Ở ngay sau vương quốc suy tàn có một dòng sông nhỏ xinh đẹp. Đó là một dòng chảy trong vắt, đáng yêu và có nhiều cá sinh sống. Cỏ rong cũng mọc ở đó, và lũ cá ăn cỏ. Lũ cá không quan tâm đến việc vương quốc suy tàn hay không suy tàn, đương nhiên. Bất kể nó là một vương quốc hay là một nền cộng hòa thì cũng chẳng có khác biệt gì đối với chúng. Chúng không bỏ phiếu mà cũng chẳng nộp thuế. Chẳng khác biệt gì đối với chúng ta, chúng nghĩ.
Tôi rửa chân dưới dòng nước. Nhúng một lúc xuống làn nước lạnh cóng làm chân tôi đỏ ửng. Từ dòng chảy, bạn có thể nhìn thấy những bức tường và ngọn tháp của tòa lâu đài trong vương quốc suy tàn. Lá cờ hai màu vẫn bay trên tháp, phấp phới trong gió. Những người đi dọc bờ sông sẽ thấy lá cờ và nói, “Này, nhìn kìa. Đó là lá cờ của vương quốc đã suy tàn.”
*
Q với tôi là bạn—hoặc tôi nên nói là từng là bạn đại học. Hơn mười năm rồi chúng tôi không còn làm bất cứ điều gì mà bạn bè vẫn làm. Vì thế mà tôi dùng thì quá khứ. Dù sao, chúng tôi cũng từng là bạn.
Mỗi khi tìm cách kể cho bất cứ ai về Q—miêu tả cậu ta như một con người—tôi lại cảm thấy hoàn toàn bất lực. Tôi nào đã bao giờ giỏi giải thích chuyện gì, nhưng cứ cho là tính thế đi chăng nữa, cố gắng giải thích về Q cho ai đó cũng là một thách thức đặc biệt. Và mỗi lần cố gắng, tôi đều bị một cảm giác tuyệt vọng sâu sắc lấn át.
Cho phép tôi làm chuyện này đơn giản hết sức có thể.
Tôi với Q bằng tuổi nhau, nhưng cậu ta đẹp trai hơn khoảng năm trăm bảy mươi lần. Tính cậu ta cũng tốt. Không bao giờ phách lối hay khoe khoang, mà cũng không bao giờ giận dữ nếu có người vô tình gây ra vấn đề cho cậu ta. “Ồ, thật sao,” cậu ta sẽ nói. “Phải tôi tôi cũng làm thế.” Nhưng thực tế là, tôi chưa bao giờ nghe nói cậu ta từng gây ra chuyện gì với bất kỳ ai.
Cậu ta cũng con nhà nề nếp. Bố làm bác sĩ có phòng khám riêng trên đảo Shikoku, có nghĩa là Q không bao giờ thiếu tiền tiêu vặt. Cậu ta cũng không hề tiêu hoang. Cậu ta ăn mặc lịch sự và còn là một vận động viên ấn tượng, thi đấu quần vợt cấp liên trường hồi trung học. Cậu ta thích bơi và đi bơi ít nhất hai lần một tuần. Về mặt chính trị, cậu ta theo chủ nghĩa tự do ôn hòa. Điểm số cậu ta, nếu không phải xuất sắc, thì ít nhất cũng thuộc hạng giỏi. Cậu ta hầu như chẳng bao giờ ôn thi, nhưng lại chưa bao giờ trượt một môn học nào. Cậu ta đã thực sự nghe giảng.
Cậu ta có tài piano đáng ngạc nhiên, và sở hữu nhiều đĩa Bill Evans và Mozart. Nhà văn yêu thích thì thường là người Pháp—Balzac và Maupassant. Thỉnh thoảng cậu ta cũng đọc tiểu thuyết của Kenzaburo Oe hay một nhà văn khác. Bình luận của cậu ta lúc nào cũng xác đáng.
Cũng tự nhiên thôi, cậu ta khá nổi tiếng với đám con gái. Nhưng không phải là kiểu đàn ông “bạ đâu cũng được.” Cậu ta có một cô bạn gái ổn định, một cô gái năm hai xinh xắn ở một trong những trường đại học nữ sinh danh giá. Họ đi chơi vào Chủ nhật hằng tuần.
Dù sao đi nữa, đó cũng là Q mà tôi biết hồi đại học. Nói tóm lại, cậu ta là một nhân vật không chê vào đâu được.
Hồi đó, Q sống ở căn hộ cạnh tôi. Cho mượn lọ muối hay xin nước xốt trộn salad, chúng tôi trở thành bạn, và chẳng mấy chốc mà chúng tôi đã sang chơi nhà nhau suốt, nghe đĩa, uống bia. Một lần, tôi với bạn gái lái xe ra bờ biển Kamakura với Q và bạn gái cậu ta. Chúng tôi đã rất thoải mái với nhau. Rồi đến kỳ nghỉ hè năm cuối, tôi chuyển ra ngoài sống, và thế là hết chuyện.
Lần tôi gặp lại Q, gần một thập niên đã trôi qua. Lúc đó tôi đang đọc sách ở bể bơi trong một khách sạn sang trọng gần quận Akasaka. Q ngồi trên cái ghế xếp cạnh tôi, và cạnh cậu ta là một cô gái chân dài xinh đẹp bận bikini.
Tôi biết ngay đó là Q. Cậu ta vẫn đẹp trai như ngày nào, và giờ, mới ngoài ba mươi, cậu ta đã toát lên một vẻ nhất định mà trước đây cậu ta chưa có. Những cô gái trẻ đi qua đều liếc lại nhìn.
Cậu ta không để ý đến tôi ngồi cạnh. Tôi là một gã trông khá bình thường, vả lại tôi còn đeo kính râm. Tôi phân vân không biết có nên bắt chuyện với cậu ta hay không, nhưng rốt cuộc tôi lại quyết định thôi. Cậu ta và cô gái bên cạnh đang mải nói chuyện, và tôi không muốn xen vào. Bên cạnh đó, cậu ta với tôi cũng chẳng có gì mà nói. “Tôi cho cậu mượn lọ muối, nhớ không?” “Ê, đúng rồi, còn tôi cho cậu mượn một chai xốt trộn salad.” Chúng tôi sẽ nhanh chóng hết đề tài để nói. Vì vậy nên tôi ngậm miệng và cắm cúi vào cuốn sách.
Song có không muốn tôi vẫn nghe được Q và cô bạn xinh đẹp đang nói gì với nhau. Đó là một vấn đề khá phức tạp. Tôi thôi không cố đọc nữa và lắng tai nghe họ.
“Không đời nào,” cô gái nói. “Anh đùa à.”
“Anh biết, anh biết,” Q nói. “Anh biết chính xác là em đang nói gì. Nhưng em cũng phải nghĩ cho anh nữa. Anh làm thế không phải là anh muốn thế. Đấy là những người ở cấp trên. Anh chỉ bảo em là người ta quyết định thế nào thôi. Nên đừng nhìn anh như thế.”
“Ừ, phải,” cô ta nói.
Q bật ra một tiếng thở dài.
Cho phép tôi tóm tắt cuộc trò chuyện dài dòng của họ—tất nhiên là với nhiều tưởng tượng thêm thắt. Có vẻ như Q bây giờ là giám đốc một đài truyền hình hay một nơi nào đó tương tự, và cô gái là một ca sĩ hay diễn viên tương đối nổi tiếng. Cô ta bị loại khỏi một dự án vì một rắc rối hay scandal nào đó mà cô ta dính phải, hoặc có thể chỉ là vì độ nổi tiếng của cô ta đã giảm. Việc báo tin này cho cô ta biết được giao cho Q, người chịu trách nhiệm trực tiếp nhất về các hoạt động hằng ngày. Tôi không biết nhiều về ngành công nghiệp giải trí, nên không thể dám chắc về những chi tiết cụ thể hơn, nhưng về tổng thể thì tôi không nghĩ mình đi xa quá.
Xét theo những gì tôi nghe, Q đang thực hiện nhiệm vụ của mình một cách chân tình.
“Bọn anh không sống nổi nếu không có nhà tài trợ,” cậu ta nói. “Anh không cần phải nói với em chuyện đó—em biết chuyện làm ăn mà.”
“Tức là anh đang bảo em là anh không có tí trách nhiệm hay tiếng nói nào trong chuyện này à?”
“Không, anh không nói như thế. Nhưng cái anh có thể làm thực sự rất hạn chế.”
Cuộc trò chuyện của họ rẽ thêm một phát nữa vào con đường cụt. Cô ta muốn biết cậu ta đã vì mình đến mức nào. Cậu ta khăng khăng rằng mình đã làm mọi thứ có thể, nhưng không có cách nào chứng minh được điều đó, và cô ta không tin cậu ta. Tôi cũng không thực sự tin cậu ta. Cậu ta càng cố gắng giải thích mọi thứ một cách chân thành bao nhiêu, thì một màn sương mù của sự thiếu chân thành càng bao trùm lên mọi thứ bấy nhiêu. Nhưng đấy không phải là lỗi của Q. Đấy không phải lỗi của ai. Bởi thế mà cuộc trò chuyện này càng không có lối thoát.
Có vẻ như cô gái đó đã luôn luôn thích Q. Tôi có cảm giác họ khá hợp nhau cho đến khi chuyện làm ăn này xuất hiện. Có lẽ điều đó chỉ làm tăng thêm phần giận dữ của cô ta. Nhưng cuối cùng, cô ta là người xuống nước.
“Thôi được,” cô ta nói. “Em hiểu rồi. Lấy cho em một cốc Coca được không?”
Nghe vậy, Q thở phào rồi đi ra quầy nước. Cô gái đeo kính râm lên và nhìn chằm chằm về đằng trước. Đến lúc đó, vẫn dòng chữ lúc nãy tôi đã đọc thêm được mấy trăm lần.
Đoạn, Q cầm hai cái cốc giấy to quay lại. Đưa một cốc cho cô gái, cậu ta hạ mình xuống cái ghế xếp. “Đừng buồn chuyện này quá,” cậu ta nói. “Rồi chẳng mấy chốc mà em lại—”
Nhưng trước khi cậu ta có thể nói hết, cô gái kia đã hất cả cốc nước đầy vào cậu ta. Nó đập vào mặt cậu ta, và khoảng một phần ba chỗ Coca-Cola bắn sang người tôi. Không nói một lời, cô ta đứng dậy và giật nhẹ đũng quần bikini, sải bước đi mà không liếc mắt lại lấy một lần. Q và tôi ngồi ngây ra đó phải đến mười lăm giây. Những người quanh đó nhìn chúng tôi kinh ngạc.
Q là người đầu tiên định thần lại được. “Xin lỗi,” cậu ta nói và đưa khăn cho tôi.
“Không sao,” tôi đáp. “Tôi đi tắm là được.”
Có vẻ hơi cáu, cậu ta rút lại cái khăn và lấy nó lau người.
“Ít nhất là để tôi đền cuốn sách,” cậu ta nói. Đúng là sách của tôi ướt sũng. Nhưng nó chỉ là một cuốn bìa mềm giá rẻ, vả lại cũng không hay lắm. Bất cứ ai hất Coca vào đó và ngăn tôi đọc đều là làm ơn cho tôi rồi. Cậu ta tươi hẳn lên khi tôi nói vậy. Vẫn cái nụ cười tuyệt vời như mọi khi.
Đến đó Q đi, xin lỗi tôi một lần nữa khi đứng dậy để ra về. Cậu ta đã không nhận ra tôi.
*
Tôi quyết định đặt tên cho câu chuyện này là “Vương quốc suy tàn” vì tình cờ đọc được một bài báo ra tối hôm đó về một vương quốc châu Phi đã suy tàn. “Nhìn một vương quốc huy hoàng tàn lụi,” bài báo viết, “còn thê thảm hơn là nhìn một nền cộng hòa hạng hai sụp đổ.”
Haruki Murakami, “The Kingdom That Failed,” trans. Jay Rubin, The New Yorker (August 13, 2020).
Copyright © 1986 by Haruki Murakami | Nguyễn Huy Hoàng dịch.