Cô con gái chạy vào bếp và quay lại với một chiếc khăn ướt. Cô lấy khăn cọ vào thái dương bà. “Mẹ, tỉnh dậy đi. Mẹ, mẹ, mẹ!”
Bà cụ tỉnh dậy và bắt đầu la hét trở lại. “Làng nước ơi tôi chết mất thôi!”
“Đây, nuốt đi.” Cô con gái đẩy một viên thuốc vào giữa hai hàm lợi móm của bà.
*
Một lúc sau hai viên cảnh sát ra về, lệnh cho Koppel Mitzner hôm sau phải đến trụ sở trình diện, và Shmuel Smetena bắt đầu mắng Koppel. “Làm sao một thằng đàn ông, nhất là lại là doanh nhân, lại có thể làm như thế này?” Cha tôi bảo Koppel rằng anh ta phải ly dị ba người vợ kia ngay lập tức và giữ lại người vợ đầu, người vợ ở phố Krochmalna. Cha tôi bảo những người đàn bà kia lại gần bàn và hỏi họ có đồng ý ly hôn không. Nhưng chẳng hiểu sao họ lại không trả lời rõ ràng. Koppel có sáu đứa con với người vợ ở phố Krochmalna, hai đứa với người đầu bếp ở Bệnh viện Do Thái và một đứa người đàn bà có mái tóc đỏ. Chỉ có với người trẻ nhất là anh ta còn chưa có con. Đến bây giờ tôi đã biết được tên của những người đàn bà. Người ở phố Krochmalna được gọi là Trina Leah, người đầu bếp là Gutsha, người tóc đỏ là Naomi. Người trẻ nhất có một cái tên dân Ngoại, Pola. Thông thường khi mọi người đến vì một Din Torah—một phán quyết—cha tôi sẽ đưa ra một thỏa hiệp. Nếu một người kiện đòi hai mươi rúp và người kia chối mình không nợ đồng nào thì phán quyết của cha tôi là phải trả mười. Nhưng thỏa hiệp nào có thể được đưa ra trong trường hợp này? Cha tôi lắc đầu và thở dài. Thỉnh thoảng ông lại liếc về phía những cuốn sách và bản thảo của mình. Ông không thích bị quấy rầy khi đang nghiên cứu. Ông gật đầu với tôi như muốn nói, “Hãy xem Ác quỷ có thể dẫn những kẻ từ bỏ Torah đi đến đâu.”
Sau nhiều mặc cả cha tôi đưa những người đàn bà vào bếp để bày tỏ những nỗi bất bình của họ và các vấn đề tài chính với mẹ tôi. Bà có nhiều kinh nghiệm hơn ông trong các vấn đề trần tục. Bà đã nhòm vào phòng xử một hai lần và ném cho Koppel một cái nhìn khinh bỉ. Những người đàn bà lập tức ùa vào bếp và tôi đi theo. Mẹ tôi, cao hơn cha tôi, gầy gò, trắng bệch, mũi nhọn và cặp mắt lớn màu xám, như mọi khi, đang đọc một cuốn sách đạo đức tiếng Do Thái. Bà choàng một cái khăn trắng qua bộ tóc giả màu vàng. Tôi nghe bà nói với những người vợ của Koppel, “Bỏ hắn đi. Chạy khỏi hắn như chạy lửa đi. Thứ lỗi cho tôi, nhưng các cô thấy gì ở hắn? Một kẻ đồi bại!”
Gutsha người đầu bếp trả lời, “Thưa Rebbetzin, bỏ một gã đàn ông thì dễ, nhưng chúng tôi còn có hai con. Nói thật là anh ta chẳng lo cho chúng được bao nhưng có còn hơn không. Một khi chúng tôi ly hôn, anh ta sẽ tự do như chim. Một đứa trẻ thì cần có giày, một chiếc váy nhỏ, quần lót. Vả lại, tôi sẽ nói gì với chúng khi chúng lớn lên? Anh ta chỉ đến vào thứ bảy, với hai cô bé anh ta vẫn là bố. Anh ta mang đến kẹo, đồ chơi, bánh quy. Và anh ta giả vờ yêu chúng.”
“Cô không biết hắn có vợ rồi à?” mẹ tôi hỏi.
Gutsha ngần ngừ một lúc. “Ban đầu thì tôi không biết, lúc phát hiện ra thì đã quá muộn rồi. Anh ta nói mình không sống với vợ, và họ sẽ ly dị bất cứ ngày nào. Anh ta làm tôi quáng mắt và mê hoặc tôi. Anh ta nói chuyện ngọt ngào lắm, một con cáo ranh mãnh.”
“Nó biết mà, con đĩ, nó biết mà!” Trina Leah gào lên. “Khi một thằng đàn ông chỉ đến thăm một con đàn bà vào ngày Sabbath thì thằng đó cũng chẳng khác gì thịt lợn đâu. Con kia nó cũng chẳng tốt đẹp hơn gì hắn ta đâu. Người như nó chỉ muốn đi cướp chồng người khác. Đồ đĩ điếm, đồ lăng loàn.” Rồi Trina Leah nhổ nước bọt vào mặt Gutsha.
Gutsha lau mặt bằng khăn tay. “Cô ta nên nhổ máu mủ ra mới phải.”
“Thật là chẳng hiểu nổi,” mẹ tôi nói với những người đàn bà rồi tự nói với mình. Rồi bà nói thêm, “Có lẽ nên bắt anh ta trợ cấp cho bọn trẻ theo luật của dân Ngoại.”
“Rebbetzin,” Gutsha nói, “nếu một người đàn ông mà đã có lòng với bọn trẻ thì chẳng phải ép. Đây thì tuần nào cũng đến với một lý do khác. Anh ta thảy ra vài đồng lẻ như của bố thí. Hôm nay cảnh sát đến bệnh viện đưa tôi đi cứ như tôi là tội phạm không bằng. Kẻ thù của tôi vui mừng trước sự sụp đổ của tôi. Tôi để các con cho một cô y tá đến bốn giờ là phải về rồi chúng nó sẽ phải ở một mình.”
“Thế thì về ngay đi,” mẹ tôi nói. “Sẽ làm được gì đó. Vẫn còn có trật tự trên thế giới này.”
“Chẳng có trật tự nào cả. Tôi đã đào mộ cho chính mình rồi. Tôi điên mất rồi. Tôi đáng nhận được thứ mà tôi phải nhận. Tôi đã sẵn sàng chết, nhưng ai sẽ chăm cho những đứa con yêu của tôi? Đâu phải lỗi chúng nó.”
“Nó mà đáng làm mẹ thì tôi đã là nữ tước rồi,” Trina Leah gầm lên. “Con đĩ, con hủi, con vô lại!”
Tôi rất thông cảm với Gutsha; song tôi cũng tò mò về đám đàn ông và tôi chạy lại căn phòng nơi họ đang cãi nhau. Tôi nghe Shmuel Smetena nói, “Nghe đây, Koppel. Anh có nói gì thì bọn trẻ cũng không đáng phải là nạn nhân. Anh sẽ phải trợ cấp cho chúng, nếu không người Nga sẽ dốt anh vào tù ba năm mà chả ai thèm ngó ngàng gì đâu. Chẳng có luật sư nào nhận một ca như thế này cả. Nếu anh mất bình tĩnh mà đâm ai đó, thẩm phán còn có thể khoan dung. Nhưng những gì mà anh đã làm ngày này qua ngày khác đây không phải là hành động của một con người.”
“Tôi sẽ trả, tôi sẽ trả—đừng lên giọng như thế,” Koppel nói. “Chúng là con tôi, chúng sẽ không phải đi ăn xin. Rabbi, nếu ngài cho phép, tôi xin thề bằng Cuộn giấy Thánh.” Rồi Koppel chỉ vào cái Rương.
“Thề? Chúa ơi!” Cha tôi đáp. “Đầu tiên anh phải ký giấy là anh sẽ nghe theo phán quyết của tôi và thực hiện nghĩa vụ với các con anh đi đã! Khổ thân tôi!” Cha tôi đổi giọng. “Con người ta sống được bao lâu? Có đáng đánh mất cả thế giới sắp đến vì những cái dục vọng xấu xa như vậy không? Cơ thể sẽ gặp chuyện gì sau khi chết? Nó sẽ bị giun ăn. Chừng nào còn thở người ta còn có thể ăn năn. Nằm trong mộ rồi thì chẳng còn lựa chọn tự do nào nữa cả.”
“Thưa Rabbi, tôi đã sẵn sàng nhịn ăn và đền tội. Tôi có một lời giải thích: tôi đã mất trí rồi. Một con ác quỷ đã nhập vào tôi. Tôi bị mắc kẹt như một con ruồi mắc vào mạng nhện. Tôi sợ mọi người sẽ trả thù tôi và chẳng còn ai vào cửa hàng tôi nữa.”
“Người Do Thái có lòng thương xót,” cha tôi nói. “Nếu anh ăn năn với tất cả tấm lòng thì sẽ chẳng có ai bức hại anh cả.”
“Chính xác,” Shmuel Smetena đồng ý.
Tôi bỏ những người đàn ông lại và quay trở lại bếp. Bà cụ già, mẹ Naomi, đang nói, “Rebbetzin, ngay từ đầu tôi đã chẳng ưa gì cậu ta rồi. Tôi nhìn một cái là bảo, “Naomi, chạy khỏi nó như chạy sâu bệnh đi. Nó sẽ không bỏ vợ nó đâu. Cứ để nó bỏ vợ nó đã,” tôi nói, ‘rồi chúng ta sẽ thấy.’ Cô ơi, chúng tôi có phải hạng người từ cống rãnh chui lên đâu. Ông chồng quá cố của tôi, cha Naomi, ông ấy là một Hasid. Naomi là một cô gái trung thực. Nó đã trở thành thợ may để đỡ đần cho tôi. Nhưng cậu ta có một cái lưỡi dẻo quẹo chuyên thốt ra những lời ngọt ngào. Cậu ta càng ra sức nịnh cho tôi vui lòng thì tôi càng nhận ra cậu ta là con rắn độc. Nhưng con gái tôi ngốc lắm. Nếu chị bảo nó là trên Thiên đường có một hội chợ ngựa, nó sẽ muốn đi lên đó mua. Nó cũng chẳng gặp may. Nó từng kết hôn và trở thành góa phụ chỉ sau ba tháng. Anh chồng nó, một cậu thanh niên vạm vỡ, ngã gục như một cái cây. Khốn thay cho những gì tôi đã sống để thấy ở tuổi già này. Tôi ước mình chết đi từ lâu rồi. Ai cần tôi nữa? Tôi chỉ được cái làm hỏng bánh.”
“Chớ nói như vậy. Khi Chúa bảo chúng ta sống, chúng ta phải sống,” mẹ tôi nói.
“Để làm gì? Người ta nhạo báng mẹ con tôi. Khi nó bảo tôi nó có thai với cái thằng quái đản ấy tôi đã túm tóc nó và… Làng nước ơi tôi chết mất thôi!”
*
Ngày hôm đó, cả ba người đàn bà đã đồng ý ly dị với Koppel Mitzner. Thủ tục ly hôn sẽ diễn ra tại nhà chúng tôi. Koppel đã ký vào một tờ giấy và đưa trước cho cha tôi năm rúp. Cha tôi đã viết xuống đó tên của ba người đàn bà. Naomi là một cái tên đẹp của người Do Thái. Gutsha là một biến thể nhỏ của Gutte, vốn là Tovah. Nhưng Pola là tên kiểu gì? Cha tôi dò trong một cuốn sách có nhan đề Tên riêng, nhưng không có Pola. Cha tôi sai tôi vời Isaiah người thư lại đến và hai người thảo luận với nhau. Isaiah có kinh nghiệm hơn trong những vấn đề như vậy. Ông ấy bảo cha tôi là mỗi một lần ông soạn giấy tờ ly hôn ông lại vẽ một vòng tròn trong một cuốn sổ tay và gần đây con trai ông đếm được đến hơn tám trăm vòng tròn như vậy. “Theo luật,” Isaiah nói, “một cái tên của dân Ngoại là chấp nhận được trong đơn ly hôn.”
Naomi đáng lẽ sẽ ly dị đầu tiên. Nghi thức sẽ được tổ chức vào Chủ nhật. Nhưng Chủ nhật hôm đó cả Koppel lẫn những người vợ đều không xuất hiện. Tin tức lan truyền trên phố Krochmalna là Koppel Mitzner đã biến mất cùng người vợ trẻ nhất, Pola. Anh ta bỏ rơi ba người còn lại, và họ sẽ không bao giờ được phép tái hôn. Anh ta và Pola đi đâu không ai biết, nhưng người ta tin là họ đã chạy đến Paris hoặc New York. “Quân lừa phỉnh này,” mẹ tôi nói, “nó còn chạy đi đâu được nữa?”
Bà ném sang tôi một cái nhìn giận dữ như thể ngờ rằng tôi đang ghen tị với hành trình của Koppel và ai mà biết được, có thể với cả bạn đồng hành của anh ta. “Con làm cái gì trong bếp thế hả?” bà quát. “Đi học đi. Mấy cái chuyện đồi bại này không phải là cho con đâu!”
Isaac Bashevis Singer, “The Betrayer of Israel,” trans. author, Old Love (Farrar, Straus and Giroux, 1979). This story was first published in The New Yorker ().
Copyright © 1979 by Isaac Bashevis Singer | Nguyễn Huy Hoàng dịch.