Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Alan Bean cộng bốn” – Tom Hanks

tom hanks.jpg

Tom Hanks | Photograph by Austin Hargrave

Tom Hanks (1956–) là diễn viên và nhà làm phim người Mỹ. Truyện ngắn “Alan Bean Plus Four” được đăng trên tạp chí The New Yorker (October 27, 2014 Issue) và sẽ được in trong tập truyện ngắn đầu tay của Tom Hanks, Uncommon Type: Some Stories (Alfred A. Knopf, October 2017).

Alan Bean cộng bốn

Du hành lên mặt trăng hồi này đã không còn phức tạp như hồi năm 1969, như bốn người chúng tôi đã chứng tỏ, mà cũng không phải là có ai thèm quan tâm. Này nhé, nhâm nhi bia lạnh trên sân thượng nhà mình, với trăng lưỡi liềm như cái móng tay công chúa mảnh mai dưới bầu trời đằng tây, tôi mới bảo Steve Wong là nếu hắn ném một cái búa chẳng hạn mà đủ mạnh, cái dụng cụ đó sẽ làm một đường số tám dài năm trăm ngàn dặm, đi vòng quanh chính cái mặt trăng kia, rồi quay về trái đất như một cái bum mê răng, và chẳng phải thế thì rất thú vị sao?

Steve Wong làm ở Home Depot, nên có thể lấy được rất nhiều búa. Hắn đề nghị quăng vài cái. Đồng nghiệp của hắn, MDash, gã rút gọn cái tên bộ lạc dài dằng dặc xuống độ dài của tên ngôi sao nhạc rap, băn khoăn làm sao bắt được một cái búa nóng đỏ rơi xuống với tốc độ một ngàn dặm một giờ. Anna, làm gì đó trong ngành thiết kế Web, nói chẳng có gì để bắt, vì cái búa sẽ bốc cháy như sao băng, và nàng nói đúng. Còn nữa, nàng chẳng tin trò ném-chờ-quay lại trong vũ trụ của tôi đơn giản đến thế. Nàng nói tôi lúc nào cũng “Apollo 13 thế này” rồi “Lunokhod thế kia,” còn bắt đầu xuyên tạc chi tiết để làm ra vẻ chuyên gia, và cái đó nàng nói cũng đúng.

Tôi cất toàn bộ sách vở phi hư cấu trong một cái máy đọc kỹ thuật số Kobo cỡ bỏ túi, nên tôi lôi ra một chương trong cuốn Không được đâu, Ivan ạ: Vì sao Liên Xô thua cuộc đua lên mặt trăng, được viết bởi một ông giáo sư lưu vong cứng đầu cứng cổ. Theo ông ta, giữa những năm sáu mươi Liên Xô hy vọng có thể vượt qua chương trình Apollo chỉ bằng một sứ mệnh hình số tám: không quỹ đạo, không hạ cánh, chỉ ảnh ọt và thế là có quyền lớn tiếng. Tụi cộng sản gửi một cái Soyuz không người lái đem theo, người ta nói, một con ma nơ canh mặc đồ phi hành gia, nhưng có nhiều chuyện đổ bể đến nỗi họ chẳng dám thử lại, mang theo chó cũng không. Kaputnik.

Anna gầy và thông minh, và đầy quyết tâm chẳng giống ai tôi từng hẹn hò (trong ba tuần kiệt sức). Nàng thấy một thách thức ở đây. Nàng muốn thành công nơi người Nga thất bại. Sẽ vui đấy. Chúng ta đều bận cả, nàng nói, thế đấy, nhưng khi nào? Tôi gợi ý lên kế hoạch cho cú ném trùng với dịp kỷ niệm 40 năm Apollo 11, chuyến bay vũ trụ nổi tiếng nhất trong lịch sử, nhưng không được, vì Steve Wong có lịch làm răng vào tuần thứ ba của tháng 7. Tháng 11 thì sao, khi Apollo 12 hạ cánh xuống Đại dương Bão tố, cách đây khoảng 45 năm nhưng 99,999 phần trăm số người trên trái đất đã quên? Anna phải làm phù dâu cho đám cưới chị nàng vào tuần lễ sau Halloween, nên ngày tốt nhất cho sứ mệnh này hóa ra là vào 27 tháng 9, một ngày thứ Bảy.

Các phi hành gia thời kỳ Apollo đã trải qua hàng ngàn giờ lái máy bay phản lực và lấy bằng kỹ sư. Họ phải thực hành thoát khỏi thảm họa bệ phóng bằng cách trượt theo các ống cáp dài xuống boong ke đệm dày an toàn. Họ phải biết nguyên lý hoạt động của các quy tắc trượt. Chúng tôi chẳng làm gì như thế, dù có cho bay thử bộ đẩy vào ngày 4 tháng 7, từ con đường nhà rộng rãi của Steve Wong ở Oxnard, hy vọng rằng, với lũ lĩ pháo hoa kia, giai đoạn đầu tiên không người lái của chúng tôi sẽ đâm thủng trời mà không ai để ý. Nhiệm vụ hoàn thành. Quả tên lửa bay qua Baja và lúc này đang quay quanh trái đất mỗi 90 phút và, để tôi nói rõ, vì lợi ích của nhiều cơ quan chính phủ, có lẽ sẽ cháy rụi một cách vô hại khi trở lại bầu khí quyển trong 12 đến 14 tháng.

MDash, sinh ra trong một ngôi làng ở châu Phi hạ Sahara, có một bộ não siêu việt. Hồi cấp hai, với những kỹ năng tiếng Anh tối thiểu, gã đã giành giải ở một hội chợ khoa học bằng thí nghiệm với các vật liệu tải mòn, chúng bắt lửa trước sự thích thú của mọi người. Vì cụm từ “trở về trái đất an toàn” hàm ý phải có một tấm chắn nhiệt hoạt động được nên MDash chịu trách nhiệm với cái đó và mọi thứ liên quan đến kỹ thuật cháy, trong đó có các bu lông nổ cho giai đoạn tách. Anna làm công việc tính toán, mọi tỷ lệ nâng tải, cơ học quỹ đạo, hỗn hợp nhiên liệu, và các công thức—những thứ tôi giả vờ biết mà thật ra làm tôi chẳng biết đường nào mà lần.

Đóng góp của tôi là Mô đun Điều khiển—một khối cầu tù túng hình đèn pha được ráp nối vào với nhau bởi một ông trùm cung cấp bể bơi siêu giàu, quyết tâm lao vào kinh doanh hàng không tư nhân để kiếm một khoản từ NASA thời thịnh. Lão qua đời trong giấc ngủ ngay trước ngày sinh nhật thứ chín mươi tư, và bà vợ/góa (thứ tư) của lão đã đồng ý bán cho tôi cái khoang kia với giá một trăm đồng, với điều kiện phải mang nó khỏi ga ra trước cuối tuần. Tôi đặt tên nó là Alan Bean, vinh danh phi công lái mô đun mặt trăng của Apollo 12, người thứ tư bước lên mặt trăng và người duy nhất tôi từng gặp, ở một nhà hàng Mexico trong khu Houston, năm 1986. Ông đang thanh toán, vô danh như một tay bác sĩ chỉnh hình đầu hói, thì tôi hét lên, “Trời đất ơi! Chú là Al Bean!” Ông cho tôi chữ ký và vẽ một phi hành gia nhỏ xíu bên trên tên mình.

Vì bốn người chúng tôi sẽ lên đường bay quanh mặt trăng nên tôi cần dọn dẹp không gian trong Alan Bean và giảm bớt khối lượng. Chúng tôi không có Trung tâm Kiểm soát Sứ mệnh để chỉ huy nên tôi giật hết bộ phận Điều khiển ra. Tôi thay bằng sạch bu lông, ốc vít, bản lề, kẹp nối, và đầu nối bằng băng dính (ba đồng một cuộn ở Home Depot). Nhà vệ sinh là một tấm màn tắm, như thế cho riêng tư. Tôi nghe nói từ một nguồn có kinh nghiệm là đi vũ trụ trong tình trạng không trọng lực đòi hỏi bạn phải cởi truồng và cho mình khoảng nửa tiếng đồng hồ, nên là, đấy, riêng tư là mấu chốt. Tôi thay cái nắp mở từ bên ngoài và bộ khóa di tản cồng kềnh của nó bằng một nút phích có một ô cửa sổ lớn và một tấm lót tự bịt kín. Trong chân không, áp suất không khí trong Alan Bean sẽ đẩy cái nắp đóng lại và thế là kín mít. Vật lý đại cương.

***

Thông báo bạn sắp bay lên mặt trăng rồi mọi người sẽ tưởng bạn định đáp xuống đó—cắm cờ, nhảy kangaroo trong 1/6 trọng lực, và nhặt đá đem về nhà, chúng tôi không định làm gì như thế. Chúng tôi sắp bay quanh mặt trăng. Đáp xuống là một trò khác hẳn, còn bước xuống bề mặt thì sao? Còn lâu, chọn ai là người đầu tiên ra ngoài và trở thành người thứ 13 để lại dấu giày trên kia sẽ làm chúng tôi dằn nhau đến tan nát cả đoàn trước lúc T âm 10 giây và đếm ngược từ lâu rồi.

Lắp ráp ba giai đoạn của con tàu xịn Alan Bean mất hai ngày. Chúng tôi đóng lương khô và nước vào các chai nắp vặn, rồi bơm ôxy lỏng cho hai giai đoạn đẩy và hóa chất tự cháy để khởi động một lần động cơ đẩy quỹ đạo mặt trăng, quả tên lửa mini bắn chúng tôi đến điểm hẹn. Hầu hết dân Oxnard đều đến đường nhà Steve Wong để ngắm Alan Bean, không một ai biết Alan Bean là ai hay vì sao chúng tôi đặt tên con tàu theo tên ông. Bọn trẻ nài nỉ được ngó bên trong, nhưng chúng tôi không có bảo hiểm. Các anh còn chờ gì? Các anh sẽ phóng sớm chứ? Với mỗi cái đầu đất chịu nghe, tôi giải thích thời gian và quỹ đạo phóng, chỉ cho họ trên ứng dụng MoonFaze (miễn phí) của tôi là phải đi vào quỹ đạo của mặt trăng đúng lúc như thế nào nếu không thì trọng lực của mặt trăng sẽ… A, giời ơi! Mặt trăng kia rồi! Chỉ tên lửa vào nó và diễn thôi!

Hai mươi bốn giây sau khi tháo tháp, giai đoạn đầu tiên của chúng tôi đã đốt cháy mọi điểm dừng, và ứng dụng Max-Q ($0.99) cho thấy chúng tôi đang kéo 11,8 lần khối lượng chúng tôi ở mặt biển, không phải cần iPhone chúng tôi mới biết. Chúng tôi… đang… cố gắng… thở… mà Anna… cứ hét… “Biến khỏi… ngực tui!” Nhưng chẳng có ai trên ngực nàng cả. Nàng, trên thực tế, đang ngồi lên tôi, ngấu nghiến tôi như điệu lap dance của một gã cầu thủ tuyến tấn công. Bu lông nổ của MDash kêu bùm, và giai đoạn thứ hai bắt đầu, như kế hoạch. Một phút sau, bụi, xu lẻ, và mấy cái bút bi trôi lên từ hàng ghế sau, báo hiệu, Ê! Chúng tôi đạt được quỹ đạo rồi!

Không trọng lượng đúng là vui như bạn có thể tưởng tượng, nhưng phiền hà với một số nhà du hành không gian, không biết vì sao dành mấy tiếng đầu tiên trên đó để nôn, cứ như ăn đến bội thực trong tiệc chiêu đãi trước khi phóng. Đấy là một trong những thực tế chưa bao giờ được công bố bởi đội P.R. của NASA hay trong hồi ký của các phi hành gia. Sau ba vòng trái đất, khi chúng tôi kiểm tra xong danh sách cần làm để vào quỹ đạo mặt trăng, bụng Steve Wong cuối cùng đã dịu. Đâu đó phía trên châu Phi, chúng tôi mở các van trong động cơ quỹ đạo mặt trăng, đám chất tự cháy làm trò ma thuật hóa học, và—viu—chúng tôi đang vi vút đến Moonberry, vận tốc thoát ly chúng tôi đạt oai phong bảy dặm một giây, trái đất ngày càng nhỏ trong ô cửa sổ.

Những người Mỹ lên mặt trăng trước chúng tôi chỉ có máy tính sơ khai đến mức không thể nhận e-mail hay dùng Google để giải quyết tranh cãi. Mấy cái iPad chúng tôi mang có năng lực gấp đâu 70 tỷ lần những chiếc quay số thời Apollo và tiện hơn nhiều, nhất là trong thời gian rảnh trên hành trình dài của chúng tôi. MDash dùng iPad để xem mùa bốn bộ Breaking Bad. Chúng tôi chụp hàng trăm bức tự sướng với trái đất trong ô cửa sổ và, lẩy một quả bóng bàn ra khỏi ghế giữa, chơi một giải đấu bóng bàn không bàn, Anna thắng. Tôi đặt động cơ điều chỉnh hướng vào chế độ xung, ngáp và gẩy Alan Bean lấy góc nhìn một số ít ngôi sao thấy được dưới ánh nắng rực rỡ: Antares, Nunki, cụm sao cầu NGC 6333—chẳng cái nào lấp lánh khi bạn ở trên đó.

Sự kiện lớn trong không gian vào quỹ đạo mặt trăng là đi qua vùng trọng lực đều, một ranh giới vô hình giống như đường đổi ngày quốc tế nhưng, với Alan Bean, là sông Rubicon. Ở bên này vùng trọng lực đều, trọng lực của trái đất kéo chúng tôi lại, làm chậm tiến độ, mời mọc chúng tôi về nhà với những lợi ích thiết thực của nước, khí quyển, và từ trường. Một khi đã đi qua, mặt trăng sẽ nắm lấy, bao bọc chúng tôi trong cái ôm bàng bạc cổ kính của nàng, thì thầm nhanh lên nhanh lên nhanh lên với chúng tôi để chớp mắt kinh ngạc trước vẻ hoang tàn tráng lệ của nàng.

Đúng lúc chúng tôi chạm đến ngưỡng, Anna trao cho chúng tôi những con hạc origami, gấp bằng giấy nhôm, rồi chúng tôi dán lên áo mình như những đôi cánh phi công. Tôi đặt Alan Bean vào một cuộn BBQ Kiểm soát Nhiệt Thụ động, con tàu gắn với mặt trăng của chúng tôi quay quanh một cái xiên vô hình để phân phối nhiệt lượng mặt trời. Rồi chúng tôi vặn nhỏ đèn, dán một cái áo len lên cửa sổ để ngăn ánh nắng khỏi quét vào cabin, và ngủ, mỗi người chúng tôi đều cuộn tròn trong một cái nôi thoải mái trong con tàu tên lửa nhỏ của mình.

***

Khi tôi bảo mọi người là tôi đã thấy mặt bên kia mặt trăng, họ thường nói, “Ý anh là mặt tối,” cứ như thể tôi đã bị Darth Vader hay Pink Floyd bỏ bùa. Thật ra, cả hai mặt của mặt trăng đều nhận được một lượng ánh nắng như nhau, chỉ là trong những ca khác nhau.

Vì với người dưới mặt đất trăng đang là trăng thượng huyền nên chúng tôi phải đợi trong phần tối ở mặt bên kia. Trong bóng tối ấy, không ánh nắng và mặt trăng cản ánh sáng phản chiếu từ trái đất, tôi đẩy Alan Bean ngược lại để cửa sổ đối mặt ra ngoài nhìn chiều không thời gian vô tận xứng với màn IMAX: những ngôi sao không nhấp nháy trong những sắc thái đỏ-cam-vàng-lục-lam-chàm-tím tinh tế, thiên hà của chúng ta trải rộng ra toàn bộ tầm mắt, một tấm thảm màu xanh kim cương trên nền đen đáng lẽ đã thật đáng sợ nếu không hút hồn đến thế.

Rồi ánh sáng đến, đột ngột như thể MDash vừa bật công tắc. Tôi điều chỉnh các nút điều khiển, và bên dưới chúng tôi là bề mặt mặt trăng. Uây. Tráng lệ đến mức dùng từ nào cũng là gượng gạo, một nơi gồ ghề mà làm người ta ồ à. Ứng dụng LunaTicket ($.99) cho thấy chúng tôi đang đi từ Nam lên Bắc, nhưng chúng tôi đã lạc hồn mình trong không gian, bề mặt hỗn loạn như một vùng vịnh mũi xám đầy gió, cho đến khi tôi ghép được hố Poincaré với hướng dẫn Đây là mặt trăng của chúng ta trên Kobo. Alan Bean đang bay 153 kilômét trên cao (95,06 dặm Americanus), với tốc độ nhanh hơn viên đạn mà súng bắn ra, và mặt trăng đang lướt đi nhanh đến nỗi chúng tôi đang ra khỏi mặt bên kia. Hố Oresme có những dải trắng như vẽ bằng ngón tay. Heaviside cho thấy những khe rãnh và vùng trũng, như vùng xói bên sông. Chúng tôi cắt đôi Dufay, một đường bay từ sáu giờ lên mười hai giờ, rìa như một lưỡi dao cạo dốc và sắc. Mare Moscoviense ở đằng xa mép trái, một phiên bản thu nhỏ của Đại dương Bão tố, nơi bốn thập niên rưỡi trước Alan Bean thật đã dành hai ngày ở đây, leo núi, nhặt đá, chụp ảnh. Người đàn ông may mắn.

Não chúng tôi chỉ thu nhận được đến thế, nên iPhone làm công việc ghi hình, và tôi cũng thôi gọi tên các điểm nhìn, dù có nhận ra Campbell và D’Alembert, hai hố nối với nhau bằng Slipher nhỏ hơn, trong lúc chúng tôi hướng về nhà qua cực bắc của mặt trăng. Steve Wong đã thu âm một bản nhạc để đón mặt đất mọc nhưng phải khởi động lại Bluetooth trên Jambox của Anna và suýt nữa hỏng việc. MDash hét, “Bấm Play, bấm Play!” trong lúc một mảng xanh trắng của sự sống—một lát cắt của tất cả những gì mà chúng ta đã biến thành của mình, tất cả những gì mà chúng ta từng có mặt—xuyên qua vũ trụ đen lên chân trời hình răng cưa. Tôi đã mong thứ gì đó cổ điển, Franz Joseph Haydn hay George Harrison, nhưng bài “The Circle of Life,” trong Vua Sư tử, đã phối nhạc cho màn hành tinh quê nhà của chúng ta mọc lên trên mặt trăng màu thạch cao. Thật sao? Một giai điệu Disney? Nhưng, bạn biết đấy, nhịp điệu ấy, dàn đồng ca ấy, và ý nghĩa nước đôi của lời bài hát ấy đã tóm ngay cổ họng tôi, và tôi ngạt thở. Nước mắt giàn giụa trên mặt tôi và hòa cùng nước mắt của những người khác, trôi nổi trong Alan Bean. Anna ôm tôi giống như tôi vẫn là bạn trai nàng. Chúng tôi khóc. Tất cả đều khóc. Phải bạn cũng thế thôi.

***

Trôi về nhà là một giai đoạn phản cao trào quá đáng, bất chấp khả năng (không bao giờ được nói ra) là chúng tôi cháy rụi khi trở lại bầu khí quyển như một vệ tinh do thám lỗi thời đâu năm 1962. Dĩ nhiên, chúng tôi đều tơn hớn, như người Anh nói, là đã thực hiện hành trình và lấp đầy bộ nhớ iPhone bằng iPhoto. Nhưng nảy sinh câu hỏi là chúng tôi sẽ làm gì sau khi trở về, trừ việc đăng mấy bức khoe mẽ lên Instagram. Nếu gặp được Alan Bean lần nữa, tôi sẽ hỏi ông cuộc sống của ông như thế nào kể từ khi ông hai lần vượt qua cái vùng trọng lực đều ấy. Ông có phải chịu nỗi u sầu vào một buổi chiều lặng, trong lúc thế giới vẫn tự động quay? Thỉnh thoảng tôi có buồn, vì chẳng có gì mang một điều tuyệt diệu như xẻ đôi hố Dufay? Chưa biết được, tôi nghĩ.

“Uây! Kamchatka!” Anna hét lên khi tấm chắn nhiệt của chúng tôi đã tiêu tan thành hàng triệu ngôi sao chổi cỡ hạt. Chúng tôi đang bay vòng xuống trên Vòng Bắc Cực, trọng lực một lần nữa ra lệnh cho chúng tôi những người đã bay lên phải đi xuống. Khi bộ dù bung ra, Alan Bean làm chúng tôi xóc tận xương, làm cái Jambox tuột khỏi băng và đập vào trán MDash. Lúc chúng tôi rơi tùm xuống Oahu, một vệt máu đang chảy xuống từ vết rạn xấu xí giữa đôi lông mày của gã. Anna ném cho gã cái khăn vuông của nàng, vì đoán xem cái gì mà không ai nghĩ là phải mang lên mặt trăng? Cho bất cứ ai đang đọc cái này mà định bắt chước chúng tôi: Band-Aids.

Ở trạng thái Ổn định Một—tức là dập dềnh trên đại dương, thay vì phân rã thành plasma—MDash đốt những quả pháo “Cứu chúng tôi!” mà gã đã cắm dưới Hệ thống Tháo Dù. Tôi mở van cân bằng áp suất hơi sớm, và—ối—những chất khí độc hại từ quá trình đốt cháy thừa nhiên liệu bị hút vào trong khoang, làm chúng tôi buồn nôn hơn nữa, giống như là say sóng.

Khi áp suất trong cabin đã bằng với mức p.s.i. bên ngoài, Steve Wong vặn được nắp chính, và làn gió Thái Bình Dương thổi vào, nhẹ nhàng như một nụ hôn từ Đất Mẹ, nhưng, vì cái ấy hóa ra là một lỗi thiết kế trầm trọng, cũng Thái Bình Dương ấy bắt đầu tràn vào cùng chúng tôi trong con tàu nho nhỏ đã dùng xong của mình. Anna, rất nhanh trí, giơ mấy sản phẩm Apple của chúng tôi lên, nhưng Steve Wong thì đánh mất cái Samsung của gã (dòng Galaxy! Ha!), nó biến mất vào khoang thiết bị bên dưới trong lúc nước biển dâng lên bảo chúng tôi phải thoát.

Con thuyền đi ngày từ Kahala Hilton, chở đầy những tay lặn ống thở hiếu kỳ, kéo chúng tôi lên khỏi mặt nước, những người nói tiếng Anh trên boong bảo chúng tôi hôi như cú, còn những người nước ngoài thì cho chúng tôi một chỗ ngồi rộng rãi.

Sau khi tắm và thay quần áo xong, khi tôi đang múc xa lát trái cây trong một chiếc xuồng độc mộc trang trí tại bàn búp phê của khách sạn thì một quý cô hỏi có phải tôi đã ở trong cái thứ rơi từ trên trời kia xuống hay không. Đúng thế, tôi bảo cô ta, tôi đã đi cả chặng đường đến mặt trăng và trở về an toàn với những ràng buộc tù túng của trần gian. Giống như Alan Bean.

“Ai cơ?” cô ta nói.

Copyright © 2014 by Tom Hanks | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on August 9, 2017 by in Thơ and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: