Louise Glück (1943–) là nhà thơ người Mỹ. Bà được trao giải Pulitzer cho thơ năm 1993, giải văn chương Lannan cho thơ năm 1999, giải Bollingen năm 2001, giải Sách Quốc gia Mỹ cho thơ năm 2014, và giải Nobel văn chương năm 2020. Bà được bổ nhiệm làm Poet Laureate của Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2003–2004, và được trao Huân chương Nhân văn Quốc gia năm 2015.
Cái chết và sự bất trắc chờ đợi tôi
như chờ đợi mọi con người, những cái bóng đánh giá tôi
bởi có thể cần thời gian để hủy diệt một con người,
cái yếu tố hồi hộp
cần được duy trì—
Vào Chủ nhật tôi dắt chó của hàng xóm đi dạo
để bà có thể đến nhà thờ cầu nguyện cho người mẹ ốm.
Con chó đợi tôi ở cửa. Mùa hè cũng như mùa đông
chúng tôi đi cùng một đường, sáng sớm, ở chân vách đứng.
Đôi khi con chó chạy vuột khỏi tôi—trong một hoặc hai tích tắc,
tôi không thể thấy nó sau mấy cái cây. Nó rất tự hào,
cái trò mà thỉnh thoảng nó bày ra, rồi lại bỏ
như một ân huệ cho tôi—
Sau đó, tôi về nhà mình nhặt củi.
Tôi giữ trong đầu hình ảnh từ mỗi chuyến đi:
monarda mọc ven đường;
đầu xuân, con chó đuổi theo một con chuột nhỏ màu xám
để trong một thoáng nó có vẻ là có thể
không nghĩ đến việc sự nắm giữ của cơ thể suy yếu, tỷ lệ
của cơ thể so với sự trống rỗng chuyển dịch,
và những lời cầu nguyện trở thành lời cầu nguyện cho người chết.
Giữa trưa, tiếng chuông nhà thờ kết thúc. Ánh sáng tràn ngập:
nhưng sương mù trùm lên đồng cỏ, nên bạn không thể thấy
ngọn núi ở đằng xa, phủ đầy băng và tuyết.
Khi nó xuất hiện lại, hàng xóm tôi nghĩ
lời cầu nguyện của bà được đáp lại. Quá nhiều ánh sáng bà không nén được hạnh phúc—
nó phải bùng ra trong ngôn ngữ. Hello, bà hét, như thể
đó là bản dịch tốt nhất của bà.
Bà tin vào Đức Trinh nữ theo cách tôi tin vào ngọn núi,
dẫu ở một trường hợp sương mù không bao giờ tan.
Nhưng mỗi người cất giữ hy vọng của mình ở một nơi khác nhau.
Tôi nấu xúp, tôi rót rượu.
Tôi căng thẳng, như một đứa trẻ đến tuổi vị thành niên.
Sớm thôi nó sẽ được quyết định, xác quyết, bạn là gì,
một thứ, trai hay gái. Không còn là cả hai.
Và đứa trẻ nghĩ: Mình muốn có tiếng nói trong chuyện xảy ra.
Nhưng đứa trẻ không có lấy một tiếng nói nào.
Hồi còn nhỏ, tôi đã không thấy trước chuyện này.
Sau đó, mặt trời lặn, những cái bóng tụ lại,
xào xạc những bụi cây thấp như những con vật vừa dậy đi đêm.
Bên trong, chỉ có ánh lửa. Nó mờ dần;
giờ chỉ có thứ gỗ nặng nhất là còn
thấp thoáng trên các kệ nhạc cụ.
Đôi khi tôi nghe thấy tiếng nhạc phát ra từ đó,
cả khi bị nhốt trong hộp của chúng.
Khi là chim, tôi tin mình sẽ là người.
Đó là cây sáo. Và cây kèn trả lời,
Khi là người, tôi la lên để làm một con chim.
Rồi âm nhạc biến mất. Và bí mật nó tâm sự với tôi
cũng biến mất.
Trên cửa sổ, mặt trăng treo lơ lửng trên trái đất,
vô nghĩa nhưng đầy thông điệp.
Nó đã chết, nó đã luôn luôn chết,
nhưng nó giả vờ là một cái gì đó khác,
cháy như một ngôi sao, một cách thuyết phục, để đôi khi bạn cảm thấy
nó thực sự có thể khiến cho cái gì đó phát triển trên trái đất.
Nếu có một hình ảnh của linh hồn thì tôi nghĩ đấy là nó.
Tôi di chuyển trong bóng tối như thể đó là điều tự nhiên đối với tôi,
như thể tôi đã là một yếu tố trong đó.
Êm đềm và tĩnh lặng, ngày rạng.
Vào ngày họp chợ, tôi đi chợ với những mớ xà lách của mình.
Louise Glück, “A Village Life,” A Village Life: Poems (Farrar, Straus and Giroux, 2009). This poem was first published in The New Yorker (August 13, 2007 Issue).
Copyright © 2009 by Louise Glück | Nguyễn Huy Hoàng dịch.