Amos Oz (1939–) là nhà văn người Israel và giáo sư ngành văn học Hebrew tại Đại học Ben-Gurion. Ông được trao giải Goethe năm 2005, giải Heinrich Heine năm 2008, và giải Franz Kafka năm 2013. Truyện ngắn “In a Faraway Place at Another Time” được in trong tập Scenes from Village Life, trans. Nicholas de Lange (Boston and New York: Houghton Mifflin Harcourt, 2011), pp. 175 ff.
Suốt đêm, hơi độc thổi vào từ đầm lầy xanh. Một mùi hoang phế ngòn ngọt lan giữa những túp lều. Đồ dùng bằng sắt ở đây rỉ sét qua đêm, hàng rào mục phủ rêu ẩm, nấm mốc ăn lên tường, rơm và cỏ khô ngả đen do hơi ẩm như bị lửa đốt, muỗi bu khắp nơi, nhà cửa chúng tôi đầy những loài côn trùng cả bay lẫn bò. Đất nổi bong bóng. Mọt gỗ, sâu bướm và bọ bạc gặm nhấm đồ nội thất, phên gỗ và mái gỗ. Trẻ con ốm suốt mùa hè với mụn nhọt, eczema và hoại tử. Người già chết vì teo đường hô hấp. Mùi thối rữa bốc lên từ cả người sống. Nhiều người què quặt, bướu cổ, trì độn, khoèo tay chân, co cơ mặt, chảy dãi dớt, bởi lẽ bọn họ đều giao phối với nhau: anh và em gái, chị và em trai, con trai và mẹ, bố và con gái.
Văn phòng Khu vực Kém phát triển gửi tôi đến đây cách đây hai mươi hai mươi lăm năm, và tôi vẫn ra ngoài mỗi tối lúc hoàng hôn để phun chất khử trùng lên đầm lầy; tôi quản lý ký ninh, phenol, lưu huỳnh, thuốc mỡ và các chất chống ký sinh trùng cho người bản địa đầy ngờ vực; tôi khuyến khích một lối sống hợp vệ sinh và điều độ cũng như phân phối clorine và thuốc trừ sâu DDT. Tôi sẽ chịu trách nhiệm cho đến khi người thay thế đến, có lẽ một người trẻ hơn với tính cách mạnh mẽ hơn tôi.
Trong lúc này tôi là dược sĩ, giáo viên, công chứng viên, trọng tài viên, y tá, nhân viên lưu trữ, trung gian và hòa giải. Họ vẫn hạ những chiếc mũ rách rưới của mình trước tôi và nắm chặt trước ngực để tỏ lòng tôn trọng, cúi đầu và ken két với nụ cười tinh quái, không răng và gọi tôi bằng ngôi thứ ba. Nhưng càng ngày tôi càng phải lấy lòng họ, nhắm mắt làm ngơ, thích nghi với những niềm tin vô ích, bỏ qua những cái nhăn mặt trơ tráo, chấp nhận mùi cơ thể và hơi thở khó ngửi của họ, làm ngơ sự dâm ô quá trớn đang lan rộng khắp làng. Tôi phải thừa nhận mình không còn quyền lực gì. Thẩm quyền của tôi đang lụi tàn. Tôi chỉ còn lại chút ảnh hưởng tàn hơi mà tôi có từ những lời thoái thác, những lời đường mật, những lời dối trá cần thiết, những lời đe dọa úp mở và những khoản lót tay nhỏ. Tất cả những gì còn lại cho tôi làm là đợi thêm chút nữa, cho đến khi người thay thế đến. Rồi tôi sẽ rời khỏi nơi này mãi mãi, hoặc sẽ giành lấy một túp lều trống, tìm cho mình một người con gái nông dân khỏe mạnh và ổn định cuộc sống.
***
Trước khi tôi đến đây, cách đây một phần tư thế kỷ hoặc hơn, thống đốc quận từng đến thăm đây một lần, với một đoàn tùy tùng lớn bao quanh. Ông ta ở lại một đến hai giờ đồng hồ, ra lệnh đổi hướng dòng sông để đặt dấu chấm hết cho cái đầm lầy ác quái. Đi cùng thống đốc là các quan chức và thư ký, các nhà khảo sát, các thầy tu, một chuyên gia pháp lý, một ca sĩ, một sử gia chính thống, một hoặc hai trí thức, một nhà chiêm tinh và các đại diện của mười sáu cơ quan mật vụ. Thống đốc ban hành mệnh lệnh: đào, đổi hướng, tát cạn, đào lên, làm sạch, bơm vào, hút ra, nâng cấp và bắt đầu một khởi đầu mới.
Chưa có gì diễn ra sau đó.
Có người nói ở đó, phía bên kia dòng sông, đằng sau những cánh rừng và ngọn núi, một chuỗi thống đốc đã tiếp quản vị trí của ông ta: một người bị lật đổ, một người bị đánh bại, một người khác bị thất sủng, người thứ tư bị ám sát, người thứ năm bị cầm tù, người thứ sáu quay ra phản bội, người thứ bảy đã bỏ trốn hoặc chết. Ở đây mọi thứ vẫn luôn như cũ: người già và trẻ sơ sinh tiếp tục chết còn thanh niên thì già trước tuổi. Dân số của ngôi làng, nếu có thể tin tưởng con số thống kê thận trọng của tôi, đang tụt dốc. Theo đồ thị tôi vẽ và treo trên giường, không người nào ở đây còn sống đến giữa thế kỷ. Chỉ còn côn trùng và sâu bọ.
Trên thực tế, nhiều trẻ em được sinh ra ở đây, nhưng phần lớn đều chết yểu và gần như không được nhớ đến. Trai tráng trốn lên miền Bắc. Đám con gái trồng củ cải đường và khoai tây trong lớp bùn dày, có đứa con đầu tiên ở tuổi mười hai, và đến tuổi hai mươi chúng dường như đã mất sức. Đôi lúc trong cơn ham muốn điên cuồng cả làng lao vào một đêm đồi trụy dưới ánh sáng của đống lửa đốt bằng gỗ ẩm. Tất cả đều có những hành động phản cảm: người già với trẻ con, con gái với người què quặt, con người với thú vật. Tôi không thể đi sâu vào chi tiết, bởi vào những đêm như thế, tôi khóa mình trong bệnh xá, nơi tôi sống, và đi ngủ với một khẩu lục đã lên đạn dưới gối, phòng khi họ có sáng kiến nào.
Nhưng những đêm như thế không diễn ra thường xuyên. Hôm sau họ thức dậy lúc giữa trưa, nặng đầu, mắt nhắm mắt mở, và trở về với những bước chân lép nhép một cách phục tùng trên những cánh đồng lầy lội của mình từ sáng đến tối. Ban ngày nóng đến tàn nhẫn. Những con bọ chét xấc xược, to bằng đồng xu, nhảy lên chúng tôi, và khi đốt chúng phát ra một tiếng rít nhức óc và buồn nôn. Công việc đồng áng có vẻ nặng nhọc. Củ cải đường và khoai tây nhổ lên từ đám bùn xốp gần như đều thối rữa, nhưng vẫn được ăn sống hoặc nấu trong một thứ nước hôi thối. Hai đứa con lớn của gã đào mộ bỏ lên núi và gia nhập một đám buôn lậu. Vợ hai đứa, cùng đám con, đến sống ở túp lều của em trai chúng, một thằng bé mới mười bốn.
Còn gã đào mộ, một gã gù lầm lì, cứng cỏi, thì quyết định không bỏ qua chuyện này trong câm lặng. Nhưng hàng tuần hàng tháng sau đều trôi qua trong câm lặng hoàn toàn, rồi nhiều năm trôi qua. Rồi một ngày gã đào mộ cũng đến sống cùng đứa con út. Ngày một nhiều đứa trẻ được sinh ra ở đây, không ai biết đứa nào là con của hai anh em đã bỏ đi, thỉnh thoảng lại về làng một hai giờ vào ban đêm, còn đứa nào đến từ hạ bộ của đứa út, hoặc chính gã đào mộ, hoặc ông già cha gã. Dù sự thật là gì thì phần lớn bọn trẻ sơ sinh cũng chết sau vài tuần ra đời. Những gã đàn ông khác cũng đến và tới đó vào ban đêm, cả những phụ nữ ngớ ngẩn, tìm kiếm một mái nhà hay một người đàn ông, một nơi trú ẩn hay một đứa trẻ và đồ ăn. Ông thống đốc tại nhiệm vẫn chưa trả lời ba bản ghi nhớ khẩn cấp, cái sau nghiêm trọng hơn cái trước, được gửi trong khoảng thời gian ngắn để cảnh báo về sự suy thoái của môi trường đạo đức và đề nghị ông ta can thiệp kịp thời. Tôi là tác giả bất bình của ba bản ghi nhớ ấy.
***
Năm tháng trôi qua trong câm lặng. Người thay thế tôi vẫn chưa đến. Viên cảnh sát đã bị lật đổ và thay bằng em rể của anh ta. Có tin đồn viên cảnh sát trước đã gia nhập đám buôn lậu trên núi. Tôi vẫn đang làm nhiệm vụ của mình, nhưng ngày càng trở nên mệt mỏi. Họ không còn gọi tôi bằng ngôi thứ ba, cũng chẳng buồn ngả những chiếc mũ xác xơ của mình trước tôi. Không còn chất sát trùng. Đám phụ nữ đang dần bòn rút hết thuốc từ bệnh xá, chẳng đổi lại cho tôi thứ gì. Trí tuệ của tôi đang sa sút cùng với những ham muốn. Tôi không còn tìm thấy đủ ánh sáng bên trong mình. Cây sậy biết tư duy đang trở nên trống rỗng suy nghĩ. Hoặc có thể đôi mắt tôi đang mờ đi, đến độ ánh sáng giữa trưa cũng có vẻ âm u, và dãy phụ nữ chờ ở cửa bệnh xá cũng trông như một hàng bao tải. Qua nhiều năm tôi đã quen với những chiếc răng vỡ mẻ và hơi thở hôi thối của họ. Thế nên tôi vẫn tiếp tục một cách nhẹ nhàng từ sáng đến tối, từ ngày này qua ngày khác, từ mùa hè đến mùa đông. Từ lâu tôi đã thôi để ý những vết côn trùng đốt. Giấc ngủ của tôi sâu và yên bình. Rêu đang mọc trên giường của tôi và mục ẩm đã xâm nhập lên tường. Một vài phụ nữ nông dân đôi lúc thương xót tôi và cho tôi ăn thứ chất lỏng sền sệt rõ ràng làm từ vỏ khoai tây. Tất cả sách của tôi đang lên mốc. Bìa mục và rơi ra. Tôi không còn gì ở lại, và gần như không thể phân biệt hôm nay với ngày mai, mùa xuân với mùa thu, năm này và năm sau. Đôi lúc vào ban đêm dường như tôi nghe thấy tiếng rền rĩ xa xôi của một loại nhạc cụ gió sơ khai nào đó: tôi không biết nó là gì hay ai chơi nó, nó đến từ khu rừng hay những ngọn đồi hay từ bên trong hộp sọ của mình, dưới mái tóc đang bạc và thưa dần. Tôi đang dần quay lưng với mọi thứ xung quanh, và thực tế là với cả chính mình.
Ngoại trừ một sự kiện tôi chứng kiến sáng nay, mà tôi sẽ tường thuật ngay đây bằng văn bản, không đưa ra ý kiến.
Sáng nay mặt trời mọc và biến hơi nước nhầy nhụa thành một cơn mưa đặc nhớt. Cơn mưa mùa hè ấm áp có mùi như một ông già đầy mồ hôi chưa gột rửa. Dân làng bắt đầu ra khỏi túp lều và sửa soạn xuống những cánh đồng khoai tây. Đột nhiên, trên đỉnh đồi ở phía Đông, một người đàn ông điển trai, khỏe mạnh xuất hiện, giữa chúng tôi và mặt trời đang lên. Ông ta bắt đầu vẫy tay, mô tả mọi kiểu vòng tròn và xoắn ốc trong không khí ẩm ướt, đá, cúi đầu, bật nhảy tại chỗ, mà không thốt ra lời nào. “Ai thế?” dân làng hỏi nhau. “Hắn tìm gì ở đây?” “Anh ta không phải dân đây, cũng không phải dân làng bên, cũng không đến từ những ngọn đồi,” những người già nói. “Có lẽ anh ta đến từ một đám mây.”
“Chúng ta phải canh chừng hắn,” đám phụ nữ nói. “Chúng ta phải bắt quả tang hắn. Chúng ta phải giết hắn.”
Trong khi họ vẫn còn bàn tán và cãi cọ, bầu không khí ám vàng dội lên một tràng âm thanh, của chim, chó, ong, tiếng gầm, tiếng rầy, tiếng ù của những con côn trùng to bằng vại bia. Đám ếch trong đầm tham gia, đàn gà cũng không chậm trễ theo sau. Yên ngựa xủng xoảng. Có những cơn ho, tiếng rên rỉ và nguyền rủa. Mọi loại âm thanh khác nhau.
“Hắn ta,” đứa con út gã đào mộ nói, rồi dừng lại.
“Hắn ta,” chủ quán trọ nói, “muốn dụ dỗ bọn con gái.”
Đám con gái rít lên: “Nhìn kìa, anh ta đang trần truồng, xem nó to thế nào kìa, nhìn kìa, anh ta đang nhảy, anh ta đang cố bay, nhìn kìa, như những đôi cánh, nhìn kìa, anh ta trắng đến tận xương.”
Gã đào mộ già nói: “Bàn tán thế này thì lợi lộc gì? Mặt trời đã lên cao, gã da trắng ở đó, hoặc chúng ta tưởng tượng là ở đó, đã biến mất sau đầm lầy rồi. Lời nói chẳng ích gì. Một ngày nóng nực nữa đang bắt đầu và đã đến giờ làm việc. Ai làm việc được, hãy để anh ta làm việc, hoặc làm hoặc im đi. Còn ai không làm việc được, cứ để anh ta chết. Tất cả chỉ có thế thôi.” ♦
© 2011 Amos Oz | Bản dịch © 2016 Nguyễn Huy Hoàng.