Photograph by George Douglas/Picture Post/Getty
T. S. Eliot (1888–1965) là nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà phê bình văn học người Anh gốc Hoa Kỳ. Ông được trao giải Nobel văn chương năm 1948 “cho những đóng góp nổi bật, tiên phong của ông cho thơ ngày nay.” “Burnt Norton” là bài đầu tiên trong “Bốn khúc tứ tấu,” được viết năm 1935 và in lần đầu trong tập Collected Poems 1909-1935 (Faber and Faber, 1936).
τοῦ λόγου δὲ ἐόντος ξυνοῦ ζώουσιν οἱ πολλοί
ὡς ἰδίαν ἔχοντες φρόνησιν
I. p. 77. Fr. 2.
ὁδὸς ἄνω κάτω μία καὶ ὡυτή
I. p. 89. Fr. 60.
Diels: Die Fragmente der Vorsokratiker (Herakleitos)
I
Thời hiện tại và thời quá khứ
Có lẽ đều hiện diện trong thời tương lai
Và thời tương lai chứa đựng trong thời quá khứ.
Nếu mọi thời đều đời đời hiện diện
Thì mọi thời đều không thể cứu chuộc.
Cái có-thể-đã là một sự trừu tượng
Chỉ còn là một khả năng bất diệt
Trong một thế giới của suy tưởng.
Cái có-thể-đã và cái thực-tế-đã
Trỏ về một hướng, đó luôn luôn là hiện tại.
Những bước chân vang vọng trong ký ức
Dọc hành lang chúng ta đã không đi
Về cánh cửa ta chưa bao giờ mở
Ra vườn hồng. Lời của tôi vang vọng
Bởi vậy, trong tâm trí bạn.
Nhưng vì mục đích gì
Mà xáo trộn bụi trên một bát lá hồng
Thì tôi không biết.
Những tiếng vọng khác
Cư ngụ trong khu vườn. Chúng ta có đi theo?
Mau, con chim nói, tìm chúng, tìm chúng,
Ở trong góc. Qua cánh cổng đầu tiên,
Vào thế giới đầu tiên của chúng ta, chúng ta có đi theo
Sự lừa hoặc của con hoét? Vào thế giới đầu tiên.
Chúng ở kia, trang nghiêm, vô hình,
Di chuyển mà không áp lực, trên những chiếc lá chết,
Trong cái nóng mùa thu, qua không khí xao động,
Và con chim cất tiếng, để đáp lại
Thứ âm nhạc vô thanh ẩn giấu trong bụi cây,
Và ánh mắt vô hình đi qua, vì những bông hồng
Có dáng vẻ của những đóa hoa đang được nhìn vào.
Chúng ở kia làm khách của chúng ta, tiếp và được tiếp.
Nên ta đi, và chúng, theo mô thức trang trọng,
Dọc lối đi vắng vẻ, vào vòng hoàng dương,
Để nhìn xuống cái hồ cạn nước.
Cạn hồ, cạn bê tông, trơ mép viền nâu,
Và cái hồ được lấp đầy bằng nước từ ánh nắng,
Và bông lotos nhô, lên lặng lẽ, lặng lẽ,
Mặt nước lấp lánh từ trái tim của ánh sáng,
Và chúng đứng sau ta, phản chiếu dưới mặt hồ.
Rồi một đám mây qua, và cái hồ trống rỗng.
Đi, con chim nói, vì trong lá chứa đầy bọn trẻ,
Phấn khích giấu mình, kìm nén tiếng cười.
Đi, đi, đi, con chim nói, loài người
Không thể kham được quá nhiều hiện thực.
Thời quá khứ và thời tương lai
Cái có-thể-đã và cái thực-tế-đã
Trỏ về một hướng, đó luôn luôn là hiện tại.
II
Tỏi và đá ngọc lam trong bùn
Vón vào trục bánh xe nằm ngập.
Sợi dây rít trong máu
Hát dưới những vết sẹo thâm căn
Xoa dịu những cuộc chiến bị lãng quên từ lâu.
Điệu vũ dọc động mạch
Sự lưu thông của bạch huyết
Được thể hiện trong sự trôi dạt của những vì sao
Mọc lên đến mùa hè trên cây
Chúng ta đi trên cái cây di động
Dưới ánh sáng trên chiếc lá tượng hình
Và nghe thấy trên cái sàn sũng nước
Bên dưới, con chó săn và con lợn rừng
Đuổi theo cái khuôn mẫu của chúng như trước
Nhưng được hòa giải giữa những vì sao.
Ở điểm tĩnh của thế giới xoay chuyển. Không xác thịt hay phi xác thịt;
Không từ hay đến; ở điểm tĩnh, nơi ấy có điệu nhảy,
Nhưng không bất động hay sự chuyển động. Và đừng gọi đó là sự cố định,
Nơi quá khứ và tương lai tụ hợp. Không chuyển động từ hay tới,
Không lên hay xuống. Ngoại trừ cái điểm ấy, cái điểm tĩnh,
Sẽ không có điệu nhảy nào, và chỉ có điệu nhảy ấy.
Tôi chỉ có thể nói, chúng ta đã ở đó: nhưng tôi không thể nói ở đâu.
Và tôi không thể nói, bao lâu, vì như thế là đặt nó vào thời gian.
Sự tự do bên trong khỏi ham muốn thực tế,
Sự giải phóng khỏi hành động và đau khổ, giải phóng khỏi cái xung lực
Bên trong và bên ngoài, nhưng được bao bọc
Bởi một cái nhẹ của cảm thức, một ánh sáng trắng bất động và di chuyển,
Erhebung mà không có sự chuyển động, sự tập trung
Mà không có sự loại thải, cả một thế giới mới
Lẫn thế giới cũ được phơi bày, được hiểu
Trong sự hoàn tất cơn ngây ngất một phần của nó,
Sự giải quyết nỗi kinh hoàng một phần của nó.
Nhưng sự gắn xích của quá khứ và tương lai
Được dệt vào trong sự yếu đuối của cơ thể đang thay đổi
Thì bảo vệ loài người khỏi thiên đường và sự đầy đọa
Mà xác thịt không thể nào chịu đựng.
Thời quá khứ và thời tương lai
Chỉ cho phép một chút ý thức.
Có ý thức tức là không ở trong thời gian
Nhưng chỉ có trong thời gian thì khoảnh khắc ở vườn hồng,
Khoảnh khắc trong vọng lâu nơi cơn mưa đập vào,
Khoảnh khắc ở nhà thờ lạnh lẽo lúc sương rơi
Mới có thể được nhớ; gắn vào với quá khứ và tương lai.
Chỉ có qua thời gian thời gian mới bị chinh phục.
III
Đây là nơi của sự bất mãn
Thời trước đây và thời sau này
Trong một ánh sáng mờ: không phải ánh sáng ngày
Đưa cái bóng vào vẻ đẹp phù du
Với vòng quay chậm gợi ý sự vĩnh cửu
Hay bóng tối để thanh tẩy linh hồn
Trút bỏ cái nhục dục bằng sự tước đoạt
Làm sạch tình cảm khỏi cái trần phàm.
Không phải sự dồi dào hay sự thiếu vắng. Chỉ một ánh bập bùng
Trên những gương mặt căng hằn vết thời gian
Bị xao nhãng khỏi sự xao nhãng bởi sự xao nhãng
Chất đầy những tưởng tượng mà thiếu vắng ý nghĩa
Căng phồng sự thờ ơ mà thiếu sự tập trung
Người và những mẩu giấy, cuốn theo cơn gió lạnh
Thổi trước và sau thời gian,
Luồn vào và ra những lá phổi ốm yếu
Thời trước đây và thời sau này.
Cái ợ hơi của những linh hồn bệnh tật
Vào không khí phai mờ, cơn bơ phờ
Đẩy đi trên cơn gió quét qua những ngọn đồi London ảm đạm,
Hampstead và Clerkenwell, Campden và Putney,
Highgate, Primrose và Ludgate. Không phải đây,
Không phải đây trong bóng tối, đây trong thế giới líu lo này.
Xuống thấp hơn, xuống chỉ
Đến thế giới của sự cô độc vĩnh viễn,
Thế giới không phải là thế giới, mà là cái không phải là thế giới,
Cái bóng tối bên trong, và sự tước đoạt
Và sự thiếu thốn mọi tài sản,
Sự khô kiệt của thế giới cảm quan,
Sự di tản của thế giới tưởng tượng,
Sự vô hiệu của thế giới tinh thần;
Đây là một cách, và cách khác
Cũng vậy, không phải trong chuyển động
Mà khước từ sự chuyển động; trong khi thế giới đi
Trong thèm muốn, trên những con đường bọc kim loại
Của thời quá khứ và thời tương lai.
IV
Thời gian và tiếng chuông đã chôn cất ngày,
Đám mây đen mang mặt trời đi mất.
Liệu hướng dương có quay về chúng ta, hoa mao lương
Có rủ xuống, uốn về phía chúng ta; tua và cành
Bám và níu? Những ngón tay
Lạnh
Của cây thủy tùng có cuộn
Xuống chúng ta? Sau khi cánh của con chim bói cá
Đã trả ánh sáng cho ánh sáng, và im lặng, ánh sáng đứng bất động
Ở điểm tĩnh của thế giới xoay chuyển.
V
Từ ngữ đi, âm nhạc đi
Chỉ ở trong thời gian; nhưng cái gì chỉ sống
Thì chỉ có thể chết. Từ ngữ, sau lời nói, với đến
Sự im lặng. Chỉ có bằng hình thức, bằng mẫu hình,
Thì từ ngữ hay âm nhạc mới đạt được
Sự tĩnh tại, như một chiếc bình Trung Hoa vẫn
Vĩnh viễn xoay trong sự tĩnh tại của nó.
Không phải sự tĩnh tại của cây violin, khi nốt nhạc ngân dài,
Không chỉ thế, mà sự cùng tồn tại,
Hoặc giả sự kết thúc đi trước sự khởi đầu,
Và kết thúc cũng như sự khởi đầu vẫn luôn luôn ở đó
Trước khởi đầu và sau kết thúc.
Và tất cả luôn luôn là lúc này. Từ ngữ căng,
Nứt và đôi khi vỡ, dưới sức nặng,
Dưới sức căng, trôi, trượt, tiêu tan,
Mục rữa với sự thiếu chính xác, sẽ không ở tại chỗ,
Sẽ không ở yên. Những giọng nói gào rú,
Mắng mỏ, chế nhạo, hay tán gẫu đơn thuần,
Luôn luôn tấn công chúng. Ngôi Lời trong sa mạc
Bị tấn công nhiều nhất bởi những giọng cám dỗ,
Cái bóng kêu khóc trong điệu nhảy lễ tang,
Tiếng than ầm ĩ của con chimera buồn thảm.
Chi tiết của mẫu hình là chuyển động,
Như trong hình ảnh của mười bậc thang.
Ham muốn tự nó là chuyển động
Không đáng muốn trong chính nó;
Tình yêu tự nó là bất động,
Chỉ là cớ và cái kết của chuyển động,
Vượt thời gian, và không ham muốn
Ngoại trừ trong khía cạnh của thời gian
Mắc trong hình thức của giới hạn
Giữa hiện hữu và phi hiện hữu.
Đột nhiên trong một dải ánh nắng
Ngay cả khi bụi mù di chuyển
Nó cất lên cái tiếng cười ẩn giấu
Của bọn trẻ trong tán lá cây
Mau ngay, đây, ngay, luôn luôn—
Ngớ ngẩn thời giờ buồn phí phạm
Trải dài trước và sau đây.
T. S. Eliot, “Burnt Norton,” Collected Poems 1909-1935 (Faber and Faber, 1936).
Copyright © 1935 by T. S. Eliot | Nguyễn Huy Hoàng dịch.