Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Ác-xô-lốt” – Julio Cortázar

Julio Cortázar (1914–1984) là nhà văn người Argentina. Cùng với Carlos Fuentes của Mexico, Mario Vargas Llosa của Peru, và Gabriel García Márquez của Colombia, ông là một đại diện chính trong sự bùng nổ của các nhà văn Mỹ Latinh những năm 1960 và 1970.

Ác-xô-lốt

Có một thời tôi nghĩ rất nhiều về lũ ác-xô-lốt. Tôi đến xem chúng ở bể cá Bách thảo và ở lại hàng giờ để nhìn chúng, quan sát sự bất động của chúng, những chuyển động mơ hồ của chúng. Bây giờ tôi là một con ác-xô-lốt.

Sự tình cờ đưa tôi đến với chúng vào một sáng mùa xuân khi Paris đang xòe chiếc đuôi công sau một mùa chay lạnh giá. Tôi đi dọc đại lộ Port Royal, sang St Marcel rồi l’Hôpital, thì nhìn thấy màu xanh lá giữa vô vàn màu xám và tôi nhớ đến những con sư tử. Tôi là bạn với sư tử và báo, nhưng chưa bao giờ vào trong cái tòa nhà ẩm thấp, tối tăm của thủy cung. Tôi gá xe đạp vào hàng song sắt và đi ngắm hoa tuy líp. Lũ sư tử thì xấu và buồn còn con báo của tôi đang ngủ. Tôi quyết định vào thủy cung, né các loài cá thông thường cho đến khi bất ngờ nhìn thấy lũ ác-xô-lốt. Tôi ở lại một tiếng đồng hồ nhìn chúng rồi về, không thể nghĩ bất cứ chuyện gì khác.

Ở thư viện Saint-Geneviève, tôi tham khảo một cuốn từ điển bách khoa thì biết ác-xô-lốt là dạng ấu trùng, có mang, của một loài kỳ giông thuộc chi Ambystoma. Chuyện chúng là sinh vật Mêhicô thì tôi tự biết qua những cái mặt Aztec nhỏ bé màu hồng và tấm biển trên bể cá. Tôi đọc được rằng người ta tìm thấy những cá thể của chúng ở châu Phi có khả năng sống trên cạn trong thời kỳ hạn hán, và tiếp tục cuộc sống dưới nước khi mùa mưa đến. Tôi tìm thấy tên tiếng Tây Ban Nha của chúng, “ajolote”, lời đề cập rằng chúng có thể làm thức ăn và người ta từng dùng dầu của chúng (có vẻ bây giờ đã không còn dùng) như dầu gan cá tuyết.

Tôi không muốn tra cứu các tác phẩm chuyên ngành mà trở lại Bách thảo vào ngày hôm sau. Tôi bắt đầu đến đó mỗi sáng, có những hôm cả sáng cả chiều. Bảo vệ thủy cung mỉm cười bối rối nhận vé. Tôi dựa vào song sắt trước những bể cá và bắt đầu nhìn. Chuyện này chẳng có gì lạ vì ngay từ giây phút đầu tiên tôi đã hiểu rằng chúng tôi gắn kết với nhau, rằng một điều gì đó đã mất và xa cách bất tận vẫn đang gắn kết chúng tôi lại với nhau. Thế là đủ để giữ chân tôi cái buổi sáng đầu tiên ấy trước tấm kính nơi có vài bong bóng nổi lên. Lũ ác-xô-lốt xúm xít trên nền đá rêu nhỏ hẹp (chỉ có tôi mới biết nhỏ hẹp thế nào) của bể cá. Có chín con và hầu hết đều dựa đầu vào tấm kính, nhìn những người đến gần bằng đôi mắt vàng. Bối rối, cơ hồ xấu hổ, tôi thấy bất nhã khi nhìn những hình dáng im lặng và bất động chen chúc dưới đáy bể cá. Tôi tách riêng trong đầu một con nằm bên phải và tách biệt phần nào với những con khác để xem xét kỹ hơn. Tôi thấy một cơ thể nhỏ, hồng và trong mờ (làm liên tưởng đến các bức tượng Tàu bằng sứ trắng sữa), trông giống như một con thằn lằn nhỏ độ mười lăm xăng ti, kết thúc bằng một chiếc đuôi cá đặc biệt mỏng manh, phần nhạy cảm nhất trên cơ thể chúng tôi. Dọc lưng có một cái vây trong suốt nối liền với đuôi, nhưng điều ám ảnh tôi là các đôi chân, một sự tinh vi khéo léo, kết thúc bằng những ngón nhỏ, với những chiếc móng người bé xíu. Rồi tôi khám phá ra đôi mắt của nó, cái mặt của nó, hai cái lỗ như hai đầu đinh ghim, hoàn toàn làm bằng vàng trong suốt, không sự sống nhưng đang nhìn, cho phép chúng bị ánh mắt của tôi xuyên qua, như đi qua điểm vàng và lạc vào một bí ẩn mang mang bên trong. Một quầng đen rất mỏng bao quanh con mắt và khắc lên thịt hồng, lên tảng đá màu hồng của cái đầu mơ hồ hình tam giác, nhưng các cạnh cong và không đều, khiến nó trông giống hệt một bức tượng bị thời gian ăn mòn. Cái miệng bị mặt phẳng tam giác của mặt che đi, nhìn từ đằng bên mới có thể đoán được kích thước đáng kể của nó; từ đằng trước chỉ thấy một kẽ nứt mảnh khẽ vạch qua đá vô hồn. Ở hai bên đầu, chỗ đáng lẽ là của đôi tai lại mọc lên ba nhánh đỏ như san hô, một chồi thực vật, những cái mang, tôi đoán. Đó là thứ duy nhất có cảm giác sống động trong đó, cứ mươi mười lăm giây những cái nhánh lại dựng đứng lên rồi xìu xuống. Thi thoảng một cái chân khẽ nhúc nhích, tôi có thể thấy những ngón nhỏ bám nhẹ trên rêu. Chỉ là chúng tôi không thích di chuyển nhiều, bể cá lại quá nhỏ; vừa nhích lên một chút là lại đụng phải đuôi hay đầu của nhau; khó khăn nảy sinh, cãi vã, mệt mỏi. Thời gian cảm giác ngắn lại nếu chúng tôi nằm yên.

Chính sự tĩnh lặng của chúng khiến tôi cúi xuống mê mẩn lần đầu tiên nhìn thấy lũ ác-xô-lốt. Một cách mơ hồ tôi như hiểu được mong muốn bí mật của chúng, xóa bỏ không gian và thời gian bằng một sự bất động dửng dưng. Sau này tôi biết rõ hơn, sự co lại của mang, cái mò mẫm của những bàn chân mảnh trên đá, cú bơi đột ngột (một số bơi bằng động tác lắc cơ thể đơn giản) đã chứng minh cho tôi rằng chúng có khả năng thoát khỏi sự lờ đờ khoáng thạch mà chúng đã ở trong đó hàng giờ đồng hồ. Đôi mắt chúng ám ảnh tôi hơn hết. Cạnh chúng trong các bể cá khác, nhiều loài cá khác nhau đã cho tôi thấy sự ngu đần giản đơn của những đôi mắt đẹp, rất giống như mắt chúng ta của chúng. Đôi mắt của lũ ác-xô-lốt nói với tôi về sự hiện diện của một cuộc sống khác, một cách nhìn khác. Áp mặt vào kính (đôi khi người bảo vệ đằng hắng một cách khó chịu) tôi cố gắng nhìn rõ hơn những chấm vàng nhỏ bé, lối vào thế giới chậm chạp và xa xôi vô cùng của những sinh vật màu hồng. Gõ ngón tay lên mặt kính trước mặt chúng cũng vô ích, chúng không có một tí ti phản ứng gì. Đôi mắt vàng vẫn rực cháy thứ ánh sáng dịu dàng, khủng khiếp; chúng cứ nhìn tôi từ một vực thẳm khôn dò làm tôi choáng váng.

Song chúng thật gần gũi. Tôi đã biết điều đó trước đây, trước khi tôi là một con ác-xô-lốt. Tôi biết điều đó ngày đầu tiên tôi đến gần chúng. Các đặc điểm giống người của một con khỉ tiết lộ, trái ngược với điều mà hầu hết mọi người tin, khoảng cách từ khỉ tới người. Việc tuyệt đối không có sự tương đồng giữa lũ ác-xô-lốt với con người đã chứng minh cho tôi rằng sự nhận thức của tôi là có cơ sở, rằng tôi không tự chống đỡ bằng các phép loại suy dễ dãi. Chỉ có những bàn tay bé nhỏ… Nhưng một con thằn lằn cũng có những bàn tay như vậy, mà nó chẳng giống gì chúng tôi. Tôi nghĩ đó là đầu của con ác-xô-lốt, cái hình dạng tam giác màu hồng với đôi mắt nhỏ bằng vàng. Điều đó nhìn là biết. Điều đó tuyên bố. Chúng không phải động vật.

Nó có vẻ dễ dàng, gần như hiển nhiên, rơi vào thần thoại học. Tôi bắt đầu nhìn thấy trong lũ ác-xô-lốt một sự biến hình đã không thể nào rũ bỏ một nhân tính bí ẩn. Tôi tưởng tượng chúng có ý thức, nô lệ của thân xác chúng, vĩnh viễn bị đày vào một sự câm lặng vực thẳm, một suy tư vô vọng. Ánh mắt vô hồn của chúng, cái đĩa vàng nhỏ bé vô hồn nhưng vẫn sáng khủng khiếp, xuyên thấu tôi như một thông điệp: “Hãy cứu chúng tôi, hãy cứu chúng tôi”. Tôi thấy mình lẩm bẩm những lời an ủi, truyền đi những hy vọng ngây ngô. Chúng nhìn tôi bất động; rồi bất ngờ những nhánh mang màu hồng dựng đứng. Vào lúc ấy tôi cảm thấy một cơn đau tái; có lẽ chúng đã nhìn thấy tôi, chúng cảm nhận được tôi cố gắng xâm nhập vào phần bất khả xâm phạm của cuộc đời chúng. Chúng không phải con người, nhưng không có loài vật nào mà tôi có thể tìm thấy một mối quan hệ sâu sắc với mình đến thế. Lũ ác-xô-lốt giống như nhân chứng cho một điều gì đó, đôi khi giống như những thẩm phán gớm ghiếc. Tôi cảm thấy thấp hèn trước chúng, có một sự thuần khiết đáng sợ trong những đôi mắt trong suốt ấy. Chúng là ấu trùng, nhưng ấu trùng nghĩa là mặt nạ và cũng là ma. Đằng sau những cái mặt Aztec không cảm xúc nhưng là những cái mặt của một sự ác độc không dứt, hiện thân nào đang nằm chờ thời?

Tôi cảm thấy sợ chúng. Tôi nghĩ nếu không vì những du khách khác và bảo vệ ở gần, tôi đã không dám ở một mình với chúng. “Cậu ăn thịt chúng bằng mắt đấy à,” người bảo vệ vừa cười vừa nói với tôi; chắc ông nghĩ tôi có chút không bình thường. Ông không nhận ra chúng mới những kẻ đang dần nuốt chửng tôi bằng mắt trong một cuộc ăn thịt đồng loại của vàng. Xa bể cá tôi không làm gì khác ngoài nghĩ về chúng, cứ như thể chúng ảnh hưởng đến tôi từ xa. Ngày nào tôi cũng đến đó, và ban đêm, tôi tưởng tượng chúng bất động trong bóng tối, từ từ vươn ra một bàn tay đột nhiên tìm thấy một bàn tay khác. Có lẽ mắt chúng có thể nhìn được giữa đêm, và đối với chúng ngày kéo dài vô tận. Mắt ác-xô-lốt không có mí.

Bây giờ tôi biết là chẳng có gì kỳ lạ, điều đó phải xảy ra. Mỗi sáng nghiêng người vào bể cá nhận thức của tôi ngày một lớn. Chúng đang đau khổ, từng thớ thịt trong tôi vươn tới nỗi đau bị bóp nghẹt ấy, sự dày vò khắc nghiệt nơi đáy nước. Chúng đang dõi theo một điều gì đó, một lãnh địa xa xưa đã bị hủy diệt, một thời kỳ tự do khi thế giới là của lũ ác-xô-lốt. Không thể có chuyện một biểu đạt, khủng khiếp đến mức vượt qua được sự vô cảm cưỡng buộc trên những cái mặt đá của chúng, lại không mang một thông điệp về nỗi đau, bằng chứng về sự lưu đày vĩnh cửu, về chốn thủy ngục mà chúng phải trải qua. Một cách vô ích tôi muốn chứng minh với bản thân rằng sự nhạy cảm của tôi đã phóng chiếu một ý thức không tồn tại lên lũ ác-xô-lốt. Tôi và chúng đều biết. Thế nên chuyện đã xảy ra chẳng có gì kỳ lạ. Mặt tôi dịn vào kính bể cá, mắt tôi một lần nữa cố gắng thâm nhập vào bí ẩn của đôi mắt vàng không mống mắt và không đồng tử. Tôi thấy rất gần mặt một con ác-xô-lốt bất động bên cạnh tấm kính. Không sự biến đổi, không ngạc nhiên, tôi thấy mặt mình dịn vào kính, thay vì con ác-xô-lốt tôi thấy mặt mình dịn vào kính, tôi thấy mặt tôi bên ngoài bể cá, tôi thấy mặt tôi ở sau tấm kính. Rồi mặt tôi quay đi và tôi hiểu.

Chỉ một điều kỳ lạ: là tiếp tục suy nghĩ như trước, là biết. Là nhận ra điều đó thoạt tiên giống nỗi kinh hoàng của kẻ bị chôn sống tỉnh dậy nhận ra số phận của mình. Bên ngoài, mặt tôi lại dí sát vào tấm kính lần nữa, tôi thấy miệng tôi, môi mím chặt cố tìm hiểu lũ ác-xô-lốt. Tôi là một con ác-xô-lốt và bây giờ tôi biết ngay là chẳng có thể hiểu được điều gì. Anh ta ở ngoài bể cá, suy nghĩ của anh ta là suy nghĩ ngoài bể cá. Biết anh ta, là chính anh ta, tôi là một con ác-xô-lốt trong thế giới của mình. Nỗi hãi hùng đến – cùng lúc đó tôi biết – từ việc tin mình là một tù nhân trong lốt một con ác-xô-lốt, bị biến hình vào nó với suy nghĩ con người, bị chôn sống trong một con ác-xô-lốt, bị đày đi tỉnh táo giữa những sinh vật vô thức. Song điều đó dừng lại khi một bàn chân sượt qua mặt tôi, khi nhích sang một bên tôi thấy một con ác-xô-lốt bên cạnh cũng đang nhìn tôi, và tôi biết nó cũng biết, không thể có sự giao tiếp nào nhưng rất rõ ràng. Hoặc là tôi cũng ở trong nó, hoặc tất cả chúng tôi đều suy nghĩ như con người, không khả năng diễn đạt, giới hạn trong ánh sáng vàng của đôi mắt nhìn vào mặt người đàn ông dịn vào bể cá.

Anh ta quay lại nhiều lần, nhưng bây giờ thì ít hơn. Đã nhiều tuần trôi qua anh ta không xuất hiện. Hôm qua tôi thấy anh ta, anh ta nhìn tôi rất lâu rồi đột ngột đi mất. Dường như anh ta không còn quan tâm nhiều đến chúng tôi nữa mà chỉ đến vì thói quen. Bởi điều duy nhất tôi làm là nghĩ, tôi có thể nghĩ rất nhiều về anh ta. Tôi chợt nghĩ rằng lúc đầu chúng tôi đã tiếp tục liên lạc, rằng anh ta cảm thấy hợp nhất với cái bí ẩn đang ám ảnh anh ta. Nhưng những cầu nối giữa tôi và anh ta đã bị cắt đứt, vì thứ từng ám ảnh anh ta giờ đây chỉ là một con ác-xô-lốt, xa lạ với thế giới con người của anh ta. Tôi nghĩ lúc đầu tôi có thể trở về với anh ta theo một cách nào đó – a, chỉ là theo một cách nào đó – và duy trì cái mong muốn tìm hiểu chúng tôi rõ hơn trong anh ta. Giờ thì tôi vĩnh viễn là một con ác-xô-lốt, và nếu tôi nghĩ như một con người thì đó chỉ là vì mỗi con ác-xô-lốt đều nghĩ như một con người bên trong hiện thân như đá màu hồng của nó. Tôi tin tất cả những chuyện này đã truyền đạt được điều gì đó với anh ta trong những ngày đầu tiên, khi tôi còn là anh ta. Và trong sự cô độc sau rốt này, nơi anh ta không còn quay lại, tôi tự an ủi bằng cách nghĩ rằng có lẽ anh ta sẽ viết về chúng tôi, rằng, nghĩ rằng mình đang tưởng tượng ra một câu chuyện, anh ta sẽ viết xuống tất cả những điều này về lũ ác-xô-lốt.

Julio Cortázar, “Axolotl,” Final del juego (Los Presentes, 1956).

Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on April 5, 2023 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: