Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Điều mong đợi ở chúng ta” – Ted Chiang

ted chiang.jpg

Illustration by R. Kikuo Johnson for The New Yorker

Ted Chiang (1967–) là nhà văn khoa học giả tưởng người Mỹ. Các tác phẩm của anh đã đoạt bốn giải Nebula, bốn giải Hugo, và bốn giải Locus. Anh sống gần Seattle, Washington.

Điều mong đợi ở chúng ta

Đây là một cảnh báo. Xin hãy đọc cho kỹ.

Đến lúc này có lẽ các bạn đã thấy một cái Máy dự đoán; cho đến khi bạn đọc được những dòng này thì hàng triệu máy đã được bán ra. Cho những ai chưa thấy nó, đó là một thiết bị nhỏ, như điều khiển để mở cửa ô tô. Nó chỉ có một nút bấm và một cái đèn LED lớn màu xanh lá cây. Đèn sẽ nháy nếu bạn bấm nút. Cụ thể, đèn sẽ nháy một giây trước khi bạn bấm nút.

Hầu hết mọi người đều nói khi lần đầu dùng nó, họ thấy như đang chơi một trò kỳ lạ, với mục tiêu là nhấn nút sau khi đèn nháy, và cái đó thì dễ. Nhưng khi cố phá vỡ luật chơi thì bạn mới nhận ra là bạn không thể. Nếu bạn cố nhấn nút khi đèn chưa nháy, đèn lập tức nháy lên, và dù có nhanh cỡ nào, bạn cũng không bao giờ nhấn được nút trước khi một giây đã trôi qua. Nếu bạn chờ đèn nháy, định sẽ không nhấn nút sau đó, đèn không bao giờ nháy. Dù bạn có làm gì thì đèn cũng luôn luôn nháy trước khi nhấn nút. Không có cách nào lừa được cái Máy dự đoán.

Trong mỗi Máy dự đoán là một mạch điện với độ trễ thời gian âm—nó gửi một tín hiệu về quá khứ. Những tác động đầy đủ của công nghệ này sẽ trở nên rõ ràng hơn về sau, khi người ta đạt được những độ trễ âm lớn hơn một giây, nhưng đây không phải là điều mà lời cảnh báo này muốn nói. Vấn đề trước mắt là cái Máy dự đoán chứng tỏ rằng không có gì là ý chí tự do.

Vẫn luôn có những lập luận cho thấy ý chí tự do là một ảo tưởng, một số dựa trên vật lý vững chắc, một số dựa trên luận lý đơn thuần. Hầu hết đều đồng ý rằng nó là không thể bác bỏ, nhưng không ai thực sự chấp nhận cái kết luận ấy. Cái trải nghiệm có ý chí tự do là quá lớn để một lập luận có thể bác bỏ. Cái cần là một minh chứng, và đó là cái mà Máy dự đoán đem lại.

Thông thường, người ta sẽ say mê chơi với Máy dự đoán trong nhiều ngày, cho bạn bè xem, dùng nhiều mưu mẹo để đánh bại nó. Họ có thể tỏ ra mất hứng thú với nó, nhưng không ai có thể quên nó mang ý nghĩa gì—trong những tuần sau đó, những hàm ý về một tương lai bất biến hiện rõ. Một số người, nhận ra những lựa chọn của mình là không quan trọng, từ chối không lựa chọn gì hết. Như một đội quân của Bartleby viên thư ký, họ không còn hành động tự phát. Cuối cùng, một phần ba những người chơi Máy dự đoán phải nhập viện vì không chịu ăn. Tình trạng cuối là chứng câm bất động, một dạng hôn mê mà vẫn tỉnh. Mắt họ vẫn theo dõi chuyển động, và đôi khi họ đổi tư thế, nhưng chỉ thế. Khả năng cử động vẫn còn, nhưng động lực đã mất.

Trước khi người ta bắt đầu chơi với Máy dự đoán, chứng câm bất động là rất hiếm gặp, một hậu quả của chấn thương ở vùng vành cung vỏ não trước. Giờ nó lây lan như một bệnh dịch nhận thức. Người ta từng hình dung về một ý nghĩ làm hủy hoại người nghĩ, một nỗi kinh hãi không thể nói nên lời kiểu Lovecraft, hay một mệnh đề Gödel làm sụp đổ hệ thống luận lý của con người. Hóa ra cái ý nghĩ gây hại ấy lại là cái ý nghĩ mà tất cả chúng ta đều đã gặp: cái ý tưởng rằng ý chí tự do không tồn tại. Nó chỉ chưa gây hại khi chúng ta còn chưa tin vào nó.

Các bác sĩ cố nói lý với bệnh nhân khi họ vẫn còn phản ứng với lời nói. Chúng ta đều đã sống những cuộc sống hạnh phúc và năng động, họ nói, mà khi ấy chúng ta cũng đâu có ý chí tự do. Sao phải thay đổi chuyện gì? “Không hành động nào của anh tháng trước lại được tự do lựa chọn hơn hành động của anh hôm nay,” một bác sĩ sẽ nói. “Bây giờ anh vẫn có thể cư xử kiểu đấy.” Các bệnh nhân luôn đáp, “Nhưng giờ thì tôi đã biết.” Và một số người không bao giờ nói gì nữa.

Một số người sẽ lập luận rằng việc Máy dự đoán gây ra sự thay đổi hành vi đồng nghĩa với việc chúng ta có ý chí tự do. Một cỗ máy tự động thì không thể bị nhụt chí, mà chỉ một thực thể có tư duy tự do mới có thể. Thực tế là một số người lâm vào chứng câm bất động trong khi những người còn lại thì không càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa ra một lựa chọn.

Thật không may, lý lẽ như thế là lầm lỗi: mọi dạng thức hành vi đều tương hợp với tất định luận. Một hệ động lực có thể rơi vào một vùng hấp dẫn và đi đến một điểm cố định, trong khi một hệ khác thì mãi mãi thể hiện hành vi hỗn loạn, nhưng cả hai đều hoàn toàn được định trước.

Tôi truyền lời cảnh báo này từ hơn một năm ở tương lai của các bạn: đây là thông điệp dài đầu tiên được tiếp nhận khi các mạch điện với độ trễ âm ở tầm một Mêga giây được dùng để lắp ráp các thiết bị truyền tin. Các thông điệp khác sẽ đến sau, đề cập những vấn đề khác. Thông điệp của tôi là thế này: hãy làm như mình có ý chí tự do. Điều cốt yếu là bạn phải cư xử như lựa chọn của mình có ý nghĩa, mặc dù bạn biết là không. Thực tế không quan trọng: cái quan trọng là niềm tin của bạn, và tin vào sự giả dối là cách duy nhất để tránh một cơn hôn mê mà vẫn tỉnh. Nền văn minh giờ đây phụ thuộc vào sự tự huyễn hoặc. Mà có lẽ nó vẫn luôn như thế.

Song tôi biết rằng, bởi ý chí tự do là một ảo tưởng, chuyện ai sẽ lâm vào chứng câm bất động còn ai thì không, tất cả đều đã được định trước. Không ai có thể làm gì để thay đổi tình hình—bạn không thể lựa chọn tác động mà Máy dự đoán gây nên cho bạn. Có người sẽ gục ngã và có người thì không, và tôi gửi cảnh báo này cũng không thay đổi được tỷ lệ ấy. Vậy sao tôi lại làm thế?

Vì tôi không có lựa chọn.

Ted Chiang, “What’s Expected of Us,” Exhalation: Stories (Knopf, 2019).

Copyright © 2019 by Ted Chiang | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on November 26, 2019 by in Truyện and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: