Anna Akhmatova sinh năm 1889 ở Odessa. Năm 1910 bà kết hôn với nhà thơ Nikolai Gumilev và cùng chồng và các nhà thơ như Osip Mandelstam và Sergey Gorodetsky lập nên trường phái thơ Acme. Năm 1912 bà xuất bản tập thơ đầu và chỉ trong chín năm bà cho ra đời thêm bốn tập thơ khác. Năm 1918 bà ly hôn với Gumilev và kết hôn với Vladimir Shileyko cho đến khi ly dị năm 1926, trong khi Gumilev bị Cheka hành quyết năm 1921. Bà có thêm một mối tình nữa với Nikolai Punin, người qua đời trong Gulag năm 1953. Thơ của Akhmatova bị chính quyền cấm xuất bản cho đến năm 1940, rồi một lần nữa sau khi Thế chiến II kết thúc. Hai tuyển tập thơ của bà được xuất bản trở lại vào các năm 1958 và 1961, nhưng phải đến năm 1987 tác phẩm vĩ đại của bà về cuộc Đại thanh trừng, Requiem (Cầu hồn), mới được xuất bản ở Liên Xô. Thay vì chọn cuộc sống lưu vong như nhiều nhà thơ cùng thời, bà ở lại Leningrad cho đến khi qua đời năm 1966.
Người sẽ viết về chúng tôi một cách nghiêng nghiêng. —I.B.
Tôi đã cúi lạy với Morozova,
Đã nhảy múa với con gái riêng của vợ Herod,
Đã bay lên với khói từ giàn lửa của Dido,
Để lên giàn lửa cùng Joan lần nữa.
Chúa ơi! Người có thấy, tôi mệt mỏi
Với sự hồi sinh, với chết đi và sống.
Hãy lấy đi hết, trừ bông hồng đỏ mọng
Để tôi cảm nhận lại sự tươi mới.
Komarovo, 1962
Anna Akhmatova, “Последняя роза” (1962).
Nguyễn Huy Hoàng & Phạm Hà Anh dịch.
I.B.: Iosif (Joseph) Brodsky