Mario Vargas Llosa (1936–) là nhà văn người Peru. Ông được trao giải de Cervantes năm 1994 và giải Nobel văn học năm 2010. Tiểu luận “La literatura es fuego” được in trong Vargas Llosa, Contra viento y marea, I (1962–1972) (Barcelona: Seix Barral, 1983). Bài viết này vốn là diễn từ nhận giải Rómulo Gallegos tại Caracas, Venezuela, tháng 8 năm 1967, của Vargas Llosa; ông là người đầu tiên được trao giải này.
Cách đây khoảng 30 năm, một người đàn ông trẻ từng đọc ngấu nghiến các tác phẩm đầu tay của [André] Breton đã qua đời trên những dãy núi vùng Castilla, trong một bệnh viện từ thiện, hóa điên vì giận dữ. Ông để lại cho thế giới một chiếc áo đỏ và Cinco metros de poemas (“Năm mét thơ”) chứa một sự tinh tế có tầm nhìn phi thường. Ông có một cái tên âm vang, phong nhã, và vương giả, nhưng cuộc đời ông thì trường kỳ tối tăm, bất hạnh đeo bám. Ở Lima ông là một kẻ tỉnh lẻ đói ăn và một kẻ mơ mộng sống ở vùng Mercado, trong một cái hang không có ánh sáng, và khi ông đến châu Âu, không ai biết tại sao ông bị lôi khỏi thuyền ở Trung Mỹ, bị cầm tù, tra tấn, trở thành một tàn tích sốt ốm. Sau khi ông chết, thay vì kết thúc, những bất hạnh không ngừng của ông lên đến tột cùng: những khẩu pháo của cuộc nội chiến Tây Ban Nha đã xóa bỏ ngôi mộ của ông khỏi trái đất, và trong những năm ấy, thời gian đã xóa bỏ ông khỏi ký ức của những người đủ may mắn để biết đến ông và đọc ông. Tôi sẽ không ngạc nhiên khi lũ sâu mọt đã tìm ra những bản in của cuốn sách duy nhất của ông, chôn vùi trong những thư viện không ai ghé thăm, và những bài thơ của ông, giờ đây không ai đọc, sẽ sớm tan thành khói, thành gió, thành hư vô, giống như chiếc áo đỏ bất nhã mà ông mua để mặc khi chết. Nhưng người đồng hương này của tôi lại là một pháp sư tài năng, một thầy phù thủy của ngôn từ, một kiến trúc sư táo bạo của hình ảnh, một nhà thám hiểm xuất sắc của những giấc mơ, một nhà sáng tạo đích thực và cứng cỏi, có sự tỉnh táo và điên rồ cần thiết để theo đuổi thiên chức nhà văn của ông như phải thế: một sự thiêu đốt thường nhật và dữ dội.
Đêm nay tôi gọi lên bóng đêm bí ẩn của ông để phá hỏng bữa tiệc của mình, bữa tiệc được tổ chức nhờ lòng hảo tâm của Venezuela và dưới cái tên rạng rỡ của Rómulo Gallegos, bởi lẽ giải thưởng trao cho một cuốn tiểu thuyết của tôi với tầm cỡ này, được Viện Văn hóa và Nghệ thuật Quốc gia lập ra như một sự khích lệ và thách thức đối với các tiểu thuyết gia tiếng Tây Ban Nha và như một sự tôn kính đối với một nhà sáng tạo vĩ đại của châu Mỹ, không chỉ cho tôi lòng biết ơn Venezuela, mà đặc biệt còn tăng cường trách nhiệm của tôi với tư cách một nhà văn. Và nhà văn, như quý vị đã biết, là kẻ phá đám bất diệt. Bóng ma thầm lặng của Oquendo de Amat, ở ngay đây, bên cạnh tôi, nhắc nhở tất cả chúng ta—nhưng đặc biệt là kẻ người Peru mà quý vị lôi từ nơi ẩn náu của anh ta ở Thung lũng Kangaroo [Earl’s Court], London, về Caracas, và nhấn chìm anh ta trong tình bạn và vinh dự này—về số phận ảm đạm đã đổ lên, và trong nhiều trường hợp vẫn tiếp tục đổ lên những nhà sáng tạo của châu Mỹ Latin. Đúng là không phải mọi nhà văn của chúng ta đều bị thử thách đến cùng cực như Oquendo de Amat; một số đã đánh bại sự thù địch, sự thờ ơ, sự khinh miệt của các nước chúng ta đối với văn chương, và viết, xuất bản, và thậm chí còn được đọc. Đúng là không phải ai cũng có thể bị bỏ đói, lãng quên, hay nhạo báng đến chết. Nhưng những người may mắn ấy chỉ là ngoại lệ. Như một quy luật chung, nhà văn Mỹ Latin sống và viết trong những điều kiện đặc biệt khó khăn do các xã hội của chúng ta đã thiết lập một cơ chế lạnh lùng, gần như hoàn hảo để làm nản lòng và giết chết thiên chức của anh ta. Thiên chức ấy, ngoài việc đẹp, cũng cuốn hút và chuyên chế, và đòi hỏi sự cống hiến tận tâm của những người theo đuổi nó. Làm thế nào mà họ, sống giữa những người mà đa số thì không biết đọc hay không thể mua được sách còn thiểu số thì không thích đọc, có thể đưa văn chương thành một số phận, một hoạt động đặc quyền của mình? Không có nhà xuất bản, không có độc giả, không có một môi trường văn hóa kích thích và đòi hỏi, nhà văn Mỹ Latin bước vào một trận chiến mà anh ta biết trước là cầm chắc thất bại. Thiên chức của anh ta không được xã hội tôn trọng, gần như không được dung nạp; nó không cho anh ta sống, biến anh ta thành một nhà sản xuất bị hạ thấp và hữu danh vô thực. Nhà văn ở những đất nước của chúng ta phải chuyển mình, tách rời thiên chức của họ khỏi công việc thường nhật, phân thân cho một ngàn việc làm, thứ tước đi thời gian cần thiết để viết và thường là đáng ghê tởm đối với lương tâm và những niềm tin của anh ta. Bởi lẽ, bên cạnh việc không chấp nhận văn chương trong mình, các xã hội của chúng ta còn luôn khuyến khích một cảm giác hoài nghi liên tục đối với kẻ ngoài lề, phần nào ẩn danh, người cố gắng, đi ngược mọi lý lẽ, theo đuổi một nghề nghiệp gần như phi thực tế trong bối cảnh Mỹ Latin. Vì thế mà hàng chục nhà văn của chúng ta đã nản chí và từ bỏ hoặc phản bội thiên chức của mình, phụng sự nó một cách nửa vời hoặc lén lút, không kiên định hay nghiêm khắc.
Nhưng đúng là trong những năm gần đây mọi thứ đã bắt đầu thay đổi. Một bầu khí hậu hiếu khách hơn với văn chương đang dần thâm nhập vào các nước chúng ta. Số lượng độc giả bắt đầu tăng, giới tư sản nhận ra rằng sách có quan trọng, rằng nhà văn không chỉ là những kẻ điên khùng lành tính, mà họ có một vai trò trong xã hội loài người. Nhưng khi ấy, khi công lý bắt đầu được thực thi đối với nhà văn Mỹ Latin, hay đúng hơn, khi sự bất công đè nặng lên anh ta bắt đầu được điều chỉnh, thì một mối đe dọa khác có thể nổi lên, một sự nguy hiểm tinh vi một cách ranh mãnh. Chính những xã hội từng lưu đày và khước từ nhà văn giờ lại có thể nghĩ rằng họ nên đồng hóa anh ta, thu nạp anh ta, trao cho anh ta một vị thế nhất định. Do đó, cần phải nhắc nhở các xã hội của chúng ta về những gì đang chờ đợi chúng. Cảnh báo chúng rằng văn chương là lửa, rằng nó đồng nghĩa với bất đồng và nổi loạn, rằng lẽ sống của nhà văn là phản đối, bất đồng, và phê phán. Giải thích cho chúng rằng không có sự nửa vời: xã hội hoặc phải đàn áp vĩnh viễn năng lực sáng tạo nghệ thuật của con người và loại bỏ một lần và mãi mãi thành phần xã hội phiền nhiễu ấy, tức nhà văn, hoặc phải chấp nhận văn chương trong mình và khi ấy sẽ không còn lựa chọn nào ngoài chấp nhận một dòng chảy vĩnh cửu của tấn công, của mỉa mai, của châm biến, từ bề ngoài đến bản chất, từ tạm thời đến vĩnh cửu, từ đỉnh xuống đáy kim tự tháp xã hội. Mọi thứ sẽ như thế và không có lối thoát: nhà văn đã, đang, và sẽ tiếp tục là một kẻ bất mãn. Không ai thỏa mãn mà có khả năng viết; không ai đồng thuận với, hoặc hòa giải với thực tế mà có thể thực hiện được sự điên rồ đầy tham vọng là sáng tạo ra những thực tại bằng văn bản. Nghiệp văn sinh ra từ sự bất đồng giữa con người với thế giới, từ trực giác về sự thiếu thốn, chênh lệch, và khốn khổ xung quanh. Văn chương là một hình thức của cuộc nổi dậy vĩnh cửu và không chấp nhận sự bó buộc. Mọi nỗ lực nhằm bẻ gãy cơn giận của nó, bản chất nổi loạn của nó, sẽ đều thất bại. Văn chương có thể chết nhưng sẽ không bao giờ cúi đầu tuân thủ.
Chỉ khi nào đáp ứng được điều kiện này văn chương mới có thể hữu ích cho xã hội. Nó góp phần cải thiện con người, ngăn ngừa sự suy nhược tinh thần, sự tự mãn, sự trì trệ, sự bại liệt của con người, và sự suy thoái trí tuệ hoặc đạo đức. Sứ mệnh của nó là khơi dậy, xáo động, cảnh báo, giữ con người ở trạng thái liên tục bất mãn với chính mình: chức năng của nó là kích thích một ý chí mong muốn thay đổi và cải thiện mà không chùn bước, ngay cả khi điều đó cần những vũ khí sát thương và nguy hiểm nhất. Chúng ta cần vĩnh viễn hiểu điều này: tác phẩm của một tác giả càng cứng rắn và khắt khe với đất nước của anh ta bao nhiêu thì tình cảm gắn bó anh ta với đất nước ấy càng mãnh liệt bấy nhiêu. Bởi trong cõi văn chương, bạo lực là bằng chứng của tình yêu.
Dĩ nhiên, thực tế châu Mỹ cho nhà văn nhiều lý do phong phú để nổi loạn và bất mãn. Những xã hội nơi bất công là luật pháp, những thiên đường của sự ngu dốt, của bóc lột, của bất bình đẳng đến quáng mắt, của nghèo đói, của tha hóa kinh tế, văn hóa, và đạo đức, những vùng đất đầy biến động cho chúng ta những chất liệu xa xỉ, điển hình, để phơi bày trong hư cấu, trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua những sự kiện, những giấc mơ, những lời khai, những biểu tượng, những cơn ác mộng, hoặc những viễn tượng, rằng thực tế được tạo ra một cách tồi tệ, rằng cuộc sống phải thay đổi. Nhưng trong 10, 20, hay 50 năm tới, thời khắc của sự công bằng xã hội sẽ đến với những đất nước của chúng ta như nó đã đến với Cuba, và toàn bộ châu Mỹ Latin sẽ được giải phóng khỏi cái đế chế cướp bóc nó, những đẳng cấp bóc lột nó, những lực lượng giờ đang xúc phạm và đàn áp nó. Tôi muốn thời khắc ấy đến càng sớm càng tốt và muốn Mỹ Latin gia nhập, một lần và mãi mãi, vào đời sống của phẩm giá và hiện đại, và muốn chủ nghĩa xã hội giải phóng chúng ta khỏi sự tồn tại lệch lạc và nỗi kinh hoàng của chúng ta. Nhưng khi những bất công xã hội tiêu biến, thời khắc của sự đồng thuận, phụ thuộc, hay đồng lõa với chính quyền cũng sẽ không đến với nhà văn. Sứ mệnh của anh ta sẽ tiếp tục, phải tiếp tục như trước: bất cứ thỏa hiệp nào trong lĩnh vực này cũng là phản bội. Trong xã hội mới, và trên con đường mà những ma quỷ cá nhân đưa chúng ta vào, chúng ta phải tiếp tục, như trong quá khứ, như bây giờ, nói không, nổi dậy, đòi hỏi quyền bất đồng của chúng ta phải được công nhận, chứng tỏ, bằng cách thức sống động và huyền diệu này, bởi chỉ văn chương mới có thể, rằng giáo điều, kiểm duyệt, và độc đoán là những kẻ thù không đội trời chung của sự tiến bộ và phẩm giá con người, khẳng định rằng cuộc sống không đơn giản và cũng không vừa vặn trong các hình mẫu, rằng con đường dẫn đến chân lý không phải lúc nào cũng bằng phẳng và thẳng, mà thường quanh co và gập ghềnh, liên tục chứng minh bằng những cuốn sách của chúng ta sự phức tạp và đa dạng tất yếu của thế giới và sự mơ hồ mâu thuẫn của những sự kiện con người. Như hôm qua, như ngày nay, nếu chúng ta yêu thiên chức của mình, chúng ta sẽ phải tiếp tục chiến đấu 32 trận chiến của Đại tá Aureliano Buendia, mặc dù, cũng như ông, chúng ta sẽ thua tất cả.
Thiên chức của chúng ta đã biến nhà văn chúng ta thành những chuyên gia bất mãn, những kẻ quấy rối ý thức hoặc vô thức của xã hội, những kẻ nổi loạn mang trong mình một lý tưởng, những kẻ nổi dậy không thể nào cứu vãn của thế giới, những kẻ biện hộ không thể nào chịu đựng của quỷ dữ. Tôi không biết điều này tốt hay xấu, chỉ biết nó là như thế. Đây là điều kiện của nhà văn và chúng ta phải khẳng định lại nó như vốn có. Trong những năm qua, khi bắt đầu khám phá, chấp nhận, và ủng hộ văn chương, Mỹ Latin cũng phải biết mối đe dọa lơ lửng trên đầu, cái giá đắt phải trả cho văn hóa. Các xã hội của chúng ta phải cảnh giác: bị từ chối hay được chấp nhận, bị áp bức hay được tưởng thưởng, nhà văn xứng với cái danh của anh ta sẽ tiếp tục ném vào người ta cảnh tượng không phải lúc nào cũng dễ chịu của những bất hạnh và khổ đau của họ.
Bằng cách trao cho tôi giải thưởng này—tôi rất biết ơn quý vị vì điều đó—giải thưởng mà tôi chấp nhận bởi tôi thấy nó không đòi hỏi ở tôi dấu vết dù nhỏ nhất nào của sự thỏa hiệp về ý thức hệ, chính trị, hay thẩm mỹ, giải thưởng mà các nhà văn Mỹ Latin khác với nhiều cuốn sách và tài năng hơn đáng được nhận thay tôi—tôi đang nghĩ đến, ví dụ, [Juan Carlos] Onetti vĩ đại, nhà văn chưa được hưởng sự công nhận mà ông xứng đáng ở châu Mỹ Latin—và bằng cách cho tôi thấy rất nhiều tình cảm, rất nhiều ấm áp kể từ khi tôi đặt chân lên thành phố đang đau buồn [sau cơn động đất] này, Venezuela đã biến tôi thành một con nợ khổng lồ. Cách duy nhất mà tôi có thể trả món nợ này là, trong phạm vi sức mạnh của mình, trở nên trung thực hơn, trung thành hơn với thiên chức ấy của nhà văn, thứ mà tôi chưa bao giờ nghĩ là sẽ mang đến sự thỏa mãn lớn như ngày hôm nay. ♦
Copyright © 1967 by Mario Vargas Llosa | Bản dịch © 2016 Nguyễn Huy Hoàng.