Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

“Người đàn bà và người đàn ông đứng bên cây mận” – John Berger

john berger

Photograph by Eamonn McCabe/Getty

John Berger sinh năm 1926 ở London. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách “sáng tạo trong hình thức và sâu rộng trong cái nhìn lịch sử và chính trị,” trong đó có có G., cuốn tiểu thuyết đoạt giải Man Booker năm 1972, To the Wedding, và King. Trong các nghiên cứu xuất sắc của ông về nghệ thuật và nhiếp ảnh có Another Way of Telling, The Success and Failure of Picasso, Titian: Nymph and Shepherd (cùng Katya Berger), và Ways of Seeing. Ông được trao giải Petrarca-Preis cho văn chương châu Âu năm 1991 và giải Golden PEN năm 2009, và qua đời năm 2017 ở Antony, Pháp.

Người đàn bà và người đàn ông đứng bên cây mận

Lúc bảy giờ tối một chiếc xe màu vàng đỗ lại bên nhà. Màu vàng của một chiếc xe đưa thư ở Pháp. Nhưng chiếc xe này mang biển số Tây Ban Nha. Trên capô dính những mảnh băng keo. Màu vàng sơn. Không hẳn cùng một màu vàng. Chiếc xe, tuy nhiên, đỗ ở nơi chưa ai từng đỗ. Nó là nơi đỗ được. Ở đó không vướng víu gì. Nhưng không ai nhìn ra nó trước đây.

Người lái xe mặc quần bò với sơ mi màu đen bụi, cúc trắng. Cô từ Galicia đến.

Tôi từng gặp cô một lần trong đời. Trong năm phút ở Madrid. Tôi có một buổi đọc trước công chúng ở đó, và, sau đó, người phụ nữ này, khoảng ba mươi, đến đưa tôi một cuộn giấy nâu. Đây là quà cho anh. Tôi giở ra và thấy một bức vẽ. Cô kiếm sống, cô nói, bằng nghề phục hồi các bức bích họa trong các nhà thờ. Khi cái gì đó bị phủ thạch cao và ta nhúng nó xuống nước, màu trắng sẽ bị trôi đi, và màu bình thường của nó trở lại. Nhưng thường thì lúc khô trông nó có chút trăng trắng. Chuyện đó còn có thể xảy ra với cả móng tay. Khi người phụ nữ này nói cô phục hồi các bức bích họa, tôi nghĩ mình thấy một chút cái vẻ trăng trắng này trên quần áo cô, trên mu bàn tay cô. Trước khi tôi kịp hỏi gì thêm, cô đã biến mất.

Lúc sau tôi nhìn vào bức vẽ của cô. Nó có gì đó liên quan đến thế giới của loài cá. Tôi muốn cảm ơn cô, nhưng chưa hỏi được tên và chữ ký trên bức vẽ rất khó giải mã. Chữ thứ nhất trong tên bắt đầu bằng chữ cái “M” và chữ thứ hai, tôi nghĩ, bắt đầu bằng chữ cái “C.”

Giờ thì nhà phục hồi bích họa vô danh này lại bất ngờ đến. Tôi được biết tên cô. Chúng tôi nói chuyện này chuyện kia: về Galicia, nông dân, Paul Klee, triển lãm Documenta ở Kessel. Dường như chúng tôi chẳng nói chuyện gì. Nếu cô đến thì đấy không hẳn là để nói chuyện.

Cô đến như một trong những bức vẽ của cô về thế giới của loài cá, hay có lẽ về thế giới của các loài động vật. Cô sống với các loài vật. Một số loài nhất định. Cô biết bí mật của chúng, vốn không phải là bí mật với chúng, mà là bí mật với chúng ta. Tôi băn khoăn cô có chọn loài vật mà cô sống cùng hay không; chúng, tôi đoán, chọn cô. Đó là điều bình thường, vì chúng mới là kẻ sống trong cô. Cư ngụ trong cô. Chúng đang ngồi vô hình trong cô bên bàn.

Cô sống với chúng như sống với hai quả thận của mình, thực quản của mình, túi mật của mình. Nếu cô bị giải phẫu trên bàn mổ, các con vật của cô sẽ không còn ở đó—giống như khi cây rừng bị chặt, thợ xẻ sẽ không bao giờ thấy những con lợn rừng hay cáo hay chim gõ kiến.

Chúng đến và đi, những con vật của cô, và cô nhận thức được mỗi sự ra đi, và mỗi lần mới đến. Chúng tạo ra những kích thích, chúng khơi gợi những xung động và, đặc biệt, chúng cho thấy những món trò của cô, của chúng. Những món trò biểu diễn mình trong cô, bên dưới làn da. Đây là những gì tôi nghĩ trong lúc chúng tôi nhìn nhau qua bàn.

Những loài vật nào? Nếu có người hỏi cô, chúng sẽ không bao giờ cho cô trả lời. Mọi loài vật trừ con người đều thận trọng. Nên chúng sẽ không bao giờ chấp nhận một bảng catalô. Và cô tôn trọng cái tính thận trọng kiểu loài vật của chúng. Thậm chí cô còn bắt chước nó—tôi có thể nhận ra điều này trong lúc ngắm những ngón tay cô.

Cô ngồi đó uống cà phê trong cái áo sơ mi đen. Tóc cô mới gội, nhưng có lẽ nhiều năm rồi cô chưa đến một tiệm gội đầu. Trong một cuộc đời khác nhưng có cùng sự hiện diện vật chất, có thể cô đã đi chăn (hoặc trộm) ngựa—một hình bóng biến mất ở bìa rừng, cưỡi một con và dẫn theo một con khác. Cô gầy và nổi gân như những người sống gần ngựa. Nhưng trong cuộc đời hiện tại này cô vẽ những bức vẽ bí ẩn trên giấy nhà làm, cô phục hồi các bức bích họa và những con vật gần gũi nhất với cô không còn thuộc họ Ngựa.

Lần này nó có lẽ là thuộc họ Chồn. Con triết bụng trắng với cái đuôi đen, hay con chồn ermine, nhanh nhẹn, nhút nhát, kẻ dẫn ta đến những nơi ta chưa bao giờ đến! Những con vật sống, chứ không chơi, trò trốn tìm, và có thể cắn hai tai cùng lúc, vì quá nhanh nhẹn, với những cái bụng màu trắng và được các vị thẩm phán ca ngợi, và đã học được từ loài rắn cách uốn lượn cơ thể khi chúng tăng tốc, chuồi xuống, uốn cong, biến mất.

Chúng tôi ăn tối. Bên ngoài trời bắt đầu mưa, nặng hạt. Chúng tôi một mực nài cô ở lại. Tôi chỉ cho cô chỗ tắm và ngủ. Cô dừng lại trước một bức vẽ đóng khung trên tường trong bếp và nhìn nó. Cô không nhìn chăm chú. Cô chỉ cứ thế nhìn bức vẽ với các nhân vật và những lời quanh họ này. Đó là một câu trích dẫn trong vở Eumenides về các thần Erinys đòi báo thù, và một câu khác trong Phúc âm Thánh John: “… bình an của thầy thầy trao cho anh em: không như trái đất trao, thầy trao cho anh em. Đừng để tim mình xao động, cũng đừng để nó sợ.”

Cô không nói gì hay ra dấu hiệu nào. Gương mặt cô quay đi. Một cách đơn giản cơ thể cô cho biết cô quen thuộc như thế nào với những lời ấy. Cơ thể cô không cử động. Không cử chỉ nào. Chỉ một sự thu mình có thể bị hiểu nhầm thành sự xấc láo.

Cả đêm hôm ấy trời mưa.

Sáng hôm sau cô nói cô phải lên đường đến Kessel. Trước khi đi, cô có thể chụp một tấm ảnh không?

Chúng tôi đang uống cà phê trong bếp.

Anh đã thấy máy ảnh của tôi? cô hỏi.

Chưa.

Anh không để ý nó đêm qua?

Cô gật đầu về phía cái túi dết của cô đang nằm, trên sàn nhà gần cửa. Cạnh cái túi là một cái hộp mà quả thật tôi có để ý vì cái màu bạc của nó. Tương đương kích thước của một hộp công cụ cơ khí. Nó được vá víu ở nhiều chỗ bằng băng dính đen. Tôi đã không tự hỏi cô mang gì trong đó. Có thể là sơn. Hoặc táo. Hoặc xăng đan và kem chống nắng.

Giống cái máy ảnh ban đầu, cô nói, giống cái đầu tiên ấy! Và cô đưa tôi cái hộp. Nó chẳng nặng gì. Các mặt làm bằng gỗ dán.

Ở đây không đủ sáng, cô nói, ta ra ngoài nhé.

Chúng tôi đi ra chỗ những cây mận nơi có một cái bàn trên thảm cỏ và ở đó cô nhìn lên bầu trời vẫn còn mây. Hai đến ba phút, cô tính toán thành tiếng, và cẩn thận đặt cái hộp lên mép bàn. Ở giữa một bên mặt dài của cái hộp có một tấm chắn hình chữ nhật màu trắng, giống như ta áp lên một vết mụn nước hay vết bỏng nhỏ. Tấm chắn này được bọc viền bằng băng dính đen.

Bằng những ngón tay cẩn trọng cô kéo tấm chắn trắng ra để lộ một ống kính, một cái lỗ. Rồi cô nắm tay tôi.

Hai người chúng tôi đứng đó đối diện với cái máy ảnh. Chúng tôi có cử động tất nhiên, nhưng không hơn gì những cây mận trong gió. Nhiều phút trôi qua. Trong lúc đứng đó, chúng tôi phản chiếu ánh sáng, và những gì chúng tôi phản chiếu đi qua cái lỗ đen vào trong cái hộp tối.

Nó sẽ là của chúng ta, cô nói, và chúng tôi chờ đầy mong đợi.

John Berger, “A Woman and Man Standing by a Plum Tree,” Photocopies (Bloomsbury, 1996).

Copyright © 1996 by John Berger | Bản dịch © 2017 Nguyễn Huy Hoàng.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on November 2, 2017 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: