Illustration by Icinori
Anne Carson (1950–) là nhà thơ và dịch giả tiếng Latin và Hy Lạp cổ người Canada. Bà được trao giải văn chương Lannan cho thơ năm 1996, giải T. S. Eliot năm 2001, và hai giải thơ Griffin vào các năm 2001 và 2014. Bà là giáo sư ngành cổ điển học và văn học so sánh tại Đại học Michigan.
Joseph Conrad có một buổi đọc ở Thư viện London. Một người phụ nữ tóc đỏ bước tới sau đó. Ông đã thấy cô đi lại trước đó, ngồi xuống một cái ghế sau lưng, nhưng ông không phiền. “Tôi biết ông hồi còn ở Congo,” cô nói. “Tôi biết vợ ông.” Vợ tôi? ông nghĩ, nhưng, như lúc nào cũng thế sau một buổi đọc, trong tiếng gầm thoái lui của chính hồn mình ông hầu như không nghe thấy cô nói hay nhớ tiếng Anh hoạt động ra sao. Có phải cô ta nói “đời,” chứ không phải “vợ”? Giọng cô, giọng của một con quạ, xô vào ông—một cuối tuần nào đó họ đã “dành trọn bên nhau” và ông gửi cho cô một lá thư hôm sau, một bài thơ. Nỗi khiếp sợ trỗi dậy sau tâm trí ông; một bưu kiện vỡ. Ông quay đi, ra vẻ bận rộn. Ông trách móc, ghê tởm sự đụng chạm của một thời đã qua; nó làm ông ngạc nhiên xiết bao. Cô theo ông đến bữa tối mà Charles (vị Thủ thư) đã sắp xếp ở một quán rượu gần đó, vội vã theo sau những người khác, và, với cái chạm của vợ mình hay đời mình cháy bỏng như một độc chất trên da bên trong, Joseph Conrad không thể nhìn vào mắt cô ta hay để thương cảm đến vần vũ trong mình. Khi cô ngồi xuống cuối bàn và nói lớn tiếng với bất cứ ai nghe, ông cảm thấy cái giật của nó ở thái dương nhưng không quay lại, ông phải tiếp tục, giờ ông đã bắt đầu, đó là một bữa tối dài. Nó thật bất công. Trong những bối cảnh khác, ông khâm phục sự kiên trì. Cô ta đang chết chìm. Ông không quay lại. Ánh sáng của lý trí thuần túy, Joseph Conrad hay nói, giống như điện trong cái lạnh. Những câu nói đầy tự hào như thế thỉnh thoảng đến với ông khi ông đang bơi nhưng sau đó lại có vẻ hơi lạc lõng. Không, nó là một cơn ác mộng nhỏ, nó là một cuộc giải cứu mà ông không thể thực hiện (và ông là một người cứu hộ).
Nhưng cuối cùng bữa tối cũng kết thúc. Vẫn là năm 1907. Không ai chết đuối cả. Nhún vai vào áo khoác, họ nói những lời chia tay nồng nhiệt. Ông không để mắt tới cô. Tất cả cùng về để đi bộ về Thư viện rồi đi đường riêng. Đó là một đêm đầu đông. Ông bắt đầu cảm thấy mất kiên nhẫn một cách căn bản với mình, bức bối với sự hèn nhát. Ông bước chậm lại để đi bên cô. Tim ông đập quá nhanh. Cô không có vẻ ngạc nhiên. Một ẩn số bao trùm lấy họ, như thể họ đang chơi một trò, như thể họ bị trùm trong vải hay lạc trong những căn phòng cũ. Làm sao họ nói về bánh mì trắng ông không nhớ sau đó, nhưng nó sáng lên trong tâm trí ông, cuộc trò chuyện này, như cái bánh mì sáng, và ông cố gắng nói với cô tất cả những thứ đó. Có lẽ cô đã nhắc đến việc xếp hàng lấy bánh mì lúc rạng sáng, mẹ cô sai, chạy về nhà với một ổ bánh mì nặng bằng hai cuốn sách giáo khoa. Khi ta mơ về bánh mì bây giờ, Joseph Conrad đồng ý với cô, nó không còn là cái bánh mì đen xù xì của thời thơ ấu. Mơ bánh mì, bánh mì huyền thoại, trắng như cổ tay áo mới giặt.
Có lần, ông đi từ London về thăm quê và được mời tới một buổi lễ rửa tội ở miền quê. Đó là tháng Sáu. Trên đường, thời tiết thu hẹp lại, xám lì và mơ hồ, thời tiết điển hình của mùa hè trong vùng. Buổi lễ diễn ra như thường lệ, trong một nhà thờ nhỏ sơn trắng, nơi mọi người ngồi sít như răng và nghe những bài hát lạc điệu ngắn, rạng rỡ do một cô bé mười tuổi hát, chị của đứa bé mới sinh. Mặt trời ló dạng. Mọi người ùa ra khỏi nhà thờ. Họ đứng giữa những ngôi mộ, trò chuyện, sửng sốt. Những cánh đồng rộng lớn vươn xa mọi phía về phía núi. Ông nhớ lại cảm giác trở thành một cái dấu nhỏ giữa một màu xanh rờn lộ ra đến nhức mắt. Chẳng mấy chốc họ lại lên xe và lái về một ngôi nhà trang trại gần đó để ăn trưa, nắng vẫn tràn qua mọi thứ.
Ngôi nhà đứng đó, mọi cánh cửa đều mở, trẻ con chộn rộn ra vào, những cuộc trò chuyện rôm rả ở khắp mọi nơi. Ông hầu như chẳng quen ai, nên đứng trong một căn phòng trong, quan sát nó phòng khi có ngày ông viết về nó, gần một cái bàn phủ vải ren và chất đầy bánh ngọt. Có một cái bánh to bằng hai quyển sách giáo khoa—ông mỉm cười dùng lại cách so sánh của cô—phết tên của đứa bé mới đẻ. Một cái bánh sô cô la có hình như một con gấu và đầy kẹo túa ra cho bọn trẻ con. Nhiều bánh kem mịn và một số cấu trúc hình khối chất cao được phủ mứt đỏ. Có những món nhỏ hơn, tôm trên bánh quy giòn và, cuối cùng, mang vào muộn với một vẻ nghiêm trang hơi vấp váp, đặt trên một đĩa sứ có hoa văn xanh riêng, là một chồng bánh mì trắng cắt lát. Cái đĩa tình cờ lại được đặt dưới một cột nắng, và chồng bánh mì trắng sáng lên, trong sự kiền thành của riêng nó, trên tấm vải trong căn phòng đổ bóng, ghi vào lịch sử của một chiều nắng rạng trên một mảnh đất xưa giữa những cánh đồng trải dài đến những tận cùng của tâm trí.
Không ai ăn bánh mì trắng. Nó ở đó không phải để ăn. Nó là một chương của nền văn minh. Ông đã sống chương đó và cô cũng vậy, người phụ nữ tóc đỏ này, ở những nơi nghèo đói và ở những thời thơ ấu nghèo đói khi một chồng bánh mì giòn rụm tỏa sáng sau một ô cửa tiệm trông rạng rỡ gấp đôi những viên hồng ngọc hay kim cương trưng bày ở tiệm kim hoàn cuối phố. Hai người họ đứng trước Thư viện London, văng ra khỏi ký ức, choáng váng trước sự gần gũi nhục dục của một cái gì đó tối thượng. Một sự thương mến mà không hy vọng. Cô bắt đầu nói gì đó về ẩn dụ, ẩn dụ cũng là thật, không làm ông thích thú. Ông lần túi tìm cuốn sổ nhỏ mà ông hay ghi lại những ý nghĩ nhưng đã để nó ở khách sạn. Ông choàng lấy mình và trốn thoát.
Anne Carson, “An Evening with Joseph Conrad,” The New Yorker (August 1, 2019).
Copyright © 2019 by Anne Carson | Nguyễn Huy Hoàng dịch.