Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Nhà văn và chủ nghĩa cộng sản

George Steiner

Photo by Antonio Olmos

George Steiner sinh năm 1929 ở Paris. Ông theo học các trường đại học Paris, Chicago, Harvard, Oxford, và Cambridge rồi làm việc một thời gian ngắn ở tờ The Economist trước khi bắt đầu sự nghiệp học thuật năm 1956 ở Viện Nghiên cứu Cao cấp tại Đại học Princeton. Từ năm 1961 ông là nghiên cứu viên tại Churchill College, Cambridge, và là giáo sư ngành văn học Anh và văn học so sánh tại Đại học Geneva từ năm 1974 đến năm 1994, giáo sư hàm Weidenfeld ngành văn học so sánh tại St Anne’s College, Oxford, từ năm 1994 đến năm 1995, và giáo sư hàm Norton về thơ tại Đại học Harvard từ năm 2001 đến năm 2002. Ông đã viết hàng chục cuốn sách trong sự nghiệp kéo dài hơn nửa thế kỷ của mình, trong đó có The Death of Tragedy, After Babel, In Bluebeard’s CastleMy Unwritten Books, và The Poetry of Thought. Ông qua đời năm 2020 ở Cambridge, Anh.

Nhà văn và chủ nghĩa cộng sản

Một trong những khác biệt nổi bật giữa chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản là thế này: Chủ nghĩa phát xít đã không truyền cảm hứng cho tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nào. Với ngoại lệ khả dĩ là Montherlant, nó không kéo được nhà văn hạng nhất nào vào quỹ đạo của mình. (Ezra Pound không phải là phát xít; ông dùng những cơ hội và đặc trưng của chủ nghĩa phát xít cho thứ kinh tế kỳ quặc của riêng mình.) Ngược lại, chủ nghĩa cộng sản là một thế lực trung tâm trong nhiều phần đẹp nhất của văn chương hiện đại; và cuộc gặp cá nhân với chủ nghĩa cộng sản đã đánh dấu ý thức và sự nghiệp của nhiều nhà văn lớn trong thời đại này.

Vì sao có sự khác biệt này? Chắc chắn, chủ nghĩa phát xít là một hệ tư tưởng quá hạ đẳng và đê hèn để sản sinh những đức tính bác ái của trí tưởng tượng vốn cần thiết cho nghệ thuật văn chương. Chủ nghĩa cộng sản, ngay cả ở nơi nó trở nên độc hại, là một thần thoại về tương lai con người, một tầm nhìn về khả năng của con người đẹp đẽ trong mệnh lệnh đạo đức. Chủ nghĩa phát xít là luật lệ tối hậu của lũ vô lại; chủ nghĩa cộng sản thất bại vì nó tìm cách áp đặt lên cái tính đa nguyên mong manh của bản chất con người và thực hiện một lý tưởng nhân tạo mang tính phủ nhận bản thân cá nhân và mang mục đích lịch sử. Chủ nghĩa phát xít áp bức bằng sự khinh thị con người; chủ nghĩa cộng sản áp bức bằng cách đưa con người lên trên cái không gian của sai lầm riêng tư, tham vọng riêng tư, và tình yêu riêng tư mà chúng ta gọi là tự do.

Còn một khác biệt cụ thể hơn. Hitler và Goebbels là những kẻ thao túng ngôn ngữ xảo quyệt; nhưng họ không tôn trọng đời sống tinh thần. Ngược lại, chủ nghĩa cộng sản là một tín ngưỡng mà từ chính khoảnh khắc nguồn gốc lịch sử của nó một cảm quan về các giá trị trí tuệ và nghệ thuật đã thâm nhập vào. Ở Marx và Engels ý này thể hiện rất rõ. Họ là trí thức đến tận xương tủy. Lenin dâng cho nghệ thuật cái cống phẩm tối cao là sự sợ hãi; ông ta trốn tránh nó, thừa nhận những sức mạnh u tối, mê hoặc của hình thức sáng tạo và âm nhạc trước trí tuệ duy lý. Trotsky là một tay littérateur theo nghĩa vẻ vang nhất của từ này. Ngay cả dưới thời Stalin, nhà văn và tác phẩm văn chương cũng đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược cộng sản. Các nhà văn bị bức hại và hành quyết chính là vì văn chương được công nhận là một thế lực quan trọng và tiềm tàng nguy hiểm. Đây là một điểm quan yếu. Văn chương được tôn vinh, dù theo hướng tàn ác hay lệch lạc thế nào, bởi chính sự hoài nghi của Stalin. Và đến thời kỳ băng tan một phần, vị thế của nhà văn trong xã hội Xô viết một lần nữa trở nên phức tạp và có vấn đề. Người ta không thể hình dung một nhà nước phát xít rung chuyển chỉ vì một cuốn sách; nhưng Bác sĩ Zhivago là một trong những cuộc khủng hoảng lớn trong đời sống gần đây của giới trí thức ở nước Nga cộng sản.

Dù là bằng bản năng hay qua chiêm nghiệm, các nhà văn luôn luôn nhận thức được vị thế đặc biệt của mình trong ý thức hệ cộng sản. Họ nghiêm túc với chủ nghĩa cộng sản là vì nghiêm túc với họ. Do đó, một lịch sử các mối quan hệ giữa chủ nghĩa cộng sản và văn chương hiện đại, trong một số khía cạnh quan trọng nhất định, chính là một lịch sử của cả hai.

*

Ông Jürgen Rühle là một trong nhiều nhà văn và trí thức đã trải nghiệm sức hút của chủ nghĩa cộng sản và rồi dứt ra khỏi thực tại Stalinist. Kể từ khi tị nạn ở Tây Đức, ông đã thể hiện mình là một sử gia và nhà quan sát chuyên gia về đời sống văn chương và sân khấu cộng sản. Trong cuốn Literatur und Revolution [Văn chương và cách mạng] ông đã bắt đầu soạn ra một lịch sử của “nhà văn và chủ nghĩa cộng sản” trên thế giới trong giai đoạn từ năm 1917 đến năm 1960. Đó là một công trình đồ sộ, rộng khắp: nó trải dài suốt tiến trình văn chương Nga từ Blok đến Zhivago; nó nói về thơ của Pablo Neruda và văn của Erskine Caldwell; nó đi từ một thảo luận về chính trị của Thomas Mann đến một phê bình về Lỗ Tấn. Được trang bị thêm bảng niên biểu và thư mục, Literatur und Revolution vừa là một tiểu luận phê bình vừa là một cuốn sách tham khảo. Và chỉ liếc qua mục từ và minh họa cũng thấy được rằng gần như không có nhà văn lớn nào trong thời đại chúng ta (Proust, Joyce, và Faulkner là những ngoại lệ nổi bật) mà không bị chủ nghĩa cộng sản động đến ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời và văn chương của mình.

Phần đầu của cuốn sách nói về số phận của văn chương Nga dưới thời Lenin, Zhdanov, và Khrushchev. Nó đi qua vùng đất quen thuộc nhưng nhiều quan trọng. Chúng ta quan sát một lần nữa cái tài và cái kết cay đắng của bộ ba cách mạng: Blok, Yessenin, Mayakovsky. Rühle đặc biệt quan tâm đến đề tài của cuốn tiểu thuyết cồng kềnh, phần nhiều bị thờ ơ của Gorky, Klim Samgin. Ông lập luận một cách thuyết phục rằng Gorky không thể hoàn thành tác phẩm vì nhận thức được cái mâu thuẫn giữa đời sống cá nhân và tổ chức cộng sản vốn đã khiến nhiều nhà văn Xô viết rơi vào im lặng hoặc cái chết. Rühle tiếp tục thảo luận về các nhà biên niên sử của cuộc nội chiến, Isaac Babel và Sholokhov. Một lần nữa ở đây, cách đọc của ông rất sắc: ông cho thấy Sholokhov luôn luôn là một nhà văn địa phương mang dấu ấn bài trí thức cổ xưa, người thành công trong việc đồng thời là tiếng nói của tình cảm dân tộc chủ nghĩa và Stalin chủ nghĩa. Ông đưa ra một câu chuyện hợp lý về những sự thoái thác khó hiểu và những sự táo bạo giúp Ehrenburg sống sót qua mùa đông và thời kỳ băng tan. Và dưới tường thuật chi tiết về sự nghiệp và tác phẩm cá nhân là cái mô típ bất tận của trục xuất, hành quyết, hay tự sát.

Cuối cùng, Rühle đến với Pasternak. Ông thấy trong Pasternak tiếng nói thực sự của nước Nga, tầm nhìn sẽ vượt lên trên những sự chuyên chế hiện thời. Ông đồng tình với Edmund Wilson trong việc đi tìm ở Lara và Zhivago một thách thức không thể giải quyết được đối với thuyết sử luận và tất định luận mang tính phủ nhận bản thân của ý thức hệ cộng sản. Thực tế trần trụi là Pasternak có thể hình dung ra mối tình nổi loạn riêng tư của họ khi vẫn ở Liên Xô chứng tỏ tinh thần Nga vẫn còn sống dưới lớp băng của kỷ luật Đảng. Pasternak là một trong những người đầu tiên đọc bài thơ từ biệt mà Yessenin viết bằng máu mình. Ông biết lá thư tuyệt mệnh nổi tiếng của Mayakovsky. Nhưng nhờ can đảm và thận trọng mà ông đã sống sót. Và trong Bác sĩ Zhivago ông đã đưa ra bản cáo trạng chống lại sự coi thường đời sống cá nhân của Liên Xô mà các nhà thơ đồng nghiệp của ông đã ám chỉ qua cách thức bi thảm là cái chết của họ.

Có nhiều sự thật trong chuyện này, và Rühle thể hiện nó rất tốt. Nhưng không sống ở Liên Xô gần đây, ông không nhận ra thế giới của Lara và Zhivago đã xa cách như thế nào khỏi những tưởng tượng và cảm xúc của thế hệ trẻ hơn bây giờ. Những kẻ cai trị, những kẻ già nua, mới là người sợ cuốn sách và tìm cách bịt miệng nó. Tôi tự hỏi người trẻ thấy gì ở Bác sĩ Zhivago ngoài một câu chuyện cổ tích đầy cảm động, hay một mẩu hư cấu lịch sử xa xôi như Anna Karenina.

*

Phần thứ hai của cuốn Literatur und Revolution là giá trị nhất. Nó bàn một cách đáng tin cậy về những mối quan hệ rối rắm giữa chủ nghĩa cộng sản và văn chương Đức. Không có gì cường điệu khi nói gần như không có một nhà văn người Đức nào sau năm 1919 không có một lập trường công khai, dù ủng hộ hay phản đối, đối với chủ nghĩa cộng sản. Có một mối đồng cảm sâu xa nào đó giữa thuyết sử luận và chủ nghĩa lý tưởng mang tính hệ thống của ý thức hệ cộng sản với tinh thần Đức mà nó nảy sinh từ đó. Thông thường, như Rühle cho thấy, cực hữu và cực tả gặp nhau ở Đức trên một nền tảng chung là khuynh hướng toàn trị. Hiệp ước Hitler-Stalin, dù giả dối và ngắn ngủi thế nào, vẫn giống như một phúng dụ về một mối quan hệ chân chính.

Rühle xuất sắc hơn trong lời kể của ông về Johannes Becher, chàng Orpheus của chủ nghĩa Stalin, và về Egon Erwin Kisch, nhà báo tài năng nhất từng phục vụ cho lý tưởng Marxist. Ông đưa ra một cách đọc nhạy cảm về các tác phẩm của Anna Seghers, cho thấy những tiểu thuyết gần đây của bà đã phản bội lại những sự méo mó của một nghệ sĩ chân chính cố gắng chấp nhận những sự thật nửa vời màu xám của “hiện thực xã hội chủ nghĩa” như thế nào. Ông làm sáng tỏ vai trò của những tư tưởng Marxist trong hư cấu lịch sử của Heinrich Mann và Lion Feuchtwanger. Ông gợi ý, trong một chương sách được dẫn chứng kỹ càng, rằng những bất đồng giữa Heinrich và Thomas Mann thể hiện một phép biện chứng lớn hơn: sự đối đầu của tinh thần Đức với những sức hút trái ngược nhưng có liên quan của một mặt là chủ nghĩa dân tộc cánh hữu và một mặt là chủ nghĩa quốc tế cấp tiến.

Giống như trong phần bàn về văn chương Xô viết, dưới câu chuyện về những đời sống cá nhân là chủ đề liên tục về cái chết bạo lực. Lần lượt, những tiếng nói thơ ca và kịch nghệ và phê bình Đức bị bóp nghẹt bởi lưu đày, sát hại, hoặc tự sát. Đọc tờ lịch của sự hủy diệt này—Ossietzky, Mühsam, Kornfeld, Theodor Wolff, Friedell, Toller, Hasenclever, Ernst Weiss, Stefan Zweig—người ta nhận ra văn chương quả thật là món nghề nguy hiểm nhất.

Sau phần xử lý bậc thầy về văn chương Đức, Literatur und Revolution tiếp tục khảo sát phần còn lại của thế giới. Tốc độ trở nên có phần chóng mặt. Chỉ trong 30 trang, Rühle thảo luận về tác động đa dạng của chủ nghĩa cộng sản lên Camus, Sartre, Gide, Malraux, Eluard, Céline, và Aragon. 20 trang khác tổng kết các nhà văn Ý—Silone, Pavese, Malaparte, Moravia, Carlo Levi. Chưa đến 40 trang cho những cuộc tán tỉnh phức tạp với chủ nghĩa Marx và giấc mơ cộng sản của các nhà văn Mỹ như Dos Passos, Upton Sinclair, Steinbeck, Hemingway, và James T. Farrell. Các chương ngắn ngủi xoay người đọc khắp Mỹ Latin và châu Á. Không thể tránh khỏi, nửa sau của cuốn sách này có xu hướng trở thành một danh mục ghi tên, ngày tháng, và nhan đề—hữu ích để tham khảo nhanh, nhưng chưa phù hợp với tính đa dạng và phức tạp của đề tài này.

Trong hai chương cuối, Rühle nói về những người bỏ Đảng và những người nổi loạn chính trong trại văn chương Marxist. Ông bàn về Darkness at Noon của Koestler, 1984 của Orwell, và những hồi ký buồn của Gide và Stephen Spender. Cuối cùng, ông ghi lại cuộc nổi dậy chống chủ nghĩa Stalin của các nhà văn trẻ người Ba Lan và Hungary năm 1956. Trong giai đoạn đàn áp sau đó ở Hungary, Tibor Dery bị lên án vì dẫn dắt “một tổ chức thù địch với nhà nước.” Một câu đùa rầu ở Budapest: đó có thể là tổ chức nào? Câu trả lời: nhân dân Hungary. Và khi cuộc khảo sát cô đọng khép lại, Rühle nhắc nhở chúng ta rằng nhiều nhà văn vẫn đang ở trong các nhà tù của Xô viết, các nước vệ tinh, hay Trung Quốc. Liên minh giữa văn chương và chủ nghĩa cộng sản vẫn còn vừa gần gũi vừa bi thảm.

*

Là cuốn biên niên sống động, thể hiện lượng tài liệu khổng lồ và rải rác theo trật tự rõ ràng, cuốn sách này có những điểm mạnh. Nhưng trong Literatur und Revolution còn nhiều sự qua loa. Thường có một vấn đề là nó quá ngắn (không có nhiều điều mới mẻ hay những tiết lộ có thể nói về một nhà văn quan trọng trong hai ba trang giấy). Nhưng nó còn là những giả định nền tảng của Rühle dẫn đến sự đơn giản hóa quá mức. Trong suốt cuốn sách, ông tìm cách thiết lập một mô hình là sự thu hút lý tưởng ban đầu, theo sau bởi sự đổi ý vỡ mộng. Nhà văn bị kéo vào những lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản; anh ta nhận ra những thực tế của bộ máy Đảng và sự áp bức Stalinist; anh ta từ bỏ. Các vị thần Đỏ làm anh ta thất vọng. Nhưng trên thực tế, mô hình này chỉ áp dụng được với một số giới hạn nhà văn, và không phải những người quan trọng nhất. Bằng cách nhấn mạnh nó, Rühle có xu hướng bóp méo bằng chứng. Tôi xin đưa ra chỉ vài ví dụ.

Trường hợp Malraux là một phép thử cho cái nhìn của một nhà phê bình vào những cám dỗ mà chủ nghĩa toàn trị đưa ra đối với thiên tài thi ca. Câu chuyện của Rühle về việc Malraux quay vào rồi quay ra khỏi chủ nghĩa cộng sản là hoàn toàn không xác đáng. Dù chiến đấu lần lượt trong liên minh với cánh tả rồi cánh hữu, đi từ Lữ đoàn Quốc tế đến nội các của de Gaulle, Malraux chưa bao giờ có một chương trình chính trị nhất quán. Ở bất cứ khu vực nào mà ông đi vào, ông đều luôn đi tìm những cái có trong chính trị của chủ nghĩa anh hùng, bạo lực, và lòng trung thành kín đáo. Nói ngắn gọn, chính trị của ông là mỹ học; cái thu hút Malraux là dạng hình của hành động chính trị, không phải nội dung. Đầu mối cho toàn bộ sự nghiệp của Malraux có thể thấy trong nhận xét xuất sắc của Walter Benjamin rằng những người hiểu chính trị như một môn nghệ thuật thì luôn luôn kết thúc ở một thái độ tinh hoa chủ nghĩa hoặc toàn trị—dù là ở cánh tả hay cánh hữu. Rühle đã không thấy được điều này và còn không nhắc đến Benjamin, nhà phê bình độc đáo và sâu sắc nhất trong toàn bộ các nhà phê bình Marxist.

Hoặc trường hợp Orwell. 1984 không phải, như Rühle khẳng định chắc chắn, là một ngụ ngôn về chế độ toàn trị của Stalin, Hitler, và Mao Trạch Đông. Bút chiến của ngụ ngôn thì không đơn tuyến. Phê bình của Orwell đồng thời vừa liên quan đến nhà nước cảnh sát vừa liên quan đến xã hội tiêu dùng tư bản, với sự vô tri về những giá trị và những sự tuân thủ của nó. “Newspeak,” ngôn ngữ trong cơn ác mộng của Orwell, vừa là biệt ngữ của chủ nghĩa duy vật biện chứng vừa là từ ngữ của quảng cáo thương mại và truyền thông đại chúng. Sức mạnh bi thảm của 1984 bắt nguồn chính từ việc Orwell từ chối nhìn mọi thứ theo hai màu đen trắng. Cái xã hội hám của của chính chúng ta làm ông hoảng sợ. Ông ghi nhận trong đó những mầm mống của sự phi nhân có thể so sánh được với những căn bệnh đặc hữu trong chủ nghĩa Stalin. Orwell trở về từ Catalonia với một kiểu niềm tin u ám, khắc kỷ vào một nền chủ nghĩa xã hội nhân văn mà cả phương Tây lẫn phương Đông đều chưa sẵn sàng áp dụng ngoại trừ trên phạm vi hạn chế nhất. Biến 1984 thành một cuốn tuyên truyền trong cuộc chiến tranh lạnh trí thức là đọc sai và giảm giá trị của nó. Phúng dụ thực sự về xã hội Xô viết trong tác phẩm của Orwell là cuốn Animal Farm.

Thái độ miễn cưỡng không tính đến những phức tạp của sự thật này cũng ảnh hưởng đến câu chuyện của Rühle về Lorca. Bất chấp tuyên bố tự tin của Rühle, hoàn cảnh dẫn đến cái chết của Lorca vẫn còn gây bối rối. Trong đó có thể có những yếu tố trả thù cá nhân cũng như khủng bố chính trị. Hoặc để thêm một ví dụ nữa, điều thú vị về nhà văn Ba Lan trẻ Hlasko không phải là việc ông thấy Ba Lan cộng sản nghẹt thở và tìm tự do ở phương Tây, mà là sau đó ông lại thấy “thế giới tự do” cũng gần như không chấp nhận được như thế. Văn chương là một cuộc truy cầu phức tạp, mơ hồ; nó không tự nhiên rơi vào những giới hạn của chủ nghĩa cộng sản hay chống cộng mà Rühle tìm cách áp đặt lên nó.

*

Nhưng đây chỉ là chuyện nhỏ. Một khiếm khuyết cơ bản hơn trong Literatur und Revolution là việc Rühle từ chối phân biệt giữa chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa cộng sản hay, chính xác hơn, giữa chủ nghĩa cộng sản như một tầm nhìn đạo đức và chủ nghĩa cộng sản như một thực tế quan liêu và chính trị. Ở nước Nga Stalinist và các nước vệ tinh, sự phân biệt này đã bị xói mòn. Nhưng ở các nơi khác, và với các nhà văn phương Tây rơi vào tầm ảnh hưởng Marxist, điều này rất quan trọng. Liên tục, Rühle gộp vào nhau những nhà văn có thể coi một cách công bằng là những nhà cộng sản với những người đã rút từ lý thuyết Marxist về lịch sử và diễn giải của Marx về hành vi xã hội cái chất liệu cho nghệ thuật của riêng mình. Không ai có thể nói trong cùng một hơi thở về Howard Fast và Romain Rolland. Khác biệt là quá lớn.

Chặt chẽ mà nói, có ít nhà văn nổi bật bên ngoài Liên Xô dâng nghệ thuật của mình phục vụ cho Đảng Cộng sản hoặc chính sách Xô viết. Becher, Aragon, Anna Seghers, Fast—danh sách không dài. Nó chắc chắn không bao gồm hầu hết các nhà thơ, tiểu thuyết gia, và nhà viết kịch quan trọng mà Rühle quan tâm. Cái Feuchtwanger và Heinrich Mann có được từ chủ nghĩa Marx là một ý thức về áp lực vật chất và mật độ của thực tế lịch sử. Sartre rút ra từ chủ nghĩa Marx cả sự hỗ trợ lẫn sự mâu thuẫn sáng tạo cho tầm nhìn đặc biệt cá nhân của mình về khủng hoảng và lịch sử. Ở Seán O’Casey, chủ nghĩa cộng sản chưa bao giờ hơn gì một tiếng thét trước cối xay gió, về cơ bản là vô chính phủ, của một tính đa cảm Ireland trước bất công xã hội. Ở Malaparte, chủ nghĩa cộng sản là một kiểu chuyện đùa riêng tư, mặt nạ của một kẻ Lãng mạn tàn bạo nhưng trầm trọng hơn. Với Pablo Neruda, ý thức hệ cộng sản là lời hứa về một utopia đầy thù hận. Mỗi trường hợp mỗi khác.

Hơn nữa, có một khác biệt rõ nét giữa những người vỡ mộng với chủ nghĩa Marx và những người thực sự đoạn tuyệt với Đảng Cộng sản. Trong hầu hết trường hợp, bỏ Đảng dẫn đến hoặc sự im lặng hoặc Hollywood. Mặt khác, thoái lui khỏi chủ nghĩa Marx dường như là một quá trình hồi sinh, làm trí tưởng tượng của nhà văn bầm dập nhưng vẫn sống. Bởi vậy, trong cuộc đời của các nhà văn như Camus, Steinbeck, hay Silone, chủ nghĩa Marx đóng một vai trò giải phóng. Ngay cả khi đã quay lưng với nó, họ vẫn giữ trong tài năng của mình một số nét chính xác đặc trưng của tầm nhìn và những thói quen phản kháng đạo đức nhất định.

Và vì từ chối phân biệt những lời dạy của Marx-Hegel với thực tiễn cộng sản, Rühle đã không nhận ra ảnh hưởng sâu sắc của những tư tưởng Marxist đối với mỹ học và lý thuyết văn học phương Tây. Dù rõ ràng hay vô thức, toàn bộ quan điểm đương đại của chúng ta về nghệ thuật đều bị ảnh hưởng bởi một nhận thức Marxist về bối cảnh xã hội và thuyết động lực lịch sử. Ngay cả các nhà “phê bình mới” Alexandrine nhất cũng nợ truyền thống Marxist một nhận thức nhất định về môi trường kinh tế hay xã hội nằm đằng sau phong cách thơ ca. Quả thật, rất có thể chủ nghĩa Marx có đóng góp vững chắc nhất trong mỹ học hơn là trong văn chương thực tế. Nhưng Rühle hiếm khi đề cập đến ba nhà phê bình, cùng Lukács, đã đưa đến phương Tây cái có thành tựu lớn nhất trong quan điểm Marxist về nghệ thuật: Walter Benjamin, Lucien Goldmann, và Edmund Wilson.

*

Khi đặt xuống cuốn sách nhiều thông tin nhưng một chiều này, một câu hỏi lớn hơn tất yếu nảy sinh trong tâm trí. Chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa cộng sản quan trọng với việc hiện thực hóa tài năng cá nhân ở đâu? Ở nơi nào chúng là tình cờ? Chúng ta có nợ cuộc đối đầu giữa văn chương và chủ nghĩa cộng sản bất cứ kiệt tác nào mà nếu không thì có thể nó sẽ không hình thành hay không? Nếu bỏ qua thơ ca Nga giai đoạn 1917–1925 đi chăng nữa thì tôi nghĩ cũng có một số.

Hai trong số những cuốn tiểu thuyết hiện đại tiêu biểu nhất, Man’s Fate của Malraux và Darkness at Noon của Koestler, bắt nguồn trực tiếp từ tác động của phong trào cộng sản lên cuộc đời và trí tưởng tượng của nhà văn. Hơn nữa, chúng vẫn còn giá trị vì chúng nhận ra được sự chung sống của cái cao quý và cái ác trong chủ nghĩa cộng sản hiếu chiến. Nếu, trong những tiến trình của Đảng, người ta nhận ra sự độc ác, sự xảo quyệt, và sự đàn áp tàn bạo các giá trị riêng tư, thì người ta cũng nhận ra sự hy sinh, lòng can đảm, và một niềm tin mãnh liệt vào khả năng con người có thể sống và chết cho tư tưởng. Nếu không có chủ nghĩa Marx và một sự gắn bó kỳ dị nhưng vững chắc với ý thức hệ của Đảng, nhà soạn kịch vĩ đại nhất của thời đại này, Bertolt Brecht, có thể đã không bao giờ tìm được giọng và phong cách của mình. The Three-Penny Opera, Mahagonny, và Mother Courage là những tác phẩm kinh điển mang âm hưởng hiện đại. Chúng đã đi vào vốn tiết mục mang cảm giác chung; nhưng chúng có gốc rễ trong chủ nghĩa cộng sản cá nhân của Brecht và trong bối cảnh lịch sử của sự thất bại của phong trào Cộng sản Đức. Đông Berlin là thành phố mà Brecht hướng về, tuy thận trọng, trong suốt cuộc đời ông.

Tương tự, một số bài thơ tuyệt vời nhất của Aragon cũng không thể tách biệt khỏi thế giới quan và vốn từ của chủ nghĩa cộng sản. Điều này, theo một nghĩa nghịch lý nhưng xác quyết, cũng đúng với Bác sĩ Zhivago. Không thể nhìn rõ cái tác phẩm phân tán, đầy chiêm niệm, thường tự mâu thuẫn ấy nếu không nhận ra Pasternak liên can sâu thế nào đến những nỗi đau và khát vọng của Cách mạng Nga. Về nhiều khía cạnh, cuốn tiểu thuyết này là một lời kêu gọi một cuộc cách mạng thậm chí còn toàn diện và hướng nội hơn cuộc cách mạng đã tạo ra xã hội Xô viết.

stalin portrait picasso.jpg

Chân dung Stalin của Picasso, 1953

Ở những nơi khác, yếu tố Marxist hay cộng sản trong tác phẩm nghệ thuật thường là một lớp sơn mặt hay một mã thuận tiện để thể hiện chủ nghĩa cấp tiến cá nhân. Điều này chắc chắn đúng với những vở kịch của O’Casey và thơ của Eluard. Thường thì nỗ lực của nghệ sĩ nhằm phục vụ cho những nhu cầu ý thức hệ của Đảng rốt cuộc lại bị hiểu nhầm là lật đổ: người ta còn nhớ Picasso, muốn tôn vinh sự ra đi của Stalin, đã vẽ ra chân dung một chàng trai trẻ mộng mị, mơ màng với bộ ria thời Victoria như thế nào.

Cuối cùng là câu hỏi khó nhất về mối quan hệ giữa nghệ thuật và chủ nghĩa toàn trị như vậy. Lịch sử cho chúng ta thấy rằng chế độ chuyên quyền, dù ở La Mã thời Augustus, Florence thời Phục hưng, hay trong triều Louis XIV, đều có thể sản sinh ra nghệ thuật và văn chương lớn. Bạo chúa và nhà thơ vẫn thường với nhau khá hợp (ngay cả ở Stalin cũng có những dấu vết kỳ quặc của mối quan hệ này—hãy xem cách ông ta đối xử với Bulgakov và Pasternak). Nhưng chủ nghĩa tuyệt đối có thể đi xa đến đâu trước khi nghệ thuật cúi đầu hoặc im lặng? Chúng ta vượt qua cái ranh giới giữa nghệ sĩ như là người truyền tải những lý tưởng của xã hội anh ta với nghệ sĩ như là người sản xuất tuyên truyền đơn thuần ở nơi nào? Đâu là khác biệt giữa bài tụng ca Cromwell của Andrew Marvell với những khúc cuồng tưởng của Becher dành cho Stalin và Ulbricht? Nếu không đưa ra câu trả lời thì ít nhất cuốn sách của Rühle cũng làm sáng tỏ nhiều điều giá trị về bản chất của vấn đề. Nhưng đề tài hấp dẫn, bức thiết này vẫn còn phải bàn tiếp.

George Steiner, “The Writer and Communism,” in Language and Silence: Essays on Language, Literature, and the Inhuman (Atheneum, 1967).

Copyright © 1961 by George Steiner | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on October 28, 2017 by in Văn chương & Phê bình and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: