Viet Thanh Nguyen, phó giáo sư ngành nghiên cứu Anh Mỹ và dân tộc học tại Đại học Nam California, là tác giả của Race and Resistance: Literature and Politics in Asian America (OUP, 2002), The Sympathizer (Grove/Atlantic, 2015), cuốn tiểu thuyết mang lại cho ông giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 2016, và Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War (HUP, 2016).
Dưới đây là bài phỏng vấn ông của Terry Gross trên đài NPR, “Author Viet Thanh Nguyen Discusses The Sympathizer And His Escape From Vietnam,” May 17, 2016.
***
TERRY GROSS: Đây là Fresh Air. Tôi là Terry Gross. Khách mời của tôi là người giành giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu của năm nay, Viet Thanh Nguyen. Cuốn tiểu thuyết The Sympathizer của anh có bối cảnh trong và ngay sau cuộc chiến ở Việt Nam và được kể dưới hình thức một lời thú nhận cưỡng ép của một điệp viên Bắc Việt làm việc dưới vỏ bọc thư ký cho một vị tướng miền Nam. Có vẻ như một phần của tội ác của anh ta là cảm thông với những đau khổ của cả hai bên. Sự cảm thông ấy phần nào là một chức năng của bản ngã bị phân chia của anh ta. Mẹ nhân vật lớn lên ở Bắc Việt. Cha anh ta là thực dân Pháp ở Việt Nam. Khách mời của tôi đã kể một phần câu chuyện của ông trong tiểu luận ở cuối sách. Cha mẹ Viet Thanh Nguyen lớn lên ở miền Bắc Việt Nam khi đất nước bị chia cắt giữa những năm 1950. Với miền Bắc nằm dưới sự kiểm soát của cộng sản, cha mẹ anh di tản vào miền Nam. Khi miền Nam sụp đổ trước miền Bắc năm 1975, gia đình anh di tản sang Mỹ. Khi đó Viet Nguyen mới 4 tuổi. Hiện anh là một giáo sư ngành Nghiên cứu Anh Mỹ và Dân tộc học tại Đại học Nam California.
Viet Thanh Nguyen, chào mừng tới Fresh Air. Tại sao anh muốn viết cuốn tiểu thuyết này từ góc nhìn của một điệp viên?
VIET NGUYEN: Khi trợ lý bảo tôi rằng tôi nên viết một cuốn tiểu thuyết, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là một cuốn tiểu thuyết gián điệp và phần nào là do nó là thể loại tôi thực sự thích và tôi muốn viết một cuốn tiểu thuyết thực sự mang tính giải trí, một cuốn mà mọi người sẽ thích đọc bởi tôi biết mình cũng phải làm việc với rất nhiều vấn đề chính trị và văn học nghiêm túc. Một nguồn cảm hứng khác là thực ra từng có những điệp viên ở Nam Việt đã leo lên đến hàng ngũ cao nhất của cơ quan hành chính và quân sự của Việt Nam Cộng Hòa.
Rồi còn có một điệp viên rất nổi tiếng tên Phạm Xuân Ẩn, ông quan trọng đến nỗi trong suốt thời gian làm điệp viên ông đã được thăng đến hàm thiếu tướng Bắc Việt. Ông còn là bạn của những người như David Halberstam và mọi nhà báo quan trọng của Hoa Kỳ. Họ không hề biết ông là một điệp viên cộng sản học tập ở Mỹ. Tất cả những yếu tố ấy hiện hữu trong tôi.
TERRY GROSS: Cuộc chiến ở Việt Nam là trung tâm của toàn bộ câu chuyện gia đình anh. Cha mẹ anh có gốc Bắc và di tản vào Nam giữa những năm 1950 khi đất nước bị chia cắt. Khi đó họ mới ở tuổi thiếu niên. Tại sao họ chọn rời miền Bắc vào Nam?
VIET NGUYEN: Họ là một phần của cuộc di cư lớn gồm khoảng 800.000 người Công giáo miền Bắc tin theo những linh mục giáo xứ của mình rằng cộng sản sẽ tàn sát hoặc chí ít là bức hại họ. Ý tưởng ấy được truyền bá bởi CIA, bởi Đại tá Edward Lansdale, người trở nên nổi tiếng với việc giúp Philippines ngăn chặn một cuộc nổi dậy của cộng sản trong những năm 1950 và sau đó ông đã mang tài năng của mình đến Nam Việt. Ông ấy đã trở thành nguồn cảm hứng—người ta đồn như thế—cho nhân vật Alden Pyle trong cuốn Người Mỹ trầm lặng của Graham Greene. Đó là lịch sử đằng sau lý do cha mẹ tôi quyết định trốn chạy. Và họ đến từ một vùng đất ở miền Bắc vốn nổi tiếng là nơi sản sinh những nhà cách mạng cứng rắn như Hồ Chí Minh, người sinh ra cách ngôi làng của cha mẹ tôi 30 phút lái xe. Đó cũng là nơi nổi tiếng với việc sản sinh ra những người Công giáo cứng rắn, và cha mẹ tôi nằm trong số những người Công giáo cứng rắn ấy.
TERRY GROSS: Cha mẹ anh mới ở tuổi thiếu niên khi họ rời Bắc vào Nam. Gia đình họ có đi cùng?
VIET NGUYEN: Gia đình mẹ tôi có đi, tất cả cô dì và ông bà bên ngoại của tôi đều đi. Cha mẹ và anh chị của cha tôi thì quyết định ở lại miền Bắc. Hệ quả của điều này là cha mẹ tôi đã rời miền Bắc để vào Nam năm 1954. Cha mẹ tôi không trở lại nước Việt Nam thống nhất cho đến đầu những năm 1990, có nghĩa là cha tôi đã không gặp gỡ người thân trong 40 năm. Mẹ tôi, vì gia đình đã vào Nam và bà rời đi năm 1975 khi Sài Gòn sụp đổ, bà đã không gặp anh chị em của mình trong 20 năm.
TERRY GROSS: Gia đình của cha anh, những người ở lại miền Bắc, họ có bị bức hại như những gì mà các linh mục của họ đã nói với họ?
VIET NGUYEN: Họ không phải chịu tàn sát hay bất cứ điều gì như thế, nhưng chắc chắn họ đã sống một cuộc sống ở bên lề xã hội. Những người Công giáo ở lại miền Bắc là đối tượng nghi ngờ của chế độ cộng sản, một chế độ thực sự cứng rắn, rất hoang tưởng về bất cứ hình thức lật đổ nào và họ nghĩ người Công giáo sẽ là một dạng lực lượng lật đổ chống cộng, và điều đó đồng nghĩa với việc cơ hội làm ăn kinh tế của họ thực sự bị hạn chế. Khi tôi về thăm khoảng năm 2004, tất cả chú bác của tôi vẫn sống ở những khu nhà ông nội tôi xây và họ duy trì cuộc sống trong những năm 1970 và 80, đầu 90 bằng tiền cha mẹ tôi gửi về dưới dạng kiều hối. Tôi nghĩ chắc chắn họ có cảm thấy—ngay cả khi không bị sát hại—bị phân biệt đối xử dưới chế độ cộng sản.
TERRY GROSS: Năm 1975, khi Sài Gòn sụp đổ và thị trấn của cha mẹ anh bị Bắc Việt chiếm đóng, gia đình anh rời đi. Bao gồm anh, cha mẹ và anh trai anh?
VIET NGUYEN: Vâng, câu chuyện là tháng 3 năm 1975, cha tôi đến Sài Gòn làm ăn còn mẹ tôi ở nhà ở Buôn Ma Thuột với tôi, anh trai và chị nuôi của tôi, chị cả. Tháng 3 năm 1975 quân đội cộng sản tiến vào, chiếm đóng thị trấn, cắt đứt mọi liên lạc. Mẹ tôi không liên lạc được với cha tôi, nên bà mạo hiểm cuộc sống của chúng tôi và quyết định trốn khỏi thị trấn bằng đường bộ với anh trai tôi, 10 tuổi, và tôi, 4, để chị nuôi của tôi, khoảng 16, ở lại trông nom gia sản bởi bà tin—và có lý do để tin—chúng tôi sẽ trở lại bởi vì đó là cách cuộc chiến đã diễn ra trong 10–15 năm qua. Những trận chiến nổ ra rồi người ta sẽ đi và sẽ trở lại.
Dĩ nhiên chúng tôi đã không bao giờ quay lại. Mẹ tôi đi bộ xuống Nha Trang, thành phố cảng cách nhà khoảng 250 km về phía Nam. Điều tốt nhất tôi có thể nói là ít nhất đường cũng toàn xuống dốc và tôi không nhớ bất kỳ điều gì về hành trình dù anh trai tôi có nhớ và nói nó thật kinh khủng. Những tài liệu lịch sử mà tôi đã đọc mô tả nó là hỗn loạn và chết chóc và rất nhiều dân thường và binh sĩ Nam Việt đã chết dọc đường. Chúng tôi bắt thuyền từ Nha Trang vào Sài Gòn, gặp lại cha tôi, rất may mắn.
Rồi một tháng sau, cộng sản đến và chiếm Sài Gòn. Theo anh tôi, chúng tôi đã thử nhiều cách để ra khỏi thành phố—đến sân bay, không thể thoát được. Cuối cùng, chúng tôi lên được—chúng tôi tìm thấy một chiếc xà lan, nhưng bị tách nhóm. Một lần nữa cha tôi biến mất. Còn mẹ với chúng tôi. Không biết cha tôi ở đâu, mẹ tôi vẫn quyết định lên tàu. Sau này chúng tôi phát hiện ra cha tôi cũng lên được chiếc tàu ấy. Cha mẹ tôi luôn là người chấp nhận mạo hiểm. Và đối với chúng tôi, trong phần lớn thời gian, nó đều có hiệu quả.
TERRY GROSS: Phần lớn mọi người hình thành những ký ức đầu tiên khoảng năm 4 tuổi—3 hoặc 4, tôi nghĩ thế. Những ký ức đầu tiên của anh có liên quan tới chiến tranh, cố gắng trốn thoát, và tách biệt với cha mình. Anh nghĩ điều đó có ảnh hưởng như thế nào đối với quan điểm của mình về thế giới hoặc về bản sắc của mình?
VIET NGUYEN: Tôi có những hình ảnh mơ hồ về Sài Gòn trước 1975, những hành ảnh không đáng tin cậy. Ví dụ, tôi nghĩ mình nhớ rằng khi chúng tôi ở trên tàu rời Sài Gòn, thủy thủ đã bắn những con thuyền đánh cá nhỏ hơn đang cố gắng tiếp cận chúng tôi. Anh trai tôi bảo, không, chuyện đó chưa bao giờ diễn ra. Nhưng rồi tôi đọc ở đâu đó rằng điều đó đã diễn ra. Nhưng những ký ức đáng tin cậy nhất của tôi thực sự bắt đầu sau khi chúng tôi tới Mỹ và chúng tôi—mọi người Việt Nam tị nạn, để đến được Hoa Kỳ, được sắp xếp trong các trại tị nạn.
Của chúng tôi là Fort Indiantown Gap, Pennsylvania. Và để rời khỏi một trong những trại này, phải có người bảo trợ. Không người bảo trợ nào nhận gia đình bốn người chúng tôi. Do vậy anh trai tôi đi cùng một gia đình, cha mẹ tôi đi cùng một gia đình và lúc mới 4 tuổi, tôi được gửi tới sống cùng một gia đình da trắng. Đó là khi ký ức của tôi bắt đầu—ký ức về việc bị tách khỏi cha mẹ. Và dù chỉ diễn ra trong một vài tháng, điều đó thực sự đau buồn đối với tôi.
Mất một thời gian dài tôi mới hiểu được điều đó đau buồn sâu sắc như thế nào, trải nghiệm ấy vẫn còn như một con dấu vô hình đóng giữa hai bả vai tôi. Và phần nào đó, tôi đã—tôi đã dành cả cuộc đời để cố gắng hiểu chấn thương ấy có ý nghĩa với mình ra sao.
TERRY GROSS: Gia đình đã—gia đình mà anh ở cùng có chăm sóc tốt cho anh không?
VIET NGUYEN: Tôi nghĩ mình ở cùng hai gia đình, nếu nhớ chính xác. Và tôi nghĩ gia đình đầu tiên ở trong một ngôi nhà di động. Họ còn trẻ. Họ không biết phải làm gì với tôi. Giờ đã là cha của một đứa trẻ 3 tuổi, tôi có thể tưởng tượng mình kinh khủng như thế nào khi mới 4 tuổi đã bị tách bố mẹ và ở một ngôi nhà xa lạ. Rồi tôi được gửi tới một gia đình khác có trẻ con. Họ chăm sóc tôi rất tốt. Tôi vẫn nhớ họ, một cách trìu mến. Tôi cũng nhớ họ đã cố gắng dỗ dành tôi.
Một trong những cách họ làm điều đó là cho tôi một đôi đũa. Họ cũng có đũa. Và họ nói, chỉ cho tôi cách dùng đũa. Mới 4 tuổi, tôi không biết dùng đũa như thế nào. Tôi cảm thấy rất tệ vì điều đó. Và tôi nghĩ đó là khởi đầu của tôi về ý thức về sự khác biệt về văn hóa và chủng tộc với những người Mỹ khác.
TERRY GROSS: Chuyện gì đã diễn ra với người chị nuôi 16 tuổi bị bỏ lại đằng sau?
VIET NGUYEN: Chị ấy phải chăm sóc căn nhà, đảm đương việc làm ăn của gia đình. Và khi những người cộng sản đã ở đó, về cơ bản những gì họ làm là tịch thu tài sản, đuổi chị đi. Chị bị buộc tham gia một đội thanh niên tình nguyện. Họ được gọi là tình nguyện viên—hiển nhiên không phải tình nguyện—và được gửi đi tái thiết đất nước. Rồi cuối cùng, chị trở về. Chị tìm được một tấm chồng, làm đám cưới, sinh con.
Khi trở lại Việt Nam năm 2004, lần thứ hai, cuối cùng tôi cũng gặp được chị. Và chị luôn hiện diện trong cuộc đời tôi bởi tôi nhớ chúng tôi có một tấm ảnh chụp chị năm chị 16—ảnh đen trắng. Chị rất xinh. Khi lớn lên, tôi luôn bị ám ảnh bởi gương mặt ấy, gương mặt chị, và nghĩ, tại sao chị lại ở đó mà không phải ở đây? Tôi không có ký ức về chị, nhưng ký ức về chị rõ ràng luôn tồn tại trong gia đình.
Cảm giác mất mát và ám ảnh ấy luôn ở trong tôi. Và tôi biết chị là một trong những người mà cha mẹ tôi đã gửi tiền trong hàng thập niên để giúp chị duy trì cuộc sống. Gia đình tôi, cha mẹ tôi rất, rất nghiêm khắc, rất chịu khó, rất ngay thẳng. Rồi tôi về Việt Nam, và tôi gặp chị. Chị vẫn đẹp, và mặc quần áo thời trang.
Chị trang điểm, tóc tai gọn gàng. Chị cười và mỉm cười rất nhiều. Và tôi rất hạnh phúc khi thấy một người trong gia đình mình biết cách tận hưởng niềm vui.
TERRY GROSS: (Cười) Thật thú vị, thật sự, người chị bị bỏ lại cuối cuộc chiến, đối mặt với một kiểu tận thế không ai biết, chị ấy lại là người biết làm thế nào để tìm niềm vui.
VIET NGUYEN: Vâng, tôi nghĩ đó là một trong những lý do cha mẹ tôi nghĩ chị ấy là con nuôi còn anh trai tôi và tôi thì không bởi vì chúng tôi không giỏi việc vui vẻ cho lắm.
TERRY GROSS: (Cười) Anh mới 4 tuổi khi họ đến Hoa Kỳ. Vậy sau khoảng 3 năm, gia đình anh chuyển từ Pennsylvania tới San Jose. Tại sao lại có một cộng đồng lớn người Việt ở đây?
VIET NGUYEN: Có một cộng đồng lớn người Việt ở San Jose do khí hậu ở đây rất tốt, do một trong những trại tị nạn cho người Việt tái định cư nằm ở Camp Pendleton ở San Diego. Do vậy có một số lượng đáng kể người Việt ở California. Họ di cư đến nhiều thành phố khác nhau.
Rồi điều đã diễn ra là—thông qua các mối quan hệ cá nhân, họ bắt đầu gửi thông điệp California là một nơi đáng sống. Khí hậu phù hợp. Kinh tế ổn định. Có những lợi ích phúc lợi tuyệt vời. Và người Việt Nam đã được đặt rải rác trên đất nước bởi chính sách có chủ đích của chính phủ nhằm khuyến khích sự đồng hóa—nhiều người đã nhận được thông điệp và đến California và những nơi tương tự, như Texas. Đó là cách chúng tôi ổn định cuộc sống—đó là một trong những lý do chúng tôi ổn định cuộc sống ở San Jose.
Mối quan hệ cá nhân là khi rời khỏi Buôn Ma Thuột, chúng tôi đi cùng một người bạn rất tốt của mẹ tôi—một phụ nữ độc thân làm ăn xuất sắc. Cô ấy đến được San Jose. Cô mở cửa hàng tạp hóa có lẽ là đầu tiên của người Việt ở đó. Cô bảo mẹ tôi nhất định phải đến San Jose để có cơ hội làm ăn tốt hơn. Đó là lý do chúng tôi đi. Và chúng tôi đã đến đó. Chúng tôi làm việc trong cửa hàng của cô ấy. Và trong ít tháng hoặc có lẽ một năm, chúng tôi—cha mẹ tôi mở được cửa hàng tạp hóa của họ cách đó không xa.
TERRY GROSS: Có thứ gì cha mẹ anh bán ở cửa hàng tạp hóa mà không mua được ở siêu thị?
VIET NGUYEN: Gạo. Tôi nhớ chúng tôi đã—cha tôi đã dựng những chiếc kệ và giá đỡ chất đầy gạo cao tới tận xà nhà. Tôi vẫn nhớ những lần đến đó sau giờ học và trốn trên xà nhà giữa những bao gạo và những loại trái cây Việt Nam và những thứ như nước mắm, huyết mạch của ẩm thực Việt. Rồi còn có những loại mùi nhất định ở cửa hàng bách hóa của người Việt mà tôi bắt đầu nhận ra, đó là mùi gạo và hoa quả và những loại gia vị mà ta không thể tìm được ở nơi nào khác—một dạng mùi mốc mà tôi cho là có thể xa lạ với người Mỹ nhưng với người Việt là mùi của sự an ủi.
TERRY GROSS: Gia đình anh đã trốn khỏi miền Nam Việt Nam để tránh bạo lực hay bức hại. Anh viết rằng sự bạo lực mà họ tìm cách trốn khỏi đã bắt kịp họ bởi vì khi họ—sau khi họ mở cửa hàng bách hóa người Việt, họ bị bắn trong một lần cửa hàng bị cướp đêm Giáng sinh. Chuyện gì đã xảy ra?
VIET NGUYEN: Tôi không biết. Tôi còn rất nhỏ khi chuyện ấy diễn ra. Và có lẽ tôi còn chưa đến 10 tuổi bởi tôi nhớ mình đang—đó là đêm Giáng sinh. Tôi đang xem Scooby-Doo! Christmas. Anh trai gọi cho tôi—bảo tôi, này, bố mẹ bị bắn. Tôi không phản ứng gì. Tôi chỉ muốn xem hoạt hình. Không phải tôi không quan tâm. Tôi chỉ—tôi không biết phải làm gì với sự cố ấy. Rồi tôi nhớ anh tôi hét lên với tôi vì tôi không phản ứng gì.
Thật sự khó khăn khi phải cố gắng hiểu điều gì đang diễn ra với cha mẹ và với anh trai và với chính tôi ở đó—rằng đã có bạo lực. Đó là bạo lực một phần vì cha mẹ tôi là người bán hàng, và đó là điều vẫn diễn ra với những người bán hàng nhập cư. Họ bị cướp. Họ bị đánh. Họ bị bắn mọi lúc.
Nhưng tôi nghĩ cũng đúng là nhiều người miền Nam—nhiều người Việt Nam tị nạn sang Mỹ cũng mang bạo lực theo mình. Có rất nhiều bạo lực trong nước, rất nhiều sự xâm hại trong nước. Người ta bị chấn động. Họ bị tổn thương. Họ sợ hãi. Những người đàn ông phải đối mặt với sự xuống cấp xã hội và sự xa lánh. Và dĩ nhiên, họ đổ nó lên gia đình mình—vợ con mình. Và những đứa trẻ ấy, nhiều đứa đã tham gia những băng đảng. Tôi từng ở trong một cái gọi là băng đảng khi học lớp hai. Ý tôi là nó không thực sự là băng đảng, rồi tôi lên đến trường trung học công lập. Có những học sinh Việt ở đó. Và lập tức, chúng tôi chia thành những băng nhóm đánh nhau.
Và điều đó đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều của thanh niên Việt và những cậu nhóc người Mỹ gốc Việt nhỏ tuổi hơn, tạo nên những băng đảng thực sự có súng và khủng bố cộng đồng người Việt bằng một hiện tượng mới—gọi là xâm nhập nhà cửa. Và chúng biết—chúng làm như thế là bởi chúng biết những gia đình ấy trữ vàng ở nhà và họ rất dễ bị tổn hại. Cha mẹ tôi luôn bảo tôi canh chừng người Việt. Đừng cho họ vào nhà bởi vì họ có thể cướp chúng ta.
Và thật trớ trêu, một hôm có người gõ cửa nhà tôi khi tôi 16. Anh ta không phải người Việt. Anh ta là người da trắng. Và bởi vì anh ta là người da trắng, cha hoặc mẹ tôi—tôi nghĩ là cha tôi—cho anh ta vào. Anh ta có súng. Rồi anh ta chĩa nó—chĩa khẩu súng đó vào mặt chúng tôi. Vì mẹ tôi chạy ra đường la hét mà mạng sống của chúng tôi mới được cứu.
TERRY GROSS: Có vẻ thật bi kịch khi anh có cộng đồng người Việt như thế, những người có rất nhiều điểm chung. Họ rời khỏi đất nước vì cùng một lý do. Họ sống cùng nhau trong một cộng đồng để—một phần, để tránh sự thù địch mà họ có thể gặp phải trong nền văn hóa Mỹ lớn hơn. Rồi họ làm tổn thương nhau.
VIET NGUYEN: Đó là một cuộc chiến cách mạng. Nó là một cuộc nội chiến, tùy theo cách ta nhìn vào nó. Và điều đó có nghĩa là người Việt vốn đã làm tổn thương nhau ở Việt Nam. Từ lâu họ đã có truyền thống …
TERRY GROSS: Ý hay (cười).
VIET NGUYEN: …làm điều đó trước cả khi…
TERRY GROSS: Phải (cười).
VIET NGUYEN: …(cười) trước cả khi người Pháp đến.
TERRY GROSS: Phải.
VIET NGUYEN: Đó là một xã hội phong kiến thứ bậc. Người Việt vốn đã lợi dụng nhau. Điều đó trở nên trầm trọng hơn bởi chủ nghĩa thực dân và sự chiếm đóng—hoặc can thiệp—của Hoa Kỳ, bất kể ta mô tả nó như thế nào. Và do đó, vừa trớ trêu vừa không khi đến Hoa Kỳ, họ sẽ làm chính điều đó với nhau bởi vì ở Việt Nam trong những năm chiến tranh, để tồn tại ở Việt Nam, người ta phải lợi dụng lẫn nhau.
Đó [Việt Nam Cộng Hòa] là một đất nước bị tha hóa trước viện trợ của Mỹ, và họ đã mang những thói quen tham nhũng và cạnh tranh tàn bạo với nhau ấy đến Hoa Kỳ. Họ mang cả những ký ức về người Việt sát hại người Việt đến Hoa Kỳ. Và tôi chắc chắn điều đó đã ảnh hưởng đến họ và con cái họ và tạo điều kiện cho bạo lực và bạo tàn lẫn nhau trong cộng đồng này—trong chính cộng đồng, như chị nói, được tạo ra để bảo vệ lẫn nhau.
Nhưng đó là một trong những thực tế cơ bản của các cộng đồng dân tộc tại Hoa Kỳ. Họ tập hợp lại với nhau vì sự thoải mái, nhưng những người quen biết nhau rất rõ và yêu thương nhau rất nhiều cũng biết đâu là điểm yếu.
TERRY GROSS: Tôi muốn trở lại lúc cha mẹ anh bị bắn khi anh lên 10. Anh đang xem Scooby-Doo! Christmas và ban đầu gần như không quan tâm đến điều đó. Anh chỉ muốn xem hoạt hình. Tôi hiểu anh mới 10 tuổi, nhưng từ đó đến nay nhiều năm đã trôi qua. Anh chưa bao giờ hỏi cha mẹ kể lại chuyện gì đã xảy ra?
VIET NGUYEN: Vâng. Tôi có hỏi cha mẹ mình một số câu hỏi nhất định mà tôi cho là quan trọng, về cuộc đời họ nói chung. Rồi có một số điều nhất định mà tôi—tôi không biết mình có truyền đạt với họ một cách dứt khoát hay không. Tôi chỉ—tại sao? Sao phải mở lại những vết thương cũ? Tôi nghĩ đó là thái độ của cha mẹ tôi đối với nhiều vấn đề.
Và tôi nghĩ lại sự cố đặc biệt này. Và tôi như—chị biết đấy, họ bị bắn. Và họ không bị bắn quá nặng. Họ được ra viện vào hôm sau. Nhưng tôi có thực sự muốn đến đó không? Tôi có thực sự muốn nói về sự cố ấy không? Với tôi nó là biết điều gì đó, nhưng với họ nó có thể là sự che chở và bảo vệ.
Điều tôi biết nói chung là cuộc sống của họ với nghề bán hàng thực sự khó khăn. Họ phải làm việc bảy ngày một tuần, mọi ngày trong năm trừ Giáng sinh, Năm mới, và Phục sinh. Và họ làm việc 12 đến 14 tiếng một ngày. Họ làm việc ở cửa hàng. Rồi họ sẽ về nhà. Họ sẽ nấu bữa tối hoặc gần như không nấu. Họ—bữa tối là một trải nghiệm thực sự tồi tệ. Rồi tôi sẽ giúp họ kiểm tra và sắp xếp sổ sách. Và đến năm lên 10 hay 11, tôi giúp làm kế toán.
Đó là một cuộc sống khó khăn. Và tôi đồng cảm với ý tưởng rằng có lẽ chúng ta không nên yêu cầu cha mẹ mình phải sống lại những điều khó khăn mà họ đã vượt qua.
TERRY GROSS: Sau đó anh có sợ ở cửa hàng không?
VIET NGUYEN: Tôi ghét cửa hàng. Tôi biết ơn cha mẹ mình vì họ không thuộc dạng—ý tôi là, họ cho tôi làm một số thứ nhất định, như kế toán các thứ. Nhưng họ hiếm khi cần tôi đi đến cửa hàng để làm việc. Tôi không thích ở đó.
Tôi nghĩ họ không bảo tôi làm những thứ ấy bởi vì họ muốn tôi học hành. Họ đã hy sinh cuộc đời mình để anh em tôi có cơm ăn, có áo mặc và luôn được học hành—và có một tôn giáo. Đó là những ưu tiên của họ. Nhưng họ không muốn chúng tôi trở thành người bán hàng và làm những công việc như họ. Nên thật may mắn, chúng tôi đã được bảo vệ khỏi điều đó.
TERRY GROSS: Anh có nhớ khi nào mình bắt đầu nhận ra có một sự xung đột lớn ở Mỹ về cuộc chiến ở Việt Nam và cuộc chiến ấy đã thực sự chia cắt nước Mỹ?
VIET NGUYEN: Tôi biết chúng tôi là những người Việt khác nhau từ rất sớm. Và ít lâu sau khi tôi tới—chúng tôi tới San Jose, California—cha mẹ tôi mở cửa hàng tạp hóa. Tôi đi trên phố, và tôi thấy một biển hiệu ở cửa sổ viết rằng thêm một công việc kinh doanh của người Mỹ đã bị người Việt chiếm mất. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi rằng, bằng cách nào đó, chúng tôi đã đến một nơi mà người ta nhìn chúng tôi với con mắt khác nhau. Không lâu sau đó, máy ghi hình lên màn ảnh. Lúc đó tôi khoảng 10 tuổi. Chúng tôi có một máy ghi hình.
Một trong những bộ phim đầu tiên mà tôi nhớ mình đã xem là Apocalypse Now. Có lẽ tôi khoảng 10 tuổi. Và tôi nghĩ đó là dấu hiệu đầu tiên rằng tôi có một thứ gì đó được gọi là cuộc chiến này và đây là cách người Mỹ nhìn nhận cuộc chiến này như một cuộc chiến đã chia rẽ họ. Và đó là ý nghĩ mơ hồ đầu tiên của tôi rằng đã có một thứ gì đó như một cuộc nội chiến đang diễn ra trong linh hồn Mỹ và người Việt chúng tôi đã bị cuốn vào trong đó bởi vì tôi đã xem bộ phim ấy như một cậu bé tốt bụng người Mỹ từng xem một số bộ phim chiến tranh của Mỹ—John Wayne trong Thế chiến II.
Và tôi đã cổ vũ cho lính Mỹ cho đến khoảnh khắc trong Apocalypse Now khi họ bắt đầu sát hại người Việt. Đó là khoảnh khắc bất khả đối với tôi bởi tôi không biết mình nên đứng về phía ai, người Mỹ đang tiến hành giết chóc hay người Việt đang chết dần và không thể cất tiếng nói?
Khoảnh khắc ấy chưa bao giờ rời bỏ tôi như một khoảnh khắc mang tính biểu tượng về các hiểu của tôi rằng đây là nơi của chúng tôi trong một cuộc chiến của Mỹ, rằng Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến của Mỹ nhìn từ quan điểm của Mỹ và cuối cùng sẽ tôi phải làm gì đó về điều đó.
TERRY GROSS: Anh đã phần nào giải quyết điều đó trong cuốn tiểu thuyết mới của mình bởi vì nhân vật chính, điệp viên, sau khi Sài Gòn sụp đổ anh ta đến Mỹ, cuối cùng trở thành cố vấn về một bộ phim có nhan đề The Hamlet, rất giống Apocalypse Now. Nó như phiên bản Apocalypse Now hư cấu của anh. Và trong lời cảm ơn của cuốn sách, anh đề cập đến nhiều cuốn sách và bộ phim mà anh đã đọc và xem có liên quan tới Apocalypse Now. Điệp viên của anh giống như cố vấn về bộ phim này. Anh ta được kỳ vọng điều gì?
VIET NGUYEN: Anh ta là cố vấn bộ phim này, mà chắc chắn, như chị biết, ám chỉ rõ Apocalypse Now. Nhưng thực ra nó là tổng hợp của mọi bộ phim mà tôi đã xem về Chiến tranh Việt Nam bởi vì Apocalypse Now thật sự là một bộ phim hay, mặc dù nó đã làm tổn thương tôi. Và nó là một bộ phim có vấn đề. Nhưng nhiều bộ phim được làm ra về Chiến tranh Việt Nam lại không được tốt như vậy. The Hamlet sẽ là một trong những bộ phim ấy. Nhưng công việc của anh ta là một chuyên gia tư vấn tin cậy.
Hiểu biết cơ bản của anh ta về điều này là Hollywood quan tâm đến độ xác thực của chi tiết về những người khác. Do vậy họ phải có đúng trang phục, ví dụ thế. Nhưng họ không quan tâm đến độ xác thực của những người họ đang làm việc. Do vậy tất cả những người Việt Nam được đưa vào đóng vai trong sử thi Mỹ về Chiến tranh Việt Nam này đều không có gì để nói.
Chức năng của họ chỉ là những đạo cụ sân khấu cho một bộ phim Mỹ. Nhân vật của tôi hiểu điều này. Và anh ta hiểu nó một cách rất tri thức và cảm tính đến nỗi điều diễn ra ở đây là Hollywood chỉ là bộ tuyên truyền phi chính thức của Lầu Năm Góc, đến nỗi vai trò của nó về cơ bản chỉ là chuẩn bị cho người Mỹ đi chiến đấu bằng cách khiến họ chỉ tập trung vào cách hiểu của Mỹ về mọi thứ và hiểu những dân tộc khác như những người xa lạ và khác biệt và nằm bên lề, ngay cả với lịch sử của chính họ.
Do đó niềm tin của anh ta là anh ta có thể bằng cách nào đó cố gắng lật đổ bộ tuyên truyền, khúc sử thi chiến tranh khổng lồ chuẩn bị sát hại người Việt trong phong cách điện ảnh, chỉ đơn giản là khúc dạo đầu để thực sự sát hại người Việt trong đời thực. Anh ta tin mình có thể cố gắng tạo ra sự khác biệt. Và dĩ nhiên, điều hài hước và bi kịch là anh ta không thể.
TERRY GROSS: Anh biết không, một trong những điều anh nói về cuộc chiến [ở Việt Nam] và Hollywood là, đây là cuộc chiến mà người thua cuộc có thể viết nên câu chuyện.
VIET NGUYEN: Vâng, và đó là một trong những sự trớ trêu lớn, rằng Mỹ đã để thua cuộc chiến, trên thực tế, năm 1975. Nhưng cũng với lý do ấy mà Mỹ đã có thể tiến hành cuộc chiến mà nó đã mất 58.000 binh sĩ, một thảm kịch của con người, nhưng lại có thể tạo điều kiện gây ra cái chết của 3 triệu người Việt ở mọi bên và 3 triệu người Lào và Campuchia chết trong chiến tranh và trong những năm sau đó.
Cũng nhờ chính những lý do ấy mà sức mạnh công nghiệp của Mỹ có thể tạo ra sự bất bình đẳng lớn như thế về sinh mạng, đó cũng chính là lý do Mỹ, trong những năm sau đó, nhờ ngành công nghiệp văn hóa mạnh đến đáng kinh ngạc của mình, có thể chiến thắng cuộc chiến trong ký ức bởi vì bất cứ nơi nào ta đi ngoài Việt Nam, ta cũng phải đối mặt với những ký ức Mỹ về Chiến tranh Việt Nam. Ở Việt Nam, người ta phải đối mặt với những ký ức Việt Nam. Nhưng ở bên ngoài, bất cứ nơi nào tôi đi và nói về Chiến tranh Việt Nam và ký ức, một trong những câu hỏi đầu tiên mà tôi nhận được là anh nghĩ gì về Apocalypse Now? Vậy nên…
(Cười)
VIET NGUYEN: …Đó là cái chúng ta phải đối đầu—đúng không?—rằng quyền lực mềm của Mỹ thật sự là sức mạnh to lớn. Và nó đi tay trong tay với quyền lực cứng của Hoa Kỳ.
TERRY GROSS: Dĩ nhiên, rất nhiều bộ phim về Việt Nam nói về những chia rẽ trong nước Mỹ về việc liệu đó có phải một cuộc chiến chính nghĩa và lính Mỹ có tàn ác hay không.
VIET NGUYEN: Vâng, và đây là một trong những điều khiến người ta rất khó hiểu. Tôi thường nhận được những câu hỏi, người ta nói, nếu anh nhìn vào những bộ phim Chiến tranh Việt Nam này, người Mỹ xuất hiện thực sự rất tệ. Và câu trả lời của tôi là, phải, điều đó đúng, nhưng họ vẫn là những ngôi sao điện ảnh. Nếu được chọn giữa việc làm một vai phụ có đạo đức không phải nói gì và làm một phản anh hùng xấu xa chiếm vị trí trung tâm sân khấu, tôi nghĩ mọi người sẽ chọn nhân vật phản anh hùng xấu xa. Đó là những gì đang diễn ra.
Thực tế căn bản về Chiến tranh Việt Nam mà người Mỹ không thể tránh được là nó phần lớn là một cuộc chiến thực sự tồi tệ. Và ít nhất Hollywood đã thừa nhận như thế. Nhưng cách mà nó hạn chế ý nghĩa của cuộc chiến ấy là khiến người Mỹ trở thành ngôi sao của bộ phim và gạt người Việt sang lề, mặc dù trên thực tế, người Việt phải trả cái giá nặng nề nhất. Và đó là một trong những cách mà sức mạnh văn hóa, quyền lực mềm, chuẩn bị cho người Mỹ để làm những điều tương tự một lần nữa, khi giờ đây chúng ta đang phải đối mặt với những sự tương đồng và những tình hình tương tự ở Trung Đông, điều trớ trêu là những người chết chủ yếu là người dân của những nước ấy.
Nhưng người Mỹ vốn bận tâm với những trải nghiệm của riêng mình. Đó là bản sao chính xác của cách nghĩ đã khiến chúng ta đi vào Việt Nam và giờ cho phép người Mỹ nhớ về Chiến tranh Việt Nam theo một cách nhất định khiến nó trở thành một cuộc chiến Mỹ.
TERRY GROSS: Anh có nhìn nhận cuốn tiểu thuyết The Sympathizer của mình một phần như một câu trả lời cho điều đó, như một cách khác để nhìn nhận cuộc chiến, một cách nhìn nhận nó qua con mắt người Việt đối lập với qua con mắt người Mỹ?
VIET NGUYEN: Chắc chắn. Đó là sự trả thù của tôi đối với Francis Ford Coppola.
TERRY GROSS: (Cười).
VIET NGUYEN: Đó là sự trả thù của tôi đối với Hollywood (cười). Và, nỗ lực nhỏ, cô độc của tôi—thậm chí không đáng yêu và nhỏ. Nhiều nghệ sĩ và nhà văn người Mỹ gốc Việt đang làm những điều tương tự để tìm cách khiến người Mỹ hiểu rằng Việt Nam là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến. Và họ cũng đang cố gắng khiến người Việt hiểu cuộc chiến này theo một cách khác, bởi vì cách hiểu của Việt Nam về nó ở Việt Nam cũng có vấn đề tương tự theo một cách rất khác. Nhưng chúng tôi viết tiểu thuyết. Và điều đó có nghĩa là cuốn tiểu thuyết của tôi, cho dù đã giành giải này, cũng chỉ là một cuốn sách.
Còn Hollywood thì sản xuất những bộ phim bom tấn 200 triệu, 500 triệu USD, chúng sẽ phá hủy hoàn toàn cuốn sách của tôi.
TERRY GROSS: Ít nhất thì cuốn của anh cũng giành giải Pulitzer (cười).
VIET NGUYEN: Ít nhất, vâng.
TERRY GROSS: Cuốn tiểu thuyết của anh được viết dưới hình thức một lời thú nhận—lời thú nhận của một điệp viên Bắc Việt mà chúng ta không biết tên. Tôi đang tự hỏi anh có đọc lời thú nhận nào trước khi viết cuốn sách này hay không, hoặc anh có đọc những thứ mà anh mô tả là diễn ngôn của những nhóm, ủy ban và những đảng ổn định—những đảng phái [parties] như Đảng Cộng sản, không phải tiệc [party] mừng năm mới.
VIET NGUYEN: Chính xác. Tôi có biết thú nhận hoặc những cuốn tự truyện tự phê bình là một phần quan trọng trong những nỗ lực cải tạo—đó là một uyển ngữ—của cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, cải tạo lại những người họ đã đánh bại. Thật ra tôi chưa đọc nhưng liên tục nghe về chúng. Và tôi đã đọc tự truyện của những người đã sống sót qua các trại cải tạo hoặc các hình thức cải tạo. Do vậy tôi có ý tưởng khá tốt về hình thức của những dạng tự truyện này. Và với tôi nó có vẻ là một hình thức văn chương vĩ đại, cố gắng thích nghi và hòa nhập với câu chuyện gián điệp vốn là một phần của tiểu thuyết bởi vì lời thú nhận chắc chắn có những nguồn gốc khác—ít nhất người Cơ Đốc đã viết lời xưng tội từ thời Thánh Augustine—và nó cũng rất ăn khớp với ý tưởng về một lời thú nhận chính trị. Nhân vật của tôi đấu tranh với cả ý nghĩa của việc là một người cộng sản và ý nghĩa của việc là một người Công giáo.
Và một lý do khác khiến lời thú nhận trở nên thực sự quan trọng với cuốn tiểu thuyết là nó là lời thú nhận của người Việt với một người Việt khác, người thẩm vấn. Điều đó có nghĩa là trong cuốn tiểu thuyết tôi có thể xây dựng dàn độc giả tưởng tượng người Việt. Nó là người Việt nói với người Việt, không phải là cách văn học thiểu số thường hoạt động ở đất nước này. Thông thường, nếu là một nhà văn thiểu số ở đất nước này, anh ta sẽ viết hướng đến độc giả da trắng. Ngành xuất bản 89% là da trắng. Họ là rào chắn đầu tiên đối với việc được xuất bản ở đất nước này và các nhà văn thiểu số hiểu điều đó. Và tôi thực sự không muốn viết cuốn tiểu thuyết này với đối tượng độc giả đầu tiên là người Mỹ da trắng. Tôi muốn viết nó với đối tượng độc giả đầu tiên là những người Việt khác. Và tôi biết điều này sẽ làm thay đổi về cơ bản cách viết của cuốn tiểu thuyết và cách nó định hình trong độc giả Mỹ.
TERRY GROSS: Anh viết rằng cha mẹ anh sống sung túc, anh trai anh là một bác sĩ đứng đầu một ủy ban cố vấn của Nhà Trắng về người Mỹ gốc Á và người Quần đảo Thái Bình Dương, anh là giáo sư, một nhà văn, một người giành giải Pulitzer, nhưng anh nói câu chuyện của gia đình anh là câu chuyện của mất mát và cái chết, bởi chúng ta ở đây chỉ vì Mỹ đã tham gia cuộc chiến đã sát hại 3 triệu đồng bào anh, chưa kể 2 triệu người khác thiệt mạng ở Lào và Campuchia. Anh có thường xuyên nghĩ về cuộc sống của mình nếu như gia đình anh ở lại Việt Nam không?
VIET NGUYEN: Dĩ nhiên, bởi vì tôi có câu chuyện của chị tôi như một ví dụ. Tôi còn có câu chuyện của nhiều người Việt Nam khác ở lại hoặc bị bỏ lại đằng sau, người thân của những người đã đến Hoa Kỳ hoặc các nước khác. Và dĩ nhiên với nhiều người trong số họ đó là khoảng thời gian thực sự, thực sự khó khăn và một trải nghiệm thực sự kinh hoàng. Tôi biết khi mình đang nói về những điều này trong bối cảnh này thì cái mọi người đang nghe là gia đình tôi và bản thân tôi là những ví dụ của giấc mơ Mỹ—chúng tôi đã đạt được nó, phải không? Và tôi thực sự chống lại ý tưởng ấy.
Rõ ràng chúng tôi đã thành công và chúng tôi thành công một phần là nhờ những cơ hội mà nước Mỹ mang lại. Nhưng, một lần nữa, nó chỉ có thể diễn ra nhờ một cuộc chiến mà Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam. Và có rất nhiều người nhập cư và người tị nạn gốc Á đến từ các nước như Philippines, hai miền Triều Tiên, Lào, Campuchia, những người đang ở đây ở Hoa Kỳ vì những cuộc chiến mà Mỹ đã tiến hành ở nước ngoài. Khó khăn với người Mỹ và với những người tị nạn và nhập cư là đồng thời suy nghĩ về cả hai điều này—cơ hội kinh tế trong nước ở Mỹ đối với một số người nhập cư và người tị nạn gốc Á, không phải tất cả họ—vốn có thể diễn ra nhờ những cuộc chiến ngoại quốc mà Mỹ đã tiến hành ở nước ngoài.
Và cách mà tôi nghĩ về nó là tôi luôn phải nhấn mạnh rằng mình không phải người nhập cư và tôi—câu chuyện mà tôi kể trong cuốn tiểu thuyết của mình không phải là một câu chuyện nhập cư. Tôi là người tị nạn và câu chuyện mà tôi kể là một câu chuyện chiến tranh bởi vì một trong những cách nước Mỹ cố gắng hạn chế ý nghĩa của những lịch sử ấy là cho rằng mọi người gốc Á ở đây là vì họ là người nhập cư, và câu chuyện của họ chỉ bắt đầu khi họ đặt chân tới Mỹ. Nhưng một lần nữa, cách hiểu của tôi là nhiều người gốc Á ở đây là vì những hệ quả của các cuộc chiến tranh. Và nhiều câu chuyện nhập cư và nhiều câu chuyện tị nạn cần được hiểu như những câu chuyện chiến tranh.
TERRY GROSS: Tên của anh là Viet, tôi nghĩ rất phổ biến đối với người Việt Nam. Nó cũng là nửa đầu tiên trong tên của đất nước nơi anh được sinh ra—Việt Nam. Viet có ý nghĩa gì?
VIET NGUYEN: Viet chỉ là tên của dân tộc. Cha mẹ chọn cho tôi một cái tên rất dân tộc chủ nghĩa và yêu nước. Và cộng với họ của mình—Nguyen—về cơ bản tôi chỉ là John Smith ở Việt Nam. Nhưng điều thú vị là tôi luôn hiểu rằng dù cái tên ấy rất phổ biến—tên của tôi với người Việt ở đây ở Hoa Kỳ, hiển nhiên với nhiều người Mỹ—với phần lớn người Mỹ—nó là cái tên rất ngoại đến nỗi nhiều người khó khăn lắm mới phát âm được. Nhưng tôi chưa bao giờ đổi tên bởi tôi nghĩ vì lý do gì đi chăng nữa, tôi cảm thấy mâu thuẫn như thế nào về việc đến từ Việt Nam—đặc biệt là hồi tôi là một thanh niên lớn lên ở Hoa Kỳ—thì tôi cảm thấy mâu thuẫn như thế ấy về nó, tôi cũng cảm thấy mình từng là người Việt Nam. Và dù người Việt có hay không chấp nhận tôi như một người Việt hoặc coi tôi như một người Việt đích thực, tôi luôn cảm thấy có một phần trong tôi được đánh dấu bởi việc sinh ra ở Việt Nam, được đánh dấu một cách không thể xóa được bởi việc là một người tị nạn, bởi chiến tranh, và tôi sẽ không từ bỏ tên mình cho bất cứ ai. Cha mẹ tôi, ví dụ thế, tôi nghĩ là người thực dụng hơn. Họ đã nhận những cái tên Mỹ một cách hợp pháp, cho dù họ rất, rất, rất Việt Nam.
TERRY GROSS: Thật sao? Cha mẹ anh đã đổi tên?
VIET NGUYEN: Vâng, đúng thế. Họ đã đổi tên. Trong cộng đồng người Việt họ vẫn dùng tên Việt. Nhưng họ rất thực dụng. Làm nghề kinh doanh bên ngoài cộng đồng ấy, để làm ăn họ dùng tên Mỹ trên giấy phép lái xe. Tôi đã có lựa chọn khi tôi—khi chúng tôi trở thành công dân, để đổi tên mình. Và tôi nghĩ, mình có thể là Troy.
TERRY GROSS: (Cười).
VIET NGUYEN: Dù tên gì tôi thử đi nữa—chị thấy đấy, chính chị còn cười. Không cái tên nào nghe vẻ đúng. Không cái tên nào nghe vẻ đúng trừ tên của chính tôi. Do vậy tôi đã luôn ở cùng nó bất chấp cái giá nho nhỏ mà nó có thể kéo theo trong việc nghe không Mỹ như những người khác. Nhưng rõ ràng tham vọng của tôi là khiến người Mỹ đọc tên mình, khiến người Mỹ công nhận rằng giờ nó cũng là một cái tên Mỹ. Giờ nó cũng là một cái tên Pháp. Giờ nó cũng là một cái tên Úc. Họ của tôi, Nguyen, là họ phổ biến thứ tư ở Úc. Chúng tôi đã biến đổi những nước chúng tôi đến và người dân ở các nước này cuối cùng sẽ có thể nói tên của chúng tôi tương tự như cách mà họ nói Coppola.
TERRY GROSS: Viet, cảm ơn rất nhiều vì cuộc trò chuyện với chúng tôi. Và chúc mừng anh đã đạt giải Pulitzer.
VIET NGUYEN: Cảm ơn chị rất nhiều vì đã mời tôi, Terry. Rất hân hạnh.
Copyright © 2016 NPR & Viet Thanh Nguyen | Nguyễn Huy Hoàng dịch.