Illustration by Chloe Scheffe for The New Yorker
Joyce Carol Oates (1938–) là nhà văn và nhà thơ người Mỹ. Bà được trao giải Sách Quốc gia Mỹ cho tác phẩm hư cấu năm 1970, giải Rea cho truyện ngắn năm 1990, giải PEN/Malamud năm 1996, và được trao Huân chương Nhân văn Quốc gia năm 2010. Bà dạy tại Đại học Princeton từ năm 1978 đến năm 2013, nơi bà là giảng viên với hàm giáo sư; giáo sư hưu trí hàm Roger S. Berlind ’52 về các ngành nhân văn; và giáo sư hưu trí về sáng tác văn chương.
“Where Are You?” là truyện đầu tiên trong chuỗi truyện chớp/truyện cực ngắn (flash-fiction) mà tạp chí The New Yorker giới thiệu mùa hè này.
Ông chồng bắt đầu có thói quen gọi vợ từ một nơi nào đó trong nhà—nếu bà ở trên nhà thì ông ở dưới nhà; nếu bà ở dưới nhà thì ông ở trên nhà—và khi bà trả lời, “Vâng? Sao ông?,” thì ông lại gọi tiếp, cứ như không nghe thấy, với một vẻ kiên nhẫn gượng gạo: “Bà ơi? Bà ơi? Bà đâu rồi?” Và thế là bà không còn lựa chọn nào ngoài đành vội đến chỗ ông, bất kể ông ở đâu, ở một nơi nào đó trong nhà, dưới nhà, trên nhà, dưới tầng hầm hay ngoài hiên, trong sân sau hay ngoài ngõ. “Vâng?” bà gọi, cố gắng giữ bình tĩnh. “Gì đấy ông?” Rồi ông sẽ nói bà nghe—một lời phàn nàn, một nhận xét, một quan sát, một lời nhắc nhở, một câu hỏi—và rồi, sau đó, bà sẽ lại nghe thấy ông gọi với một vẻ khẩn thiết mới, “Bà ơi? Bà ơi? Bà đâu rồi?,” và bà sẽ gọi lại, “Vâng? Gì đấy ông?,” cố xác định xem ông ở đâu. Ông gọi tiếp, không nghe thấy bà, vì ông không thích đeo máy trợ thính quanh nhà, nơi có thì chỉ có tiếng vợ ông. Ông phàn nàn rằng cái thiết bị bằng nhựa nhỏ hình ốc sên làm ông đau tai, phần tai trong mỏng manh tấy đỏ và thậm chí còn chảy máu, thế là ông lại gọi, một cách cau có, “Bà ơi? Bà đâu rồi?”—vì lúc nào bà cũng đi đâu ngoài tầm tai ông, và ông không bao giờ biết bà ở chỗ quái nào hay bà đang làm gì; có lúc, chính sự tồn tại của bà cũng làm ông bực dọc—cho đến khi cuối cùng bà đành chịu thua và chạy không ra hơi để tìm ông, và khi thấy bà ông trách, “Bà đi đâu đấy? Bà không thưa tôi lo lắm.” Và bà nói, cười, cố gắng cười, dù chẳng có gì là buồn cười cả, “Nhưng tôi ở đây suốt mà!” Rồi ông vặn, “Không, làm gì có. Làm gì có. Tôi ở đây, bà có ở đây đâu.” Rồi sau đó, cùng ngày, sau bữa trưa và trước giấc ngủ trưa, trừ khi đó là trước bữa trưa và sau giấc ngủ trưa, bà vợ nghe thấy ông chồng gọi, “Bà ơi? Bà ơi? Bà đâu rồi?,” và bà nảy ra một ý, Không. Mình sẽ trốn ông ấy. Nhưng bà không làm trò trẻ con đấy được. Thay vào đó bà đứng trên cầu thang và chụm tay lên miệng gọi ông, “Tôi đây. Lúc nào tôi chả ở đây. Tôi còn ở đâu được nữa?” Nhưng ông chồng không nghe thấy bà và tiếp tục gọi, “Bà ơi? Bà ơi? Bà đâu rồi?,” cho đến khi rốt cuộc bà hét lên, “Ông muốn gì? Đã bảo rồi, tôi đây.” Nhưng ông chồng không nghe thấy và tiếp tục gọi, “Bà ơi? Bà đâu rồi? Bà ơi!,” và cuối cùng bà vợ không còn lựa chọn nào ngoài đành chịu thua, vì ông chồng nghe rất khó chịu và bực tức và lo lắng. Xuống cầu thang, bà vấp và ngã, ngã rất mạnh, cổ bà gẫy trong tích tắc, và bà chết dưới chân cầu thang, trong khi ở một căn phòng dưới nhà, hoặc có lẽ dưới hầm, hoặc ngoài hiên gần đằng sau nhà, ông chồng tiếp tục gọi, với vẻ dồn dập khẩn thiết, “Bà ơi? Bà ơi? Bà đâu rồi?”
Copyright © 2018 by Joyce Carol Oates | Nguyễn Huy Hoàng dịch.
T_T…
Độc đáo.