Photo by Audrey Stevens/The Wellesley News
Louise Glück (1943–) là nhà thơ người Mỹ. Bà được trao giải William Carlos Williams năm 1992, giải Pulitzer cho thơ năm 1993, giải văn chương Lannan cho thơ năm 1999, giải Bollingen năm 2001, và giải Sách Quốc gia cho thơ năm 2014. Bà được bổ nhiệm làm Poet Laureate của Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2003–2004, và được trao Huân chương Nhân văn Quốc gia năm 2015.
Đọc những gì mình vừa viết, giờ tôi tin
tôi đã dừng một cách vội vàng, nên câu chuyện của tôi có vẻ
hơi biến dạng, kết thúc, như nó kết thúc, không đột ngột
mà trong một kiểu sương mù nhân tạo cái loại
được phun lên sân khấu để cho phép những đổi cảnh phức tạp.
Vì sao tôi dừng lại? Có phải bản năng nào
đã nhận thức được một hình dạng, người nghệ sĩ trong tôi
can thiệp để ngăn chặn dòng xe cộ, đại loại thế?
Một hình dạng. Hay số phận, như các nhà thơ nói,
được cảm nhận bằng trực giác trong ít giờ xa xôi trước—
Chắc hẳn tôi đã nghĩ như vậy một lần.
Nhưng mà tôi không thích cái từ ấy
mà với tôi nó có vẻ như một cái nạng, một giai đoạn,
tuổi vị thành niên của tâm trí, có lẽ—
Dù sao, nó là một từ mà tôi tự mình dùng,
một cách thường xuyên để giải thích những thất bại của mình.
Số phận, định mệnh, với những thiết kế và cảnh báo
mà giờ với tôi chỉ đơn giản là
những đối xứng cục bộ, những vật
hoán dụ mọn trong xáo trộn mênh mông—
Hỗn loạn là cái tôi thấy.
Bút lông của tôi đóng băng—tôi không thể vẽ được.
Bóng tối, im lặng: đấy là cảm giác.
Chúng ta gọi nó là gì khi ấy?
Một “cuộc khủng hoảng tầm nhìn” tương đương, tôi tin,
với cái cây đã đối đầu với bố mẹ tôi,
nhưng trong khi họ buộc phải
tiến vào chướng ngại vật,
tôi rút lui hoặc chạy—
Sương che sân khấu (đời tôi).
Các nhân vật đến rồi đi, trang phục được đổi,
bàn tay bút lông của tôi đi từ cạnh này sang cạnh kia
cách xa tấm vải bạt,
từ cạnh này sang cạnh kia, như cái cần gạt nước.
Chắc chắn đây là sa mạc, đêm tối.
(Trên thực tế, một con phố đông đúc ở London,
các du khách đang vẫy những tấm bản đồ đầy sắc màu của họ.)
Một người nói một lời: Tôi.
Ra khỏi dòng chảy này
những hình thức vĩ đại—
Tôi hít một hơi sâu. Và tôi nhận ra
cái người hít hơi thở ấy
không phải là người trong câu chuyện của tôi, bàn tay trẻ con
tự tin cầm cây bút sáp màu—
Có phải tôi từng là người đó? Một đứa trẻ nhưng cũng
là một nhà thám hiểm mà với anh ta con đường đột nhiên rõ,
các bộ phận thực vật—
Và xa hơn, không còn được che chắn khỏi tầm nhìn, là cái Kant
cô độc và cao cả có lẽ đã trải nghiệm
trên con đường đến những cây cầu—
(Chúng tôi có cùng ngày sinh.)
Bên ngoài, các con phố lễ hội
đã được giăng, cuối tháng Giêng, những ngọn đèn Giáng sinh mỏi.
Một người phụ nữ dựa vào vai người tình
hát Jacques Brel trong giọng soprano mỏng—
Hoan hô! cánh cửa đóng lại.
Bây giờ chẳng có gì thoát ra, chẳng có gì bước vào—
Tôi không di chuyển. Tôi cảm thấy sa mạc
đang trải dài trước mặt, trải dài (bây giờ nó có vẻ)
về mọi phía, di chuyển trong lúc tôi nói,
nên tôi liên tục
mặt đối mặt với sự trống rỗng, đứa
con riêng của cái siêu phàm,
mà nó, hóa ra,
là cả chủ đề lẫn phương tiện của tôi.
Đứa em sinh đôi của tôi sẽ nói gì, ý nghĩ của tôi
có chạm đến nó?
Có lẽ nó sẽ nói
trong trường hợp của tôi chẳng có trở ngại nào (giả dụ)
mà sau đó tôi sẽ được
đưa đến với tôn giáo, cái nghĩa trang nơi
những câu hỏi về đức tin được trả lời.
Sương đã tan. Những tấm vải bạt trắng
được lật úp vào tường.
Con mèo nhỏ đã chết (bài hát tiếp tục).
Liệu tôi có được hồi sinh từ cái chết, linh hồn hỏi.
Và mặt trời nói có.
Và sa mạc trả lời
giọng của bạn là cát vương trong gió.
Louise Glück, “Afterword,” Faithful and Virtuous Night (Farrar, Straus and Giroux, 2014). This poem was first published in Poetry (January 2012) and was included in The Best American Poetry 2013.
Copyright © 2014 by Louise Glück | Nguyễn Huy Hoàng dịch.