Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Lại con đường mi đi” – Anne Carson

Back the Way You Went

Illustration by Chloé Poizat for The New Yorker

Anne Carson (1950–) là nhà thơ và dịch giả tiếng Hy Lạp cổ người Canada. Bà được trao giải văn chương Lannan cho thơ năm 1996, giải T. S. Eliot năm 2001, và hai giải thơ Griffin vào các năm 2001 và 2014. Bà là giáo sư ngành cổ điển học và văn học so sánh tại Đại học Michigan.

Lại con đường mi đi

VÒNG HOA

Vì cô có một trái tim tan vỡ và rồi mẹ cô mất, D và F đưa cô đi theo cùng trên một chuyến đi nghỉ cuối tuần. Nơi nghỉ là một tổ ong. Ong chảy qua những con phố và đêm. Ong chen chúc, lượn vèo vèo, lấp lánh và lo lắng, ong lăn đi như những người thủy thủ, ong liếm lúa mạch trên những bộ râu của nhau. D và F cũng là ong, và đi trước để dẫn đường cho cô đi trong dòng chảy. Dòng chảy này say. Họ vấp vào ngôi nhà mà họ thuê. Mình sẽ ổn, cô nghĩ.

Ngày hôm sau họ thuê xe đạp. D và F lướt đi trên con đường dành cho xe đạp. Cô đạp mạnh, chậm dần rồi dừng hẳn trên một cồn cát, làm bầm tím chân, bắt đầu lại. Chuyện này diễn ra bốn mươi lăm lần. Tôi chưa hề đạp xe kể từ năm lên mười, cô giải thích với không ai. Mồ hôi chảy cả hai bên cánh mũi. Ngay cả Bố cũng bỏ cuộc với mình. Hai ngày buồn, cô nghĩ.

Buổi sáng trên hiên nhà, một con mèo hoang mơ màng bên bàn picnic trong khi D ăn ngũ cốc và đọc to tờ Cơ bắp đàn ông. Cho tôi thêm một suất nữa, thưa ông (bổ sung protein). Hình ảnh của những người đàn ông đã chuyển những phần bên trong của cơ thể ra ngoài bằng cách kéo xích trong khi sét túa ra từ đầu họ. Những người khác mặc sơ mi đeo cà vạt nâng tạ. Khi người ta đọc Gogol (Nabokov nhận xét), đôi mắt họ bị “Gogol hóa”—những người đam mê áo khoác bắt đầu xuất hiện ở những thị trấn chưa bao giờ biết đến giá lạnh hay tuyết. Có lẽ mình sẽ thấy những thớ cơ ngực siêu to nô đùa trên những làn đường hồng của tổ ong hôm nay? cô tự hỏi.

Để giết thời gian, cô nghe lỏm (quán cà phê). Anh có muốn thế không? Lúc nào mà anh chẳng muốn. Ồ, thế thì em có nên? Chúng mình không thể cứ tự do và như này sao? Anh nghĩ là thật điên rồ trừ khi em thực sự, thực sự. Và em thấy đấy, nếu anh lạc thì đã lạc rồi. Anh không biết là em lại cảm thấy như thế hay đáng lẽ anh nên nói cảm ơn, nhưng mà. Tình hình giờ đã khó khăn rồi. Hãy nhớ là chúng ta còn không nhận ra được người trượt băng. Ồ, em biết. Một ảo tưởng thì không phải là một con người. Nhưng em nhớ nó như nhớ một con người. Và rồi ngày kết thúc bằng một cuộc cãi vã lộn ruột ngu ngốc giữa D và F ở sân trước của một nhà hàng. Trong lúc đó cô có một miếng cá ngừ áp chảo mắc kẹt ở trong cổ. Em muốn anh là người khác. Em chẳng muốn anh là cái gì cả. Điều đó về mặt siêu hình là không thể. Ồ, đi đi.

Nhiều năm sau, khi họ không còn ở bên nhau, cô tự hỏi D và F thấy thế nào khi lúc lắc cô đằng sau như một cái chân thừa, lên xuống những lối đi bộ lát ván gỗ sáng sủa, trong ngoài những cửa hiệu tối, nơi họ thử trang phục và cô khóc, đi qua những sân vườn và quán bar và tiếng huýt và những bể bơi hoan lạc và những giao thức đánh bài chuồn của những người khác. Cô đã về lại căn nhà thuê đông cứng với mật ong bẩn và nằm ngửa trên cái giường xếp.

Ở bãi biển (ngày cuối), cô nhìn xuống và nghĩ, mình có những ngón chân của mẹ. Cô chỉ đọc những cuốn có tác giả tên là Margaret, để cảm thấy gần gũi với bà. Không quá gần. Những ngón chân tội nghiệp. Trong trị liệu (cố nhớ lại những thời tốt đẹp), cô bỗng nhớ cái lần mà hai mẹ con đến bãi biển trên cái xe không phanh, mẹ cô nói trong lúc họ đánh xe ra khỏi ngõ, Này, đường xuống biển toàn là dốc, để xem nào, và thế là họ đi. Họ về nhà kiểu gì cô không thể nhớ. Họ không bao giờ kể với cha cô hay em trai cô về chuyện xuống bãi biển. Họ giấu nó đi như một vòng hoa ở tít sau tủ quần áo, để thỉnh thoảng lại liếc thấy nó khi sắp xếp những thứ ở phía trước.

MEXICO

Họ không phải là vô hại gì. Với nhau.

Hai con người bện chặt với nhau có thể gây hại ngay cả với những ý định tốt nhất. Hoặc là không ý định nào cả.

Đó là một căn nhà nhỏ và, giờ Bố đã “về nhà an lão,” rạng rỡ với sự im lặng. Ban đêm, họ ngồi trong những căn phòng riêng, đọc, không đọc. Vào Chủ nhật, họ gọi taxi và đến thăm Bố. (Không ai lái. Bố thường lái.) Bố nghĩ họ là ai không rõ. Ông không ngại có người đến thăm. Người đàn bà lớn tuổi hơn mang nho và người trẻ hơn mỉm cười ngốc nghếch. Họ ngồi với ông trong căng tin, di chuyển những cái đĩa dưới ánh nhìn của ông từng cái một trong lúc ông ăn. Ông không nhìn lên. Sau đó, họ lượn lờ trong phòng ông một cách vô dụng. Ông ở cùng phòng với một người đàn ông không nhắm mắt bao giờ. Mí mắt bị rối loạn chức năng. Ông nói ông đã quen với nó. Ông nói các bác sĩ sợ can thiệp, nhỡ mà đôi mí kia lại chọn cách khép lại.

Cả hai người phụ nữ đều nghĩ đến chuyện nói chuyện. Với nhau. Sao không phải bây giờ, khi vẫn còn thời gian? Nhưng họ không. Những câu hỏi mà bà hỏi mình đều là những câu hỏi nước đôi—mình có trả lời gì, mình cũng luôn luôn sai một nửa, người trẻ hơn nghĩ (đó là một lý do). Sao trời không gặp nhau—chúng sẽ nổ (đó là một lý do khác). Tình huống này gợi ra cái kiểu kịch nghệ ấy trong cô, mà cô thổ lộ trong một cuốn sổ tay và nhăn mặt khi thấy nó nhiều năm sau này. Nếu sự trò chuyện khiến cho nó có vẻ là cần thiết, thì thông lệ của họ là cảm nhận xem người kia muốn nghe gì và nói cái đó. Nếu mẹ cô thử đùa vô ý tứ (lấy cho mình một chút an thần, kết liễu cả hai), cô mím môi cười và vội vã ăn cho xong bữa tối. Thỉnh thoảng họ lại có một tiếng cười ra trò. Cái hành lang khóa chỗ Bố sống chính thức thì là Dặm Vàng, ghép bằng những chữ cái in nghiêng dán trên bàn đăng ký, nhưng mẹ cô gọi nó là Chặng Cuối, và mặc dù kể chuyện này cho người khác qua điện thoại lúc đêm thì rất buồn cười, cô không bình luận gì với mẹ. Cô không cảm ơn bà. Họ cười và dừng lại, vực thẳm dưới chân mình. Rất khó để mô tả, hay trong những năm sau này, để tin, mỗi chữ lại có sức nặng như thế nào trong những ngày ấy. Gom được đủ một câu có nghĩa là tìm được đủ sức mạnh của một anh hùng trong thần thoại cổ, một chàng Haracles hay Theseus nào đó, người xây những bức tường thành Troy bằng những tảng đá Cyclops, mỗi tảng to hơn cả mười người bình thường có thể nhấc ngày nay. Mẹ cô là một người hâm mộ du hành vũ trụ và thích cái ý tưởng chết trên sao Hỏa. Họ nói một chút về chuyện này, thỉnh thoảng, khi có những tên lửa nổ tung trên bản tin, nhưng rồi nó dẫn đến bóng tối.

Họ sẽ thấy gì nếu như nhìn vào những chiều sâu của nhau? Nhưng họ không. Ngay cả khi cùng nhau làm một việc, bóc vỏ ngô, tắm rửa cho ông, họ cũng nhìn chỗ khác. Sự thiếu vắng niềm kinh ngạc nằm giữa họ, như tấm ván, tẩy đi cái gì đó mỗi lần nó xuất hiện. Được kinh ngạc đúng kiểu (hãy giết người cha đi!) hay cái đáng kinh ngạc diễn ra ở trong kịch nhiều hơn là trong đời.

Dẫu sao, một Chủ nhật họ đi thăm Bố về, rẽ từ đường cao tốc về đường nhà họ, một ngày tháng Mười một màu nâu xám. Chiếc taxi rẽ vào đường sỏi. Có những lá cỏ màu nâu xám chọc lên tìm ánh sáng từ một vệt tuyết màu nâu xám—cô có thể thấy nó nhiều năm sau trong tâm trí—vài cái cây gầy gò, không lấy gì làm đẹp, một cái mương đen. Hé cửa sổ cho mùi rễ, tro, gai, lạnh vào. Mới nửa buổi chiều mà ánh sáng và sự sống dường như đã bị rỉ khỏi ngày ở cả hai bên. Chuyến thăm không tệ hơn hay tốt đẹp hơn những chuyến thăm khác, nhưng trong lúc cô ngồi đó nhìn một hộp sọ Bố bóng loáng lúc lắc trên đỉnh của một bộ áo quần mà cô cơ hồ nhận ra, bên trong cô đã trở nên ảm đạm và nguy hiểm. Giờ thì chiếc taxi rẽ trái, đi qua nghĩa địa, qua trường cũ bỏ hoang nơi Bố từng treo cái mũ nhỏ của mình lên một cái móc, qua khoảnh trống giữa rừng cây, nơi mà bạn có thể bắt đầu thấy cái hồ. Mẹ cô, ngồi ghế trước, đang tám với tay tài xế (Clayton) về bệnh viêm khớp của anh ta, hay của vợ anh ta, hay sao Hỏa. Vợ anh ta bị viêm khớp nặng hơn và sẽ có tài lái xe bằng đốt ngón tay khi Clayton đột ngột qua đời, ngay sau Giáng sinh.

Ngồi ghế sau, cô chằm chằm nhìn ra ngoài cửa sổ, cố không nghe chuyện ở ghế trước, giữ tâm trí vào những thứ đi lạc—bữa tối, những con số, Giáng sinh, một tác phẩm nghệ thuật mà cô từng nghe nói, tên là cái gì như “Đàn ngựa chạy bất tận.” Cô mơ thấy nó à? Không. Tưởng tượng ra? Có thể. Nó ở Mexico? Đúng thế, nó ở Mexico! Một bàn cờ thu nhỏ, và tất cả đều là quân mã. Và Mexico đến với cô như một sự thay đổi của cái chết đến với ngày, chỉ là cái từ đó, chỉ là ý nghĩ ấy, những cái vó nhỏ lộp cộp trên tấm bảng năm phân, những trái tim nhỏ bão bùng trong những tấm ngực nhỏ và nóng, những mái bờm và cẳng chân và sườn gáy tin hin rực rỡ với sương mai của một bình minh Mexico thu nhỏ. Sự sống chạy về trong cô từ mọi phía, như một sắc màu, và cô tựa đầu vào cửa sổ băng giá, đột nhiên hình dung mình nói chuyện này với mẹ trong bữa tối. Nó là một thứ ở bên ngoài họ, hào hiệp và hiếu chiến và trong sáng—cô sẽ không dùng những từ bóng bảy như thế, nhưng một số từ, những từ khác, sẽ xuất hiện. Nó đáng thử. Đừng về lại con đường mi đi, Bố thường nói khi Chủ nhật họ lái đi chơi. Hãy đi một con đường mới.

RẮC RỐI TRÊN THIÊN ĐƯỜNG

Mẹ chồng tôi cao 1m45. Ôm bà, tôi thấy mình to, lớn, có phần bội tín; mẹ tôi, giờ đã mất, cũng nhỏ. Ngoài ra thì họ không giống nhau, ngoại trừ một ý kiến là tôi không biết ăn mặc và tối nghĩa về mặt cảm xúc, một ý kiến mà họ sẽ chia sẻ. Chuyện được đưa đến nơi nào đó “sắm đồ” là một mối đe dọa lơ lửng. Tối nay bà và tôi rửa bát. Đêm Giáng sinh. Chúng tôi ở Ohio. Tên bà là Verna. Bà rửa, tôi lau. Cái khăn lau bát, quà Giáng sinh tôi tặng bà năm ngoái, in hình biếm họa những nhân vật nổi tiếng ở Bloomsbury. Verna đang kể về Mildred, bạn thân nhất của bà, người đã mất từ lâu. Mọi thứ mà mẹ biết đều là Mildred dạy, bà nói. Mildred dạy mẹ cách ăn chơi. Tôi nửa lắng nghe, nghĩ lại việc lau bát cho mẹ đẻ của mình. Tôi nhớ sự im lặng, nóng ruột, và bất lực của mình. Tôi thực sự muốn nói chuyện với bà, hay nghe bà nói chuyện với tôi. Thế nhưng tôi lại đứng cạnh bà bên bồn rửa đêm này qua đêm khác, năm này qua năm khác, trong sự ngại ngùng e bà hỏi tôi một câu hỏi thầm kín hay thốt ra ruột gan của chính bà. Nỗi sợ gan ruột chi phối chúng tôi. Chúng tôi đều có một bộ ruột thần kinh. Và một kiểu giận giữ liên miên vô căn cứ. Nên khi tôi nói là “muốn nói chuyện” thì không đúng lắm. Tôi không muốn lúc đó. Tôi muốn trước đó, tôi muốn sau này, tôi muốn bây giờ, không bao giờ tôi muốn lúc đó. Lúc đó bao giờ cũng là sai lúc, và tôi thì giận dữ. Những gia đình khác có giống như thế? Tôi biết là mình đặt tiêu chuẩn cao, nhưng tôi không thể hình dung có lúc nào lại không đúng lúc để nói chuyện ở Bloomsbury chẳng hạn. Nhưng đây là Virginia Woolf (trong Một phác thảo quá khứ):

“Chúng ta là những con tàu bị bịt kín trôi nổi trên cái được gọi một cách thuận tiện là hiện thực; có những khoảnh khắc, không một lý do, không một nỗ lực, cái vật liệu để bịt kín nứt ra; trong những trận lụt là hiện thực…”

Có phải Virginia Woolf là người đã dạy chúng ta cách ngưỡng mộ những trận lụt của hiện thực, mà nếu không có nó thì chúng ta chỉ đơn giản là đang đi trên một vùng biển của sự thuận tiện với những người khác? Nhưng đây là đêm Giáng sinh ở Ohio và một nết vứt đang bắt đầu hiển lộ. Tôi đứng cạnh mẹ chồng với một cái khăn lau bát ướt sũng trong tay, suy ngẫm về tính thiêng liêng của sự trò chuyện. Bà đang nói về lần cuối bà nhìn thấy Mildred. Một phòng bệnh viện. Mildred, bị hành hạ bởi một trong những căn bệnh ung thư làm người ta chết vào một ngày cuối tuần, không còn ăn được nữa, đang mút một mẩu đá lạnh, mũi có một cái ống luồn vào, và khi Verna cúi người xuống giường để hỏi xem mình có thể làm gì, Mildred nhìn lên bà, gạt cái ống ra và nói, Verna ạ, tớ sẽ đổi cả thế giới bây giờ để lấy một ly Martini của cậu. Ngày hôm sau Mildred đã chết. Cái khăn lau bát của tôi giờ là một mảnh chữ nhật đẫm nước, tôi gấp nó làm ba, hy vọng có một góc khô mới. Mildred mất khi nào? tôi hỏi, và Verna nói, 1965. Một sinh vật hữu tử là gì? Một cơn gió, một giấc mơ, một cái bóng, các nhà thơ Hy Lạp cổ đại nói với chúng ta, nhưng tôi không nói chuyện đó với Verna. Tôi chỉ lặp lại, 1965! trong sự không tin nổi.

Từ phòng khác tiếng TV vọng lại. Đó là một chương trình Giáng sinh đặc biệt về chiến tranh—họ đang phỏng vấn một người lính thuộc một quân đội nào đó, tôi nghĩ là Israel, có nhiệm vụ là đến những nơi có một người phụ nữ hay một đứa trẻ bị giết và đặt vũ khí lên xác của họ. Tôi vắt cái khăn. Tất cả mọi thứ mà tôi muốn từ một người mẹ đều vắt kiệt ruột gan, ngập tràn giận dữ, sốc đến sống lại, và có cấu trúc như một tiếng thét. Tất cả những gì mà tôi có can đảm để hỏi ở bà là sự thuận tiện này đây. Chúng tôi lau quầy. Chúng tôi treo khăn và giẻ. Hồi còn nhỏ tôi hiểu thế giới được làm bằng giấy, và mọi người nên bước cẩn thận hoặc không thì sẽ đi qua tờ giấy đó. Tôi muốn có một ký hiệu cho nó, cho sự đi qua. Tôi đã nghĩ, tôi vẫn nghĩ, ký hiệu này được lưu trữ ở đâu đó, trên chúng ta trong một dạng sương mù hay một lớp bí mật. Tôi chưa bao giờ nhận ra Verna đã mang theo hồn ma của Mildred ở đằng trước tâm trí bà trong năm mươi năm qua, giống như những chiếc gạc bất khả. Những đánh giá mà chúng ta đặt lên nhau không phải là lành cho lắm, phải không? Giờ Verna đang lấy vạt tạp dề để cọ những vết đốm trên cái lò. Thôi nào mẹ, xem TV đi, tôi nói. Con có mang theo một bộ phim. Của Lubitsch—mẹ sẽ thích.

Anne Carson, “Back the Way You Went,” The New Yorker (October 31, 2016 Issue).

Copyright © 2016 by Anne Carson | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on October 18, 2019 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: