Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

“Người đàn bà với con chó trong lòng” – John Berger

John Berger sinh năm 1926 ở London. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách “sáng tạo trong hình thức và sâu rộng trong cái nhìn lịch sử và chính trị,” trong đó có có G., cuốn tiểu thuyết đoạt giải Man Booker năm 1972, To the Wedding, và King. Trong các nghiên cứu xuất sắc của ông về nghệ thuật và nhiếp ảnh có Another Way of TellingThe Success and Failure of PicassoTitian: Nymph and Shepherd (cùng Katya Berger), và Ways of Seeing. Ông được trao giải Petrarca-Preis cho văn chương châu Âu năm 1991 và giải Golden PEN năm 2009, và qua đời năm 2017 ở Antony, Pháp.

Người đàn bà với con chó trong lòng

Trong tưởng tượng của tôi, Angeline—như có thể mong đợi ở bà—độc lập một cách kiên cường. Cố gắng mấy, tôi cũng không thể hình dung ra bà hồi còn là một người phụ nữ trẻ. Và cố gắng mấy, tôi cũng không thể thực sự chấp nhận là bà đã chết, là bà đã chết được ba năm.

Bà tiếp tục dõi theo tôi. Lúc nào tôi cũng làm bà vui, càng vui hơn khi tôi không cố, và giờ đã chết bà vẫn còn bật cười—dù là trong im lặng! Bà biết bà sẽ chơi trò này, tất nhiên. Nó nằm trong một trong những kế hoạch của bà, mà bà thường tính toán khi ban đêm bà không ngủ được, và khi, sáng hôm sau, bà phải nói dối để truyền đạt sự ghê gớm của cái đêm bà vừa trải qua. Lời nói dối ấy là bà chưa nhắm mắt được một lần nào.

Khi bỏ kính ra, mắt bà không còn thô mà đầy huyền diệu, thế nên rất khó giải thích được vì sao tôi không bao giờ có thể hình dung ra bà hồi trẻ. Một lần bà bị sưng đầu gối và nhờ tôi thoa chút dầu lên đó: đầu gối và đùi bà mềm như của một cô dâu trẻ. Khi cởi dây buộc ra, mái tóc bạc của bà bung ra và xõa xuống xương vai. Vào những dịp hiếm hoi mà tôi thơm bà—để chúc mừng năm mới, chẳng hạn thế—bà luôn kéo cả hai người vào góc, để chúng tôi không bị ai nhìn thấy. Vậy mà bất chấp những điều ấy, tôi vẫn không thể hình dung ra bà hồi trẻ.

Tôi cho rằng nỗi tang tóc của bà là lời giải thích. Khi mặc bộ đồ đen lên người—và bà mặc đồ đen suốt ba mươi năm—ta mãi mãi bỏ lại tuổi trẻ ở sau lưng. Tôi còn nhớ một người đàn ông đi xe đạp đã nói khi xe cộ dừng lại cho một đám hôn lễ đi qua: dấu hiệu của một người mới cưới là một cô gái trẻ bên cửa sổ mở với tấm chăn lông trên tay, còn dấu hiệu của cảnh góa bụa là một người đàn bà lớn tuổi một mình cầm rìu bổ củi.

Angeline vui nhiều hơn bà sẵn lòng thừa nhận. Từ rừng về với đống củi khô để bổ, bà vui. Về nguyên tắc, bà cố không cười ở chốn công cộng: nó không phù hợp với bộ đồ đen bà mặc. Một cách âm thầm, bà vui khi làm người khác cười. Bà có tài ứng đáp không bắt chước nổi. Chiến thuật của bà là cắt, như bằng một con dao, cái bà vừa nghe được rồi lấy nó để thắt nơ. Anh ta đầy cứt dê trong túi, bà nói về Giscard d’Estaing trên màn hình. Mỗi sáng, trừ các ngày Chủ nhật, tôi thường nghe người đưa thư cười trong bếp của bà suốt mười phút. Có khi ở cạnh tôi bà cũng cho phép mình cười. Jésu, Marie, et Joseph, comment tu es bête! bà thường nói.

Bà để tang cho chồng nhưng cho con nhiều hơn, anh qua đời trong một vụ tai nạn đường bộ khi mới ngoài hai mươi. Nỗi đau của bà khi ấy—và bà ôm chặt nỗi thống khổ này suốt ba mươi năm bởi vì đó là tất cả những gì còn lại của con trai bà mà bà còn ôm được—cho bà cảm giác đoàn kết với bất cứ ai cũng phải chịu đau khổ. Bà thăm người ốm. Bà thăm các tang gia. Nỗi khổ của bà tìm nỗi khổ của người khác để chúng có thể đứng bên nhau.

Nhiều lần bà hỏi tôi làm thế nào để gửi tiền đến đài truyền hình để mua thức ăn để gửi đến một đất nước nơi người dân đang chết đói mà bà thấy đêm hôm trước.

Đồng thời bà cũng hiểu sâu sắc sự xa hoa. Bà có ba con dê, bà cần đếm tiền của bà, và bà sống trong một không gian không rộng hơn năm mươi mét vuông, nhưng bà có thể hình dung được sự xa hoa. Đó là lý do vì sao mà lời mắng mỏ tình cảm nhất của bà là feignant—nghĩa là rỗi việc. Con chó và đàn dê của bà đều feignant. Và bà bảo tôi cũng có nguy cơ như thế. Hồi Angeline còn trẻ, rỗi việc là đỉnh cao của sự xa hoa trong làng.

Con chó của bà được gọi là Mickey theo tên con Chuột. Nhỏ, đen, ồn ào và ngốc nghếch. Một con chó không bao giờ lớn lên. Bà chửi thề với nó. Bà nhốt nó ở ngoài. Lúc ốm nó trốn dưới lò sưởi mà bà đánh bóng hai lần một tuần. Nhưng lúc nó bị một con chó khác cắn bà chăm sóc nó trong lòng như Calypso chăm sóc Odysseus.

Và Angeline đợi đến sáng mới diễn trò của bà với tôi.

Có một số ngôi làng dường như bắt đầu tồn tại một cách ngẫu nhiên—như xúc xắc gieo trên bàn. Lý do của những ngôi làng khác thì rõ ràng hơn: chúng được dựng lên nơi hai thung lũng giao nhau, hay nơi một dòng sông hẹp lại. Nhưng có những ngôi làng trông như thể nó là kết quả của mánh khóe của bàn tay, như thể, ngay từ đầu, từ chính lựa chọn địa điểm, nó đã định phô bày điều gì. Như thể ngôi làng được xây từ flair! Làng tôi thuộc kiểu làng cuối.

Trông ngôi làng vui hơn thực tế. Nhà thờ có tháp chuông thuộc dạng được. Nghĩa trang như một cái ban công bên trên nó. Tòa Mairie với lá tricolore của nó đứng lùi lại và cao hơn con đường—gần như với vị thế của một lâu đài. Hai quán cà phê—trong đó có Républicain Lyre—có những bậc thềm dẫn lên. Và trên sườn đồi phía sau, các trang trại được sắp xếp như những lô ghế trong một rạp hát khổng lồ màu xanh.

Tôi nghĩ về điều này trong lúc đến gần ngôi làng sáng nay dưới ánh nắng mùa đông. Có nhiều điều đã thay đổi gần đây, nhưng từ một khoảng cách dưới ánh nắng mùa đông, có lẽ nó vẫn là ngôi làng cũ ở hồi đầu thế kỷ. Và bỗng nhiên sáng nay tôi thấy nó như thế. Nó khác với mười ngàn lần khác mà tôi nhìn nó. Nó chứa đầy những hứa hẹn bí ẩn.

Tôi biết mình sẽ kết hôn trong nhà thờ của làng, tôi biết các con tôi sẽ đi học ở trường làng, biết chồng tôi ngày 14 tháng Ba mỗi mùa xuân sẽ mang con ngựa cái đến để Curé chúc phúc. Đó là lúc tôi nghe thấy tiếng cười im lặng của bà. Bà mới là người đang nhìn ngôi làng, không phải tôi, và bà bắt tôi nhìn nó qua đôi mắt bà. Và bà cười vì bà đã bắt tôi nhìn nó qua đôi mắt bà hồi trẻ.

John Berger, “Woman With a Dog on Her Lap,” Photocopies (Bloomsbury, 1996).

Copyright © 1996 by John Berger | Bản dịch © 2017 Nguyễn Huy Hoàng.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on November 2, 2017 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: