Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Tôi trở thành nhà văn như thế nào – Gabriel García Márquez

Garcia Marquez.jpg

Gabriel García Márquez (1927–2014) là nhà văn người Colombia. Là một trong những cây bút quan trọng nhất của thế giới và châu Mỹ Latin trong thế kỷ 20 với tên tuổi gắn liền với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, ông được trao giải Rómulo Gallegos năm 1972, giải văn chương quốc tế Neustadt năm 1972, và giải Nobel văn chương năm 1982. Các tác phẩm nổi bật của ông gồm có Trăm năm cô đơn (1967), Biên niên sử của một cái chết được báo trước (1981), và Tình yêu thời thổ tả (1985).

Tôi trở thành nhà văn như thế nào

Chưa bao giờ tôi tưởng tượng được rằng, chín tháng sau khi tốt nghiệp trung học, truyện ngắn đầu tiên của mình sẽ được đăng trên tờ Fin de Semana, phụ san văn chương cuối tuần của tờ El Espectador, ấn phẩm văn chương thú vị và đòi hỏi nhất lúc bấy giờ. Bốn mươi hai ngày sau, truyện thứ hai của tôi được đăng. Tuy nhiên, bất ngờ nhất với tôi là lời giới thiệu của chủ biên tờ phụ san, Eduardo Zalamea Borda (bút danh Ulises), nhà phê bình lỗi lạc nhất của Colombia lúc bấy giờ, người nhạy bén nhất với sự xuất hiện của các trào lưu mới.

Mọi chuyện xảy ra bất ngờ đến nỗi khó mà kể lại được. Tháng 2 năm 1947, tôi ghi danh vào khoa Luật trường Đại học Quốc gia ở Bogotá, như tôi và bố mẹ đã đồng ý. Tôi sống ở trung tâm thành phố, ở một nhà trọ trên đường Florián mà cư dân hầu hết là những sinh viên đến từ duyên hải Đại Tây Dương như tôi. Các buổi chiều rảnh rỗi, thay vì đi làm thêm, tôi đọc sách không ở phòng thì ở những quán cà phê cho khách đến đọc. Sách tôi đọc tôi có được là nhờ cơ hội và may mắn, và nó phụ thuộc vào cơ hội nhiều hơn là vào chút may mắn nào của tôi, vì những người bạn có tiền mua nó chỉ cho tôi mượn trong một thời gian rất ngắn, đến nỗi tôi phải thức nhiều đêm liền để có thể trả sách đúng hạn. Nhưng không như những cuốn sách tôi từng đọc ở trường, ở Zipaquirá, thứ thuộc về lăng mộ của những tác giả đã được thần thánh hóa, nó giống như bánh mì mới ra lò, được in ở Buenos Aires trong những bản dịch mới sau một thời gian dài tạm ngừng xuất bản vì Chiến tranh Thế giới thứ II. Bằng cách ấy, tôi may mắn tìm được những tác giả vốn đã được phát hiện từ lâu: Jorge Luis Borges, D. H. Lawrence và Aldous Huxley, Graham Greene và G. K. Chesterton, William Irish và Kinda Mansfield, bên cạnh nhiều người khác.

Hầu hết các tác phẩm mới đều được trưng bày sau những ô cửa sổ không thể nào với tới của các hiệu sách, nhưng một số cuốn cũng được lưu hành trong các quán cà phê sinh viên, trung tâm truyền bá văn hóa tích cực của các sinh viên đại học đến từ tỉnh lẻ. Nhiều sinh viên còn đặt bàn từ năm này qua năm khác và nhận thư, thậm chí cả ngân phiếu, ở đó. Sự ưu ái của chủ quán hay các nhân viên đáng tin cậy của họ đóng vai trò quan trọng trong việc cưu mang nhiều sự nghiệp sinh viên, và không ít chuyên gia trong nước mang nợ các mối quan hệ ở các quán cà phê hơn là mang nợ những giảng viên gần như vô hình.

Quán ruột của tôi là El Molino, nơi các nhà thơ lớn tuổi hơn thường lui tới, cách nhà trọ của tôi đâu có hai trăm mét, tại góc giao giữa Đại lộ Jiménez de Quesada và Phố Carrera Séptima. Sinh viên không được đặt chỗ ở El Molino, nhưng chắc chắn chúng tôi học được nhiều điều từ những cuộc chuyện trò văn chương mà mình nghe được khi rúc vào những cái bàn gần đó và hiểu rõ hơn là từ sách giáo khoa. Đó là một quán cà phê rất lớn, thanh lịch theo phong cách Tây Ban Nha, và tường quán được họa sĩ Santiago Martínez Delgado trang trí bằng những cảnh Don Quixote chiến đấu với cối xay gió. Dẫu không có bàn riêng, tôi luôn luôn thu xếp với các nhân viên phục vụ để được ngồi gần nhất có thể với bậc thầy León de Greiff—râu ria, cộc cằn, lôi cuốn—người thường bắt đầu cuộc tertulia, cuộc chuyện trò văn chương của ông lúc nhá nhem với một số nhà văn nổi tiếng nhất lúc bấy giờ, và kết thúc lúc nửa đêm với các học trò cờ vua của ông, ngất ngư bên rượu rẻ tiền. Không có mấy ai có tên tuổi lớn trong nền nghệ thuật văn chương đất nước mà không ngồi bên căn bàn ấy ít nhất một lần, và chúng tôi giả chết ở bàn của mình để không bỏ lỡ một từ nào. Tuy thường nói về đàn bà và những mưu đồ chính trị hơn là nói về nghệ thuật hay tác phẩm của mình nhưng lúc nào họ cũng nói lên điều gì đó mới mẻ với chúng tôi.

Chăm chú nhất trong chúng tôi là những người đến từ duyên hải Đại Tây Dương, gắn bó với nhau nhờ sách vở hơn là nhờ những âm mưu của người Caribê chống lại người Cachacos—người miền núi. Một hôm Jorge Álvaro Espinosa, chàng sinh viên luật đã dạy tôi lèo lách qua Kinh Thánh và bắt tôi học thuộc lòng những người bạn đồng hành của Job, đặt một pho sách vĩ đại lên bàn trước mặt tôi và tuyên bố, với quyền uy của một vị giám mục, “Đây là cuốn Kinh Thánh khác.”

Đó tất nhiên là Ulysses của James Joyce, cuốn tiểu thuyết mà tôi đọc chút một, cứ dừng rồi lại đọc, cho đến khi bắt đầu mất kiên nhẫn. Đây là sự hỗn hào của tuổi trẻ. Nhiều năm sau, khi đã là một người trưởng thành đứng đắn hơn, tôi đặt cho mình nhiệm vụ đọc lại nó một cách nghiêm túc, và điều đó không chỉ giúp tôi khám phá ra một thế giới đích thực mà tôi chưa bao giờ nghĩ là có ở trong mình, mà còn cho tôi sự giúp đỡ vô giá về mặt kỹ thuật trong việc giải phóng ngôn ngữ, xử lý thời gian và cấu trúc trong những cuốn sách của riêng mình.

Một trong những người bạn cùng phòng của tôi ở căn nhà trọ là Domingo Manuel Vega, sinh viên y, bạn của tôi từ thời thơ ấu ở thành phố Sucre và cùng chia sẻ thói phàm sách với tôi. Một hôm Vega mang về ba cuốn sách mới mua, cho tôi mượn một cuốn ngẫu nhiên, như mọi lần, để tôi đọc cho dễ ngủ. Nhưng lần này thì phản tác dụng: tôi không bao giờ có thể ngủ yên bình như trước nữa. Cuốn sách ấy là Hóa thân của Franz Kafka—bản dịch do nhà Losada xuất bản ở Buenos Aires—và nó đã xác định một hướng đi mới cho cuộc đời tôi ngay từ câu mở đầu, mà ngày nay được xem là một trong những biện pháp vĩ đại của văn chương thế giới: “Một buổi sáng tỉnh dậy sau những giấc mơ xáo động, nằm trên giường, Gregor Samsa thấy mình đã biến thành một con bọ khổng lồ.”

Đó là những cuốn sách bí ẩn với những vách đá nguy hiểm, không chỉ khác mà còn thường xuyên trái ngược với mọi thứ tôi từng biết trước đó. Chúng cho tôi thấy việc chứng minh sự thật là không cần thiết: với tác giả, để cho nó là thật thì viết là đủ, không cần bằng chứng nào ngoài sức mạnh của tài năng và thẩm quyền trong giọng nói của anh ta. Đó là sự trở lại của Scheherazade, không phải trong thế giới ngàn ngày của nàng, nơi mọi thứ đều khả dĩ, mà là trong một thế giới không thể khôi phục nữa, nơi mọi thứ đều đã mất.

Đọc xong Hóa thân, tôi cảm thấy một khao khát không thể cưỡng lại được, đó là muốn sống ở thiên đường xa lạ kia. Mỗi ngày mới tôi lại ngồi trước cái máy đánh chữ di động mà Vega cho tôi mượn, cố gắng viết gì đó giống câu chuyện một nhân viên quèn bỗng biến thành một con gián khổng lồ của Kafka. Những ngày sau đó tôi không đến trường vì sợ đánh mất sự tập trung, và tiếp tục, đổ những giọt mồ hôi ghen tị, cho đến khi Eduardo Zalamea Borda cho đăng một bài viết ảm đạm, than thở sự thiếu vắng những cái tên đáng nhớ trong thế hệ nhà văn mới của Colombia, và ông không thấy có gì trong tương lai có thể cải thiện tình hình. Tôi không biết mình có quyền gì mà lại cảm thấy bị bài viết ấy thách thức, nhân danh thế hệ tôi, nhưng tôi bắt đầu câu chuyện một lần nữa để chứng minh ông ấy lầm. Tôi xây dựng trên cốt truyện ý tưởng về một cái xác có ý thức trong Hóa thân, nhưng gạt bỏ khỏi câu chuyện những bí ẩn sai lầm và những định kiến bản thể luận của nó.

Tuy nhiên, tôi cảm thấy không chắc chắn đến mức không dám nói về nó với ai trong các bạn cùng bàn ở El Molino. Ngay cả với Gonzalo Mallarino, bạn học ở khoa luật, độc giả duy nhất của những bài văn xuôi trữ tình tôi viết cho qua sự tẻ nhạt của các lớp học. Tôi đọc lại và sửa lại truyện ngắn của mình cho đến khi kiệt sức, và cuối cùng tôi viết một lời nhắn cá nhân cho Eduardo Zalamea, người mà tôi chưa từng gặp mặt, đến bây giờ tôi không còn nhớ là đã viết gì nữa. Tôi bỏ mọi thứ vào một cái phong thư và tự tay mang đến lễ tân ở tờ El Espectador. Nhân viên lễ tân cho tôi lên tầng hai để tự tay đưa cho Zalamea, nhưng ý nghĩ đấy làm tôi hoảng sợ. Tôi bỏ phong thư lên bàn lễ tân và bỏ chạy.

Hôm đó là thứ Ba, và tôi không bị bất cứ linh tính nào về số phận của truyện ngắn ấy làm phiền. Tôi chắc chắn là nếu được in thì nó sẽ được in sớm thôi. Trong thời gian đó, suốt hai tuần lễ, tôi lang thang khắp quán cà phê này đến quán cà phê khác để giảm bớt nỗi bồn chồn chiều thứ Bảy, cho đến ngày 13 tháng 9, khi tôi đến El Molino và thấy nhan đề truyện ngắn của mình được in ngang khổ tờ El Espectador mới ra: “La tercera resignación.”

*

Phản ứng đầu tiên là tôi nhận ra mình không có năm xu để mua tờ báo. Đây là biểu tượng rõ nhất cho cái nghèo của tôi, bởi vì ngoài tờ báo có nhiều thứ cơ bản trong đời sống thường ngày cũng mất năm xu: xe điện, điện thoại công cộng, một tách cà phê, một lần đánh giày. Tôi chạy đầu trần ra phố dưới đều đều mưa bụi, nhưng trong các quán cà phê gần đó không ai mà tôi quen có thể cho tôi một hào từ thiện. Tôi cũng không thấy ai ở nhà trọ vào cái giờ chết của chiều thứ Bảy ngoài bà chủ nhà, mà tìm thấy bà ấy thì cũng bằng không, vì tôi còn đang nợ số tiền gấp bảy trăm hai mươi lần cái chỗ năm xu cho hai tháng tiền nhà và tiền ăn. Khi ra ngoài lần nữa, sẵn sàng cho mọi chuyện, tôi gặp một người mà Chúa gửi tới: ông bước xuống taxi, tay cầm tờ El Espectador, và tôi đến hỏi thẳng liệu tôi có thể xin nó được không.

Và thế là tôi đọc truyện ngắn đầu tay của mình, bản in, với hình minh họa của Hernán Merino, họa sĩ chính cho tờ báo. Tôi đọc một mạch, trốn trong phòng, tim đập thình thịch. Trong dòng nào tôi cũng thấy sức mạnh đè nát của in ấn, vì cái tôi đã xây dựng với rất nhiều tình yêu và đau khổ, như một sự bắt chước khiêm tốn một thiên tài thế giới, tôi nhận ra lại là một lời độc thoại yếu ớt, mơ hồ, chỉ được duy trì bởi ba bốn câu an ủi. Gần hai mươi năm sau tôi mới dám đọc lại nó lần thứ hai, và đánh giá của tôi khi ấy thậm chí còn ít nhẹ nhàng hơn.

Chuyện khó xử nhất là đám bạn xông vào phòng tôi với những tờ báo và ca ngợi một câu chuyện mà tôi dám chắc là họ không hiểu. Trong số các bạn học ở trường, một số người khen ngợi, một số người thấy nó khó hiểu, và một số người tinh ý hơn thì không đọc quá dòng thứ tư, nhưng Gonzalo Mallarino, người có khiếu đánh giá văn chương mà tôi không dễ nghi ngờ, thì lại hết lòng ngưỡng mộ.

Nỗi bất an lớn nhất lại có liên quan đến đánh giá của Jorge Álvaro Espinosa, người có lưỡi kiếm phê bình nguy hiểm không chỉ trong vòng tròn nhỏ chúng tôi. Tôi có những cảm xúc trái ngược: tôi muốn gặp anh để giải quyết sự không chắc chắn của mình một lần cho xong, nhưng ý nghĩ phải đối diện với anh làm tôi sợ. Anh biến mất cho đến ngày thứ Ba, không phải là chuyện bất thường với một người suốt ngày cắm đầu vào đọc, rồi khi xuất hiện lại ở quán El Molino thì anh bắt đầu nói với tôi không phải về truyện ngắn, mà về sự liều lĩnh của tôi.

“Tôi cho là cậu đã nhận ra cái rắc rối mà cậu đã đâm đầu vào,” anh nói, cặp mắt xanh hổ mang nhìn thẳng vào mắt tôi. “Giờ cậu đã ở trong cái tủ kính trưng bày các nhà văn được công nhận, có rất nhiều thứ cậu phải làm để xứng đáng với nó.”

Ý kiến của anh là ý kiến duy nhất có thể ảnh hưởng đến tôi như ý kiến của Ulises, và tôi sợ đến nỗi hóa đá. Nhưng trước khi anh nói xong, tôi quyết định rào trước với anh cái mà tôi xem và sau này luôn luôn xem là sự thật: “Truyện ngắn đó là một truyện vớ vẩn.”

Anh điềm tĩnh trả lời rằng anh chưa thể nói gì vì mới chỉ có đủ thời gian để xem qua nó. Nhưng anh giải thích là, ngay cả khi nó có dở như tôi nói, hy sinh cái cơ hội vàng mà cuộc đời đã trao cho tôi là rất phí phạm.

“Dù sao đi nữa, nó cũng đã thuộc về quá khứ,” anh kết luận. “Cái quan trọng bây giờ là truyện ngắn tiếp theo.”

Tôi đã đủ lúng túng và dại dột để tìm những lập luận theo hướng ngược lại, cho đến khi tôi hiểu là không lời khuyên nào mà tôi từng nghe có thể thông minh hơn lời khuyên ấy của anh. Anh giải thích cái ý tưởng không thể lay chuyển của anh là bạn phải hình dung ra câu chuyện trước, sau đó mới là phong cách, nhưng hai cái đó phụ thuộc lẫn nhau trong một sự phục dịch lẫn nhau, đó là cây đũa thần của các tác phẩm kinh điển. Anh cũng dành thời gian nhắc lại quan điểm mà anh vẫn nói thường xuyên, đó là tôi cần đọc các tác phẩm Hy Lạp cổ một cách sâu sắc, không thiên vị, và không chỉ Homer—người duy nhất mà tôi đã đọc để có thể tốt nghiệp tú tài. Tôi hứa sẽ đọc, và muốn nghe những cái tên khác, nhưng anh đổi chủ đề và bắt đầu nói về cuốn Bọn làm bạc giả của André Gide mà anh đọc cuối tuần vừa rồi. Tôi chưa bao giờ đủ can đảm để nói cuộc trò chuyện của chúng tôi có thể sẽ quyết định dòng chảy của cuộc đời tôi sau này. Tôi thức cả đêm để dựng dàn ý cho truyện ngắn tiếp theo, nó sẽ không có những khúc quanh của truyện thứ nhất.

*

Tôi ngờ rằng những người nói chuyện với tôi về truyện ngắn đầu tay không ấn tượng với nó—truyện ngắn mà có lẽ họ không đọc hoặc, tôi chắc chắn, không hiểu—bằng việc nó được xuất bản với sự phô trương như vậy trên một tờ báo quan trọng. Trước hết, tôi nhận ra hai khuyết điểm lớn của tôi là hai khuyết điểm lớn nhất có thể có: sự vụng về trong viết lách và sự vô tri về trái tim con người. Cả hai đều hiển hiện trong truyện ngắn đó, một kiểu suy tư rối rắm, trừu tượng mà tôi làm cho tệ hơn bằng cách lạm dụng những cảm xúc giả tạo.

Tìm trong ký ức những tình huống đời thực cho truyện ngắn thứ hai, tôi nhớ là một trong những người phụ nữ xinh đẹp nhất mà tôi biết hồi nhỏ đã nói với tôi rằng cô ước mình có thể ở trong con mèo xinh xắn mà cô đang vuốt ve trong lòng. Khi tôi hỏi tại sao, cô nói, “Vì nó đẹp hơn chị.” Chuyện này cho tôi điểm khởi đầu của truyện ngắn thứ hai, cùng với một nhan đề hấp dẫn: “Eva trong con mèo của nàng.” Phần còn lại, giống như câu chuyện trước, được bịa ra từ hư không và cũng với lý do ấy—như chúng tôi thường nói ngày ấy—nó mang trong nó những hạt giống sự hủy diệt của chính mình.

Truyện thứ hai được xuất bản với sự phô trương giống như truyện ngắn đầu, hôm thứ Bảy ngày 25 tháng 10, 1947, với minh họa của Enrique Grau, một ngôi sao đang lên trên bầu trời Caribê. Tôi bất ngờ với việc các bạn mình đã chấp nhận đây là một việc bình thường và tôi đã là một nhà văn nổi tiếng. Mặt khác tôi lại thấy khổ sở với những lỗi lầm, nghi ngờ những thành công, nhưng vẫn giữ niềm hy vọng. Đỉnh điểm là mấy ngày sau, Eduardo Zalamea với bút danh thường dùng của ông, Ulises, đi một lời trong cột báo thường nhật của ông trên tờ El Espectador. Nó đi thẳng vào vấn đề: “Những độc giả của Fin de Semana, phụ san văn chương của tờ báo này, sẽ nhận thấy sự xuất hiện của một tài năng mới và đặc sắc với một tính cách mạnh mẽ.” Và hơn nữa: “Trong trí tưởng tượng bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra, nhưng biết cách thể hiện nó một cách tự nhiên, đơn giản mà không làm xước xát viên ngọc được bồi đắp ở đó, đó không phải là việc mà chàng trai hai mươi bốn tuổi nào vừa bắt đầu mối quan hệ với văn chương cũng có thể làm được.” Và ông kết luận không do dự: “Ở García Márquez, một nhà văn mới và đáng chú ý đã ra đời.”

Nó làm tôi sửng sốt với niềm vui sướng—sao lại không cơ chứ!—nhưng đồng thời nó cũng làm tôi lo lắng vì Zalamea đã không chừa lối ra nào cho ông. Bây giờ ông đã nói những gì ông nói, tôi có bổn phận phải diễn giải lòng quảng đại của ông như một lời kêu gọi lương tâm của chính mình, một lời kêu gọi sẽ còn vang mãi suốt phần đời còn lại.

*

Bất chấp sự vắng mặt thường xuyên và tính cẩu thả của mình, tôi vẫn qua được những lớp luật dễ dàng của năm nhất nhờ học dồn và qua những lớp khó hơn bằng cách sử dụng mánh khóe cũ là trốn tránh câu hỏi bằng những mánh khóe tinh vi hơn. Sự thật là tôi không thấy thoải mái với chính mình và không biết làm thế nào để tiếp tục mò mẫm trên con đường cụt đó. Tôi không hiểu luật bằng và cũng không hứng thú với nó so với bất cứ môn học nào ở trung học, và tôi cảm thấy mình đã đủ trưởng thành để ra quyết định. Nói ngắn gọn, sau mười sáu tháng sống sót kỳ diệu, tất cả những gì tôi có được là một nhóm bạn tốt cho đến hết đời.

Mối quan tâm ít ỏi của tôi dành cho luật lại càng ít hơn sau khi bài viết của Ulises xuất hiện. Ở trường, một số sinh viên bắt đầu gọi tôi là Maestro và giới thiệu tôi là nhà văn. Chuyện này trùng hợp với quyết tâm của tôi là tìm cách xây dựng một câu chuyện vừa đáng tin cậy vừa tuyệt vời nhưng không có vết nứt. Tôi có vài hình mẫu xa xôi lý tưởng, như vở Oedipus Rex của Sophocles, trong đó nhân vật chính đi tìm kẻ giết cha mình để rồi phát hiện ra mình mới chính là kẻ giết người; “Bàn tay khỉ” của W. W. Jacobs, truyện ngắn hoàn hảo trong đó mọi chuyện diễn ra đều bất ngờ, “Viên mỡ bò” của Maupassant; và rất nhiều tội nhân vĩ đại khác, cầu xin Chúa giữ họ trong vương quốc thánh của Ngài.

Một tối Chủ nhật, rốt cuộc cũng có một chuyện xảy ra với tôi mà đáng để kể lại. Tôi dành gần như cả ngày để trút những nỗi bực dọc của một nhà văn lên Gonzalo Mallarino ở nhà cậu ta ở Đại lộ Chile, và đang về nhà trọ trên chuyến xe điện cuối cùng thì một con nhân dương (nửa người nửa dê) bằng xương bằng thịt lên xe ở ga Chapinero. Phải, tôi nói là một con nhân dương. Tôi nhận thấy có rất ít vị khách trên xe điện lúc nửa đêm bất ngờ khi thấy nó, và điều đó làm tôi nghĩ đó chỉ là một người hóa trang bán đồ trong công viên trẻ em. Nhưng thực tế thuyết phục tôi đừng nghi ngờ gì nữa: sừng và râu của nó giống hệt như một con dê, khi nó đi qua tôi thấy mùi hôi thối. Với điệu bộ của một trưởng tộc, nó xuống xe trước Đường 26, con đường có nghĩa trang và biến mất giữa những tán cây trong công viên.

Sau nửa đêm bị tiếng tôi trở mình đánh thức, Domingo Manuel Vega hỏi tôi có chuyện gì. “Chỉ là có một con nhân dương lên xe điện,” tôi bảo, nửa mê nửa tỉnh. Cậu ta vẫn tỉnh táo khi trả lời tôi là nếu là cơn ác mộng thì chắc là do tiêu hóa kém, điển hình của các bữa Chủ nhật, nhưng nếu đó là chủ đề cho truyện ngắn tiếp theo thì thật là tuyệt. Sáng hôm sau tôi không biết mình đã nhìn thấy một con nhân dương trên xe hay chỉ là ảo giác. Tôi bắt đầu thừa nhận là mình ngủ gật, mệt mỏi lúc cuối ngày, và có một giấc mơ sống động đến mức không phân biệt được với thực tế. Nhưng cuối cùng thì điều cốt yếu không phải là liệu con nhân dương có thật hay không, mà là tôi đã trải qua cái kinh nghiệm đó như thể nó là thật. Và cũng với lý do ấy, dù thực tế hay là mơ, coi chuyện này là sự bỏ bùa của trí tưởng tượng cũng không có nghĩa lý gì. Nó, về cơ bản, là một trải nghiệm huyền ảo trong cuộc đời tôi.

Tôi viết truyện ngắn thứ ba vào ngày hôm sau, một mạch, rồi nhét nó dưới gối, đọc lại nó nhiều đêm trước khi đi ngủ và mỗi sáng tỉnh dậy. Đó là một miêu tả trần thuật chuyến đi trên xe điện, hệt như nó diễn ra và theo một phong cách ngây thơ như một thông báo làm lễ rửa tội trên mục xã hội. Cuối cùng, bị săn đuổi bởi những nghi ngờ mới, tôi quyết định gửi nó đến phép thử không thể sai lầm của in ấn, không phải trên tờ El Espectador nữa mà trên phụ san văn chương của tờ El Tiempo. Có lẽ đây là một cách để tôi đối diện với một đánh giá khác với đánh giá của Eduardo Zalamea, và không lôi ông vào một cuộc phiêu lưu mà ông không có lý do gì để chia sẻ. Tôi đi gửi câu chuyện với một người bạn ở cùng nhà trọ, kèm một lá thư cho biên tập viên mới và rất trẻ của tờ Suplemento Literario de El Tiempo. Nhưng truyện ngắn ấy không được xuất bản và thư của tôi cũng không được trả lời.

*

Các tác phẩm được xuất bản trên tờ El Espectador, bên lề sự thành công văn học, đã tạo ra những vấn đề trần tục và buồn cười khác cho tôi. Những người bạn lầm lạc chặn tôi lại trên phố để hỏi những khoản vay sẽ cứu sống họ, bởi họ không thể tin một nhà văn được giới thiệu nổi bật như thế lại không nhận được những khoản tiền khổng lồ cho truyện ngắn anh ta viết. Rất ít người tin khi tôi nói thật: tôi chưa từng được nhận một xu nào cho những truyện ngắn ấy và cũng không mong được nhận, bởi vì đó không phải là thông lệ của báo chí trong nước. Nghiêm trọng hơn là nỗi thất vọng của cha tôi khi ông nhận ra tôi không thể tự lo cho mình ở thời điểm mà ba trong bảy người con của ông đang đi học. Gia đình trợ cấp cho tôi ba mươi đồng mỗi tháng. Tiền nhà đã mất đến mười tám đồng, đấy là bữa sáng còn không có trứng, và tôi thấy mình luôn phải tiêu đến chỗ tiền đó cho những chi phí không lường trước. Tôi không biết mình có thói quen vô thức vẽ lên lề báo, lên giấy ăn trong nhà hàng, lên bàn đá ở những quán cà phê từ đâu ra. Nhưng một người quen biết ở quán El Molino, người có đủ ảnh hưởng ở một bộ để được sắp đặt làm người vẽ kỹ thuật dù không biết vẽ một chút nào, đề nghị tôi làm việc thay cho anh ta và chia đôi tiền lương. Trong đời tôi không bao giờ tiến gần đến mức bị tha hóa như thế nữa, nhưng không gần đến mức tôi phải ăn năn.

Mối quan tâm âm nhạc của tôi cũng lớn lên ở thời điểm đó, khi những ca khúc phổ biến của vùng Caribê mà tôi đã ngấm cùng dòng sữa mẹ tiến vào Bogotá. Chương trình radio có lượng thính giả lớn nhất là “Giờ Duyên hải” do Don Pascual Delvecchio dẫn, như một vị đại sứ âm nhạc từ vùng duyên hải Đại Tây Dương. Nó phát vào sáng Chủ nhật và trở nên phổ biến đến nỗi các sinh viên đến từ vùng Caribê sẽ đến văn phòng đài phát thanh nhảy múa cho đến cuối chiều. Chương trình đó là nguồn gốc của sự phổ biến của dòng âm nhạc chúng tôi trong vùng nội địa đất nước, và sau này ở cả những vùng xa xôi nhất. Nó thậm chí còn cho các sinh viên đến từ vùng duyên hải một phương tiện tiến bộ xã hội ở Bogotá.

Bất lợi duy nhất cho các sinh viên Caribê ở thủ đô là bóng ma của tục hôn nhân cưỡng ép. Tôi không biết tiền lệ hiểm ác nào đã thúc đẩy cái niềm tin ở vùng duyên hải là các cô gái ở Bogotá rất dễ dãi với các chàng trai duyên hải và lừa chúng tôi lên giường để chúng tôi buộc phải cưới họ. Và họ làm thế không vì tình yêu mà vì hy vọng được sống với một ô cửa sổ nhìn ra biển. Tôi không tin chuyện đó. Trái lại, những ký ức khó chịu nhất trong đời tôi là về những nhà thổ nham hiểm ở ngoại ô Bogotá, nơi chúng tôi thường đến để giải rượu. Trong cái nhà thổ bẩn thỉu nhất, tôi suýt nữa thì bỏ lại mạng sống nhỏ bé của mình khi một cô gái mà tôi vừa ngủ cùng trần truồng xuất hiện trong hành lang, hô hoán lên là tôi đã trộm mười hai đồng trong ngăn kéo bàn trang điểm. Hai gã ma cô đánh gục tôi, chưa thỏa mãn với việc lấy nốt hai đồng tôi còn sau một phiên ăn nằm tai hại, họ lột hết mọi thứ, cả giày của tôi, để tìm cho kỳ được số tiền bị lấy cắp. Họ vừa quyết định không thủ tiêu tôi mà đem giao cho cảnh sát thì cô gái nhớ ra ả vừa giấu tiền đi chỗ khác, và ả thấy tiền ở đó, nguyên vẹn.

Không lâu sau đó, cuối cùng tôi cũng quyết định không phí thời gian vào khoa luật nữa, nhưng không đủ dũng cảm để đối diện với bố mẹ một lần cho xong. Họ bảo tôi là họ rất hài lòng với kết quả tú tài và năm nhất của tôi nên họ gửi tôi—qua tay anh tôi Luis Enrique, người vừa đến Bogotá và tìm được một công việc khấm khá hồi tháng 2 năm 1948—cái máy đánh chữ nhẹ và hiện đại nhất trên thị trường hồi đó làm quà bất ngờ. Đó là cái máy đánh chữ đầu tiên tôi có, cũng là cái ít may mắn nhất, bởi vì cũng hôm đó chúng tôi đem cắm nó lấy mười hai đồng để tiếp tục bữa tiệc chào mừng với anh trai tôi và các bạn ở cùng nhà trọ. Ngày hôm sau, với cái đầu váng vất, chúng tôi tới tiệm cầm đồ để chắc chắn cái máy đánh chữ vẫn ở đó, còn nguyên tem, và đảm bảo nó sẽ ở trong tình trạng tốt trước khi tiền chuộc nó từ trên trời rơi xuống. Chúng tôi đã có một cơ hội tốt với số tiền mà anh bạn vẽ kỹ thuật đểu trả cho tôi, nhưng đến phút cuối chúng tôi quyết định hoãn việc chuộc lại. Mỗi lần hai anh em đi qua tiệm cầm đồ, cùng nhau hay đi một mình, chúng tôi lại xác nhận từ ngoài phố là cái máy đánh chữ vẫn còn ở đó, được bọc như một viên ngọc trong giấy bóng kính thắt nơ sa tanh, giữa các hàng đồ dùng gia dụng được bảo quản tốt. Một tháng sau, những tính toán vui vẻ của chúng tôi trong cơn say vẫn chưa được thực hiện, nhưng cái máy đánh chữ vẫn còn an toàn và sẽ ở lại đó miễn là chúng tôi còn trả lãi hằng quý.

Nguyễn Huy Hoàng dịch từ bản tiếng Anh của Edith Grossman

Một bản của bản dịch này được đăng lần đầu trên Văn nghệ Quân đội số 929 (cuối tháng 11/2019).

Advertisement

One comment on “Tôi trở thành nhà văn như thế nào – Gabriel García Márquez

  1. HA
    November 26, 2019

    Hình như trong quyển hồi ký bác ý cũng kể mấy chuyện như này thì phải.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on November 17, 2019 by in Hồi ký and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: