Illustration by Taku Bannai for The New Yorker
Rivka Galchen sinh năm 1976 ở Toronto và lớn lên ở Mỹ. Cô là tác giả của bốn cuốn sách và hiện giảng dạy tại Đại học New York.
Đây là truyện cuối cùng trong chuỗi Flash Fiction mà tờ The New Yorker giới thiệu mùa hè 2019.
Tôi trả lời là tôi đã gặp ba con ma.
Ba à?
Con đầu tiên xuất hiện dưới dạng một con chó núi Bern. Nó là như thế này. Tôi đang ở một căn lán gỗ cùng gia đình nhà chồng trong kỳ nghỉ Giáng sinh. Con chó lớn này, có lẽ khoảng hơn một trăm cân, đến chỗ cửa sau. Nó không sủa—nó nhìn qua khung kính và kiên nhẫn chờ. Bố chồng tôi, khi còn nhỏ đã ở chung nhà với một con nai và một con sóc bay, ra mở cửa.
Con chó núi khổng lồ bước lên bậc, bước qua phòng, và chào tôi bằng một cú huých đầu nhẹ. Nó chúi mũi xuống giữa hai bàn chân trước, để nó thấp hơn tôi. Nó vẫy đuôi, nhẹ nhàng. Nó đã chọn tôi. Ngày nào nó cũng đến suốt tuần lễ ấy, khoảng độ một hai tiếng vào buổi sáng, một hai tiếng vào buổi chiều, đi theo tôi khắp nhà và ra cả ngoài sân nữa. Tôi rất hợp với chó nói chung, nhưng đây lại khác. Chúng tôi quý nhau. Thẻ tên của nó đề “Kush.” Với những người còn lại trong gia đình, nó chỉ đơn thuần là lịch sự. Tôi không biết giải thích thế nào, nhưng linh hồn cha tôi đã ở trong con chó đó. Phải, cha tôi cũng cao lớn và hiền lành, nhưng nó còn hơn thế nữa. Cha tôi đã đến thăm tôi. Thật lạ, nhưng cũng rõ ràng. Đó là khoảng mười lăm năm trước. Độ một năm sau cuộc gặp, có vẻ tôi đã gặp bọn chó núi Bern suốt, trong thang máy và trên vỉa hè, nhưng khi tôi gặp Kush, đó cũng là cha tôi, nó là con chó núi Bern đầu tiên tôi từng gặp.
Lũ chó ấy đâu hết cả rồi? Giống chó này đã rất thịnh rồi dường như biến mất.
Tôi gặp con ma tiếp theo trong một cuộc gặp câu lạc bộ sách ở Thư viện Công cộng Boulder. Tôi không sống ở Boulder, tôi chỉ đi qua, nhưng trên báo có một thông báo về câu lạc bộ sách, và vợ chồng tôi nghĩ nó có vẻ vui. Hồi còn trẻ tôi tốt bụng hơn, và cởi mở hơn. Câu lạc bộ đang đọc “Chiếc áo khoác” của Nikolai Gogol. Akaky Akakievich tội nghiệp dành toàn bộ tiền tiết kiệm để mua một chiếc áo khoác mới; chiếc áo ấy bị cướp; sau một loạt những sự sỉ nhục hơn nữa, cố gắng đòi lại chiếc áo, anh ta chết vì sốt; có những báo cáo về hồn ma của anh ta ám khắp St. Petersburg, lấy cắp áo của những người khác.
Đó là một đám đông gồm nhiều thành phần ở câu lạc bộ sách. Câu chuyện nói về quan liêu? Về sự phù phiếm của con người? Về văn hóa dân gian? Nó là châm biếm, hay một bi kịch, v.v. Đó là cuộc thảo luận thông thường. Nhưng rồi một người đàn ông nhỏ bé, gầy gò ngồi trong góc trách móc tất cả chúng tôi vì đã không hiểu vấn đề. “Ma là có thật,” anh ta nói. Câu chuyện nói về một hồn ma thực sự và “chẳng ai trong số các người hiểu cả.” Người đàn ông gầy gò nói anh ta biết ma là có thật vì trong nhiều năm anh ta đã làm việc tại một lò mổ ở Broomfield.
Những nhận xét của người đàn ông đã được tiếp nhận một cách lịch sự, nhưng anh ta đã rời cuộc gặp trong sự thất vọng. Ngẫm lại, rõ ràng là, với tôi và chồng tôi, người đàn ông từ Broomfield chính là một con ma. Đó là cái mà anh ta đã cố bày tỏ.
Con ma cuối cùng là một người mẹ mà tôi chỉ biết sơ qua, từ hồi còn trẻ. Chồng cô ấy là một người thổi kèn trumpet chuyên nghiệp. Tôi trông hai cậu nhóc nhà cô cho cô ấy vài lần. Lần cuối cùng tôi trông, chúng nghịch không nói nổi khi bố mẹ chúng về đến nỗi tôi không bao giờ được gọi trông nữa—điều tôi nghĩ cũng là hợp lý. Sau đó, có hai chuyện rất đáng buồn xảy ra trong gia đình họ: một trong hai cậu bé chết trong một vụ tai nạn ô tô, và người mẹ bị co giật trong đêm và bị phát hiện u não. Lúc đó tôi đang sống ở một thành phố cách xa hàng ngàn dặm và đã không gặp gia đình họ trong nhiều năm. Nhưng một đêm nọ, hơn một năm sau khi biết chuyện khối u, tôi mơ một giấc mơ rất sống động có Leona trong đó—Leona là tên người mẹ—và chúng tôi chào hỏi và rất vui được gặp nhau. Thực sự vui. Ngày hôm sau mẹ tôi gọi điện báo Leona đã mất. Tôi chưa bao giờ mơ thấy Leona trước đó và cũng không bao giờ mơ thấy cô ấy sau này.
Tôi kể cho con gái tôi về những con ma, vì tôi muốn thành thật với nó. Ma không có thật, nhưng cũng có thật? Hay cái gì như thế. Tôi không biết là mình muốn truyền đạt điều gì với nó. Có lẽ tôi đang thể hiện. Tôi nói ba con ma. Nhưng thế chẳng là lừa dối? Tôi đã dành rất nhiều năm quan tâm đến ma, người chết, những vị tổ tiên mà tôi chưa bao giờ gặp, bất cứ gì buồn và đã biến mất—thế giới ấy cảm giác thật với tôi. Nhưng hơn mười năm rồi tôi chưa thấy một con ma nào. Đợi đã, không, tôi đã tính lại. Tôi chưa thấy một con ma nào trong… số năm là số tuổi của con gái tôi. Giờ tôi dành thời gian trọn vẹn hơn giữa những người sống. Hoặc là thế, hoặc con ma trong những ngày này là tôi.
Rivka Galchen, “Have You Ever Met One?” The New Yorker (September 5, 2019).
Copyright © 2019 by Rivka Galchen | Nguyễn Huy Hoàng dịch.