Nadine Gordimer (1923–2014) là một nhà văn và nhà hoạt động chính trị người Nam Phi, chủ nhân của giải Booker năm 1974 và giải Nobel văn chương năm 1991. Các tác phẩm của bà bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, và tiểu luận. Trong những năm 1960 và 1970 bà đã viết nhiều tiểu thuyết lấy bối cảnh của phong trào kháng chiến mới nổi chống chế độ phân biệt chủng tộc apartheid, trong khi đất nước Nam Phi giải phóng đã đem lại bối cảnh cho các tác phẩm sau này của bà, được viết trong những năm 1990. Nhìn chung, các tác phẩm văn học của Nadine Gordimer đã tạo nên một hình ảnh phong phú về sự phát triển lịch sử của Nam Phi.
Ngày xưa vào thời của chúng ta, có một trận động đất: nhưng đây là trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận kể từ khi thang Richter được phát minh ra để giúp chúng ta có thể đo lường các cảnh báo về ngày tận thế.
Nó lật nghiêng một thềm lục địa. Các chấn động này thường gây ra lũ lụt, nhưng trận động đất này làm điều ngược lại, nó rút cạn ngược đại dương như một hơi thở lớn. Tầng bí mật nhất của trái đất bị phơi bày: những thứ dưới đáy biển—xác tàu đắm, mặt tiền của những ngôi nhà, chân nến phòng khiêu vũ, bồn cầu, hòm của bọn cướp biển, màn hình TV, xe thư tín, thân máy bay, đại bác, thân tượng cẩm thạch, súng AK, vỏ kim loại của xe buýt du lịch, đài nước rửa tội, máy rửa chén tự động, máy tính, những thanh kiếm bám đầy hà biển, những đồng xu hóa thành đá. Ánh mắt kinh ngạc nhớn nhác lướt qua những thứ này; dân chúng tháo chạy khỏi những ngôi nhà ngả nghiêng lên các ngọn đồi gần biển, bây giờ lại chạy xuống. Nơi mà sự đụng độ giữa mặt đất và bên dưới vừa làm họ kinh hãi, giờ là sự im lặng trần trụi. Nước bọt của biển lấp lánh trên những đồ vật này; người ta cho là thời gian không, chưa bao giờ tồn tại ở dưới đó, nơi tính vật chất của quá khứ và hiện tại khi chúng nằm dưới đó không còn có thứ tự trước sau, tất cả đều là một, tất cả đều là không gì cả—hoặc tất cả đều có thể bị sở hữu ngay lập tức.
Người ta ào xuống lấy; lấy, lấy. Cái này—khi nào đó, bất cứ lúc nào đó, đôi khi—sẽ có giá trị, cái kia có thể hữu ích, cái này là gì, chà sẽ có người biết, cái kia chắc hẳn phải thuộc về những người giàu có, bây giờ nó là của mình, nếu anh không vơ lấy những cái đó thì sẽ có người khác, những đôi chân trượt trên rong biển và lún xuống nền cát sũng nước, những loài thực vật biển thở hơm hớp, chẳng ai để ý là không có cá, những cư dân sống của cái nơi bị khai quật lên này đã bị cuốn đi theo nước. Cơ hội bình thường để cướp bóc các cửa hàng vốn quen thuộc đối với người dân trong các cuộc nổi dậy chính trị làm sao mà so sánh được. Cơn phấn khích sung sướng đã cho đàn ông, đàn bà và những đứa con của họ sức mạnh để vớt lên từ bùn và cát những thứ họ không biết là họ muốn có, đẩy dáng đi dáo dác của họ trong lúc họ càn quét, và chuyện này còn hơn cả lợi nhuận tình cờ mà có, nó đang cướp đi sức mạnh của thiên nhiên mà trước đó họ còn phải chạy trốn bất lực. Lấy, lấy; trong khi vơ vét họ đã có thể quên đi đống đổ nát của ngôi nhà họ và sự mất mát những tài sản bị ràng buộc vào thời gian ở đó. Họ đã phá tan sự im lặng bằng tiếng hét của họ với nhau và dưới những tiếng kêu như tiếng kêu của những con mòng biển vắng mặt, họ đã không nghe thấy một âm thanh xa xăm tiến đến, nổi lên như một trận gió lớn. Và rồi biển quay trở lại, nhấn chìm họ để thêm vào kho bạc của nó.
Đó là những gì mà người ta biết; trên TV thực sự chẳng có gì để thể hiện ngoài lớp da thiếc của những độ sâu, trên radio là các cuộc phỏng vấn một vài người yếu đuối, nhút nhát hay thận trọng đã không từ trên đồi đi xuống và trên báo là số xác người vì lý do nào đó mà biển đã khước từ, giạt vào đâu đó trên bờ.
Nhưng nhà văn biết một điều mà không ai biết; cuộc bể dâu của trí tưởng tượng.
Bây giờ hãy lắng nghe, có một người đàn ông đã muốn có một thứ nhất định (cái gì nhỉ) cả đời. Ông ta có rất nhiều thứ—trong đó có một số thứ mà mắt ông ta thường xuyên ghé vào, bởi vậy mà hẳn ông ta phải thích, một số thứ ông ta không để ý đến, một cách chủ ý, những thứ có lẽ không nên mua nhưng cũng không thể bỏ đi, có một chiếc đèn tân nghệ thuật mà ông ta dùng để đọc, và trên đầu giường là một bản in của Nhật Bản, một bức “Sóng lừng” của Hokusai, ông ta không thực sự sưu tầm các đồ vật phương Đông, mặc dù nếu nó được treo trên bức tường đối diện ông ta thì có thể nó đã không chỉ là một phần nội thất, nó đã khuất khỏi tầm mắt, nằm sau đầu ông ta trong nhiều năm. Tất cả những thứ đó—nhưng không có cái thứ kia.
Ông ta là một người đàn ông đã nghỉ hưu, đã ly dị từ lâu, chọn một biệt thự cũ nhưng đủ tiện nghi trên những ngọn đồi gần biển làm nơi quay lưng lại với cuộc tấn công của thành phố. Một người đàn bà trong làng nấu ăn và dọn dẹp và không làm phiền ông ta bằng bất kỳ giao tiếp nào khác. Đó là một cuộc sống thiếu đi, một cách may mắn, sự phấn khích, ông ta đã có đủ xáo trộn trong đời, bất kể vui buồn, nhưng cảnh tượng từ cái nhìn của ông ta về phía những gì vốn không bao giờ có thể xảy ra, chưa bao giờ được ban cho, là một dạng mệnh lệnh. Ông ta là một trong những người chạy trên đáy biển lấp lánh, quá khứ—tàn tích cũng như kho báu—bị lột trần.
Giống như tất cả những kẻ cướp bóc khác mà ông ta không lẫn vào, không có điểm gì chung, ông ta chạy từ thứ này sang thứ khác, lật lại những mảnh vỡ của đồ sứ tráng men, những tác phẩm điêu khắc được tạo ra bởi sự hủy diệt, sự bỏ mặc và rỉ sét, những thùng rượu ngâm nước muối mặn, một chiếc mô tô đua lao đầu xuống, một chiếc ghế nha sĩ, sải chân ông ta dẫm lên những mạng sườn và bàn chân con người bị phân rã mà ông ta không xác định được. Nhưng không như những người khác, ông ta chẳng lấy gì—cho đến khi: ở đó, được trang trí bằng những lọn rong biển màu nâu gạch, mắc kẹt giữa những vỏ xà cừ và dãy tường thành của san hô đỏ, chính là thứ đó. (Một tấm gương chăng?) Nó cứ như điều không thể là có thật; ông ta biết nó ở là ở nơi đó, dưới đáy biển, chính vì thế mà ông ta đã không biết nó là gì, đã không bao giờ có thể tìm thấy nó trước đây. Nó chỉ có thể được tiết lộ bởi một điều chưa bao giờ xảy ra, cơn bộc phát lớn nhất từng được đo trên thang độ Richter của trái đất chúng ta.
Ông ta nhặt nó lên, cái thứ đó, tấm gương, cát chảy khỏi nó, nước, ánh sáng chói duy nhất còn lại trên nó cũng chảy khỏi nó, ông ta đang mang nó về với mình, cuối cùng cũng sở hữu nó.
Và ngọn sóng lớn ập đến từ đằng sau đầu ông ta và mang ông ta đi.
Tên ông ta, nổi tiếng trong giới chế độ cũ ở thủ đô, xa lạ với những người sống sót. Cùng với ông ta giữa những bộ xương của những nạn nhân mới nhất, bên những tên cướp biển và ngư dân cổ đại, có những người bị đẩy khỏi máy bay trong thời kỳ độc tài để trong sự đồng lõa của biển, họ sẽ không bao giờ được tìm thấy. Có ai nhận ra họ, hôm đó, nơi họ nằm?
Chẳng có bông cẩm chướng hay bông hồng nào nổi.
Sâu chín thước.
Nadine Gordimer, “Loot,” Loot and Other Stories (Jonathan Cape, 2003).
Copyright © 1999 by Nadine Gordimer | Nguyễn Huy Hoàng dịch.