Anna Akhmatova sinh năm 1889 ở Odessa. Năm 1910 bà kết hôn với nhà thơ Nikolai Gumilev và cùng chồng và các nhà thơ như Osip Mandelstam và Sergey Gorodetsky lập nên trường phái thơ Acme. Năm 1912 bà xuất bản tập thơ đầu và chỉ trong chín năm bà cho ra đời thêm bốn tập thơ khác. Năm 1918 bà ly hôn với Gumilev và kết hôn với Vladimir Shileyko cho đến khi ly dị năm 1926, trong khi Gumilev bị Cheka hành quyết năm 1921. Bà có thêm một mối tình nữa với Nikolai Punin, người qua đời trong Gulag năm 1953. Thơ của Akhmatova bị chính quyền cấm xuất bản cho đến năm 1940, rồi một lần nữa sau khi Thế chiến II kết thúc. Hai tuyển tập thơ của bà được xuất bản trở lại vào các năm 1958 và 1961, nhưng phải đến năm 1987 tác phẩm vĩ đại của bà về cuộc Đại thanh trừng, Requiem (Cầu hồn), mới được xuất bản ở Liên Xô. Thay vì chọn cuộc sống lưu vong như nhiều nhà thơ cùng thời, bà ở lại Leningrad cho đến khi qua đời năm 1966.
Anh nghĩ rằng tôi cũng vậy, không khác,
Nghĩ rằng anh có thể quên tôi,
Và tôi sẽ ném mình, van nài, thổn thức,
Dưới vó con ngựa tía anh ngồi.
Hoặc rằng tôi sẽ hỏi xin phù thủy
Một thần dược từ rễ cây khô,
Gửi cho anh chiếc khăn thơm yêu quý,
Như một thứ kỳ quái làm quà.
Đồ khốn kiếp. Hồn đáng rủa tôi sẽ không động đến
Bằng một tiếng than, hay một cái nhìn.
Nhưng tôi thề bằng vườn của thiên thần,
Thề bằng hình Đức Mẹ thiêng liêng,
Bằng hơi bỏng của những đêm trường –
Với anh tôi sẽ không bao giờ quay lại.
Anna Akhmatova, “А ты думал — я тоже такая” (1921).
Nguyễn Huy Hoàng & Phạm Hà Anh dịch.