Photo from the Jewish Chronicle Archive/Heritage-Images
Isaac Bashevis Singer sinh năm 1904 ở một ngôi làng gần Warsaw, Ba Lan, và lớn lên trong khu Do Thái nói tiếng Yiddish của thành phố. Dù ban đầu cân nhắc trở thành thầy đạo như cha mình, Singer đã từ bỏ nghiên cứu tôn giáo trong những năm tuổi hai mươi để theo đuổi sự nghiệp văn chương. Năm 1935, khi mối đe dọa của Đức Quốc xã ngày càng đáng ngại, Singer chuyển đến Mỹ. Tuy xuất bản nhiều tiểu thuyết, sách thiếu nhi, hồi ký, và tiểu luận, ông nổi tiếng nhất với tư cách nhà văn viết truyện ngắn. Ông được trao giải Sách Quốc gia Mỹ cho tác phẩm hư cấu năm 1974 và giải Nobel văn chương năm 1978, và qua đời ở Florida năm 1991.
Truyện ngắn “The Cabalist of East Broadway,” được đăng lần đầu trên tạp chí The New Yorker (March 6, 1971 Issue), và in trong tập A Crown of Feathers and Other Stories (Farrar, Straus and Giroux, 1973), tập truyện đoạt giải Sách Quốc gia Mỹ cho tác phẩm hư cấu năm 1974.
Như vẫn thường xảy ra ở New York, khu phố đã thay đổi. Các hội đường Do Thái trở thành nhà thờ, các yeshiva thành nhà hàng hay ga ra. Đây đó người ta vẫn có thể thấy một căn nhà của những người Do Thái già, một cửa hàng bán sách tiếng Hebrew, một nơi gặp gỡ cho những người Do Thái đồng hương ở một ngôi làng nào đó ở Rumania hay Hungary. Tôi phải xuống phố vài lần mỗi tuần, vì tờ báo tiếng Yiddish mà tôi góp bài vẫn còn ở đó. Trong quán ăn ở góc phố, ngày trước người ta còn gặp được các nhà văn, nhà báo, giáo viên tiếng Yiddish, những người gây quỹ cho Israel, và tương tự. Bánh blintze, xúp borscht, bánh kreplech, gan bằm, chè gạo, và bánh quy trứng vẫn là những món tiêu chuẩn. Bây giờ nơi này phục vụ chủ yếu cho người da đen và người Puerto Rico. Giọng nói khác, mùi vị khác. Nhưng tôi vẫn thường đến đó ăn trưa cho gọn hoặc làm một tách cà phê. Mỗi lần bước vào quán, tôi đều thấy ngay một người đàn ông mà tôi sẽ gọi là Joel Yabloner, một nhà văn già viết bằng tiếng Yiddish chuyên về Cabala. Ông đã xuất bản sách về Thánh Isaac Luria, Thầy đạo Moshe của Córdoba, Baal Shem, Thầy đạo Nachman của Bratslav. Yabloner đã dịch một phần sách Zohar sang tiếng Yiddish. Ông cũng viết bằng tiếng Hebrew. Theo tính toán của tôi, chắc hẳn ông đã phải đầu bảy mươi.
Joel Yabloner, cao, gầy, mặt vàng tái và nhăn nheo, có một cái hộp sọ sáng bóng không một sợi tóc, một cái mũi nhọn, đôi má hóp, cổ họng có một cục yết hầu nổi bật. Mắt ông lồi và có màu hổ phách. Ông mặc một bộ vét tồi tàn và một cái sơ mi không cài cúc để lộ đám lông trắng trên ngực. Yabloner chưa kết hôn bao giờ. Hồi trẻ ông mắc bệnh lao, các bác sĩ đã đưa ông đến một nhà dưỡng bệnh ở Colorado. Có người bảo tôi là ở đó ông bị bắt ăn thịt lợn, thế nên ông mới đâm ra u sầu. Tôi hiếm khi thấy ông nói một lời. Khi tôi chào ông, ông chỉ gật và thường nhìn tránh đi. Ông sống nhờ mấy đô la một tuần mà Hội Nhà văn Yiddish có thể cấp cho ông. Căn hộ của ông ở trên phố Broome không có bồn tắm, điện thoại, hệ thống sưởi trung tâm. Ông không ăn thịt cá, cả trứng sữa cũng không—chỉ bánh mì và rau quả. Trong quán ông luôn gọi một tách cà phê đen và một đĩa mận khô. Ông thường ngồi hàng giờ chằm chằm nhìn cái cửa xoay, bàn thu ngân, hoặc bức tường mà mấy năm trước một nghệ sĩ thương mại đã vẽ cảnh chợ trên phố Orchard, với những chiếc xe đẩy và những người bán rong. Bức vẽ giờ đang bong ra.
Ông chủ tịch Hội Nhà văn bảo tôi là dù bạn bè và người mến mộ Joel Yabloner ở New York đều đã chết cả, ông vẫn còn bạn bè và môn đệ ở vùng đất Israel. Họ vẫn thường mời ông đến đó sống. Họ sẽ xuất bản các tác phẩm của ông, họ hứa (ông có những cái rương chất đầy bản thảo), tìm một căn hộ, và đảm bảo ông sẽ được chăm sóc bằng mọi cách. Yabloner có một đứa cháu ở Jerusalem làm giáo sư đại học. Ở đó vẫn còn một số nhà lãnh đạo chủ nghĩa phục quốc xem Joel Yabloner là người cha tinh thần của họ. Thế sao ông ấy vẫn ngồi đây trên phố Đông Broadway này, một người đàn ông lặng lẽ và bị quên lãng? Hội Nhà văn có thể gửi trợ cấp đến Israel cho ông, ông cũng có thể nhận được tiền An sinh Xã hội mà chưa bao giờ buồn lấy. Ở New York đây ông bị trộm đã mấy lần. Một tên cướp còn đấm rụng nốt ba cái răng của ông. Eiserman, tay nha sĩ dịch sonnet của Shakespeare sang tiếng Yiddish ấy, bảo tôi là hắn đã đề nghị làm cho Yabloner một hàm răng giả, mà Yabloner lại bảo, “Từ răng giả đến não giả cách có một bước chân.”
“Một người vĩ đại, nhưng kỳ quặc,” Eiserman nói trong lúc khoan và hàn răng cho tôi. “Cũng có thể ông ấy muốn chuộc tội cách đấy. Nghe nói hồi trẻ ông ấy cũng có vài chuyện tình.”
“Yabloner—chuyện tình?”
“Phải, chuyện tình. Chính tôi cũng biết một bà giáo tiếng Hebrew, Deborah Soltis, yêu ông ấy đến dại. Bà ấy là bệnh nhân của tôi. Mà bà ấy mất cách đây chục năm rồi.”
Liên quan đến chuyện này, Eiserman kể cho tôi một giai đoạn đầy tò mò. Joel Yabloner và Deborah Soltis gặp nhau suốt hai mươi năm, chìm trong các cuộc trò chuyện dài, thường bàn luận về nền văn chương tiếng Hebrew, những điểm tinh tế trong ngữ pháp, Maimonides, và Thầy đạo Judah ha-Levi, nhưng cặp đôi này chưa bao giờ đi xa đến mức hôn nhau. Lần họ gần nhau nhất là khi cùng tra nghĩa của một từ hay một thành ngữ trong cuốn từ điển vĩ đại của Ben-Yehuda và cộc đầu vào nhau. Yabloner bỗng vui vẻ và nói, “Deborah, mình đổi kính đi.”
“Để làm gì?” Deborah Soltis hỏi.
“Ồ, cứ làm thế đi. Chỉ một lúc thôi.”
Cặp tình nhân đổi kính, nhưng đeo kính bà ông không đọc được và đeo kính ông bà cũng thế. Thế là họ đổi lại kính trên mũi nhau—và đấy là lần động chạm gần gũi nhất hai người từng có.
*
Cuối cùng, tôi cũng thôi xuống phố Đông Broadway. Tôi gửi bài cho báo qua đường bưu điện. Tôi đã quên Joel Yabloner. Thậm chí tôi còn chẳng biết là ông ấy còn sống. Rồi một hôm lúc bước vào sảnh một khách sạn ở Tel Aviv tôi nghe thấy tiếng vỗ tay ở hội trường kế bên. Cửa hội trường mở hé và tôi nhìn vào. Ở đó là Joel Yabloner sau bục, đang giảng bài. Ông mặc vét alpaca, sơ mi trắng, mũ trùm đầu lụa, gương mặt tươi trẻ, hồng hào. Ông có một hàm răng mới và nuôi một chòm râu dê trắng. Tôi cũng không bận lắm, nên tôi tìm một cái ghế trống và ngồi xuống.
Yabloner không nói tiếng Hebrew hiện đại mà nói thứ tiếng linh thiêng xưa với phát âm Ashkenazi. Khi ông đưa tay, tôi để ý thấy những chiếc khuy măng sét lấp lánh ở cổ tay áo sơ mi. Tôi nghe ông nói trong giọng ngâm Talmud, “Bởi vì Đấng Độc tôn lấp đầy mọi không gian và, như sách Zohar nói, ‘Không một không gian nào là không có Người,’ vậy thì Người tạo ra vũ trụ như thế nào? Thầy đạo Chaim Vital đã đưa ra câu trả lời: ‘Trước sự sáng tạo, những thuộc tính của Đấng Toàn năng đều là tiềm năng, không phải thực tế. Làm sao mà người ta có thể làm vua nếu không có thần dân, làm sao có thể có lòng thương xót khi mà không có ai để nhận?’”
Yabloner vuốt râu, liếc xuống các ghi chép của ông. Thỉnh thoảng ông lại nhấp một ngụm trà. Tôi thấy có nhiều phụ nữ và cả các cô gái trẻ trong số người nghe. Vài sinh viên ghi chép. Lạ làm sao—có một bà nữ tu. Bà ấy chắc phải hiểu tiếng Hebrew. “Nhà nước Do Thái đã hồi sinh Joel Yabloner,” tôi tự nhủ. Người ta hiếm khi có cơ hội tận hưởng vận may của người khác, và với tôi chiến thắng của Yabloner là biểu tượng của người Do Thái vĩnh cửu. Ông đã trải qua hàng thập niên như một người đàn ông cô đơn, bị ruồng bỏ. Giờ có vẻ ông đã tìm lại được mình. Tôi lắng nghe phần còn lại của bài giảng, sau đó là thời gian hỏi đáp. Không tin được, nhưng người đàn ông buồn bã ấy lại có khiếu hài hước. Tôi biết được là bài giảng này được tổ chức bởi một ủy ban đã tiến hành xuất bản tác phẩm của Yabloner. Một thành viên ủy ban quen tôi, và hỏi tôi có muốn tham dự bữa tiệc vinh danh Yabloner không. “Vì anh ăn chay,” anh ta nói, “nên đây là cơ hội cho anh đấy. Họ chỉ phục vụ rau quả và hạt các loại. Mấy khi họ có tiệc chay? Cả đời có một.”
Giữa bài giảng và buổi tiệc, Joel Yabloner ra ngoài hiên nghỉ. Trời rất nóng, và giờ chiều muộn có một cơn gió thổi vào từ biển. Tôi đến gần ông, nói, “Ông không nhớ tôi, nhưng tôi biết ông.”
“Tôi biết cậu rất rõ. Tôi đã đọc mọi thứ cậu viết,” ông trả lời. “Cả ở đây tôi cũng cố không bỏ lỡ truyện cậu viết.”
“Thật thế sao, được nghe ông nói thế thật là vinh dự lớn cho tôi.”
“Xin ngồi xuống đây,” ông nói, chỉ một chiếc ghế.
Chúa trên Thiên đường, người đàn ông lặng lẽ ấy đã bắt đầu ưa nói chuyện. Ông hỏi tôi đủ mọi chuyện về nước Mỹ, phố Đông Broadway, nền văn chương tiếng Yiddish. Một người đàn bà đến chỗ chúng tôi. Bà đội khăn turban trên mái tóc bạc, mặc áo choàng sa tanh, và đi đôi giày đàn ông có gót thấp và rộng. Bà có cái đầu lớn, đôi gò má cao, nước da của một người digan, đôi mắt đen rực lên vì giận. Có thể thấy đầu một chỏm râu trên cằm bà. Bằng chất giọng mạnh mẽ kiểu đàn ông bà bảo tôi, “Adoni [Thưa anh], ông nhà tôi vừa mới hoàn thành một bài giảng quan trọng. Ông còn phải phát biểu trong buổi tiệc, và tôi muốn ông nghỉ ngơi một lúc. Xin anh vui lòng để ông ấy được ở một mình. Ông ấy không còn trẻ và không nên cố quá.”
“Ồ, tôi xin lỗi.”
Yabloner cau mày. “Abigail, anh đây là nhà văn tiếng Yiddish và là bạn tôi.”
“Cậu ta có thể là nhà văn, là bạn, nhưng cổ họng ông đã quá sức rồi. Nếu ông còn tranh luận với cả cậu ta, sau giọng ông sẽ khàn đi đấy.”
“Abigail, chúng tôi đâu tranh luận gì.”
“Adoni, xin hãy nghe tôi. Ông ấy không biết cách chăm sóc bản thân mình.”
“Vậy chúng ta sẽ nói chuyện sau,” tôi nói. “Ông có một người vợ tận tụy.”
“Người ta cũng bảo tôi thế.”
Tôi tham gia bữa tiệc—ăn các loại hạt, hạnh nhân, bơ, pho mát, chuối được phục vụ. Yabloner phát biểu thêm một bài, lần này là về tác giả của cuốn sách cabali Khảo luận về đạo Hasidi. Vợ ông ngồi gần ông trên sân khấu. Mỗi lần giọng ông khàn đi bà lại đưa ông cái cốc đựng một chất lỏng màu trắng—một loại sữa chua nào đó. Sau bài phát biểu, trong quá trình mà Yabloner tỏ ra rất uyên bác, vị chủ tịch thông báo rằng một vị phó giáo sư ở Đại học Hebrew đang viết tiểu sử Yabloner và người ta đang gây quỹ để xuất bản nó. Tác giả được mời lên sân khấu. Cậu ta còn trẻ, có khuôn mặt tròn, mắt sáng, mũ trùm đầu thuộc dạng nhỏ nhất, lẫn vào mái tóc vuốt. Trong lời kết thúc, Yabloner cảm ơn những người bạn cũ, các sinh viên, tất cả những người đã đến tôn vinh ông. Ông ca ngợi vợ mình, Abigail, nói rằng nếu không có sự giúp đỡ của bà thì ông đã không bao giờ có thể sắp xếp bản thảo theo thứ tự. Ông cũng nhắc đến người chồng đầu của bà, người mà ông gọi là một thiên tài, một vị thánh, một trụ cột của minh triết. Từ một chiếc túi xách lớn trông giống va ly hơn là ví phụ nữ, bà Yabloner lấy ra một chiếc khăn tay màu đỏ giống như khăn mà những vị thầy đạo thời xưa vẫn dùng và xì mũi với một tiếng kêu dội khắp hội trường. “Hãy để ông nói giúp chúng ta trước Ngai vàng Vinh quang!” bà hô.
Sau bữa tiệc tôi đến chỗ Yabloner và nói, “Nhìn ông ngồi một mình trong quán ăn tôi vẫn thường muốn hỏi vì sao ông không tới Israel. Lý do gì khiến ông chờ lâu đến thế?”
Ông ngập ngừng, nhắm mắt như thể câu hỏi này đòi hỏi phải suy ngẫm, rồi cuối cùng ông nhún vai. “Con người ta đâu sống theo lý trí.”
*
Mấy năm nữa đã lại trôi qua. Tay thợ sắp chữ ở tờ báo mà tôi gửi bài đánh mất một trang trong bài tôi mới viết, và bởi hôm sau bài này đã phải in—thứ Bảy—nên không còn thời gian để gửi qua đường bưu điện. Tôi phải bắt taxi đem nó đến phòng thiết kế. Tôi đưa trang bị mất cho quản đốc và xuống phòng biên tập để gặp gỡ tổng biên tập và mấy đồng nghiệp cũ. Ngày đông ngắn ngủi, và khi trở về trên phố tôi cảm thấy cái nhịp hối hả bận rộn từ lâu đã bị lãng quên của ngày Sabbath sắp tới. Dù khu phố không còn người Do Thái là chính, một vài hội đường, yeshiva, và phòng nghiên cứu đạo Hasidi vẫn chưa chịu rời đi. Đây đó tôi lại thấy sau cửa sổ một người đàn bà đang thắp nến Sabbath. Những người đàn ông đội mũ nhung rộng vành hoặc mũ lông đang trên đường đi cầu nguyện, cùng những cậu con trai có những lọn tóc mai dài. Tôi nhớ lại lời cha tôi: “Đấng Tối cao sẽ luôn có giáo dân của Người.” Tôi nhớ lại những bài thánh ca lễ phụng vụ đêm Sabbath: “Để chúng con ngợi ca,” “Đến đây chú rể của em,” “Đền thờ Đức Vua.”
Không còn vội nữa, tôi quyết định vào làm một tách cà phê trong quán trước khi lên tàu điện ngầm về nhà. Tôi đẩy cửa xoay. Trong một tích tắc tôi đã hình dung nơi đây không có gì thay đổi, và tôi nghĩ mình có thể nghe được những giọng nói của những năm đầu đến Mỹ—quán đầy những trí thức Cựu Thế giới hò hét ý kiến của mình về chủ nghĩa phục quốc, chủ nghĩa xã hội Do Thái, đời sống và văn hóa ở Mỹ. Nhưng những gương mặt ở đây đều xa lạ. Tây Ban Nha là thứ tiếng tôi nghe thấy. Các bức tường đã bị sơn phủ, và cảnh phố Orchard với những chiếc xe đẩy và những người bán hàng rong đã biến mất. Bỗng nhiên tôi thấy một chuyện mà tôi không tin được. Ở cái bàn giữa phòng Joel Yabloner đang ngồi—không còn bộ râu, mặc cái áo vét tồi tàn và sơ mi không cài cúc. Ông tiều tụy, nhăn nhúm, và rối bù, và một lần nữa miệng ông lại có vẻ trũng xuống và trống rỗng. Đôi mắt lồi ra nhìn chằm chằm vào bức tường trống đối diện. Tôi có nhầm không? Không, đó là Yabloner, chắc chắn. Trong biểu hiện của ông là nỗi tuyệt vọng của một người đàn ông mắc kẹt trong một thế tiến thoái lưỡng nan mà không có lối thoát. Cầm tách cà phê trên tay, tôi dừng lại. Tôi có nên đến chào ông, có nên xin phép ngồi xuống bàn ông?
Có người đẩy tôi, tách cà phê sóng ra ngoài mất nửa. Cái thìa rơi xuống sàn với một tiếng keng. Yabloner quay ra và mắt chúng tôi gặp nhau một giây. Tôi gật đầu với ông, nhưng ông không trả lời. Rồi ông quay mặt đi. Phải, ông nhận ra tôi, nhưng không có tâm trạng nói chuyện. Tôi còn hình dung ông đã lắc đầu từ chối. Tôi tìm một cái bàn cạnh tường và ngồi xuống. Tôi uống chỗ cà phê còn lại, trong lúc vẫn nhìn sang ông. Sao ông lại rời Israel? Ông nhớ điều gì ở đây? Ông đang chạy trốn ai? Tôi rất muốn sang hỏi, nhưng biết mình sẽ không hỏi được gì từ ông cả.
Một sức mạnh mạnh hơn cả con người và những toan tính của anh ta đã đẩy ông khỏi Thiên đường, về với Địa ngục, tôi quyết định thế. Ông thậm chí còn không đến các buổi lễ tối thứ Sáu. Ông thù địch không chỉ với con người mà còn với cả ngày Sabbath. Tôi uống nốt cà phê rồi về.
Mấy tuần sau, tôi đọc trên cáo phó thấy Joel Yabloner đã qua đời. Ông được chôn ở một nơi nào đó ở Brooklyn. Đêm hôm ấy tôi nằm thức đến ba giờ sáng, nghĩ về ông. Sao ông lại về đây? Có phải ông chưa chuộc đủ tội lỗi hồi trẻ? Ông trở về Đông Broadway là có lý giải nào trong kiến thức của Cabala? Có phải những tia lửa nào đã lạc từ Thế giới của Khởi nguồn vào Chủ Quỷ? Và chúng chỉ có thể tìm thấy và đưa trở lại ngọn nguồn linh thiêng trong cái quán ăn này? Một ý tưởng nữa xuất hiện trong đầu tôi—có lẽ ông muốn được nằm gần bà giáo viên mà ông đã đổi kính? Tôi còn nhớ những lời cuối tôi nghe được từ ông: “Con người ta đâu sống theo lý trí.”
Copyright © 1971 by Isaac Bashevis Singer | Nguyễn Huy Hoàng dịch.