Roberto Bolaño sinh năm 1953 ở Santiago, Chilê. Được ca ngợi là giọng nói văn chương quan trọng nhất của Mỹ Latin trong thế hệ mình, ông đã được trao giải Rómulo Gallegos danh giá năm 1999 cho cuốn Los detectives salvajes. Tuy coi mình trước hết là một nhà thơ, danh tiếng của ông chủ yếu đến qua những cuốn tiểu thuyết như Amberes, Nocturno de Chile, và 2666. Nhiều bản thảo của ông tiếp tục được xuất bản sau khi ông qua đời vì suy gan năm 2003.
“William Burns” nằm trong tập truyện ngắn Llamadas telefónicas, xuất bản năm 1997.
William Burns ở Ventura, Nam California, kể chuyện này cho Pancho Monge bạn tôi, cảnh sát ở Santa Teresa, Sonora, rồi bạn tôi kể cho tôi. Theo Monge thì gã người Mỹ kia là một người trầm tính, không bao giờ nổi nóng, một khẳng định có vẻ mâu thuẫn với diễn biến của câu chuyện sau. Dẫn lời Burns:
Đó là một thời kỳ buồn thảm trong cuộc đời tôi. Công việc thì bấp bênh. Trước giờ tôi chưa biết chán là gì mà cũng chán đến độ tột cùng. Tôi đang qua lại với hai ả. Cái đó tôi nhớ rõ. Một khá dừ, bằng tuổi tôi, một thì chỉ như một cô bé. Có lúc trông như hai mụ già ốm yếu khó ở, có lúc lại trông như hai cô gái ham chơi. Chênh lệch tuổi tác không đến mức bị nhầm là hai mẹ con, nhưng cũng kiểu kiểu thế. Dẫu sao thì cái đó đàn ông cũng chỉ thể đoán mà không bao giờ biết chắc. Thực tế là hai ả có hai con chó, một lớn một nhỏ. Mà tôi cũng chẳng biết con nào là của ai. Hồi đó họ sống cùng nhà ở vùng ngoại ô một thị trấn miền núi, nơi người ta đến nghỉ mát. Khi nhắc đến chuyện sẽ lên trên đó cả mùa hè, có người, đại loại là bạn bè hay người quen, khuyên tôi nên mang cần câu. Nhưng tôi không có cần câu. Người khác thì nói đến nhà kho và cabin gỗ, cuộc sống thảnh thơi, đầu óc thư giãn. Nhưng tôi không đến đó nghỉ, tôi đến đó canh chừng họ. Sao phải nhờ đến tôi canh chừng? Ấy là vì họ nói có người muốn làm hại họ. Họ gọi hắn là kẻ giết người. Khi tôi hỏi tại sao thì họ không biết nói gì, hoặc là họ muốn tôi không biết thì hơn. Bởi thế mà tôi phải tự tìm hiểu. Họ sợ, họ đinh ninh là mình đang gặp nguy hiểm, dẫu có thể đó chỉ là tưởng tượng. Nhưng việc gì phải giải ảo cho họ, nhất là khi đấy là việc của tôi, và tôi nghĩ độ một tuần là họ cũng tự kết luận vậy thôi. Thế là tôi theo họ với hai con chó lên núi và chúng tôi ở một ngôi nhà nhỏ dựng bằng gỗ và đá, có thể là ngôi nhà nhiều cửa sổ nhất tôi từng thấy trên đời, đủ kích cỡ khác nhau, trổ lung tung cả. Nhìn từ ngoài, theo cửa sổ mà nói thì ngôi nhà có ba tầng, nhưng thực tế chỉ có hai. Từ bên trong, nhất là ở phòng khách và một số phòng tầng một, nó tạo ra một cảm giác quay cuồng, tăng xông, điên rồ. Phòng của tôi chỉ có hai cửa sổ, không lớn lắm, nhưng chồng lên nhau, một cái gần chạm trần, cái dưới cách sàn độ bốn chục phân. Cuộc sống ở đây lại khá dễ chịu. Ả lớn sáng nào cũng viết, nhưng không giấu giếm theo thói nhà văn như người ta thường nói, mà viết ngay trên máy tính đặt trên bàn phòng khách. Ả bé thì làm vườn, chơi với chó và nói chuyện với tôi. Nói chung tôi là người nấu và dẫu không phải là đầu bếp xuất sắc, họ vẫn cứ khen ngợi những món tôi làm. Tôi có thể sống như thế cho đến hết đời. Nhưng một hôm hai con chó chạy mất nên tôi phải đi tìm. Tôi nhớ là độc một chiếc đèn pin, tôi đã tìm cả cánh rừng gần đó và vườn những nhà không người ở. Không thấy chúng đâu cả. Lúc về, họ nhìn tôi cứ như chó chạy mất là lỗi của tôi vậy. Rồi họ nhắc đến một cái tên, tên của kẻ giết người. Chính họ gọi hắn ta như vậy từ đầu. Tôi không tin, nhưng vẫn nghe xem họ nói gì. Họ nói về những mối tình học trò, tiền nong, tích thù tích oán. Làm sao chênh lệch tuổi tác như vậy mà thời đi học lại có thể qua lại với cùng một người, đầu tôi không sao chứa nổi. Nhưng họ không muốn nói nữa. Đêm đó, bất chấp những lời trách cứ, một người vẫn đến phòng tôi. Tôi không bật đèn, nửa mê nửa tỉnh, rốt cuộc vẫn không biết đấy là ai. Tỉnh giấc trước tia sáng đầu tiên, tôi chỉ có một mình. Hôm đó tôi quyết định xuống thị trấn đến chỗ cái gã họ sợ. Tôi hỏi địa chỉ, bảo họ khóa chặt cửa và đừng ra ngoài cho đến khi tôi về. Tôi đi xe của ả lớn. Vừa đến thị trấn thì thấy hai con chó trong khu đất trống của nhà máy đồ hộp cũ, tôi cất tiếng gọi. Chúng chạy đến với vẻ tội lỗi và vẫy đuôi. Tôi cho chúng vào xe và cười vào những lo lắng đêm qua trong lúc lái quanh thị trấn. Cuối cùng tôi đến địa chỉ họ đưa cho tôi. Cứ cho là người ta gọi hắn là Bedloe. Hắn có một cửa hàng ở trung tâm, một cửa hàng cho khách du lịch, bán đủ thứ từ cần câu đến sơ mi kẻ và sô cô la. Tôi lướt qua những kệ hàng một lúc. Trông hắn như diễn viên, không quá ba nhăm, cơ bắp, tóc đen, đang đọc báo sau quầy. Hắn mặc quần vải và áo sơ mi. Cửa hàng làm ăn chắc khá, nằm ở một con đường trung tâm nhộn nhịp ô tô và xe điện. Giá cả khá chát. Tôi đã dành một lúc kiểm tra giá cả và hàng hóa. Khi ra về, không biết tại sao, tôi có cảm giác anh chàng tội nghiệp này đang lạc lối. Chưa được mười mét thì tôi nhận ra chó của hắn đang đi theo tôi. Tôi đã không nhận ra nó có trong cửa hàng, một con chó mực to, có lẽ là Béc-giê lai. Tôi chưa nuôi chó bao giờ, tôi không biết cái gì khiến chúng làm thế này thế kia, nhưng sự thật là con chó của Bedlow đang đi theo tôi. Tất nhiên, tôi cố xua nó về cửa hàng, nhưng nó lờ tôi đi. Thế là tôi bước tiếp về phía cái xe với con chó bên cạnh, rồi tôi nghe thấy tiếng huýt sáo. Đằng sau tôi, tên chủ cửa hàng đang huýt sáo gọi con chó. Tôi không nhìn lại, nhưng biết hắn đã ra ngoài tìm nó. Phản ứng của tôi là tự động, không suy nghĩ: tôi cố làm sao cho hắn không nhìn thấy tôi, thấy tôi và con chó. Tôi nhớ mình đã nép, con chó sát dưới chân, sau một cái xe điện đỏ thẫm, như màu máu khô. Ngay lúc tôi vừa cảm thấy an toàn thì cái xe bắt đầu đi và từ bên kia đường, tên chủ cửa hàng thấy tôi hoặc thấy con chó và khoát tay ra hiệu, có thể là bắt lấy nó hay túm lấy nó hay đứng yên đó đợi tôi sang. Chính là điều tôi đã không làm, tôi quay lưng đi và lẫn vào đám đông, trong lúc hắn hét lên gì đó như dừng lại, chó của tôi, anh bạn, chó của tôi. Sao tôi lại cư xử như vậy? Tôi không biết. Sự thật là chó của tên chủ cửa hàng đã ngoan ngoãn theo tôi đến chỗ xe đậu và lúc tôi mở cửa, chưa kịp làm gì thì nó đã tót vào trong rồi không chịu ra nữa. Thấy tôi về với ba con chó, hai ả không nói gì mà quay sang chơi với chúng. Con chó của tên chủ cửa hàng dường như biết hai con kia từ trước. Chiều hôm đó chúng tôi nói đủ thứ chuyện. Ban đầu là tôi kể chuyện trong thị trấn, rồi họ kể về quá khứ của họ, về công việc, một từng là giáo viên, một từng là thợ tóc, rồi cả hai bỏ việc dù thỉnh thoảng, họ nói, họ nhận chăm những đứa trẻ có vấn đề. Một lúc sau tôi nhận ra mình đang nói gì đó về việc căn nhà cần được giám sát liên tục. Hai ả nhìn tôi và mỉm cười gật đầu. Tôi hối hận vì đã nói thế. Rồi chúng tôi ăn. Tối đó tôi không nấu. Cuộc trò chuyện tiếp diễn cho đến khi rơi vào im lặng, chỉ còn xen lẫn tiếng hàm nhai và chó chạy bên ngoài. Rồi chúng tôi bắt đầu uống rượu. Một trong hai ả, tôi không nhớ ai, nói về độ tròn của Trái đất, về việc bảo tồn và giọng nói của các bác sĩ. Tôi nghĩ về những thứ khác, không để ý lắm. Tôi đoán ả đang nói về những người da đỏ từng sống trên sườn núi này. Đến khi không chịu được nữa, tôi đứng dậy, dọn bàn và nhốt mình trong bếp rửa bát, nhưng ở đó tôi vẫn nghe thấy tiếng họ nói. Khi tôi quay lại phòng khách, ả bé đang nằm đi văng, chăn kéo nửa người, ả lớn đang nói về một thành phố lớn, như đang ca ngợi cuộc sống đô thị, nhưng thực ra là đang móc mẩy, tôi biết vì cả hai thỉnh thoảng lại ré lên cười. Tôi không hiểu nổi khiếu hài hước của họ. Tôi thích họ, tôn trọng họ, nhưng khiếu hài hước của họ có vẻ giả tạo, o ép. Chai whisky tôi mở sau bữa tối đã vơi một nửa. Điều đó làm tôi lo lắng, tôi không định say, tôi không muốn họ say mà để tôi lại một mình. Nên tôi ngồi cạnh họ và nói chúng tôi nên giải quyết một vài việc. Việc gì cơ?, họ giả vờ ngạc nhiên hoặc có lẽ là hơi ngạc nhiên thật. Ngôi nhà có quá nhiều điểm yếu, tôi nói. Cái đó cần giải quyết. Liệt kê xem nào, một ả nói. Được rồi, tôi nói, bắt đầu từ chỗ nó quá xa thị trấn, nằm chơ vơ, rồi nhanh chóng nhận ra họ không nghe tôi nói. Họ giả vờ nghe, nhưng không nghe tôi nói. Giá là chó, tôi hậm hực nghĩ, thì hai ả còn để mắt tới mình hơn. Lúc sau, khi tôi nhận ra cả ba chúng tôi không ai buồn ngủ, họ bắt đầu nói về trẻ con và giọng họ làm tim tôi rút lại. Tôi đã thấy những chuyện khủng khiếp, những cảnh tàn ác làm những kẻ sắt đá cũng gợn, nhưng đêm đó, nghe họ nói, tim tôi rút lại gần như đến biến mất. Tôi muốn chen vào, muốn biết họ đang nhớ lại thời thơ ấu hay đang nói về những đứa trẻ vẫn còn là trẻ con, nhưng không thể. Cổ họng tôi như nghẹn ứ băng và bông tiệt trùng. Bỗng nhiên, giữa cuộc trò chuyện hay độc thoại hai chiều ấy, tôi có một linh cảm và nhẹ nhàng tiến đến một ô cửa sổ trong phòng khách, một ô cửa sổ nhỏ, kỳ cục như mắt bò, ở trong góc, quá gần cửa sổ chính để có chức năng gì. Tôi biết vào cái giây cuối cùng ấy hai ả nhìn tôi, nhận ra đã có chuyện, tôi chỉ kịp đưa ngón trỏ lên môi ra dấu cho họ im lặng trước khi vén rèm lên và thấy đầu Bedloe, đầu của kẻ giết người, bên ngoài. Chuyện xảy ra tiếp theo rất khó hiểu. Và nó khó hiểu là bởi hoảng loạn thì lây lan. Kẻ giết người, tôi lập tức nhận ra, đang chạy quanh nhà. Hai ả và tôi cũng chạy quanh nhà, bên trong. Hai vòng tròn: hắn tìm lối vào, thế nào cũng còn một cửa sổ mở; hai ả và tôi kiểm tra cửa và đóng cửa sổ. Tôi biết tôi đã không làm cái tôi nên làm: vào phòng ngủ, lấy súng, ra ngoài hiên và triệt hạ hắn. Thay vì thế tôi lại bắt đầu nghĩ đến lũ chó bên ngoài, hy vọng không có gì tồi tệ xảy ra với chúng, một con đang có chửa, tôi nhớ, không chắc lắm, chuyện đó từng được nhắc. Dù sao, đúng lúc đó, vẫn đang chạy, tôi nghe thấy một ả kêu: Chúa ơi, con chó, con chó, và tôi nghĩ đến thần giao cách cảm, tôi nghĩ đến hạnh phúc, và tôi sợ, bất kể là ả nào, sẽ chạy ra ngoài tìm chó. May thay, không ai bước chân ra khỏi nhà. May thay. May thay, tôi nghĩ. Rồi ngay sau đó (tôi sẽ không bao giờ quên chuyện này) tôi bước vào một căn phòng tầng trệt mà tôi chưa vào bao giờ. Nó dài và hẹp, tối, chỉ có ánh trăng rọi và ánh đèn mờ ảo ngoài hiên. Và ngay lúc đó tôi biết, với sự chắc chắn không khác nỗi khiếp đảm, số phận (hay vận rủi, không khác gì nhau) đã đưa tôi đến đây. Bên kia, ngoài cửa sổ, tôi thấy bóng tên chủ cửa hàng. Tôi cúi xuống, cố kìm cơn run (người tôi run rẩy, mồ hôi đầm đìa) và đợi. Kẻ giết người mở cửa sổ dễ một cách kinh ngạc và nhẹ nhàng trèo vào. Phòng có ba chiếc giường gỗ hẹp, mỗi chiếc lại có một chiếc bàn đặt cạnh. Cách đầu giường vài phân tôi thấy ba khung tranh. Tên giết người dừng lại. Tôi cảm thấy tiếng hắn thở, không khí hít vào đầy sức lực bên trong phổi hắn. Rồi hắn mò mẫm, giữa bức tường và cuối giường, đến thẳng chỗ tôi đang đợi. Tôi biết hắn không nhìn thấy tôi, dẫu điều đó là không thể, tôi cảm ơn sự may mắn phù hộ cho mình, rồi khi hắn đến, tôi túm lấy chân và quật hắn xuống. Rồi tôi đá hắn với chủ ý gây nhiều sát thương nhất có thể. Ở đây, ở đây, tôi hét, nhưng hai ả không nghe thấy tôi (tôi cũng không nghe thấy họ chạy), và căn phòng xa lạ dường như là sự phóng chiếu chính bộ não tôi, ngôi nhà duy nhất, mái nhà duy nhất. Tôi không biết mình ở đó đá cái xác bao lâu, tôi chỉ nhớ có ai đó đã mở cánh cửa sau tôi, nói những lời tôi không hiểu, đặt tay lên vai tôi. Rồi tôi bị bỏ lại một mình lần nữa và tôi ngừng đánh. Trong một thoáng tôi không biết mình phải làm gì, tôi cảm thấy choáng váng và mệt. Cuối cùng, tôi sực tỉnh và kéo cái xác ra phòng khách. Ở đó, trên cái đi văng, tôi thấy hai ả, gần như ôm (nhưng không ôm) nhau. Không biết vì sao, có gì đó trong khung cảnh gợi cho tôi một bữa tiệc sinh nhật. Trong mắt họ tôi nhận ra sự lo âu, một nỗi sợ đang tàn, không phải vì chuyện vừa xảy ra mà là vì tình trạng của gã Bedloe sau những cú đá của tôi. Chính mắt họ là cái khiến tôi thả tay cho cái xác tuột xuống sàn. Mặt Bedloe là cái mặt nạ máu mà ánh sáng trong phòng làm nổi bật lên một cách thô bạo. Mũi chỉ còn là một khối máu. Tôi bắt mạch hắn. Hai ả nhìn tôi, không một cử động. Hắn chết rồi, tôi nói. Trước khi ra ngoài hiên, tôi nghe thấy tiếng một ả thở dài. Tôi châm thuốc, nhìn sao, nghĩ về lời giải thích cho chính quyền thị trấn. Lúc quay vào, hai ả đang bò xuống lột quần áo cái xác, tôi không kìm được tiếng thét. Họ còn chẳng nhìn tôi. Tôi nghĩ mình đã uống một ly whisky và đi ra, cầm theo cả cái chai, tôi nghĩ. Tôi không biết mình ở đó bao lâu, hút thuốc và uống rượu, cho hai ả thời gian làm xong việc. Tôi xâu chuỗi lại từng sự kiện. Tôi nhớ cảnh hắn nhìn qua cửa sổ, nhớ ánh mắt hắn và nhận ra nỗi sợ hãi, tôi nhớ hắn mất chó và cuối cùng tôi nhớ hắn đọc báo ở cửa hàng. Tôi cũng nhớ ánh sáng của hôm qua, ánh sáng trong cửa hàng và ánh sáng ngoài hiên nhìn từ căn phòng tôi đã giết hắn. Rồi tôi nhìn lũ chó, chúng cũng không ngủ mà chạy từ đầu này sang đầu kia sân. Hàng rào gỗ đã hỏng ở một số chỗ và một người nào đó, một ngày nào đó, sẽ sửa, tôi nghĩ, nhưng không phải tôi. Trời bắt đầu hừng sáng ở bên kia dãy núi. Lũ chó lên hiên tìm một cái vuốt ve, có lẽ một đêm chơi đã mệt. Chỉ có hai con cũ. Tôi huýt sáo gọi con kia, nhưng không thấy nó đến. Và với cơn rùng mình ớn lạnh đầu tiên tôi hiểu ra. Gã đã chết không phải là kẻ giết người. Kẻ giết người thực sự, ẩn mình ở đâu đó nơi xa, hoặc nhiều khả năng hơn là số phận, đã lừa chúng tôi. Bedloe nào muốn giết ai, hắn chỉ đi tìm chó. Tên khốn tội nghiệp, tôi nghĩ. Hai con chó lại đuổi nhau trước hiên. Tôi mở cửa và nhìn hai ả trong nhà, không còn sức vào. Xác Bedloe đã được mặc lại quần áo. Tươm hơn trước. Tôi định nói gì đó, nhưng thấy chẳng ích gì nên lại quay ra hiên. Một ả đi theo tôi. Phải phi tang cái xác đi, ả nói. Ừ, tôi nói. Rồi tôi giúp đưa Bedloe lên thùng sau xe. Chúng tôi đi lên núi. Cuộc đời thật vô nghĩa, ả lớn tuổi nói. Tôi không nói gì, tôi đào một cái hố. Về nhà, trong lúc hai ả đi tắm, tôi rửa cái xe và thu dọn đồ đạc. Anh định làm gì bây giờ?, hai ả hỏi trong lúc chúng tôi ăn sáng trên hiên nhà ngắm mây. Tôi sẽ về thành phố, tôi đáp, tiếp tục cuộc điều tra ở đúng nơi tôi đã đi lạc.
Sáu tháng sau, Pancho Monge kết chuyện, William Burns bị những kẻ lạ mặt giết chết.
Nguyễn Huy Hoàng dịch
Bản dịch này được đăng lần đầu trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 37 (29/9/2019).