Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Lại Flaubert” – Anne Carson

Flaubert Again.jpg

Photograph by Laura Letinsky for The New Yorker

Anne Carson (1950–) là nhà thơ và dịch giả tiếng Hy Lạp cổ người Canada. Bà được trao giải văn chương Lannan cho thơ năm 1996, giải T. S. Eliot năm 2001, và hai giải thơ Griffin vào các năm 2001 và 2014. Bà là giáo sư ngành cổ điển học và văn học so sánh tại Đại học Michigan.

Lại Flaubert

Các vật thể sẽ đột nhiên rơi hoặc rụng rời, xe đi chệch hướng, chó khụy xuống khuỷu. Quân đội đang thực hiện những thí nghiệm âm thanh ở một sa mạc gần đó lúc bấy giờ. Tôi lo âu suốt cả phần đời còn lại, cô viết. Cô là một tiểu thuyết gia và đã có một số thành công. Nhưng lúc nào cô cũng có cái ảo tưởng về một kiểu tiểu thuyết khác, và mặc dù dần dần nhận ra là mọi tiểu thuyết gia đều có chung ảo tưởng này, cô vẫn kiên trì với nó, mà không biết cuốn tiểu thuyết sẽ là gì ngoại trừ đúng và hiển nhiên trong khi nó diễn ra. Giờ thì tôi đang viết, cô sẽ có thể nói.

Cô dừng lại.

Bạn sẽ đặt cánh tay thứ ba ở đâu? là một câu hỏi được đặt ra trong các bài đánh giá sự sáng tạo, hoặc là tôi nghe nói thế. Kiểu tiểu thuyết khác kia có giống như thế, giống như một cánh tay thứ ba? Mình ghét sự sáng tạo, cô nói. Chắc chắn là không giống cánh tay thứ ba. Nó sẽ bớt và bớt và bớt, không phải thêm. Barthes đã chết, ông đã không bao giờ đến được. Cô nêu tên những nỗ lực khác— Flaubert, v.v. Những người từ bỏ khác, không ai rõ phải từ bỏ điều gì. Cái ghế mình đang ngồi, cô nghĩ. Đường đan tuyệt vời của nó, một cái ghế mây, cũ, từ hiên sau, mang vào cho mùa đông. Mình ngồi đây, bên một ngọn đèn, bọc trong chăn, cạnh ô cửa sổ đen khổng lồ, bóng tối tháng Mười hai, căn bếp 4 giờ sáng như nó phản chiếu trên mặt kính. Kính quá lạnh để chạm vào. Sự ồn ào của sự im lặng của một căn bếp lúc ban đêm. Tiếng cót két nhỏ của cái ghế.

Để làm một kiểu tiểu thuyết khác, nó sẽ phải bãi bỏ một cái gì đó, bãi bỏ nhiều thứ—cốt truyện, hậu quả, khoái cảm mà một người đọc có được từ những câu trả lời được ém lại, sự trù tính những điều này. Bãi bỏ, chứ không chỉ là từ bỏ chúng. Từ bỏ là yếu đuối, thụ động, vị kỷ. Nếu cô thực sự viết thì sự viết lách sẽ kéo cô xuống chính nó và xóa bỏ mọi thứ trừ sự khuôn phép của cô. Cô sẽ tương ứng ở mọi điểm với câu chuyện của cô, nhưng câu chuyện của cô sẽ không phải là một câu chuyện về Thiên đường, Địa ngục, sự hỗn loạn, thế giới, Cuộc chiến thành Troy, hay tình yêu. Nó sẽ chỉ kể chính nó. Nó sẽ không có khoảng trống, không những chốn thiếu khuôn phép nho nhỏ nơi cô không biết mình đang nói về điều gì. Bởi vì, cô muốn nói, nó sẽ là một câu chuyện về không gì và về mọi thứ cùng lúc, nhưng đến giờ, trong khi chỉ lờ mờ nhận ra rằng cô ít nhiều đang trích dẫn lá thư nổi tiếng năm 1852 của Flaubert về “một cuốn sách về không gì” mà ai cũng dẫn lần đầu họ có ý tưởng này, cô biết là cô đã đánh mất nó, tiếng thì thầm, cái dấu vết, cái yếu điểm nơi nó là của riêng cô (bất kể “riêng” có nghĩa là gì trong một thế giới mà nó cũng là “lại”) và cô bị tước đoạt, ngu ngốc, vẫy vùng, thiếu chính xác, và huyên thiên—nó đã chạy trốn cô. Nó để tôi đi! Tôi không chịu được cảnh bị để cho đi, bị siết chặt trong cái chăn của mình, một bóng ma xa dần, nó sột soạt lui đi, bình minh chỉ vừa nhuộm xanh không khí, tiếng nhiễu dừng.

Lạnh lẽo và uể oải như chính đêm cũ, cô đứng dậy và gấp chăn, ước rằng cô thấy đói, nhưng cô không thấy đói, ước rằng cô là kiểu người tắm bồn, nhưng, như một quy tắc, cô không tắm bồn. Một phần lý do của điều này là vào đúng lúc cô hạ mình xuống làn nước nóng giãy, trong một tích tắc, chuyện này luôn xảy ra, cô trở lại là một đứa bé năm tuổi và đó là đêm Chủ nhật và cô thấy kinh hãi. Kinh hãi vì sao? Cô không biết. Phải đến trường vào thứ Hai? Nhưng cô không phải là không thích trường. Hoặc có lẽ ban đầu cô không thích. Không phải là sau này. Dù sao đi nữa thì cũng có một nỗi sợ dâng lên cuồn cuộn, tràn ngập mọi thứ, một cơn dâng lên khổng lồ, nóng, chớp nhoáng của cảm giác sợ hãi qua tâm trí và cơ thể, một cảm thức—có lẽ?—về Thời gian, mang một cơ thể từ đêm Chủ nhật đến sáng thứ Hai, đến mỗi sáng thứ Hai sau đó, và cứ thế, không cần biết, đến sự tuyệt diệt, một núi những khoảnh khắc ép cơ thể từ lúc này đến lúc đó, từ tẻ nhạt đến tẻ nhạt, từ phơi bày đến phơi bày, tiến trình này, cái chuyển động khó chịu, không thể thương lượng, xóa bỏ vào trong bóng tối này—bóng tối gì? Liệu một cơ thể (lúc năm tuổi) có quá mới mẻ cho nó? Nó có thể được cứu khỏi nó? Ai để viện cầu? Những thế lực thù địch nào, ở đâu? Và còn cái cơn rùng mình cực đỉnh của nó—nước tắm nóng giãy—điều này không thể phủ nhận: một sự chói lòa chiếu xuyên qua nó, và cơ thể ngâm nga hát. Rồi nó biến mất. Cô xem cú sốc như một điệu hát ru và không mong điều gì khác. Nó bắt đầu khi nào, cái sự mong đợi một điều gì khác? Liệu có một sự trác tuyệt thời thơ ấu? Nó có kết thúc nơi mong đợi bắt đầu? Bởi sự trác tuyệt thì bị đâm thủng bởi sự vị kỷ, bởi cái mỏ khoái, cứng, nhỏ của cái tôi tôi đòi được là tôi. Cái tôi tôi tìm từ ngữ cho điều đó. Nếu như mình tìm được những từ ngữ ấy thì mình có thể biến nó thành thật, cô nghĩ, và đó là lúc cô ngồi xuống để trở thành một nhà văn.

Ban đầu, năng lượng cần để dùng cái mỏ mới của cô che mờ đi những nỗi lo âu hay những câu hỏi như Viết gì? và Ai thèm quan tâm? Cô viết về bạn mình Martha, người vấp phải một chồng tiền xu trong thư viện. Cô viết về chuyện đến nhà thờ với mẹ chồng vào ngày Giáng sinh. Cô viết về tuyết. Chính trong lúc cô đang viết về tuyết, trong chiêm niệm, sự nghi ngờ đã len lỏi vào. Và mọi câu văn của cô quay cái mặt trống rỗng, khủng khiếp của chúng sang cô trách cứ. Đó là cái thư viện cổ tệ học, cô muốn nói với chúng, nhưng những câu văn không tỏ ra thương hại. Vẫn cái thứ ngờ nghệch cũ về Martha. Ôi dừng lại! chúng gào. Lại tuyết! chúng nhạo. Nhưng dù sao cô vẫn tiếp tục một thời gian với câu chuyện mẹ-chồng-ngày-Giáng-sinh—cô thích câu chuyện đó. Bình luận về những cái đầu gối ở nhà thờ có vẻ là một ý tưởng xán lạn, một chút sắc bén.

Trong bài thuyết giảng, tôi ngồi bắt chéo chân. Nó làm tôi lo lắng, cô viết. Một lần, ở Berlin, trong bữa tối, cô ngồi cạnh một người đàn ông kiếm sống bằng nghề dịch tiểu thuyết tội phạm Mỹ cho một nhà xuất bản ở Đức. Bị sa thải. Không tìm được cụm từ nào tương đương trong tiếng Đức mà không tục tĩu cho “cô ngồi bắt chéo chân.” Chuyện này có thể nào là thật? Cô ngẫm nghĩ những gì cô thấy được về đôi chân của chính mình, đôi đầu gối củ lạc trong chiếc quần bó đen. Liếc xung quanh, cô thấy không ai ngồi bắt chéo chân cả. Những nơi như nhà thờ—có ai lo lắng không? Có phải ai cũng biết quy tắc? Có phải họ thảo luận quy tắc trước khi tôi đến? Tôn kính trong nhà thờ là vấn đề bắt chước người khác. Làm một người con dâu cũng vậy. Chúng ta đều bắt chước những người biết quy tắc. Tôi luôn vừa đi vừa tự tạo nên mình (Sartre). Nhân Giáng sinh, cô được tặng một cuốn sách về các nhà hiện sinh, những người bài bác sự bắt chước, những người nói họ thấy buồn nôn trước quy tắc. Cô bắt chéo chân theo hướng khác. Có phải bản thân việc bắt chéo là vấn đề? Có phải đường thẳng thì phù hợp hơn về mặt luân lý so với những đường cong? Vì sao chúng ta gọi tội phạm là bọn lươn lẹo? Cô nhớ lại hồi học Pythagoras ở trường. Triết gia thời kỳ đầu. Không phải nhà hiện sinh. Ông lập danh sách mọi thứ trên thế gian thành hai cột. Ông đặt Thiện, Nam, Ánh sáng, Giới hạn, Thẳng, Chính xác vào một cột, bên tay phải, và Ác, Nữ, Bóng tối, Vô hạn, Cong, Lạc lối vào cột kia, bên tay trái. Có nỗi sợ trong các quy tắc. Ồ, nàng Helen thành Troy! Uốn nắn cô ta đi ấy hả? Không đời nào! Bất cứ người đàn ông nào cũng có thể sẽ kết liễu một cô gái, bất cứ người đàn ông nào cũng phải, Sweeney nói.

Sartre sẽ thích Sweeney. Có nỗi sợ trong các quy tắc và sự ngu xuẩn trong các câu văn. Tất cả sự thù ghét phụ nữ và sự lươn lẹo xưa cũ từ thời Pythagoras đã được gói vào những câu văn ngu xuẩn, cô thấy nó như một hòn đá mài mài qua ngày và đêm và lịch sử và triết học và các cuốn tiểu thuyết. Cô chợt nghĩ về Martha trong thư viện cổ tệ học, vấp phải một chồng tiền xu. Cái tiếng ấy giống như tiếng tiền xu, không gì khác có tiếng như thế, bị vấp vào. Nhà cổ tệ học lườm. Martha cười sau này nhưng không phải là lúc đó. Mẹ cô khi ấy đang nằm phòng điều trị tích cực, ở một thành phố cách đó hàng dặm, phục hồi sau một ca phẫu thuật chín tiếng. Hoặc là không phục hồi. Các bác sĩ thì mơ hồ, các điều dưỡng thì làm việc quá sức. Martha ước nhà cổ tệ học biết được điều này. Anh có thể đã đỡ cánh tay Martha. Martha có thể đã không khóc trong cầu thang. Một lần, cô và Martha đến Hy Lạp cùng nhau, cho một hội thảo các nhà văn quốc tế. Khi hai người ở đó, cô đã từ bỏ việc viết. Thay vào đó, cô vẽ các bức phác họa trong một quyển sổ vẽ và đặt tên nó là “Cái ly nước,” như thể đó là cái mọi người đang tìm kiếm, một ly nước ở Hy Lạp, không phải là một kiểu tiểu thuyết khác hay một vài câu văn không ngu ngốc. Các bức phác họa hơi biếm nhưng đáng yêu. Chúng ta thấy cái ly nước biến mất trên cầu thang với một nhà thơ Nga. Hoặc bị một tiểu thuyết gia người Thổ gốc Síp nắm chặt (người rót nó thành hai ly nước). Hoặc bị một nhà văn người Tây Ban Nha làm mất sau một núi bánh mì nướng ở bàn ăn sáng. Cô thấy bánh mì nướng khó mà vẽ cho thuyết phục được, từ một góc nhìn bên. Vẽ nhà thơ người Peru, mặt khác, người nói là đã quay con đà mã của ông uống nước từ cái ly nước, là một niềm vui, vì cô vốn biết cách vẽ đà mã. Đoạn video ấy hầu hết là trống trơn. Trong khi đó, người Ireland từng đoạt giải Nobel đã chứng kiến cái ly nước được vận lên (bởi Samuel Beckett trong một quán bar), và không có đại từ nào cho điều đó, ông nói mãi. Nhà thơ người Serbia ngã khỏi xe buýt. Không ai cảm thông ông. Ông không bao giờ uống nước! Rồi cuối cùng là tất cả các nhà văn trong trang phục “cú Athen” của họ vào ngày cuối, một ký ức không thể xóa nhòa. Một phác họa tuyệt vời. Tất cả những chữ ký điên rồ của họ. Cô và Martha đã, như chúng ta nói sau những kỳ nghỉ ở Hy Lạp, học được nhiều điều. Họ nhận ra việc chung phòng khách sạn là khá khó chịu do tính khí khác biệt. Giờ nó làm đôi mắt cô nhòe nước. Cô không chắc nó là kiểu nước mắt gì. Cô giở cuốn sổ vẽ “Cái ly nước” đến trang cuối cùng. Đó là một bức vẽ những ban công khách sạn vắng. Ai đó đã viết nguệch ngoạc “5 giờ sáng” ở cạnh trang và bên dưới, “Chưa gì mai đã ở đây,” với một loạt các ký hiệu màu xanh lá và xanh dương mà cô không thể nhớ là mình đã vẽ.

Anne Carson, “Flaubert Again,” The New Yorker (October 22, 2018 Issue).

Copyright © 2018 by Anne Carson | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on October 15, 2018 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: