Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Khay casserole” – Thomas McGuane

the casserole.jpg

Illustration by Victo Ngai

Thomas McGuane (1939–) là nhà văn người Mỹ. Ông đã xuất bản mười cuốn tiểu thuyết, sáu tập tiểu luận phi hư cấu và ba tập truyện ngắn, cùng một số kịch bản. Các tác phẩm của ông đã được trao nhiều giải thưởng, trong đó có giải Rosenthal của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn chương Mỹ, và được đưa vào các tuyển tập Best American StoriesBest American Essays.

Truyện ngắn “The Casserole” được đăng lần đầu trên tạp chí The New Yorker (số 10 tháng 9, 2012), và được in cùng 16 truyện ngắn khác trong tập Crow Fair: Stories (Knopf, 2015).

 Khay casserole

Chúng tôi đỗ dưới tán cây dương đợi phà từ bên kia sông Missouri về. Nhưng hơi nóng vẫn bốc lên từ khối kim loại của cái xe, và hóa ra đứng gần mặt nước thì dễ chịu hơn. Dòng sông trông thật lớn, tiếng rì rầm kỳ lạ của nó trái ngược với tốc độ chảy đều đều. Những bầy nhạn đuổi theo côn trùng trên mặt nước, bồ câu nghỉ dưới bóng râm. Vợ tôi cầm một tờ Kleenex thấm lên trán mãi và nhìn chằm chằm về phía con phà, như thể giục nó về. Chúng tôi có thể thấy người lái phà trò chuyện với hành khách, chỉ làm cô thêm sốt ruột. Chúng tôi đang trên đường từ nhà mình ở Livingston đến trang trại gia đình của Ellie để kỷ niệm hai mươi lăm năm ngày cưới. Hai mươi lăm năm mà chưa có con: bố mẹ cô đã thôi thẩm vấn chúng tôi về chuyện ấy. Họ cho đấy là một vấn đề sinh lý mà phòng khám có thể giải quyết, nhưng chúng tôi không muốn có con. Chúng tôi không đủ can đảm để bảo họ. Chúng tôi đều thích trẻ con; chỉ là không muốn tự mình có con. Trẻ con ở đâu cũng có, và chúng tôi không thấy có lý do gì để bắt đầu nhãn hiệu riêng. Các cặp vợ chồng trẻ đâm đầu vào làm bố làm mẹ rồi cuối cùng lại thường xuyên phải đối mặt với vấn đề gớm ghiếc nào đó. Chúng tôi nghĩ mình sẽ để nó cho người khác. Nhưng bố mẹ vợ tôi thì đã già và họ có cái nhìn thường lệ của những chủ đất cha truyền con nối: họ mong có người thừa kế. Họ thừa hưởng mảnh đất từ bố mẹ mình và cùng với đó là một niềm tin vào những giá trị gia đình vô căn cứ, vì hầu hết các trang trại thời đó đều là khung cảnh diễn ra những cuộc tranh giành thừa kế cay đắng. Nhưng dù có anh chị em đi chăng nữa thì vợ tôi cũng không phải chịu cảnh rắc rối này, vì cô chưa bao giờ—ít nhất là từ thời thiếu niên—muốn theo đuổi cuộc sống trang trại, cuộc sống thôn dã, cuộc sống nông nghiệp. Cô sẽ nói với anh chị em mình, “Lấy đi! Của anh chị hết đấy. Tôi đi khỏi đây.” Có lẽ trong chuyện này cũng có yếu tố điệu bộ ra vẻ, vì cô rất gắn bó với mảnh đất; chỉ là cô không muốn sở hữu hay làm bất cứ chuyện gì với nó. Tôi cũng thế.

Vấn đề là chúng tôi khá nghèo. Cả hai đều là giáo viên tiểu học, và có một ngôi nhà đã là vung tay quá trán. Chúng tôi yêu nhà mình và yêu công việc và đều cảm thấy biết ơn một cách thích đáng vì cả hai, dù Ellie cảm thấy nếu như tôi không cứng đầu cứng cổ trả tiền thế chấp thì có thể chúng tôi đã làm được thêm mấy việc nữa cho vui. Bố mẹ vợ tôi chẳng thể nào tin chúng tôi không hứng thú gì đến chuyện sở hữu một trang trại trị giá hàng triệu đô. Nhưng họ cũng sẽ không cho chúng tôi bán nó. Chúng tôi sẽ chôn chân ở đó nếu đồng ý với họ, mà chúng tôi cũng không định làm thế, nên giờ thì chính họ đang chôn chân ở đó: lũ bò, thiết bị nông nghiệp, hàng rào—tất tần tật. Và họ thì đang già đi. Cái trang trại sẽ ăn sống họ, và họ biết điều đó. Hàng rào sẽ đổ; bò sẽ xổng ra ngoài; hàng xóm láng giềng, bạn bè cũ, sẽ bắt đầu xem họ là vấn đề. Một khi đã qua được con sông này, chúng tôi đến với một câu chuyện rất buồn.

Chà, không buồn đến thế. Họ cũng có ngày của họ và nó gần như đã qua rồi. Ai cũng thế cả. Họ muốn được xem là những kẻ cần cù anh dũng, một mình trên cái đồng cỏ không biết dung thứ, nhưng họ cũng có thể sang tay trang trại, không vướng bận gì, rồi về Arizona; bán xong, mọi người ai cũng sẽ dư dật. Tôi có một bộ sưu tập mênh mông các bản thu nhạc jazz West Coast, bao gồm các gương mặt thân quen, Gerry Mulligan, Chet Baker, Stan Getz, v.v.—không phải ai cũng có Wardell Gray với Buddy Collette, nhưng tôi thì có—và nếu có thêm chút đỉnh thì tôi có thể thêm một phòng cho ngôi nhà chỉ để chứa bộ sưu tập này, với một dàn âm thanh thỏa đáng. Nhưng khi tôi than thở mấy chuyện như thế này với Ellie, cô chỉ bảo, “Đáng thương ghê.”

Có vẻ chiếc xe nhỏ gọn với số dặm cao đến đáng kinh ngạc của chúng tôi sẽ là chiếc duy nhất trên phà. Vợ chồng tôi ngồi trước, còn ghế sau chất đầy đồ đạc của cô, cốp cũng thế. Tôi không biết sao cô lại cảm thấy phải mang theo chừng ấy hành lý, trừ khi là để cất các thứ chất đống trong ngôi nhà nhỏ của chúng tôi vào trang trại. Tôi có thể hỏi, chỉ là thấy không muốn.

“Em nghĩ họ đang quay đầu đấy,” Ellie nói, và tôi bước ra khỏi cơn mơ màng. Sợi cáp phà rên rỉ cạnh chúng tôi, và bên kia sông, tôi có thể thấy con phà cuối cùng cũng đi về phía mình. Ellie rất mong chuyến thăm này. Tôi thì chắc chắn không. Trang trại là nơi cô lớn lên, một người yêu thiên nhiên. Bất chấp mọi thiếu sót của nó, nó vẫn là nơi dành cho cô trên trái đất này.

Chúng tôi nhìn con phà lướt qua sông Missouri, kéo sợi cáp thành một góc, rồi cập bờ với một tiếng rầm mạnh trên bờ dốc. Người lái phà, quá trẻ cho cặp dây đai quần màu đỏ bản rộng mà anh ta mang, ra hiệu cho chúng tôi tiến lên, và tôi lái cái xe khỉ gió của chúng tôi xuống bến.

Trong lúc chúng tôi qua sông, vợ tôi đứng trên boong phà, nhìn ra con sông, mỉm cười và thở dài trước những con nhạn lượn quanh dòng nước. Tôi bảo cô là chúng chỉ đang đuổi theo mấy con bọ thôi. Cô bảo cô hiểu, nhưng làm gì thì làm trông chúng nó vẫn đẹp, nhỉ? Từ lâu tôi đã thấy có vấn đề với việc người ta cứ chọn ra chi tiết nào đó của cảnh quan rồi làm như đó là toàn bộ câu chuyện, như thể, trong trường hợp này, cái ánh sáng màu xanh lam quanh những con chim vun vút ấy có thể làm bất cứ điều gì để che giấu cảnh hoang tàn của vùng quê mạn bắc con sông, một vùng đất tôi phải bịt mũi đi qua.

“Anh không định ra khỏi xe à?” cô hỏi.

“Ai phải lái nó xuống phà?”

Tôi quay mặt đi khỏi vợ tôi và bật radio: không có tín hiệu. Tôi nghĩ về niềm vui đặc biệt của cô hôm nay. Tôi cho đấy là viễn cảnh được gặp bố mẹ, được thăm lại những khung cảnh thời thơ ấu, điều mà cô vẫn làm đủ thường xuyên để chứng tỏ sức chịu đựng tuyệt đối của lòng kiên nhẫn của tôi. Mặc dù, trong thời gian gần đây, chúng tôi nói chuyện ngày càng ít, điều đó đặt ra câu hỏi: có gì để mà nói cơ chứ? Chúng tôi làm việc và chúng tôi tiết kiệm. Chúng tôi tiết kiệm nhiều hơn một chút so với số tiền Ellie tiết kiệm được nếu như cô gánh vác mọi thứ. Món tiền dành dụm dư dả đang đầy lên sẽ biến mất trong những chuyến đi chơi ở Belize hay một nơi nào khác, nơi mà Ellie có thể phơi bày nhiều hơn cái cơ thể mà cô hết sức tự hào với bất cứ ai và với tất cả mọi người. Một lần cô còn dám bảo tất cả chỗ tiền tiết kiệm cho tuổi già này thật là đáng kể với một người chẳng mấy coi trọng người già. Tôi đáp, “Ha-ha-ha.” Cô sẽ phải chấp nhận lắc mông trong hành lang trường học đến cái ngày không thể tránh khỏi là cái thứ đó xệ xuống thôi.

Cuối cùng chúng tôi cũng cập bờ, và tôi lái xe xuống. Ellie đang có một cuộc trò chuyện sôi nổi với người lái phà, đủng đỉnh mãi cô mới trở lại xe. Tôi nhìn chằm chằm qua kính chắn gió cho đến khi cô đến gần. Khi trèo vào, gần như với một cú nảy, cô kêu lên, “Anh ấy lớn lên ở nhà hàng xóm, nhà Showalter. Anh ấy là con nhà Showalter. Tốt nghiệp ở Winnett, trường em.”

“À, ra thế.”

Trang trại cách con phà không quá nửa tiếng lái xe. Cơn phấn khích của Ellie lớn dần trên đường đi. Đây là một mẫu các câu cảm thán của cô:

  • “Nhìn bọn linh dương kìa! Phải đến cả trăm con!”
  • “Ồ, giờ em đã ngửi thấy mùi ngải đắng rồi!”
  • “Cái đường này trông như dải ruy băng bạc ấy!”
  • “Toàn chim ưng đuôi lửa kìa, cưỡi cái đống hầm hập đó!”
  • “Hoa phi yến!”
  • “Năm nay nhiều cỏ ghê! Anh có hình dung được mấy con bê của Bố trông sẽ thế nào không?”

Tôi trả lời, “Không,” cho câu cuối cùng. Nói thật là tôi nghĩ cô đang lên cơn hưng cảm trong lúc chúng tôi đến gần trang trại. Ellie là một người cuồng nhiệt, nhưng thế này thì đi quá xa hành vi bình thường của cô rồi. Tôi không biết cô có nhận ra mối lo ngại của tôi hay không, nhưng có vẻ cô cũng tự nhận ra và đột nhiên im lặng; cô nói ít đi, nhưng tôi vẫn có thể cảm thấy niềm vui sướng của cô từ chỗ tôi ngồi sau tay lái. Tôi tự hỏi tình trạng thế này thì có cần thuốc không.

Tôi lái qua cổng trang trại, với cái nhãn sắt treo trên đầu—hai chữ “V” ngược, “vú đàn bà bản địa” trong trong tiếng địa phương yêu kiều. Bố, từ lâu tôi đã cảm thấy có nghĩa vụ phải gọi ông như vậy, và vợ ông, Mẹ, đang đứng ở mép sân, được đóng khung từ đằng sau bởi ngôi nhà ván gỗ nhỏ tin hin của họ. Bố vận nguyên bộ cánh: mũ Stetson, áo khoác da, ủng cao bồi, và—cái này mới—một khẩu lục. Mẹ mặc bình thường hơn, trừ đôi bốt cột dây với cái váy giặt được và cái hộp đựng đồ ăn bà đang cầm. Tin tôi đi, đấy là Methuselah và nàng dâu của người ở Grand Ole Opry.

Có điều gì đó trong biểu hiện của họ làm tôi không thích. Đến lượt tôi giữ cho mình bận rộn, trong lúc tôi cố gắng gợi ra những dấu hiệu của cuộc sống từ hoạt cảnh này, giờ bao gồm cả người vợ rầu rĩ của tôi. Bố giúp tôi dỡ chỗ hành lý đáng kể của Ellie, và, khi tất cả đã nằm trên mặt đất, Mẹ đưa tôi cái hộp đựng đồ ăn. “Cái gì đây ạ?” tôi hỏi.

“Để ăn trên đường về. Một khay casserole.”

Tôi quay sang Ellie. Mắt cô đẫm nước. Tôi cảm thấy chuyện này đáng lẽ có thể xử lý theo cách khác—không có tay Bố đặt trên khẩu lục, v.v. Tôi nghĩ, những lúc thế này, mối quan tâm đầu tiên là phải giữ được một chút phẩm giá. Nếu tôi có cái chân nào để đỡ thì đó là việc Ellie buồn còn tôi thì không. Loại người ngớ ngẩn nào lại để một khay casserole vào cái hộp đựng đồ ăn?

Sau khi tôi đã trở lại phà, ý nghĩ của tôi là tôi đang trở về… nhà—ừ thì tôi không hoàn toàn thoải mái với ý nghĩ này, và tôi cũng không thích gã lái phà cứ nhìn tôi chằm chằm hay là hỏi có phải ai đó đã bắn con chó của tôi không. Tôi chỉ nhìn chằm chằm ra dòng sông, hầu như không một gợn sóng, và còn hàng dặm để đi trước khi đến khúc cua tới.

Copyright © 2012 by Thomas McGuane | Bản dịch © 2017 Nguyễn Huy Hoàng.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on April 18, 2017 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: