Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Những chuyện bịa” – Isaac Bashevis Singer

inventions.jpg

Illustration by Edward Kinsella/ Photograph by Jens Mortensen for The New Yorker

Isaac Bashevis Singer sinh năm 1904 ở một ngôi làng gần Warsaw, Ba Lan, và lớn lên trong khu Do Thái nói tiếng Yiddish của thành phố. Dù ban đầu cân nhắc trở thành thầy đạo như cha mình, Singer đã từ bỏ nghiên cứu tôn giáo trong những năm tuổi hai mươi để theo đuổi sự nghiệp văn chương. Năm 1935, khi mối đe dọa của Đức Quốc xã ngày càng đáng ngại, Singer chuyển đến Mỹ. Tuy xuất bản nhiều tiểu thuyết, sách thiếu nhi, hồi ký, và tiểu luận, ông nổi tiếng nhất với tư cách nhà văn viết truyện ngắn. Ông được trao giải Sách Quốc gia Mỹ cho tác phẩm hư cấu năm 1974 và giải Nobel văn chương năm 1978, và qua đời ở Florida năm 1991.

Những chuyện bịa

Từ khi đến đất nước này, cứ mười giờ tối là tôi lại thấy buồn ngủ. Tôi đi nghỉ cùng lúc với lũ vẹt đuôi dài và đàn gà trong chuồng. Trên giường, tôi nghiền ngẫm cuốn “Phantasms of the Living,” nhưng chẳng mấy chốc mà phải tắt đèn. Một giấc ngủ không mộng mị—hoặc có mà tôi không nhớ—bao lấy tôi đến hai giờ sáng. Lúc hai giờ, tôi tỉnh hoàn toàn, đầu tôi ù những kế hoạch và khả năng. Đêm hôm mùa đông mà tôi sẽ kể dưới đây, tôi chợt nghĩ đến việc viết về một tay cộng sản—thật ra là một tay lý luận cộng sản—đến tham dự một hội nghị cánh tả về hòa bình thế giới và gặp ma. Tôi thấy cảnh tượng rất rõ ràng: hội trường, chân dung Marx và Engels, bàn phủ vải xanh lá, tay cộng sản, Morris Krakower, một gã đàn ông lùn, mập, có quả đầu cắt cua và đôi mắt cứng rắn đằng sau cặp kính kẹp mũi dày. Hội nghị diễn ra ở Warsaw trong những năm ba mươi, kỷ nguyên của cuộc đại thanh trừng của Stalin và những vụ xét xử ở Moskva. Morris Krakower che đậy sự ủng hộ Stalin của mình bằng những từ ngữ lý thuyết Marxist, nhưng ai cũng hiểu ý hắn. Trong bài phát biểu, hắn tuyên bố chỉ có nền chuyên chính vô sản mới có thể đảm bảo hòa bình, và, do đó, không sự lệch lạc nào dù là sang cánh hữu hay là sang cánh tả có thể được dung thứ. Hòa bình thế giới nằm trong tay Bộ Dân ủy Nội vụ.

Sau phiên báo cáo, các đại biểu tụ lại uống một tách trà thân mật. Một lần nữa, đồng chí Krakower lại đẩy vấn đề lên. Chính thức mà nói thì hắn là đại biểu, nhưng thực tế hắn là đại diện của Quốc tế Cộng sản. Râu cằm hắn gợi nhớ đến Lenin; giọng hắn có một tiếng vang kim loại cứng. Hắn hoàn toàn tin vào chủ nghĩa Marx và biết vài thứ tiếng; hắn từng giảng ở Sorbonne. Một năm hai lần, hắn đến Moskva. Và, như thể thế còn chưa đủ, hắn còn là con trai của một người đàn ông giàu có: cha hắn sở hữu những giếng dầu gần Drohobycz. Hắn không cần phải làm một công chức Đảng được trả lương.

Morris Krakower rất giỏi âm mưu, nhưng mưu mô ở đây thì không cần đến. Báo chí được cho vào dự các phiên báo cáo; cảnh sát đã cài tay trong, nhưng Morris không cần lo bị bắt. Mà nếu có bị bắt thì đấy cũng không phải là bi kịch gì lớn. Trong tù, hắn có thể dành thời gian để đọc. Hắn sẽ tuồn bản thảo ra ngoài để khơi dậy quần chúng. Vài tuần trong tù chỉ có thể nâng cao uy tín của một công chức Đảng mà thôi.

Ngoài trời băng giá. Chiều đến thì tuyết rơi. Tiệc trà kết thúc, Morris Krakower hướng về khách sạn. Đường phố mịn màng, xe điện vắng nửa lướt trên những cánh đồng trắng xóa. Các chủ cửa hàng đều đã hạ rèm cửa và say ngủ. Trên những mái nhà, vô số vì sao đang lấp lánh. Nếu có tồn tại trên các hành tinh khác, Krakower nghĩ, thì có lẽ cuộc sống của những sinh vật có trí tuệ cũng sẽ được điều chỉnh bởi những kế hoạch năm năm. Hắn mỉm cười với ý nghĩ ấy. Đôi môi dày của hắn tách ra, làm lộ ra những cái răng lớn và vuông vức.

Một người đàn bà điên ngồi trên lề đường. Bên cạnh là một cái giỏ chất đầy báo cũ và giẻ vụn. Thu mình và đầu tóc bù xù, mắt sáng quắc, bà trò chuyện với con quỷ trong mình. Gần đó, một con mèo đực rít lên. Một người gác đêm mặc áo khoác và đội mũ trùm đầu lông đang kiểm tra ổ khóa của các chủ cửa hàng. Morris Krakower vào khách sạn, lấy chìa khóa chỗ lễ tân, rồi vào thang máy lên tầng bốn. Cái hành lang dài làm hắn nhớ đến một nhà tù. Hắn mở cửa phòng và bước vào. Phục vụ đã thay ga. Tất cả những gì hắn cần làm là cởi đồ. Ngày mai, hội nghị bắt đầu muộn, nên Morris sẽ có thể ngủ bù.

Hắn mặc bộ đồ ngủ mới. Một nhà lãnh đạo chân trần mặc đồ ngủ không vừa trông mới gớm làm sao! Hắn nằm xuống và tắt đèn bàn cạnh giường. Phòng tối và lạnh, và hắn thiếp đi.

Bỗng nhiên, hắn cảm thấy tấm chăn bị kéo dưới chân. Hắn tỉnh dậy. Cái gì được nhỉ? Trong phòng có mèo à? Hay chó? Hắn dụi mắt cho tỉnh và bật đèn. Không, chẳng có ai cả. Chắc là hắn tưởng tượng ra thôi. Hắn tắt đèn và ngủ tiếp, nhưng lại có người kéo chăn. Hắn phải kéo chăn lại không thì người hở ra hết. “Chuyện gì thế này?” hắn tự hỏi. Hắn bật đèn lần nữa. Rõ ràng, hắn đang căng thẳng. Hắn ngạc nhiên, bởi vì hắn sức khỏe tốt và vẫn nghỉ ngơi đầy đủ gần đây. Mọi thứ ở hội nghị đều diễn ra suôn sẻ.

Hắn bỏ chăn ra và xem xét ga giường. Hắn ra khỏi giường và đi kiểm tra để đảm bảo cửa đã khóa. Hắn nhìn vào tủ quần áo. Chẳng có gì. “Ôi giời, chắc là mơ thôi,” hắn kết luận, dẫu biết đấy không phải là mơ. “Ảo giác?” Morris Krakower phát bực với chính mình. Hắn tắt đèn và ngủ tiếp. “Ngớ ngẩn thế này đủ rồi!”

Nhưng nhất định có người lại đang kéo chăn. Morris bật dậy mạnh đến mức nghe rõ tiếng lò xo đệm. Có người, người nào đó vô hình, đang kéo chăn, kéo với sức lực của bàn tay con người. Morris không nhúc nhích một sợi cơ. Mình điên rồi sao? hắn nghĩ. Suy nhược thần kinh chăng?

Hắn thả cái chăn ra, và sự hiện diện vô hình, cái quyền lực mà sự tồn tại của nó là bất khả, lập tức kéo nó xuống cuối giường. Morris hở người đến gối. “Ma quỷ gì đây?” hắn nói to. Hắn không muốn thừa nhận, nhưng hắn sợ. Hắn có thể nghe thấy tiếng tim mình thình thịch. Chắc chắn phải có lời giải thích nào đó. Đấy không thể là một con ma được.

Nỗi kinh hãi ập lấy hắn đúng lúc cái từ ấy hiện ra trong tâm trí. Có lẽ đây là kiểu phá hoại nào thôi. Nhưng ai làm? Mà làm thế nào? Cái chăn đã tuột hoàn toàn khỏi giường. Morris muốn bật đèn, nhưng không tìm được công tắc. Chân hắn lạnh, nhưng đầu thì nóng. Tình cờ hắn quờ cái đèn đổ khỏi bàn ngủ. Hắn nhảy khỏi giường và cố gắng bật đèn trần, nhưng lại vấp phải ghế. Hắn với được công tắc và bật đèn. Chăn nằm trên sàn. Cái chụp đèn da bị đổ. Một lần nữa, Morris nhìn vào tủ, đến cửa sổ và kéo rèm lên. Phố vắng, trắng xóa. Hắn tìm cửa dẫn sang phòng khác nhưng không có. Hắn cúi xuống và dò dẫm dưới gầm giường, mở cửa dẫn ra hành lang. Chẳng có ai cả. “Có nên gọi cho nhân viên gác không? Mà bảo sao được nhỉ? Không, không tự làm mất mặt thế được!” hắn quyết định. Hắn đóng cửa, khóa lại, rồi buông rèm. Hắn nhặt chăn lên giường và lắp lại cái chụp đèn. “Điên rồ,” hắn lẩm bẩm.

Morris Krakower vã mồ hôi như tắm, dù căn phòng thì lạnh. Bàn tay hắn ướt rìn rịt. “Chắc chắn là suy nhược thần kinh kiểu gì thôi,” hắn nói, cố trấn an mình. Hắn định để đèn một lúc, nhưng xấu hổ vì sự hèn nhát của mình. “Không được để bản thân trở thành nạn nhân của những thứ mê tín dị đoan như vậy!” Hắn tắt đèn và loạng choạng bước về giường. Hắn không còn là cái gã Morris Krakower đầy tự tin như trước, người phát ngôn của Quốc tế Cộng sản. Hắn là một gã đàn ông sợ hãi. Cái đấy có lại bắt đầu kéo chăn nữa không?

Morris nằm bất động một lúc. Cái chăn không nhúc nhích. Ngoài cửa sổ, hắn nghe tiếng xe điện leng keng đứt đoạn. Hắn vẫn ở trung tâm của một thành phố văn minh chứ không phải ở sa mạc hay Bắc Cực. “Mình tưởng tượng ra thôi!” hắn kết luận. “Phải ngủ mới được!” Lập tức hắn cảm thấy một cú kéo. Không, không phải chỉ một cú kéo mà là một cái giật mạnh. Trong một giây, nó đã kéo cái chăn xuống đến hông. Morries với xuống, nắm cái chăn, và nhanh chóng cố gắng lôi nó lại. Nhưng hắn phải cố hết sức, bởi vị khách đêm của hắn đang kéo rất mạnh theo chiều ngược lại. Vị khách mạnh hơn, và Morris phải đầu hàng. Hắn khò khè, làu nhàu, chửi rủa mình. Cuộc đấu tranh ngắn ngủi làm Morris đẫm mồ hôi. “Tai ương nào đổ đầu tôi thế này!” hắn nói, lặp lại câu mẹ hắn vẫn dùng. Cái chuyện hoàn toàn điên rồ như thế lại xảy đến với gã, gã chứ không phải ai khác! Nó có thể là gì được? “Chúa trên Thiên đường, có thể có ma quỷ thật sao? Nếu vậy thì mọi thứ đều tan rã.”

*

Tôi ngủ thiếp đi và mơ thấy một trong những giấc mơ cứ xuất hiện hết lần này đến lần khác trong nhiều năm. Tôi ở một hầm rượu không có cửa sổ. Tôi không sống ở đó hay lấy đó làm nơi ẩn náu. Hầm rượu sâu và tối, sàn đất có vết đi lại và gồ ghề. Tôi sợ, nhưng biết mình phải ở lại đó một thời gian. Tôi mở một cánh cửa và thấy mình ở một căn phòng nhỏ và tối khác có một cái giường rơm nhưng không có ga. Tôi ngồi xuống giường và cố gắng tự nhủ mình cho đỡ sợ, nhưng nỗi sợ ấy chỉ lớn lên mà thôi. Tôi nghe thấy tiếng động. Những sinh vật tối, mềm như mạng nhện, rón rén vào hành lang, thì thầm. Tôi phải thoát ra, nhưng đường lui đã bị chặn. Tôi đi về phía lối thoát thứ hai, nhưng nó có ở đó không? Hành lang hẹp lại, xoắn vào, đi xuống. Tôi không còn đi nữa mà bò, như sâu, về một ô mở, nhưng có đến được đấy không? Từ đã! Tôi bỏ lại gì ở căn phòng kia rồi—một tài liệu, một bản thảo—và tôi phải quay lại lấy. Đấy không phải phiền toái duy nhất. Nó thật khác lạ, nhưng những cái gì như gạc nai đã nhú lên trên cánh tay tôi. Mấy giây cuối cùng của giấc mơ dày đặc những khó khăn quanh co phức tạp, quá kỳ quái và quá nhiều để nhớ. Mọi thứ nhanh chóng trở nên phi lý, và ngay cả trong mơ tôi cũng biết mình phải thoát khỏi cơn ác mộng này, bởi vì cái quyền lực dẫn dắt những giấc mơ của tôi chưa bao giờ muốn mạo hiểm lộ mình. Nó đang châm chọc chính những công cụ của nó. Nó ném vào những từ ngữ kỳ dị, rời rạc, biến cơn ảo giác thành một bức biếm họa.

Tôi mở mắt ra và nhận ra mình phải vào nhà tắm. Thật là một cách khó hiểu để nói cho người ta biết là anh ta phải đi tiểu! Sau đó, tôi về lại giường và nằm im lặng, ngạc nhiên trước sự tinh nghịch của bộ não đang ngủ. Liệu có lời giải thích nào cho toàn bộ chuyện này không? Có đạo luật nào quản lý những cơn ác mộng chăng? Có một điều chắc chắn: giấc mơ này trở lại như một nét chủ đạo trong một bản giao hưởng của sự điên rồ.

Một lúc sau, tôi nhớ ra nhân vật chính của mình, Morris Krakower. Chuyện gì xảy ra với hắn? Ồ, phải rồi, đối thủ im lặng của hắn đang kéo mạnh hơn, và Morris phải buông tay. Hắn quá chú tâm vào cuộc giằng co đến mức nỗi sợ của hắn tạm thời bị quên lãng. Đột nhiên, kẻ kia thôi kéo chăn, và Morris Krakower nhận thức được một hình hài. Hắn nhận ra toàn bộ chuyện kéo chăn này chỉ là một cách kéo sự chú ý của hắn đến cái hiện thân này.

Cách hắn không xa, ở cuối giường, là đồng chí Damschak đang đứng, người cách đây vài năm đã đến nước Nga Xô viết, công khai vài cuộc tấn công đầy giận dữ ở đó, trong đó hắn cáo buộc nhiều nhà văn là theo chủ nghĩa Trotsky, rồi sau đó biến mất. Khuôn mặt là của Damschak, nhưng cơ thể thì như bị cắt xẻo, như những xác chết dùng trong trường y để dạy giải phẫu. Cơ và các mạch máu phơi trần. Chúng phát sáng bằng ánh sáng huỳnh quang của riêng mình. Morris Krakower choáng váng đến mức một lần nữa hắn quên đi nỗi sợ. Cái hiện thân kia từ từ biến mất trước ánh mắt ngạc nhiên của hắn. Trong mấy phút chỉ còn lại một màng da hay một mạng gân lờ mờ như một mạng lưới, không còn ở đó nhưng cũng chưa hoàn toàn biến mất. Chẳng bao lâu cả cái mạng gân này cũng tan biến.

Morris Krakower nằm bất động mấy phút, hoặc có lẽ mấy giây (ai mà đo được thời gian trong những hoàn cảnh như vậy?). Rồi hắn với ra bật đèn. Bây giờ hắn đã vượt qua nỗi sợ. Hắn nhặt chăn lên, gần như đã rơi khỏi giường. Hắn biết chắc trong tim là giờ hắn sẽ bị bỏ lại một mình. Đây là cách đồng chí Damschak buộc hắn phải nhìn vào bóng ma của mình.

Nhưng bằng cách nào? Và tại sao? Làm sao hiểu được chuyện này? Nó đi ngược lại lý giải khoa học. Như thức ăn mắc vào cổ họng, không nuốt được mà cũng không khạc ra được, nó cố định vào tâm trí Morris một câu hỏi không trả lời được mà cũng không bỏ qua được. Não hắn rơi vào câm lặng. Lần đầu tiên trong trí nhớ của hắn, hắn hoàn toàn không còn suy nghĩ, như thể tâm trí hắn đang bị treo lơ lửng trong chân không. Hắn lạnh, nhưng không đắp lại chăn. Hắn có một ước mong—rằng mọi chuyện chỉ là mơ. Nhưng có gì đó mách bảo hắn rằng hắn biết sự khác biệt giữa mơ và thực. Hắn nhìn đồng hồ trên bàn ngủ—ba giờ mười lăm. Hắn áp đồng hồ vào tai và nghe cái cơ chế bên trong nó làm việc. Bên ngoài, một chuyến xe điện chạy qua, và hắn nghe được tiếng lạo xạo của bánh xe. Thực tế vẫn tồn tại.

Một lúc lâu, Morris ngồi trên giường mà không có một suy nghĩ nào, không một lý thuyết nào—một tay Leninist vừa gặp ma. Rồi hắn nằm duỗi ra, đắp chăn, và đặt đầu lên gối. Hắn không dám tắt đèn, nhưng vẫn nhắm mắt lại.

“Phải làm gì bây giờ?” hắn tự hỏi, và không tìm được câu trả lời nào. Hắn ngủ, và khi tỉnh dậy hắn biết câu trả lời: tất cả là một giấc mơ. Nếu không phải thế thì hắn, Morris Krakower, sẽ phải từ bỏ mọi thứ: chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa duy vật, Đảng, mọi niềm tin và cam kết của hắn. Thế thì rồi hắn sẽ làm gì? Theo đạo? Cầu nguyện trong giáo đường Do Thái? Có những thực tế mà người ta phải chối bỏ, ngay cả với bản thân mình. Có những bí mật mà người ta phải mang xuống mộ.

Có một điều rõ ràng: Damschak thực sự không ở đây, bởi vì xác hắn đang ở Nga. Cái Morris thấy chỉ là một hình ảnh trong tâm trí, mà não hắn vì lý do nào đó đã dựng nên. Có lẽ đấy là vì Morris và Damschak từng là bạn thân, và hắn vẫn chưa nguôi với thực tế là Damschak đã biến thành kẻ phản bội ở Nga. Người ta có thể mơ trong lúc tỉnh.

Morris Krakower ngủ tiếp. Buổi sáng, khi hắn kéo rèm lên, mặt trời tắm căn phòng trong nắng. Ngày mùa đông mà rạng rỡ như mùa hè. Morris xem xét cái chăn. Hắn thấy những dấu vết mà những ngón tay hắn để lại trên mặt vải. Những sợi vải trông như bị kéo giãn ở nhiều chỗ. Điều này chứng tỏ được gì? Chắc chắn, hắn đã thực sự kéo chăn. Nhưng đầu bên kia của cái chăn thì không có dấu hiệu giằng co nào. Con ma đã không để lại dấu vết.

Bài phát biểu ngắn của đồng chí Krakower tối hôm ấy thiếu đi sự logic, chắc chắn, và trôi chảy của bài phát biểu hôm trước. Hắn lắp bắp đôi khi; hắn nói nhầm. Hắn cứ bỏ cặp kính ra khỏi mũi rồi lại đặt lại. Nội dung cơ bản của bài phát biểu là hiện tại chỉ có một đảng cách mạng: Đảng Cộng sản. Cơ quan chính của Đảng là Uỷ ban Trung ương, ban bí thư. Nghi ngờ Đảng là nghi ngờ Marx, Lenin, Stalin, thành tựu tối hậu của giai cấp vô sản—nói cách khác, đến với doanh trại của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phát xít, của tôn giáo, của mê tín.

Isaac Bashevis Singer, “Inventions,” The New Yorker (January 26, 2015 Issue).

Copyright © 1965 by Isaac Bashevis Singer | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on September 9, 2017 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: