Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

“Một ngôi nhà trên dãy Sabine” – John Berger

John Berger sinh năm 1926 ở London. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách “sáng tạo trong hình thức và sâu rộng trong cái nhìn lịch sử và chính trị,” trong đó có có G., cuốn tiểu thuyết đoạt giải Man Booker năm 1972, To the Wedding, và King. Trong các nghiên cứu xuất sắc của ông về nghệ thuật và nhiếp ảnh có Another Way of TellingThe Success and Failure of PicassoTitian: Nymph and Shepherd (cùng Katya Berger), và Ways of Seeing. Ông được trao giải Petrarca-Preis cho văn chương châu Âu năm 1991 và giải Golden PEN năm 2009, và qua đời năm 2017 ở Antony, Pháp.

Một ngôi nhà trên dãy Sabine

Về bà tôi biết chắc chỉ hai điều. Thứ nhất bà là mẹ của bạn tôi Riccardo và thứ hai tôi sẽ kể cho bạn ở cuối.

Một con đường đất chạy dọc sống lưng của một ngọn đồi dài nhấp nhô. Có lúc sườn hai bên đủ dốc để ngọn đồi xứng danh một ngọn núi. Con đường chạy qua các vườn ô liu và dẫn qua vài ba ngôi nhà nhỏ cho đến khi đến ngôi nhà cuối cùng, nơi mẹ Riccardo ra đời trong những năm 1920 cùng khoảng thời gian Mussolini chiếm lấy đất nước, và nó dừng ở đó vì ngọn đồi dừng ở đó. Bạn đứng đó và nó giống như đứng trên mũi của một con tàu cao và bạn nhìn mặt biển của những ngọn đồi và thung lũng, trải dài đến chân trời.

Về phía bắc có một thị trấn nhỏ được xây trên một đỉnh đồi giống như một pháo đài. Trong tòa thị chính có hàng ngàn tài liệu xếp chồng lên nhau, ghi chép các cuộc hôn nhân, giao dịch, kiện tụng, tử tuất, chuyển giao tài sản, sinh con giá thú và ngoài giá thú, tiền phạt đã nộp, năm quân dịch đã hoàn thành, tội phạm, nợ đã thanh toán và chưa thanh toán, nhưng khi năm tháng trôi qua và các sự kiện được ghi lùi về quá khứ, những lựa chọn hung bạo đưa ra trong những dịp này đã bị lãng quên và chỉ còn những cái tên lặp lại—vì mọi gia đình đều có liên quan—chỉ còn những cái tên lặp lại vẫn thì thầm như biển.

Con đường luôn luôn đầy những bất ngờ vì mặt đất nứt nẻ, những hòn đá, cỏ, cây gai, thằn lằn, hóa thạch của vỏ sò, diếp xoăn dại, sấm khi có bão, màu bạc của lá ô liu ướt sau bão, và, hôm sau, sự tĩnh lặng của cái nóng đầu chiều quanh mắt cá chân khi bạn bước dọc trên nó, những sự kiện này bất tận như chính thời thơ ấu, và không gì trong số đó có thể giữ tại chỗ được lâu, vì nó sẽ luồn lách ra đầu đằng xa và hôm sau trở lại. Để duy trì trật tự tối thiểu giữa những ngọn đồi này đòi hỏi công việc của nhiều thế hệ.

Hôm nay các cây ô liu vẫn đứng trong hàng. Một số cây, gần các ngôi nhà, đã được cắt tỉa sao cho cành cây tuân theo một logic như các ngón tay xòe. Nhưng có những cây mọc vô lối và cỏ dưới chân đang chôn vùi các bậc thang. Những ngôi nhà đầu tiên trên con đường đã được sửa sang và sơn những màu chưa từng nghe đến; những màu sắc được tạo ra sau khi người ta tìm ra polyester. Không còn ai sống trên con đường này. Con cái đã lớn của những cư dân cuối cùng đến đây vào cuối tuần, làm những gì họ có thể, nghỉ một lúc, sung chín thì hái. Nhưng công việc bất tận kia đã dừng lại. Và ngôi nhà cuối cùng thì hoang vắng.

Mẹ Riccardo ra đi khi lấy chồng, giống như những đứa trẻ khác. Thế hệ ông bà ở lại cho đến khi qua đời. Nó đã trống trải suốt bốn mươi năm.

Trên một trong những bức tường dày của ngôi nhà có một cái lò nướng bánh mì. Hầm bên dưới là chuồng cho lừa và ngựa. Trong phòng dưới tầng có một bồn rửa bê tông và một cái bếp lấy nhiệt từ than cời trong lò. Hằng ngày, hằng năm, trong các bữa ăn, căn phòng hẹp này đông đúc và ồn ào. Cầu thang, dốc đứng gần bằng một cái thang, dẫn lên phòng ngủ của bố mẹ. Từ đó bạn nhảy xuống một gian chái giống như khoang mũi tàu nơi ngủ của thủy thủ đoàn. Ở trong ngôi nhà này là gần gũi với những người khác. Nếu muốn ở một mình thì bạn ra ngoài và trèo xuống dưới một trong những tảng đá.

Vừa ngủ dậy, bạn trượt xuống cầu thang dốc dứng và chạy ra ngoài mũi để nhìn qua các thung lũng. Mỗi ngày đều như nhau và khác nhau. Khi bạn dậy muộn, và bạn ra ngoài đó, bạn nghe thấy tiếng con ngựa đằng sau thở phì ra và làm đôi môi to bự của nó rung lên.

Từ hồi nào sức nặng của mái nhà đã đẩy các bức tường dài sụn ra ngoài. Xà cong xuống. Cái ẩm, hóa hồ cũ thành vụn, thâm nhập mọi nơi. Cửa không còn treo đứng đắn. Ngôi nhà còn giữ được nhưng phục hồi nó sẽ tốn tiền. Thỉnh thoảng gia đình lại nói về nó: toàn bộ con cái cần đồng ý. Sau này có ai sống ở đấy không? Khi nào? Làm sao trúng xổ số cho đủ tiền?

Trong khi đó, mẹ Riccardo đã có quyết định của riêng mình. Bà kiếm được một cây hoa nhài. Bà đến ngôi nhà ở cuối con đường, ngôi nhà nơi bà sinh ra, và ở chỗ đất dưới chân tường phía nam gần cửa nhà, bà trồng cây hoa nhài xuống đó và cẩn thận lấy dây dứa buộc nó vào một cái que, để nó có thể chống được mưa khi có bão và gió.

Nó khỏe và cao năm mươi xăng ti mét. Đây là điều thứ hai mà tôi biết chắc.

John Berger, “A House in the Sabine Mountains,” Photocopies (Bloomsbury, 1996).

Copyright © 1996 by John Berger | Bản dịch © 2017 Nguyễn Huy Hoàng.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on November 4, 2017 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: