Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Một câu chuyện Nga khác” – Roberto Bolaño

Roberto Bolaño.jpg

Roberto Bolaño (1953–2003) là nhà văn người Chilê. Truyện ngắn “Otro cuento ruso” được in trong tập Llamadas telefónicas (Barcelona: Editorial Anagrama, 1997). Nguyễn Huy Hoàng dịch từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha.

Một câu chuyện Nga khác

tặng Anselmo Sanjuán

Một lần, sau khi trò chuyện với một người bạn về bản chất kỳ lạ của nghệ thuật, Amalfitano kể một câu chuyện anh nghe được ở Barcelona. Câu chuyện nói về một cậu lính mới thuộc Sư đoàn Lam từng chiến đấu trong Thế chiến II, trên mặt trận Nga, cụ thể hơn là cùng Tập đoàn quân phương Bắc, ở một khu vực gần Novgorod.

Cậu lính mới là một chàng trai quê Sevilla, nhỏ, gầy như cây sậy và cuộc đời đưa đẩy (cậu không phải Dionisio Ridruejo, càng không phải Tomás Salvador, và cậu vẫn chào khi phải chào kiểu La Mã, nhưng chính xác không phải phát xít hay falange) mà đến Nga. Ở đó, không rõ ai khởi xướng, người ta gọi lính mới (sorche) đến đây hay lính mới làm cái này làm cái kia và từ lính mới hằn lại trong đầu cậu Sevilla, nhưng trong vùng tối của đầu cậu, và trong cái nơi rộng lớn và cô lập ấy qua thời gian và những nỗi sợ thường nhật nó biến thành quản ca (chantre). Chẳng rõ điều đó xảy ra như thế nào, cứ cho là một cơ chế thời thơ ấu được kích hoạt, một ký ức hạnh phúc đã chờ đợi cơ hội để trở về.

Vậy là cậu Andalucía bắt đầu nghĩ mình là và có trách nhiệm của một quản ca dù trong ý thức không hề biết ý nghĩa của từ này là người quản lý ca đoàn trong một số nhà thờ. Nhưng bằng cách nào đó, và điều này rất đáng chú ý, bằng cách nghĩ mình là quản ca cậu đã trở thành quản ca. Trong Giáng sinh khủng khiếp năm ’41 cậu phụ trách ca đoàn hát lễ ca trong khi người Nga dần Sư đoàn 250. Trong ký ức cậu những ngày ấy chỉ toàn tiếng ồn (những tiếng khô khốc, liên tục) và một niềm vui âm thầm và đôi chút sao nhãng. Họ hát, nhưng như thể giọng hát đến sau hoặc thậm chí trước cả đôi môi, cổ họng, đôi mắt, thường rơi vào một dạng kẽ nứt trong câm lặng, trong một hành trình ngắn ngủi nhưng khác lạ.

Còn đâu, cậu Sevilla cư xử dũng cảm, với sự nhẫn nhục, mặc dù tính khí cậu cộc cằn theo thời gian.

Cậu nhanh chóng ghi thành tích đổ máu. Một buổi chiều, bất cẩn, cậu bị thương và trong hai tuần cậu ở Bệnh viện Quân đội ở Riga dưới sự chăm sóc của những y tá khỏe mạnh hay cười làm việc cho Reich, những người không tin vào màu mắt cậu và một số y tá tình nguyện cực xấu người Tây Ban Nha, có lẽ là chị em, chị em dâu hay chị em họ của José Antonio.

Khi được ra viện một điều xảy ra đã đem đến những hệ quả nghiêm trọng cho cậu Sevilla: thay vì nhận được vé về đúng điểm đến cậu nhận được vé đến doanh trại của một tiểu đoàn SS cách sư đoàn cậu khoảng ba trăm cây số. Ở đó, xung quanh toàn người Đức, Áo, Latvia, Litva, Dane, Na Uy, và Thụy Điển, tất cả đều cao và khỏe hơn cậu nhiều, cậu cố gắng giải thích sự nhầm lẫn bằng thứ tiếng Đức sơ cấp của cậu, nhưng SS gạt đi và trong khi vấn đề chờ được giải quyết họ giao cho cậu một cây chổi để quét trại và một xô nước và giẻ để lau căn nhà lớn hình chữ nhật bằng gỗ nơi họ giam giữ, thẩm vấn, và tra tấn mọi loại tù nhân.

Không hoàn toàn cam chịu, nhưng thực hiện nhiệm vụ mới một cách tận tâm, cậu Sevilla nhìn thời gian trôi qua từ doanh trại mới, ăn nhiều hơn trước và không phải đối mặt với những mối nguy hiểm mới, do tiểu đoàn SS đóng ở hậu phương, chiến đấu với những kẻ họ gọi là thổ phỉ. Sau đó, trong vùng tối của đầu cậu từ lính mới trở nên rõ ràng trở lại. Mình là lính mới, cậu nói, một tân binh vô kinh nghiệm và mình phải chấp nhận số phận. Từ quản ca, dần dần, biến mất, dù một số buổi chiều, dưới bầu trời vô tận đem lại cho cậu nỗi nhớ Sevilla, nó vẫn vọng lên ở đâu đó, rồi biến mất vào hư không. Một lần nghe mấy người lính Đức hát cậu nhớ lại từ đó, một lần nghe một đứa bé hát sau những bụi cây cậu lại nhớ lại từ đó, lần này rõ hơn, nhưng khi cậu vòng qua phía bên kia bụi cây đứa bé đã đi.

Một ngày điều gì phải đến đã đến. Những trại lính của tiểu đoàn SS bị, theo một số người, một trung đoàn kỵ binh Nga, theo những người khác, một nhóm du kích, tấn công và chiếm đóng. Cuộc chiến ngắn ngủi và lập tức bất lợi cho người Đức. Sau một giờ người Nga tìm thấy cậu đang trốn trong căn nhà hình chữ nhật, mặc đồng phục phụ tá SS và xung quanh là những điều ô nhục được thực hiện ở đây cách đây chưa lâu. Như người ta nói, bắt quả tang. Cậu bị buộc vào một chiếc ghế SS dùng để thẩm vấn, một trong những chiếc ghế có xích ở chân và tay vịn và mọi câu người Nga hỏi cậu chỉ trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha rằng cậu không hiểu và cậu ở đây chỉ là theo lệnh. Cậu cũng cố nói bằng tiếng Đức, nhưng cậu chỉ biết bốn chữ và đám người Nga thì không. Sau đó, sau một tràng tát và đá nhanh gọn, họ đi tìm một gã biết tiếng Đức đang tham gia thẩm vấn tù nhân ở những buồng khác trong căn nhà hình chữ nhật. Trước khi họ quay lại cậu Sevilla nghe tiếng súng nổ, biết họ đang giết một số lính SS và chấm dứt hy vọng có thể lành lặn mà rời khỏi đây; tuy nhiên, khi tiếng súng chấm dứt cậu lại bám vào sự sống với mọi sức lực. Gã biết tiếng Đức hỏi cậu làm gì ở đây, vai trò và cấp bậc của cậu là gì. Cậu Sevilla, bằng tiếng Đức, cố giải thích, nhưng vô ích. Sau đó đám lính Nga mở miệng cậu ra và với cái kìm lính Đức vẫn dùng cho những bộ phận khác của cơ thể họ bắt đầu kéo và kẹp lưỡi cậu. Cơn đau cậu cảm thấy khiến cậu chảy nước mắt và nói, hay đúng hơn là thét, coño (l*n). Với cái kìm trong miệng cơn bộc phát bằng tiếng Tây Ban Nha bị méo và phát ra thành tiếng rít kunst.

Gã người Nga biết tiếng Đức trông bối rối. Cậu Sevilla thét kunst, kunst, và khóc lóc trong đau đớn. Chữ kunst, trong tiếng Đức, nghĩa là nghệ thuật và gã lính song ngữ hiểu điều này và nói thằng này là nghệ sĩ gì đó. Những gã đang tra tấn cậu Sevilla rút chiếc kìm ra kèm theo một mẩu lưỡi và chờ đợi, trong giây lát ngây người ra với khám phá đó. Cái từ nghệ thuật. Thứ làm dịu con thú hoang dã. Và như vậy, như con thú được thuần hóa, đám lính Nga dừng lại nghỉ và chờ đợi một dấu hiệu nào đó trong khi cậu lính mới miệng chảy máu và nuốt lại với lượng lớn nước bọt và ọe. Chữ coño, biến thành kunst, đã cứu sống cậu. Khi cậu rời khỏi căn nhà hình chữ nhật mặt trời đang lặn nhưng vẫn làm đau đôi mắt cậu như thể đang là giữa trưa.

Cậu được đưa đi cùng với số tù nhân ít ỏi còn lại và chẳng bao lâu một người Nga khác biết tiếng Tây Ban Nha có thể nghe được câu chuyện của cậu và cậu Sevilla cuối cùng đến một trại tù ở Siberia trong khi những người bạn tình cờ của cậu trong hành trình bất công bị đặt dưới lưỡi gươm. Cậu ở lại Seberia cho đến ngoài năm mươi. Năm 1957 cậu định cư ở Barcelona. Đôi lúc cậu há miệng và hài hước kể những câu chuyện chiến tranh của mình. Lúc khác cậu há miệng và chỉ cho bất cứ ai muốn thấy mẩu lưỡi đã mất của cậu. Nó gần như không nhận ra được. Cậu Sevilla, khi họ nói vậy, giải thích rằng mẩu lưỡi trong những năm qua đã mọc trở lại. Amalfitano không quen biết cậu, nhưng khi họ kể câu chuyện này cậu Sevilla vẫn sống trong một căn nhà quản gia ở Barcelona. 

Copyright © 1997 by Roberto Bolaño | Bản dịch © 2016 Nguyễn Huy Hoàng.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on April 8, 2016 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: