Jorge Luis Borges (1899–1986) là một nhà văn và nhà thơ người Argentina, một nhân vật chủ chốt trong nền văn chương tiếng Tây Ban Nha với những tác phẩm đã trở thành điển phạm của châu Mỹ Latin trong thế kỷ XX. Sách của ông bắt đầu được dịch và xuất bản rộng rãi ở Mỹ và châu Âu sau khi ông được trao giải Prix International cùng Samuel Beckett năm 1961. Danh tiếng quốc tế của ông cũng được củng cố bởi các giải de Cervantes năm 1969 và giải Jerusalem năm 1971, bên cạnh sự bùng nổ của các nhà văn Mỹ Latin thuộc thế hệ sau trong những năm 1960 và 1970.
Chuyện được kể cho tôi ở Texas, nhưng nó xảy ra ở một tiểu bang khác. Nó chỉ có một nhân vật chính, ngoại trừ việc trong mỗi câu chuyện đều có hàng nghìn nhân vật, hữu hình và vô hình, còn sống và đã chết. Tên anh ta, tôi nghĩ, là Fred Murdock. Anh ta cao theo cách của người Mỹ, tóc không vàng cũng không đậm, mặt sắc như rìu và rất kiệm lời. Không có gì độc đáo ở anh ta, không cả sự độc đáo giả tạo mà những người trẻ nặn ra. Đầy lòng kính trọng một cách tự nhiên, anh ta không bao giờ không tin vào sách hay những người viết sách. Anh ta ở cái tuổi ấy, khi còn chưa biết mình là ai và sẵn sàng đi theo những gì mà số phận đặt ra: huyền học của người Ba Tư hay những nguồn gốc không rõ của người Hungary, những cuộc phiêu lưu của chiến tranh hay đại số, Thanh giáo hay cuộc truy hoan. Ở trường đại học, anh ta được khuyên nên học ngôn ngữ bản địa. Có những nghi thức bí truyền vẫn còn tồn tại trong một số bộ lạc ở miền Tây; giáo sư của anh ta, một người đàn ông đã luống tuổi, gợi ý anh ta đến sống ở một biệt khu thổ dân, quan sát các nghi thức và khám phá bí mật mà các thầy pháp tiết lộ cho những người được nhận vào bộ lạc. Khi trở về, anh ta sẽ viết một luận án mà giới chức nhà trường sẽ giao cho nhà xuất bản. Murdock mau mắn chấp nhận. Một vị tổ tiên của anh ta đã chết trong các cuộc chiến tranh biên giới; mối bất hòa xa xưa của dòng họ bây giờ là một sợi dây gắn kết. Chắc chắn anh ta đã thấy trước những khó khăn đang đợi; anh ta phải tìm cách khiến những người da đỏ chấp nhận mình vào làm một người trong số họ. Anh ta bắt đầu cuộc phiêu lưu dài. Hơn hai năm anh ta sống trên thảo nguyên, giữa các bức tường gạch đất hoặc ngoài trời. Anh ta dậy trước bình minh, đi ngủ lúc chập choạng tối, mơ bằng một thứ ngôn ngữ không phải của cha ông mình. Vòm miệng anh ta làm quen với những mùi vị khô cằn, anh ta khoác lên mình những trang phục kỳ lạ, quên đi bạn bè và thành phố, và suy nghĩ theo cách mà lô gích của anh ta bác bỏ. Những tháng đầu học việc anh ta lén lút giữ những ghi chép mà sau này anh ta bỏ đi, có thể là để không gây nghi ngờ, có thể là vì anh ta không còn cần chúng nữa. Cuối một khoảng thời gian được ấn định bởi những bài tập nhất định, về đạo đức và thể chất, thầy tế giao cho anh ta nhớ lại những giấc mơ và kể lại chúng cho ông mỗi sáng. Anh ta nhận ra vào những đêm trăng tròn anh ta đều mơ thấy những con bò rừng. Anh ta kể những giấc mơ lặp đi lặp lại này cho sư phụ; cuối cùng ông cũng tiết lộ giáo lý bí mật của mình cho anh ta. Một buổi sáng, không chào tạm biệt ai, Murdock bỏ đi.
Về thành phố, anh ta thấy nhớ những buổi tối đầu tiên trên thảo nguyên khi một thời gian trước anh ta đã cảm thấy nhớ thành phố. Anh ta đến phòng làm việc của giáo sư và nói với ông rằng anh ta đã biết bí mật và quyết định không tiết lộ nó.
– Lời thề đã trói buộc anh? – giáo sư hỏi.
– Đấy không phải lý do của em – Murdock nói. Ở nơi xa xôi đó em đã học được một điều mà em không thể nói.
– Có phải tiếng Anh là không đủ? – giáo sư nhận xét.
– Không phải, thưa thầy. Bây giờ em đã biết bí mật, em có thể giải thích nó theo hàng trăm cách khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Em không biết làm sao để nói với thầy, nhưng bí mật ấy thật quý giá và khoa học, khoa học của chúng ta, giờ với em chỉ là thứ phù phiếm.
Ngừng một lúc, anh ta nói tiếp:
– Bí mật ấy, thật ra, không đáng giá bằng những con đường đã dẫn em đến nó. Những con đường ấy là để đi.
Vị giáo sư lạnh lùng đáp:
– Tôi sẽ báo cáo cho hội đồng biết quyết định của anh. Anh có nghĩ đến chuyện sống với người da đỏ không?
Murdock trả lời:
– Không. Có lẽ em sẽ không quay lại thảo nguyên. Cái mà những con người của thảo nguyên đã dạy cho em có thể áp dụng ở bất cứ đâu và dưới bất cứ hoàn cảnh nào.
Cuộc trò chuyện về cơ bản là như vậy.
Fred đã kết hôn, ly hôn, và giờ là một trong các thủ thư ở Yale.
Jorge Luis Borges, “El etnógrafo,” Elogio de la sombra (Emecé Editores, 1969).
Copyright © 1969 by Jorge Luis Borges | Nguyễn Huy Hoàng dịch.