Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Chẳng là chúng tôi nghèo quá” – Juan Rulfo

Rulfo, Juan - Writer, Mexico

Juan Rulfo in 1985 | Photo by Schiffer-Fuchs/ullstein bild via Getty Images

Juan Rulfo (1917–1986) là một trong những nhà văn quan trọng bậc nhất người Mexico. Mặc dù viết rất ít, chỉ với hai tác phẩm—tập truyện ngắn El Llano en llamas (1953) và cuốn tiểu thuyết Pedro Páramo (1955)—có thể nói ông đã làm thay đổi cả dòng chảy văn học Mỹ Latin sau này.

Chẳng là chúng tôi nghèo quá

Mọi chuyện ở đây cứ như chó cắn áo rách. Tuần trước dì Jacinta mất, rồi hôm thứ Bảy vừa chôn cất dì xong và nỗi buồn cũng đã bắt đầu nguôi ngoai thì trời đổ mưa như trút, làm cha tôi cuống quýt cả lên vì toàn bộ vụ mùa còn đang phơi trên sân. Mưa đến bất ngờ quá, rơi thành những đợt sóng nước, làm chúng tôi chẳng kịp cất vào một nắm lúa nào. Cả nhà chúng tôi chỉ còn biết co ro dưới chái, nhìn mưa lạnh từ trên trời đổ xuống, thiêu rụi đống lúa vàng mới gặt.

Rồi hôm qua, đúng ngày Tacha em gái tôi bước sang tuổi mười hai, chúng tôi phát hiện ra con bò mà cha tôi cho nó làm quà lễ thánh đã bị lũ cuốn đi mất.

Nước sông bắt đầu dâng cách đây ba hôm, vào lúc sáng sớm. Tôi đang ngủ say mà cũng bị tiếng nước về đánh thức, làm tôi bật dậy ngay lập tức, tay vẫn ôm chăn vì cứ ngỡ mái nhà sắp sập. Rồi tôi nằm ngủ tiếp, vì nhận ra đấy chỉ là tiếng nước và nó ru tôi trở lại giấc ngủ.

Lúc tôi dậy, trời đầy mây và có vẻ mưa đã rơi tầm tã không ngớt. Tiếng sông rầm rĩ hơn và kéo đến gần hơn. Bạn có thể ngửi thấy mùi nước thối, như ngửi thấy mùi của đám cháy từ xa.

Lúc tôi ra ngoài xem thì nước đã tràn bờ. Nó chầm chậm dâng theo đường cái, rồi đổ vào nhà của người đàn bà mà người ta gọi là bà Tambora. Có thể nghe thấy tiếng nước xối vào vườn rồi tuôn ra thành nhiều dòng cuồn cuộn qua cổng. Bà Tambora lội qua lội lại giữa cái nơi giờ đã thành một khúc sông, quẳng lũ gà lên đường để chúng trốn đâu đó nước không chảy tới được.

Còn ở bờ bên kia, nơi khúc quanh, nước chắc hẳn đã cuốn cây me nhà dì Jacinta đi mất, từ bao giờ không biết, vì bây giờ chẳng còn thấy cây me nào nữa. Ở chốn này chỉ có một cây me, chính vì thế mà người ta nhận ra mình đang chứng kiến dòng nước lũ lớn nhất trong nhiều năm.

Chiều xuống tôi với em gái quay lại để nhìn dòng nước dâng ngày càng cao và đen kịt lại đã ngập qua cả chỗ mọi khi là cây cầu. Chúng tôi đứng đó nhìn hàng giờ không chán. Rồi một lúc sau chúng tôi leo lên trên khe núi xem mọi người bàn tán những gì, vì gần dòng sông bên dưới rất ồn, chỉ thấy được những cái miệng mấp máy như muốn nói gì mà nghe không ra. Vì thế chúng tôi leo lên khe núi, chỗ người ta cũng đang đứng nhìn dòng sông và đếm chừng thiệt hại. Đấy là nơi chúng tôi phát hiện ra dòng sông đã cuốn Đuôi nheo, con bò một bên tai trắng một bên tai đỏ và có đôi mắt rất đẹp mà cha tôi cho em Tacha làm quà sinh nhật đi mất.

Chẳng biết làm sao mà con Đuôi nheo lại lội qua sông khi nó biết đấy không còn là con sông mà nó vẫn quen hằng ngày. Đuôi nheo đâu có ngu như vậy. Chắc là nó mộng du nên mới ra nông nỗi như thế. Thường thì tôi phải đánh thức nó khi mở cửa chuồng cho nó ra ngoài, không thì nó cứ nằm cả ngày nhắm mắt, lặng im và thở dài, như lũ bò vẫn thở dài lúc ngủ.

Chắc phải có chuyện gì nó mới ngủ như thế. Chắc là lúc dòng nước nặng táp vào sườn nó mới tỉnh dậy. Chắc là sợ rồi nó cố quay lại, nhưng rồi quay lại nó bị mắc kẹt giữa dòng nước đen và nặng như bùn. Chắc là nó đã rống lên cầu cứu. Nó rống như thế nào thì có Chúa mới biết.

Tôi hỏi cái chú nhìn thấy con bò bị nước cuốn đi xem chú có thấy con bê đi cùng mẹ nó hay không. Nhưng chú bảo là chú không biết. Chú chỉ bảo là cái con bò mà chú thấy trôi chổng ngược qua rất gần chỗ chú rồi nó lộn lại và không còn thấy sừng, chân hay bất kỳ dấu hiệu nào của con bò nữa. Có rất nhiều thân cây còn nguyên bộ rễ trôi trên dòng nước, chú còn bận vớt về làm củi nên cũng không biết những thứ đang bị cuốn đi là động vật hay là cây nữa.

Vì thế chúng tôi không biết con bê còn sống hay đã theo mẹ nó trôi xuống dòng nước. Nếu đúng là vậy thì cầu Chúa phù hộ cho hai mẹ con nó.

Vấn đề ở nhà bây giờ là không biết mai sau sẽ ra làm sao khi mà em gái tôi Tacha chẳng còn gì nữa. Cha tôi đã rất vất vả mới mua được con Đuôi nheo từ lúc nó còn nhỏ cho em gái tôi, để nó có một chút vốn liếng mà không bỏ đi làm gái như hai bà chị gái của tôi.

Cứ theo cha tôi thì hai bà chị của tôi hư hỏng là vì chúng tôi nghèo quá còn họ thì bất trị. Từ nhỏ họ đã ương bướng rồi. Rồi lớn lên họ bắt đầu đú đởn với đám đàn ông mạt hạng dạy cho họ đủ trò. Họ học theo rất nhanh rồi còn hiểu được tiếng huýt sáo đám đàn ông gọi mình ban đêm. Đến sáng họ mới về nhà. Thỉnh thoảng họ phải xuống sông gánh nước nhưng chẳng ngờ đâu họ đang nằm lăn lộn trên đồng, trần truồng quấn quýt với một gã đàn ông trên mình.

Cuối cùng cha từ mặt họ. Ban đầu cũng ngậm bồ hòn làm ngọt, nhưng rồi không chịu được nữa ông đuổi cổ họ ra đường. Họ đến Ayutla hay đâu tôi cũng không biết, nhưng chỉ có thể là làm gái.

Chính vì vậy mà nỗi lo lắng ập xuống đầu cha tôi, không muốn Tacha rồi sẽ lại đổ đốn như hai con chị vì nhận ra nó nghèo thế nào khi không còn con bò, thấy nó chẳng còn gì để khi lớn lên có thể lấy được một tấm chồng tử tế biết yêu thương nó mãi mãi. Giờ khó rồi. Có con bò thì khác, vì lúc đó không thiếu gì thằng muốn lấy con bé, dù chỉ là mong lấy được luôn con bò.

Chỉ hy vọng là con bê còn sống. Mong là nó không qua sông theo mẹ. Vì nếu như thế thì em gái tôi Tacha chỉ còn một bước nữa thôi là vào con đường hư hỏng. Mà mẹ tôi không muốn thế.

Mẹ tôi không hiểu sao Chúa lại trừng phạt bà bằng cách cho bà mấy đứa con gái lộn dòng như thế, bởi trong nhà bà, từ bà ngoại của bà đến bà, đâu có ai mất nết. Mọi người đều được nuôi nấng trong sự tôn kính Chúa, rất ngoan ngoãn và chẳng hỗn với ai bao giờ. Ai cũng thế. Ai mà biết hai đứa con gái của bà theo gương xấu từ đâu. Bà không hiểu. Bà lục lọi trong trí nhớ nhưng chẳng thể thấy mình phạm lỗi lầm nào để phải sinh ra hết đứa này đến đứa kia hư đốn. Bà không hiểu. Mỗi lần nghĩ đến con gái, bà lại khóc và nói, “Cầu Chúa phù hộ cho chúng nó.”

Cha tôi bảo hết thuốc chữa rồi. Quả bom nổ chậm vẫn còn ở đây, con Tacha, đứa con gái đang lớn như thổi với cặp vú bắt đầu nhô, hứa hẹn sẽ như chị nó: cao và nhọn, tròn trịa và bắt mắt.

“Đấy,” ông nói, “nó đi đâu rồi người ta cũng lại dán mắt vào nó thôi. Rồi sẽ chẳng ra đâu cho mà xem, tôi thấy rồi sẽ chẳng ra đâu cho mà xem.”

Đấy là nỗi lo của cha tôi.

Tacha khóc khi biết con bò của nó sẽ không trở về nữa vì đã bị dòng sông dìm chết. Nó đứng bên cạnh tôi, váy hồng, nhìn dòng sông dưới khe núi, khóc mãi không thôi. Hai hàng nước chảy xuống mặt nó lem luốc, như thể cả dòng sông đã thu vào trong mắt nó.

Tôi ôm em gái, tìm cách an ủi nó, nhưng mà nó không hiểu. Nó khóc dữ hơn. Tiếng gào từ trong miệng nó như tiếng nước xoáy hai bên bờ sông, cả người nó run rẩy trong lúc nước tiếp tục dâng. Cái mùi hôi hám bên dưới phả lên mặt con bé ướt nhèm, cặp vú chồi lên của nó nhấp nhô không ngừng, như thể chúng bỗng nhiên căng phồng, mở đường đưa con bé vào kiếp đọa đày.

Juan Rulfo, “Es que somos muy pobres,” El Llano en llamas (Fondo de Cultura Económica, 1953).

Copyright © 1953 by Juan Rulfo | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

One comment on “Truyện ngắn: “Chẳng là chúng tôi nghèo quá” – Juan Rulfo

  1. nguyenhueporteetroite
    April 16, 2019

    Beautiful translation!

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on April 15, 2019 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: