Truyện ngắn “The Fall of the Roman Empire, The 1881 Indian Uprising, Hitler’s Invasion of Poland, And The Realm of Raging Winds” được in trong Haruki Murakami, The Elephant Vanishes: Stories, trans. Alfred Birnbaum and Jay Rubin (Knopf, 1993).
1) Sự sụp đổ của Đế chế La Mã
Lần đầu tôi nhận thấy gió bắt đầu thổi vào chiều Chủ nhật. Hay chính xác hơn, lúc 2:07 chiều.
Lúc đó, như mọi khi—tức là như tôi luôn luôn làm vào mọi chiều Chủ nhật—tôi đang ngồi ở bàn bếp, nghe vài thứ âm nhạc vô thưởng vô phạt trong lúc ghi lại các mục nhật ký của cả tuần. Tôi có thói quen ghi vội sự kiện mỗi ngày trong tuần, rồi viết lại vào Chủ nhật.
Tôi vừa xong ba ngày hết thứ Ba thì bắt đầu nhận ra những cơn gió mạnh thổi qua cửa sổ. Tôi gập nhật ký lại, đóng nắp bút, và ra hiên thu quần áo. Các thứ phơi trên dây tất cả đều phấn khích, bay phần phật, khô giòn, vẫy những chiếc đuôi sao chổi điên loạn vào khoảng không.
Đúng lúc tôi ít mong chờ nhất thì cơn gió có vẻ nổi lên từ hư không. Phơi quần áo ngoài hiên lúc sáng—10:18 sáng, nói chính xác—chẳng có lấy một làn gió nào dù nhỏ nhất. Về chuyện đó ký ức tôi kín như nắp lò cao. Bởi lúc đó trong một giây tôi còn nghĩ: Chẳng cần kẹp quần áo vào một ngày yên tĩnh như vậy.
Thật sự là chẳng có làn không khí nào di chuyển ở bất cứ đâu.
Nhanh chóng thu quần áo, sau đó tôi đi đóng tất cả cửa sổ trong căn hộ. Khi chúng đã đóng, tôi gần như chẳng còn nghe thấy cơn gió nữa. Bên ngoài không có âm thanh, những cái cây—phần lớn là tuyết tùng Himalaya và hạt dẻ—quằn quại như những con chó bị ngứa không sao kiểm soát được. Những đụn mây trượt qua bầu trời và biến mất khỏi tầm mắt như những tên mật vụ mắt gian xảo, trong lúc trên hiên của một căn hộ bên kia đường mấy chiếc áo đang quấn quanh một cái dây phơi bằng nhựa và bám điên cuồng, như những đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi.
Gió ghê gớm thật đấy, tôi nghĩ.
Nhưng khi mở tờ báo và xem bản đồ thời tiết, tôi không thấy dấu hiệu nào báo bão. Khả năng có mưa là 0%. Một chiều Chủ nhật yên bình như thời hoàng kim của Đế chế La Mã, đáng lẽ là thế.
Tôi buông một tiếng thở dài nhẹ, có lẽ 30% và gập tờ báo lại, cất quần áo vào tủ, pha cà phê trong lúc nghe thêm một chút thứ nhạc vô thưởng vô phạt đó, rồi tiếp tục viết nhật ký với một cốc cà phê nóng.
Thứ Năm, tôi ngủ với bạn gái. Nàng thích đeo bịt mắt trong lúc làm tình. Nàng luôn mang theo một mảnh vải trong cái túi đi máy bay trong đêm chỉ vì mục đích đó.
Không phải sở thích của tôi, thực sự, nhưng trông nàng rất đáng yêu khi bị bịt mắt như thế, tôi không thể nào phản đối. Chúng ta đều là con người, suy cho cùng, và ai cũng có điều gì đó đôi chút điên rồ ở đâu đó.
Đấy gần như chính là những gì tôi viết về mục thứ Năm trong nhật ký. Tám mươi phần trăm sự kiện, 20% bình luận ngắn, đấy là chính sách nhật ký của tôi.
Thứ Sáu, tôi tình cờ gặp bạn cũ ở một nhà sách ở Ginza. Anh ta đeo một cái cà vạt với mẫu hoa văn bất kính nhất. Số điện thoại, cả đống, trên nền sọc—tôi ghi được chừng ấy khi điện thoại reo.
2) Cuộc nổi dậy của người da đỏ năm 1881
Điện thoại reo lúc 2:36. Chắc là nàng—tức là cô bạn gái thích bịt mắt của tôi—tôi nghĩ thế. Dù sao nàng cũng định Chủ nhật sẽ qua, và nàng luôn để ý chuyện gọi điện trước. Việc của nàng là mua đồ ăn cho bữa tối. Chúng tôi đã quyết định làm lẩu hàu cho tối hôm ấy.
Dù sao, điện thoại reo lúc 2:36 chiều. Tôi để đồng hồ báo thức ngay cạnh điện thoại. Như thế tôi có thể xem đồng hồ lúc đến nghe điện thoại, nên tôi nhớ được chính xác.
Nhưng khi nhấc ống nghe, tất cả những gì tôi có thể nghe được là tiếng gió thổi dữ dội. Một tiếng ùuuuuuuu đầy giận dữ, như những người da đỏ nổi dậy trong cơn sôi sục năm 1881, ngay trên ống nghe. Họ đang đốt cháy những căn cabin thám hiểm, cắt đường dây điện tín, cưỡng hiếp Candice Bergen.
“A lô?” tôi mạo hiểm, nhưng tiếng nói đơn độc của tôi mắc kẹt dưới cơn hỗn loạn áp đảo của lịch sử.
“A lô? A lô?” tôi hét to, một lần nữa vô ích.
Căng tai, tôi chỉ vừa nhận ra được âm thanh mờ nhạt nhất của những gì có thể là giọng một cô gái trong gió. Hoặc một lần nữa, có thể tôi đang nghe thấy các thứ. Dù sao đi nữa, cơn gió cũng quá mạnh để có thể chắc chắn. Và tôi đoán quá nhiều con bò đã về với cát bụi.
Tôi chẳng thể nói một lời. Tôi chỉ đứng đó với cái ống nghe trên tai. Bất động, cái thứ đó trên thực tế đã dính chặt vào tai tôi. Tôi gần như nghĩ nó sẽ không buông tha. Nhưng rồi, sau mười lăm hai mươi giây như thế, điện thoại ngắt. Cứ như thể một sợi dây cứu sinh đã bị đứt trong một cơn động kinh. Sau đó tất cả những gì còn lại chỉ là một sự im lặng mênh mông và trống rỗng, lạnh lẽo như quần áo lót bị tẩy quá mức.
3) Cuộc xâm lược Ba Lan của Hitler
Quá đủ rồi. Tôi buông thêm một tiếng thở dài. Rồi tôi tiếp tục với cuốn nhật ký, nghĩ tốt hơn là nên làm cho xong.
Thứ bảy, các sư đoàn thiết giáp của Hitler xâm lược Ba Lan. Những chiếc máy bay ném bom bổ nhào trên Warsaw—
Không, không đúng. Đấy không phải chuyện đã diễn ra. Cuộc xâm lược Ba Lan của Hitler diễn ra vào ngày 1 tháng 9 năm 1939. Không phải hôm qua. Sau bữa tối tối qua, tôi đến rạp xem Meryl Streep trong Sophie’s Choice. Cuộc xâm lược Ba Lan của Hitler chỉ được thể hiện trong phim.
Trong phim, Meryl Streep ly hôn với Dustin Hoffman, nhưng rồi trên một chuyến tàu cô gặp một tay kỹ sư do Robert De Niro thủ vai, rồi tái hôn. Một bộ phim khá ổn.
Ngồi cạnh tôi là một cặp học sinh cấp ba, và chúng cứ sờ bụng nhau suốt phim. Không tệ chút nào, cái bụng học sinh cấp ba của bạn. Ngay cả tôi, tôi cũng từng có một cái bụng học sinh cấp ba.
4) Và thế giới của những ngọn gió dữ
Khi đã sắp xếp nhật ký của tuần trước xong, tôi ngồi xuống trước giá đĩa và chọn chút âm nhạc cho một buổi chiều Chủ nhật đầy gió. Tôi chọn một bản cello concerto của Shostakovich và một album của Sly and the Family Stone, những lựa chọn có vẻ đủ phù hợp cho những cơn gió lớn, và tôi lần lượt nghe cả hai.
Thỉnh thoảng lại có thứ oanh tạc qua cửa sổ. Một tấm vải trắng bay từ Đông sang Tây như một tên phù thủy nào đó pha nước thuốc từ rễ cây và thảo dược. Một biển báo bằng thiếc dài, mỏng manh uống cong cái cột sống bệnh hoạn của nó như một kẻ đam mê tình dục hậu môn.
Tôi đang đưa khung cảnh bên ngoài vào những giai điệu bản cello concerto của Shostakovich thì điện thoại reo một lần nữa. Đồng hồ báo thức cạnh điện thoại chỉ 3:48. Tôi nhấc ống nghe đợi sẵn tiếng động cơ phản lực của chiếc Boeing 747 gầm rú, nhưng lần này chẳng còn gió mà nghe.
“A lô,” nàng nói.
“A lô,” tôi nói theo.
“Em đang nghĩ mang các thứ sang nấu lẩu hàu, được không?” bạn gái tôi nói. Nàng sẽ lên đường với thực phẩm và cái bịt mắt.
“Cũng được, nhưng—”
“Anh có nồi chứ?”
“Có, nhưng,” tôi nói, “sao thế? Anh không nghe thấy tiếng gió nữa.”
“Vâng, hết gió rồi. Ở Nakano hết gió lúc 3:25. Nên em đoán chắc bên đó cũng thế sớm thôi.”
“Chắc thế,” tôi nói lúc dập máy, rồi lấy cái nồi trong ngăn để đồ trên tủ xuống và rửa trong bồn.
Đúng như nàng đoán, gió đã ngừng, chính xác là lúc 4:05. Tôi mở cửa sổ và nhìn ra ngoài. Ngay dưới, một con chó đen đang chăm chú đánh hơi quanh mặt đất. Nó cứ thế không biết mệt trong mười lăm hai mươi phút. Tôi không hình dung được sao nó lại cảm thấy phải làm như thế.
Trừ chuyện đó ra thì cảnh vật và hoạt động của thế giới vẫn không thay đổi so với trước khi cơn gió bắt đầu. Những cây tuyết tùng Himalaya và hạt dẻ đứng trên khoảnh đất trống, hờ hững như thể không có gì xảy ra. Quần áo treo yếu ớt trên những chiếc dây phơi bằng nhựa. Trên các cột điện thoại, lũ quạ đập cánh một hai cái, mỏ của chúng sáng như thẻ tín dụng.
Trong lúc đó, bạn gái tôi đã đến và bắt đầu chuẩn bị nồi lẩu. Nàng đứng trong bếp rửa hàu, xắt cải thảo thoăn thoắt, xếp vuông vắn các miếng đậu phụ, và hầm nước dùng.
Tôi hỏi lúc 2:36 nàng có gọi điện cho tôi không.
“Em có gọi,” cô trả lời trong lúc vo gạo trong rá.
“Anh chẳng nghe thấy gì,” tôi nói.
“Vâng, gió mạnh lắm,” nàng nói thờ ơ.
Tôi lấy chai bia ra khỏi tủ lạnh và ngồi lên mép bàn uống.
“Nhưng làm sao tự nhiên có gió mạnh thế rồi cứ như chẳng có gì nhỉ?” tôi hỏi nàng.
“Làm sao em biết,” nàng nói, lưng quay về phía tôi trong lúc nàng bóc vỏ tôm bằng móng tay. “Có rất nhiều thứ mình không biết về gió. Cũng giống như có rất nhiều thứ mình không biết về lịch sử cổ đại hay ung thư hay đáy đại dương hay vũ trụ hay tình dục.”
“Hmm,” tôi nói. Đấy không phải là câu trả lời. Dù sao cũng chẳng có vẻ có nhiều cơ hội để tiếp tục câu chuyện này với nàng, nên tôi thôi và theo dõi tiến độ của nồi lẩu.
“Này, cho anh sờ bụng được không?” tôi hỏi nàng.
“Tí nữa,” nàng nói.
Thế nên đợi đến lúc nồi lẩu đã sẵn sàng, tôi quyết định sắp xếp lại vài ghi chép ngắn về những sự kiện trong ngày để có thể viết vào nhật ký tuần tới. Đây là những gì tôi ghi lại:
Sự sụp đổ của Đế chế La Mã
Cuộc nổi dậy người da đỏ năm 1881
Cuộc xâm lược Ba Lan của Hitler
Chỉ thế, và thậm chí đến tuần sau tôi vẫn có thể tái tạo lại những gì diễn ra hôm nay. Chính vì hệ thống tỉ mỉ này mà tôi đã viết nhật ký được hai mươi hai năm không thiếu một ngày. Cho mọi hành động có ý nghĩa, hệ thống của riêng nó. Dù gió có thổi hay không, đấy là cách tôi sống.
Copyright © 1986 by Haruki Murakami | Bản dịch © 2017 Nguyễn Huy Hoàng.