Philip Levine (1928–2015) là nhà thơ người Mỹ. Ông được trao hai giải Sách Quốc gia Mỹ cho thơ vào các năm 1980 và 1991, giải thơ Ruth Lilly năm 1987, giải Pulitzer cho thơ năm 1995, và giải Wallace Stevens năm 2013. Ông dạy ở California State University, Fresno, từ năm 1958 đến khi nghỉ hưu năm 1992, và được bổ nhiệm làm Poet Laureate của Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2011–2012.
Cả buổi chiều cha tôi lái dọc những con đường quê
giữa Detroit và Lansing. Ông tìm kiếm điều gì
tôi chưa bao giờ biết, chắc chắn vì chính ông cũng không biết,
mặc dù ông sẽ bám lấy bất cứ con đường nhánh xa lạ nào
và đến nơi nó dẫn qua những cánh đồng ngô ngọt cao
vào tháng Tám hoặc mùa đông qua những đống rạ đóng băng ấy.
Thường thì ông sẽ để chiếc Terraplane lại bên đường cao tốc
để bước vào sự im lặng ngợp người của giữa tháng Chín,
đôi mắt chùng xuống tìm một dấu hiệu, thứ âm nhạc duy nhất
là hơi thở của chính ông hoặc cơn gió chầm chậm lách qua
những thân cây hoặc cưỡi trên mặt đất cằn. Sau đó
ông sẽ về nhà, đôi giày da phủ đầy bụi hoặc bùn,
cái áo choàng màu đen lấm bẩn hoặc sờn rách
ở phần viền, ngồi không nói một lời trên cái ghế ưa thích,
cà vạt đã nới lỏng, và nhìn chằm chằm vào hư không. Ban đầu
tôi và các anh em tôi đã thử trò chuyện, những câu hỏi
chỉ ông mới có thể trả lời: Vì sao ông tham gia cuộc chiến?
Ông học tiếng Ả Rập ở đâu? Ông chúng tôi đâu rồi?
Tôi chẳng nhớ gì trong đó hết. Tôi đọc lại tất cả sau này,
nhiều năm sau khi tôi đã già, bản thân tôi cũng đã là ông nội,
trong một cuốn nhật ký ông để cho mẹ tôi với những bức vẽ nhỏ,
những nhà kho đổ nát và những cột điện thoại, lùi
về một tương lai ông chưa bao giờ sống, những cách ngôn
của Montaigne, Juvenal, Voltaire, và có lẽ một vài
của chính ông: “Kẻ nào đi tìm câu trả lời sẽ thấy những câu hỏi.”
Và ba lần ông viết, “Tôi đáng lẽ phải là một người khác,”
và tiếp tục mô tả mùi hương của những cánh đồng ẩm ướt.
“Tất cả đều bắt đầu từ hạt giống,” và một bức vẽ bằng bút chì
với những cây táo con mà ông đã thấy ở đâu đó hoặc mơ.
Tôi thừa hưởng cuốn sách khi đã gần bảy mươi,
và với đó là nhu cầu trở về với con người của chúng tôi.
Ở sân bay Detroit tôi thuê một chiếc Taurus;
người phụ nữ ở quầy hoặc buồn chán hoặc điên:
Tôi có cần bạn đồng hành không? cô hỏi; cô biết mọi con đường
từ đây đến Chicago. Cô nói tiếng Anh hơi có giọng,
Hà Lan hoặc Đức, tóc đen dài, và một mắt đóng băng.
Tôi ngẫm nghĩ nhưng quyết định sẽ đi một mình,
quyết tâm tìm được cái mà ông chưa bao giờ tìm được.
Buổi sáng thu chầm chậm ấm dần; những đàn sáo
vút lên trên những cánh đồng trống, che lấm tấm mặt trời.
Tôi cứ đi cho đến khi thấy một vườn cây táo
nặng trĩu quả, và bỏ chiếc xe lại, động cơ vẫn chạy,
bên cạnh một hàng rào võng, và bước vào cuộc đời ông
hay có lẽ của chính tôi lần đầu. Một đàn quạ chào
tôi về nhà, mặt trời cao hơn nữa, khắc khổ và im lặng,
đầu giờ chiều không có một gợn mây, hoàn hảo.
Khi đàn quạ kéo chúng nó đi về một thế giới khác,
bóng râm dần đầm mình xuống những cái hồ đang tối lại quanh
những cái cây; trong chốc lát mọi thứ trong tầm mắt đứng lại.
Gió thì thầm vào bên tai tôi còn thính, không hẳn là từ ngữ
mà cũng không vô nghĩa, cũng không phải cái tôi nói với mình,
chỉ là thứ ngôn ngữ mà tạo hóa từng được đánh thức nghe.
Tôi ngả mũ xuống, một sai lầm trong sự hiện diện
của vị Chúa của cha tôi, chùi trán bằng những gì tôi có,
bằng mu bàn tay, và kinh ngạc trước những gì ở đây:
chẳng có gì ngoại trừ sự kiên ngạnh của các thứ.
Philip Levine, “The Return,” The Mercy (Knopf, 1999). This poem was first published in The Atlantic (September 1998 Issue), and was included in The Best American Poetry 1999 and The Best of the Best American Poetry (2013).
Copyright © 1998 by Philip Levine | Nguyễn Huy Hoàng dịch.