Mario Vargas Llosa (1936–) là nhà văn người Peru. Ông được trao giải de Cervantes năm 1994 và giải Nobel văn học năm 2010. Tiểu luận “El socialismo y los tanques” được In trong Vargas Llosa, Contra viento y marea, I (1962–72) (Barcelona: Seix Barral, 1983). Bản tiếng Anh, “Socialism and the Tanks,” được in trong Vargas Llosa, Making Waves, ed. and trans. John King (New York: FSG, 1996).
London, tháng 8, 1968
Cuộc can thiệp quân sự ở Tiệp Khắc của Liên Xô và bốn đồng minh của nó trong khối Hiệp ước Warsaw thuần túy và đơn giản là một cuộc xâm lược đế quốc chủ nghĩa, một sự sỉ nhục đối với đất nước của Lenin, một sai lầm chính trị lớn đến chóng mặt, và một thất bại không thể nào khắc phục đối với sự nghiệp của chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Tiền đề dễ thấy nhất của nó không hẳn là Hungary mà là Cộng hòa Dominica. Việc Liên Xô đưa xe tăng vào Praha để đàn áp phong trào dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa cũng đáng bị lên án như việc Mỹ đưa thủy quân lục chiến đến Santo Domingo để dập tắt bằng bạo lực một cuộc nổi dậy chống một chế độ độc tài quân sự và một hệ thống xã hội bất công.
Việc Liên Xô xâm phạm chủ quyền của người dân Séc tuy không đẫm máu bằng nhưng không kém vô đạo đức hơn việc xâm phạm chủ quyền của người dân Santo Domingo. Trong cả hai trường hợp, những luận cứ mà Washington và Moskva sử dụng—lập luận nổi tiếng rằng những cuộc can thiệp ấy được chính nạn nhân yêu cầu và với mục đích giải cứu nền “dân chủ” hay “chủ nghĩa xã hội” đang bị đe dọa bởi một thế lực bên ngoài—đều bộc lộ cùng một sự khinh miệt hoài nghi đối với sự thật. Sự thật, trong cả hai trường hợp, là một cường quốc, được bảo vệ bởi lẽ phải của ưu thế quân sự, đã quyết định chà đạp lên một dân tộc nhỏ bé vì phương hướng chính trị mà dân tộc ấy đã chọn không phù hợp với những lợi ích toàn cầu chiến lược của nó, rồi giấu cuộc can thiệp ấy sau một bức màn ý thức hệ. Cái gặp nguy hiểm trong những sự kiện bi đát mà Tiệp Khắc đang phải trải qua hôm nay không phải là cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, mà là số phận của những quốc gia tạo nên Thế giới thứ Ba. Một tương lai khủng khiếp dường như đang phủ bóng đêm lên chân trời lịch sử của họ: phải sống vĩnh viễn dưới sự kiểm soát của hai gã khổng lồ lớn, bị cô lập giữa hai hình thức nô lệ thực dân, và không bao giờ thực sự được độc lập và tự do.
Cái bị đe dọa ở Tiệp Khắc không phải là “chủ nghĩa xã hội,” “tự do” cũng không bị đe dọa ở Cộng hòa Dominica. Cái đang lâm nguy ở Cộng hòa Dominica khi cuộc can thiệp quân sự diễn ra là quyền lực của giới điền chủ lớn, kẻ cướp bóc của cải của đất nước bằng các công ty nước ngoài, và sự tham lam của hệ thống giai cấp địa phương. Cái bị đe dọa ở Tiệp Khắc là một chế độ xã hội chủ nghĩa rô bốt, do Moskva điều khiển từ xa, sự kiểm duyệt báo chí, sự lạm quyền của cảnh sát, tình trạng thiếu phê bình nội bộ, và một bộ máy quan liêu ung thư đã bóp nghẹt sáng kiến cá nhân và cho phép sự vô đạo đức sinh sôi trong cái bóng của mình. Khi thông báo cho Dubček, Svoboda, và Cernik rằng sự hiện diện của quân đội chiếm đóng, việc phá hoại tự do ngôn luận, và việc cấm đoán các tổ chức chính trị là điều kiện sống còn của họ, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã không nghĩ về chủ nghĩa xã hội mà nghĩ về việc ngăn chặn sự phát triển của bất cứ phong trào trong nước nào ở Đông Đức, Bulgaria, hay chính Liên Xô mà có thể tìm cách trả lại cho chủ nghĩa xã hội một khuôn mặt con người.
Khi những sự kiện ở Hungary diễn ra, vẫn còn có thể có những chia rẽ, bất ổn, và rối loạn: đó là cao điểm của Chiến tranh Lạnh, không thể xem nhẹ hoạt động của các lực lượng phản cách và người dân Hungary có vẻ chia rẽ. Không ai trong cuộc can thiệp quân sự hợp lý này, nhưng ít nhất cũng có thể có nghi ngờ, nghĩ rằng đây là một sai lầm mà sau này sẽ được sửa chữa nhiều nhất có thể. Trong trường hợp của Tiệp Khắc thì không thể có nghi ngờ, bởi mọi yếu tố mà chúng ta có thể dùng để đánh giá tình hình đều hết sức rõ ràng và không yếu tố nào bào chữa cho Liên Xô, mà thay vào đó tất cả đều buộc tội.
Mười ngày sau cuộc can thiệp, Moskva vẫn không thể cung cấp một mảnh bằng chứng nào cho thế giới để chứng tỏ rằng chế độ Dubček đang gây nguy hiểm cho an ninh nội bộ hoặc sắp rời khỏi trại xã hội chủ nghĩa để trở thành một phần của thế giới tư bản. Không nhà máy nào bị tước khỏi công nhân, không tập đoàn quốc tế nào đang phá hoại nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, nửa triệu quân chiếm đóng đã không thể bắt giữ chỉ một “phần tử chủ nghĩa quân phiệt Đức” nào. Hơn nữa, ngay cả những thành phần bảo thủ nhất của Đảng Cộng sản cũng không dám mang vai Quisling và không ai mạo hiểm nhận là tác giả của bản tuyên ngôn tưởng tượng được cho là đã đề nghị các nước Hiệp ước Warsaw tiến hành cuộc xâm lược. Thay vào đó, sự chiếm đóng của nước ngoài đã cho thế giới thấy sự đoàn kết phi thường của người dân Séc đằng sau các nhà lãnh đạo của họ, và phẩm giá và sự bình thản của họ khi đối mặt với sự sỉ nhục nhắm vào họ. Bất kể kết quả của thảm kịch này là gì và dù có là kết quả của đạo đức chính trị và lẽ thường—các lực lượng chiếm đóng rút quân, người dân Séc được phép tự do chỉ đạo chủ nghĩa xã hội của họ theo bất cứ con đường nào họ có thể chọn, bồi thường thiệt hại—thì ta cũng không cần là thầy bói để biết rằng vết thương mà Liên Xô gây ra một cách hết sức phản bội cho Tiệp Khắc sẽ cần một thời gian dài để chữa lành và, nghịch lý thay, hành động này sẽ chỉ làm sắc nét và tăng cường chính những gì mà nó muốn dập tắt: khát vọng độc lập dân tộc và tự do của người dân Séc.
Từ một quan điểm quốc tế, thái độ của Liên Xô đã làm tổn hại nghiêm trọng đến các lực lượng cánh tả. Cánh hữu, dĩ nhiên, đã bắt đầu sử dụng vở kịch Séc theo hướng có lợi cho mình và những hệ quả trực tiếp nhất chắc chắn sẽ là chiến thắng của Nixon trong cuộc đua tổng thống và trì hoãn một cái kết cho Chiến tranh Việt Nam. Một hệ quả không kém nghiêm trọng khác của cuộc can thiệp quân sự này là nó đã làm sâu sắc thêm sự chia rẽ quốc tế bên trong chủ nghĩa xã hội. Gần như mọi đảng Cộng sản châu Âu đều đã lên án cuộc xâm lược bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất. Ở đây, London, Công đảng đã cố gắng tận dụng lợi thế bầu cử từ những gì đã diễn ra và kêu gọi một cuộc biểu tình phản đối ở công viên Hyde. Các nhà lãnh đạo Công đảng trên nền tảng này đã phải phát biểu trước sự nhạo báng của mười ngàn người cáo buộc họ là những kẻ đạo đức giả: làm sao có thể lên án Liên Xô về vụ Tiệp Khắc mà không lên án sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam? Mười ngàn người biểu tình ấy chủ yếu thuộc các tổ chức cánh tả và khi cuộc mít tinh ở công viên Hyde kết thúc, họ diễu hành trong tình đoàn kết với những người Séc qua Đại sứ quán Nga, hét “Dubček!” “Svoboda!” và “Người Nga về nhà!” Ở Pháp, Liên hiệp Sinh viên Quốc gia, dẫn đầu cuộc cách mạng tháng Năm, là tổ chức đầu tiên khuyến khích các thành viên của mình đổ ra đường phố để biểu tình phản đối cuộc can thiệp quân sự ở Tiệp Khắc. Một trong số ít điều tích cực xuất hiện từ sự kiện bi thảm này là sự chứng thực rằng các tổ chức cánh tả ấy không còn hoạt động theo kiểu chỉ trắng hoặc đen như trong những năm trước, sự ủng hộ chủ nghĩa xã hội giờ không đồng nghĩa với sự ủng hộ vô điều kiện chính sách của Liên Xô, và các lực lượng tiến bộ giờ đã độc lập hơn và sáng suốt hơn.
Trong những hoàn cảnh ấy, chúng ta nên hiểu những lời lẽ của Fidel [Castro] nhằm biện minh cho cuộc can thiệp quân sự này như thế nào? Ông là một nhà lãnh đạo mà cho đến giờ vẫn thể hiện rằng mình rất chú ý đến các vấn đề về quyền tự chủ dân tộc và hết lòng ủng hộ quyền được thực hiện các chính sách riêng của các dân tộc nhỏ mà không có sự can thiệp của các cường quốc. Làm thế nào mà giờ đây ông lại có thể ủng hộ một cuộc can thiệp quân sự nhằm tước đi sự độc lập của một quốc gia, cũng như Cuba, chỉ yêu cầu được phép tổ chức xã hội theo những niềm tin của riêng mình? Thật đau lòng khi thấy Fidel phản ứng một cách có điều kiện và phản xạ như các nhà lãnh đạo tầm thường của các đảng Cộng sản Mỹ Latin đã vội vã biện minh cho cuộc can thiệp của Liên Xô. Lẽ nào lãnh tụ tối cao của Cuba không hiểu rằng nếu ông cho phép Liên Xô có quyền quyết định hình thức chủ nghĩa xã hội nào là phù hợp với các nước khác và áp đặt lựa chọn của nó bằng vũ lực, thì những gì đã xảy ra ở Praha cũng có thể xảy ra trong ngày mai ở Havana?
Với nhiều người bạn chân thành của cách mạng Cuba, lời lẽ của Fidel với chúng ta dường như không thể hiểu nổi và bất công như tiếng ồn của những chiếc xe tăng tiến vào Praha. ♦
Copyright © 1968 by Mario Vargas Llosa | Bản dịch © 2016 Nguyễn Huy Hoàng.