Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Trích đoạn: Cái đít của Giuđa – António Lobo Antunes

António Lobo Antunes sinh năm 1942 ở Lisbon. Từ năm 1979 đến nay ông đã viết hơn 20 cuốn tiểu thuyết và được xem là một trong những nhà văn quan trọng nhất của Bồ Đào Nha – một “truyền nhân của Conrad và Faulkner,” theo George Steiner. Chiến tranh thuộc địa Bồ Đào Nha ở Angola trong những năm 1960 và 1970, nơi Lobo Antunes phục vụ trong vai trò bác sĩ quân y, đã trở thành đề tài cho nhiều cuốn tiểu thuyết của ông, trong đó có Os Cus de Judas (được dịch sang tiếng Anh dưới nhan đề The Land at the End of the World). Dưới đây là một trích đoạn.

Cái đít của Giuđa

Lisbon, ngay cả vào giờ này, là một thành phố chẳng có gì bí ẩn như một bãi biển khỏa thân, nơi mặt trời lồ lộ huỵch toẹt phơi bày những cặp mông nhão và những bộ ngực phẳng lì không bóng, mà biển dường như bỏ lại trên cát như những viên sỏi mịn bị thủy triều lùi bỏ lại. Đêm – như một phòng công chứng, nơi các viên chức hạng ba an phận nằm ngáy giữa hàng đống giấy tờ – biến các ngôi nhà và các tòa nhà thành những căn hầm gia đình buồn bã, nơi sinh sống của những cặp vợ chồng gắt gỏng, quên đi những cãi vã nhỏ nhặt của họ trong vài giờ và trở nên giống như những bức tượng nằm mặc đồ ngủ kẻ sọc, những kẻ mà chiếc đồng hồ báo thức trên bàn cạnh giường sẽ sớm thúc giục trở lại với cuộc sống thường ngày xám xịt, điên cuồng. Trong công viên Eduardo VII, những kẻ đồng tính từ bóng tối xuất hiện khi những chiếc ô tô đến gần và đứng giữa bụi cây làm những cử chỉ như con sứa uốn lượn, hấp háy những đôi mắt cận đầy hứa hẹn mơ hồ và kẻ đậm một lớp mascara dôi. Bên kia đường, còn chưa bị xâm lược bởi nụ cười tàn tạ của những cô gái điếm chia sẻ với lũ côn trùng cơn mưa ánh sáng nhạt rơi xuống rừ đèn đường, Cung điện Công lý đứng choán một kiểu sân cỏ với tấm thân khổng lồ, chướng mắt: bên trong, trước một vị thẩm phán công bằng đang dần dà cảm thấy nóng ran trên cổ, cuộc hôn nhân của tôi sẽ kết thúc mà chẳng có lấy một chút vẻ vang hay vinh quang gì, sau nhiều tháng giày vò của những cuộc hòa giải và chia ly đã nghiền thành những mảnh vụn khổ sở đống đổ nát của một mùa đông dài đau đớn. Chúng tôi chia tay nhau đủ thân thiện, có lẽ cô cũng biết nó như thế nào, với cảm giác phần nào nhẹ nhõm, phần nào hối hận, và chúng tôi nói tạm biệt trong thang máy như hai người xa lạ, trao nhau nụ hôn cuối mà vẫn còn đọng lại một tàn dư chưa tiêu hóa được của nỗi tuyệt vọng. Tôi không biết kinh nghiệm của cô có giống như vậy hay không, liệu cô có biết đến nỗi thống khổ của những cuối tuần chui lủi trong các khách sạn bên bờ biển, giữa tiếng gầm của những con sóng nặng như chì đập vào bê tông nứt trên hiên, nơi mà những cồn cát chạm vào một bầu trời thấp và xám xịt đến mức nó trông không khác gì một trần nhà trát vữa tồi tàn, liệu cô đã ôm lấy một cơ thể mà cô vừa yêu vừa không yêu trong sự vội vàng lo lắng giống như lũ khỉ con bám vào bộ lông thờ ơ của khỉ mẹ, hay liệu cô đã từng, với niềm tin tưởng lớn lao, lỡ đưa ra những hứa hẹn nảy sinh từ hoảng sợ và lo lắng hơn là từ bất cứ cảm xúc dịu dàng chân thành và hào phóng nào. Một năm trời, cô thấy đấy, tôi loạng choạng từ ngôi nhà này sang ngôi nhà khác, từ người đàn bà này đến người đàn bà khác như một đứa trẻ mù điên cuồng mò lấy một cánh tay khó với tới, và tôi thường thức dậy một mình trong những khách sạn trơ lì như mặt của các nhà phân tâm học, để thấy mình được kết nối qua một cái điện thoại không số tới một nhân viên lễ tân thân thiện nhưng đáng ngờ sao đó, người rõ ràng thấy tò mò trước số hành lý ít ỏi của tôi. Tôi đày đọa hàm răng và dạ dày ở các nhà hàng rẻ tiền giống như những bữa tiệc búp phê ở ga đường sắt, nơi thức ăn có vị than và vị ga trải giường ướt đẫm chất nhầy buồn bã của những cuộc chia tay. Tôi đến các buổi chiếu phim lúc nửa đêm, chỉ có độc một kẻ ho sù sụ ngồi trên ghế sau lưng, làm cổ tôi ớn lạnh và tự đọc phụ đề cho hắn làm bạn. Và tôi phát hiện ra, một buổi chiều, ngồi trên bờ biển ở Algés, trong sự hiện diện sủi bọt của một chai nước có ga, rằng tôi đã chết, chết như những kẻ tự tử quăng mình khỏi cầu cạn, những kẻ mà đôi khi chúng ta đi qua trên phố, nhợt nhạt và trang nghiêm, một tờ báo cắp nách, không biết họ đã chết, hơi thở đầy mùi thịt viên và khoai tây nghiền và ba mươi năm làm công chức gương mẫu.

Cô chẳng thấy một kiểu chấn động bên trong khi cô nhìn vào một cửa sổ cửa hàng tối om, như thể nhìn chằm chằm vào con mắt lệch của một kẻ mắt lé hay sao? Hồi còn nhỏ, tôi thường tưởng tượng, khi tôi nằm trên giường – các cơ căng lên vì sợ ngủ quên – rằng mọi người đã biến mất khỏi thành phố và tôi bước đi trên những con phố vắng, bị những con mắt trống rỗng của các bức tượng dõi theo với sự hung ác, vô tình, khôn nguôi của những thứ vô tri vô giác, đóng băng trong tư thế hào hoa giả tạo của những bức ảnh từ thời anh hùng, hoặc không thì trốn những cái cây lá rung rinh với sự bồn chồn biển cả của vảy cá, và đến bây giờ, cô biết đấy, thỉnh thoảng tôi vẫn tưởng tượng mình cô đơn vào ban đêm trên những quảng trường ấy, những đại lộ u uất, tầm thường ấy, những con phố phụ như những nhánh sông kéo theo dòng chảy của mình những tiệm đồ may ngoại ô và những tiệm làm tóc tồi tàn, Salão Nelinha, Salão Pereira, Salão Pérola do Faial, với những kiểu đầu lỗi mốt khoét trong tạp chí ra và dán lên cửa sổ. Ở nhà, tấm thảm hấp thụ lấy tiếng chân tôi, hạ tôi xuống tiếng vọng mong manh của một cái bóng, và khi cạo râu tôi có cảm giác khi lưỡi dao đã loại bỏ những sợi tóc mai kiểu ông già Noel đầy bọt trên má, tôi sẽ chỉ còn lại hai con mắt lơ lửng, treo lại trong gương, lo lắng nhìn xung quanh tìm cơ thể đã mất của chúng.

Giống như ở Chiúme tháng 12 năm 1971, Giáng sinh đầu tiên của tôi trong cuộc chiến sau gần một năm trong rừng, một năm tuyệt vọng, mong ngóng, và chết chóc, khi buổi sáng tôi tỉnh dậy và nghĩ hôm nay là ngày Giáng sinh, rồi nhìn ra ngoài và thấy chẳng có gì thay đổi trong doanh trại, vẫn những căn lều ấy, vẫn những chiếc xe đậu thành vòng tròn cạnh hàng rào thép, vẫn tòa nhà bỏ hoang bị một khẩu bazooka phá hủy, vẫn những người đàn ông lừ đừ loạng choạng trên cát hoặc thu mình trên những bậc thang đổ nát của nhà sinh hoạt dành cho các trung sĩ, lặng lẽ gãi những vết mẩn ở khúc quanh khuỷu tay, như những kẻ ăn xin trên bậc thềm của một nhà thờ. Buổi sáng tôi tỉnh dậy trước bầu trời sấm sét trên sông Cuando và nghĩ hôm nay là ngày Giáng sinh, và thấy trong những cử chỉ mệt mỏi ấy cái buổi sáng thứ Hai vĩnh cửu như thường lệ, cái nóng chạy dọc lưng tôi thành những giọt mồ hôi ròng nhớp nháp, và tôi tự nhủ, Không thể thế được, tất tật chuyện này có gì đó không ổn, bộ đồ ngủ ngoại cỡ của tôi như không bọc cả xương lẫn thịt và tôi cảm thấy mình không còn tồn tại, thân mình, tay chân, bàn chân tôi không tồn tại, trừ một đôi mắt chớp nhìn chằm chằm, trong ngạc nhiên, ra đồng bằng và sau đó, sau đồng bằng, ra lũy cây phía bắc, hướng máy bay luôn đến, mang theo thức ăn tươi và thư từ, tôi chỉ còn là hai con mắt kinh ngạc, nhìn chằm chằm mà hôm nay tôi khám phá lại trong gương phòng tắm, trông già đi và xỉn màu hơn sau cơn rùng mình ban đầu của lần đi tiểu đầu tiên, và hét lên một lời cầu xin thầm lặng trước hình ảnh phản chiếu của chính nó, một lời cầu xin không được đáp lại.

Mấy ngày trước đó, một đại đội nhảy dù đã rời đi, được hỗ trợ bởi những chiếc trực thăng Nam Phi, bay từ Cuito-Cuanavale đến cho một chiến dịch lấy dao mổ trâu giết gà, vô nghĩa ở Luchazes, và hằng đêm những phi công to lớn, tóc vàng, kiêu ngạo sẽ say sưa ầm ĩ và đập vỡ chai cốc và hát những ca khúc lạc điệu tiếng Afrikaans, được dẫn dắt bởi một người trông giống David Niven quá khổ, người đã nhìn cấp dưới của anh ta nôn ra bia như một bà vú nuông chiều, dựa vào nhau làm điểm tựa, xanh mặt vì đau đớn và khổ sở:

“Lo cũng chết. Không lo cũng chết. Thế thì lo làm gì?”

Những người lính dù, nghiêm nghị và trang nghiêm như các chủng sinh, ôm vũ khí vào ngực như những cây thập giá, nhìn ngán ngẩm trước đám lộn xộn những tiếng ợ và chai vỡ, miệng lặng lẽ lẩm nhẩm Kinh Lạy Cha. Viên đại úy, có tinh thần chăm nom nhà cửa của một bà nội trợ khó tính, bấn loạn quanh bất cứ món đồ sành sứ nào còn nguyên vẹn và ném những ánh mắt não nề của niềm đam mê vô vọng vào chỗ cốc đĩa còn lại. Thiếu úy Eleutério ngồi cuộn mình, như bào thai, ở một góc, nghe Beethoven. Toán Katangan đã vào làng tìm vài con chuột nướng. Trong khi đó, tôi tựa vào khung cửa sổ nhìn lũ dơi bay hình elíp quanh những ngọn đèn, không nghe thấy gì, không nghĩ gì, không muốn gì, tin chắc cuộc đời tôi sẽ không bao giờ khác hơn cái hình ôvan có hàng rào dây mà tôi đã thấy chính mình trong đó, dưới một bầu trời thấp đầy mưa hoặc mù sương, nói chuyện với người tù trưởng dưới bóng chiếc máy may to lớn, lắng nghe những câu chuyện về cá sấu hồi còn hạnh phúc hơn.

Người Nam Phi đối xử như thể chúng tôi là dạng người da trắng lai đen tạm chấp nhận được, và sự xấc xược của họ đã khơi dậy trong tôi một ngọn lửa ngày càng nổi loạn, bùng lên hơn nữa bởi sự man rợ của bọn cảnh sát mật và những lời yêu nước nhảm nhí trên đài phát thanh. Các chính trị gia ở Lisbon dường như không trở thành con rối của bọn tội phạm thì cũng thành những tên vô lại bảo vệ cho những lợi ích không phải của tôi và càng ngày càng không phải của tôi, đồng thời chuẩn bị cho sự thất bại của chính họ: những người đàn ông kia biết rất rõ rằng đám chính trị gia và con trai họ sẽ không bao giờ chiến đấu và biết những người thối rữa trong rừng đến từ đâu; họ đã giết và chứng kiến ​​quá nhiều người chết vì họ để cho cơn ác mộng ấy kéo dài lâu hơn nữa. Một đêm, những tay súng trường đã diễu qua các doanh trại ở Luso, hét lên những lời lăng mạ, và mỗi tối chúng tôi đều bí mật nghe đài phát thanh của Phong trào Nhân dân Giải phóng Angola; chúng tôi phải nuôi vợ con bằng đồng lương đủ sống, rồi còn tất cả những kẻ què quặt tập tễnh quanh Lisbon vào cuối ngày, gần tòa nhà phụ của Bệnh viện Quân y, mỗi khúc chân cụt đều là một tiếng kêu nổi dậy chống lại sự phi lý tột cùng của đạn dược. Rồi chúng tôi còn gặp phải sự thù địch của người da trắng Angola, các chủ đất lớn và các nhà công nghiệp ẩn mình trong những ngôi biệt thự khổng lồ chứa đầy đồ cổ giả, rồi từ đó họ chường mặt ra để tóm lấy những cô gái điếm người Brazil trong các hộp đêm trên Đảo Luanda, nơi họ ngồi giữa những thùng rượu sâm panh gớm ghiếc của địa phương và những cái hôn kêu to như tiếng thụt bồn rửa:

“Các em mà không ở đây, bọn anh đã tống cổ đám da đen trong nháy mắt.”

Lũ khốn, tôi nghĩ trong khi ngồi uống những ly Cuba libres đơn độc trên ban công, lũ mập nhớp nháp, lũ mèo mọi mập, bọn buôn nô lệ, và tôi ghen tị với họ vì họ có những người đàn bà đang cười và thì thầm vào những cái tai lông lá của họ, những cái ôm căng đầy, những đám nước hoa dày đặc có thể tỏa ra từ nách và bẹn chỉ bằng một cử chỉ nhỏ nhất, như khói từ lư hương, những chiếc giường gỗ dát mà họ sẽ nằm xuống ngủ khi trời gần sáng, trên cảnh nền là những tấm gương mờ, những cái cây nhựa trong chậu, và lũ chó nhỏ thời Minh, hàm chúng bị biến dạng khủng khiếp vì cơn đau răng sứ, cũng giống như hàm của tôi buông thõng trong sự hoài nghi ở Chiúme, vào cái buổi sáng Giáng sinh giống hệt như tất cả những buổi sáng khác mà tôi từng biết ở châu Phi ấy, nhìn chằm chằm vào những người lính đang nói chuyện ở phía bên kia sân tập trên những bậc thang của nhà sinh hoạt dành cho các trung sĩ, và nhìn những đám mây mưa đang hội tụ trên bầu trời Cuando và hướng về phía tôi trong những cuộn sóng màu bazan nặng nề, to lớn, báo hiệu một cơn bão.

Không, bây giờ nó không xa nữa, tôi sống đằng kia, trong dãy nhà gớm ghiếc màu xanh lá mà màn đêm ban xuống, bằng một phép màu kỳ lạ nào đó, sự đường hoàng và uy nghiêm sâu sắc của một tu viện, như phù hợp với một hậu duệ của những chủ tiệm hoàn chỉnh diện mạo bằng bộ ria mép và dây đeo đồng hồ, sẽ nhìn chằm chằm vào ống kính máy ảnh với vẻ ngờ vực của loài bò, nửa sợ hãi và nửa kính trọng kiểu mê tín. Ngày ấy người ta còn tin vào Chúa, ngay cả khi như được nhìn qua một máy ảnh ba chân, một người đàn ông nghiêm nghị, để râu, một người tuổi lục tuần mặc áo thầy tu và đi xăng đan, tóc rẽ ngôi giữa, người mà công việc với các thánh tử đạo và các vị thánh cũng là một doanh nghiệp phức tạp như trung tâm bách hóa rộng lớn của Armazéns Grandela ở trung tâm Lisbon, bao gồm những việc phân chia các tội lỗi, các tông sắc, những ân thứ và những tấm hộ chiếu xuống địa ngục thông qua các trung gian ở trần gian được gọi là các linh mục, những người gửi cho giám đốc công ty một bức điện tín bằng tiếng Latin vào mỗi Chủ nhật. Những ngôi nhà ấy, cô có nghĩ vậy không, phù hợp với những tham vọng chồm hỗm và những cảm giác nhỏ bé của chúng ta: sự ẩm ướt xâm nhập, mọi thứ cong vênh, các đường ống tắc phát ra những tiếng ợ hơi và ọc ạch bất thình lình, thảm bung, những cơn gió lùa không thể tránh khỏi thổi qua các vết nứt, nhưng chúng ta mua đồ nội thất ở Sintra để che giấu những khiếm khuyết và vết ố đằng sau những thứ rườm rà và diêm dúa người ta cho là kiểu cũ, cũng như chúng ta trang điểm cho tính vị kỷ hẹp hòi của mình bằng vẻ ngoài hào hiệp đầy thù hằn. Ông già tôi thường bảo rằng Vua Philip II đã sai kiến trúc sư của tu viện El Escorial, Hãy xây cái gì khiến thế giới phải nói chúng ta thật điên rồ. Chà, nếu vậy, mệnh lệnh mà gã mập, đội mũ sắt, mồm nhai tăm, người chủ trì việc xây dựng những cái lồng dị hợm, khó hiểu và giả tạo này nhận được hẳn là, Hãy xây cái gì khiến thế giới phải nói chúng ta là dân Mongoloid. Và thực tế là những người hàng xóm chen chúc vào cái thang máy tí hon với tôi đều có cái miệng há hốc, đôi mắt đờ đẫn, làn da tái và nụ cười hồn nhiên không hiểu nổi của những sinh vật quá đỗi bình thường để từng được thực sự bất hạnh, đi qua hoang mạc của cuối tuần, ngồi trước TV, nhấm nháp nước trái cây của sự tầm thường của họ qua ống hút. Tôi, bằng một phép màu nào đó, vẫn sở hữu tàn dư của một nỗi băn khoăn siêu hình và thức dậy vào buổi sáng với cơn đau thần kinh tọa của tâm hồn, bị những bước chân phía trên giày xéo tàn nhẫn, với trí tuệ đã trở nên rỉ sét sau nhiều giờ bị giam cầm trong một căn hộ được thiết kế một cách tẩm ngẩm để biến tôi thành một công chức mệt mỏi, cắp theo một chiếc cặp đựng một tờ Tạp chí Gia đình, một phích cà phê cho bữa trưa và một lọ sữa ong chúa ngoài nhãn hứa hẹn cho tôi cái tuổi trẻ vĩnh cửu đầy ảo tưởng của một cú cương cứng đôi khi.

Nguyễn Huy Hoàng dịch từ bản tiếng Anh của Margaret Jull Costa

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on December 16, 2020 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: