Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Về kiểm duyệt – Czesław Miłosz

czeslaw milosz

Photo by Ryszard Kornecki/PAP

Czesław Miłosz (1911–2004) là nhà văn, nhà thơ, và dịch giả người Ba Lan. Ông được trao giải văn chương quốc tế Neustadt năm 1978 và giải Nobel văn chương năm 1980.

Về kiểm duyệt

Từ “kiểm duyệt” ngay lập tức gây ra một phản ứng thù địch, vì trong truyền thống nó chỉ đến ý định của chính quyền, bất kể tôn giáo hay thế tục, nhằm kiềm chế sự tự do. Yếu tính của nền văn minh công nghệ phương Tây vốn xung khắc với kiểm duyệt, thứ tiền giả định rằng một chính quyền sẽ quyết định cái được phép và cái bị cấm, trong khi toàn bộ cuộc phiêu lưu của những khám phá và phát minh của phương Tây bắt đầu bằng một cuộc nổi dậy chống lại chính quyền. Cuốn giáo khoa nào cũng có thể cung cấp đầy đủ ví dụ về các nhà kiểm duyệt tự biến mình thành trò hề, bắt đầu bằng những kẻ bức hại Galileo và kết thúc bằng các thẩm phán ra lệnh tịch thu các tác phẩm văn học vì sự vô đạo đức, chính là các tác phẩm mà sau đó được đưa vào điển phạm bắt buộc đọc ở trường. Tuy nhiên, mặc dù các hệ thống nghị viện đã bảo đảm quyền tự do tìm hiểu khoa học và quyền tuyên bố các dị giáo chính trị, song vẫn có những nỗ lực trong thế kỷ chúng ta nhằm giữ lại khái niệm về một tội phạm chống lại cái gọi là đạo đức công cộng. Những nỗ lực như vậy, như chúng ta thấy bây giờ, đã phải chịu thất bại vì sự đe dọa ngày càng lớn của các nhà kiểm duyệt, những người đã bị đóng đinh là những kẻ ngu dốt và phản động. Có tầm quan trọng đáng kể ở đây là sự lo lắng của các giáo hội sẵn sàng nhượng bộ miễn là họ có thể duy trì hình ảnh mới của mình như là các thiết chế giác ngộ và tiến bộ. Thành trì của cái gọi là đạo đức công cộng đã sụp đổ khi khoảng trống đầu tiên xuất hiện trong tường—thỏa thuận chung về quyền bất khả xâm phạm của một tác phẩm nghệ thuật; tức là cái gì cũng có thể được mô tả bằng từ ngữ, những viên đá, đường nét, hoặc màu sắc nếu mục tiêu là “nghệ thuật.” Hai mươi năm trước các tác phẩm của Henry Miller đã bị cấm ở Mỹ, ngày nay chúng có thể được mua trong các ấn bản bìa mềm. Một ví dụ này là đủ để minh họa cho sự thay đổi tổng thể.

Kiểm duyệt, hoặc sự vắng mặt của nó, dường như bắt nguồn từ một lựa chọn cơ bản mà người ta không thể hình dung được những hệ quả khi đưa ra lựa chọn đó. Nếu, trong một số trường hợp, quyền tự do của cá nhân nên được hạn chế vì lợi ích chung, thì một lợi ích rất lớn sẽ biện minh cho giới hạn rất lớn—điều đó đồng nghĩa với quyền lực lớn trong tay những kẻ sẽ phán xét cái gì là tốt và cái gì là xấu đối với cộng đồng. Nhưng nếu đặc quyền đó không được trao cho bất kỳ ai thì khó có thể phủ nhận là mọi người đều có quyền tuyên bố triết lý riêng, ngay cả khi nó đưa ra những lý do sâu sắc và cơ bản để khuyên nên giết và ăn thịt người.

Ở Paris năm 1934, các nhà siêu thực đã xuất bản một tập thơ để vinh danh một tên tội phạm vị thành niên, Violette Nozière, bị kết án vào trại cải huấn vì đầu độc cha mẹ mình. Các nhà siêu thực, kết hợp Freud với Marx, đã mơ về một cuộc cách mạng sẽ lật đổ tài sản tư nhân cũng như đạo đức tư sản và biến mọi người thành một nhà thơ, tức là một người tốc ký vô thức của chính mình. Cha mẹ của Violette là tư sản, họ đàn áp cô, yêu cầu cô phải vâng lời họ, cấm cô ra ngoài qua đêm, vân vân. Cô đã đầu độc họ, và qua đó chứng minh các giá trị của cô là các giá trị của xã hội tự do trong tương lai. Cô đã làm “một hành động cách mạng.” Mặc dù trong các bài thơ ca ngợi hành động của cô, người ta có thể phát hiện ra một số suy ngẫm về sự tự ghê tởm tập thể khá phổ biến ở Pháp trong những năm ba mươi, tập thơ ấy chỉ xuất hiện trong một ấn bản nhỏ và ảnh hưởng của nó chắc chắn không vượt ra khỏi vòng tròn của nghệ thuật Bohemian. Nó đã thua trong cuộc cạnh tranh với một cuốn sách châu Âu khác, xuất bản có phần sớm hơn nhưng được hàng triệu người đọc, cũng đặt ra một sắp xếp tốt hơn cho xã hội, Mein Kampf. Pháp vẫn giữ các luật lệ chống lại các hành vi gây phẫn nộ cho công chúng, từ đó mà có các phiên xử các nhà xuất bản chuyên nội dung khiêu dâm. Nhưng không ai động đến các nhà xuất bản in sách khiêu dâm bằng tiếng Anh, sau đó được nhập lậu vào Anh, Canada và Mỹ. Cách đây mới mười năm tôi đọc Hồi ký của Fanny Hill, trong ấn bản duy nhất lúc đó, ấn bản Paris. Ngày nay cuốn tiểu thuyết khiêu dâm “kinh điển” ấy, mang trong mình mọi giá trị của một phong cách thế kỷ 18, có thể được mua bằng bản bìa mềm ở bất cứ đâu trên đất Mỹ. Tôi sẽ không vác tù và hàng tổng mà nói điều này là do cuốn sách đã được công nhận là “tác phẩm nghệ thuật” hay là do lằn ranh giữa các tác phẩm mang mục đích nghệ thuật với các tác phẩm không mang những mục đích ấy đã trở nên mờ nhạt một cách vô vọng. Tác giả, John Cleland, người viết cuốn sách vì tiền và sau đó cố gắng chuộc lại sự khinh suất của tuổi trẻ bằng cách viết những bản truyền đơn ngoan đạo, sẽ ngạc nhiên không chỉ một chút khi thấy trò giải trí của mình được xếp cùng với những bài rhapsody của Homer. Mục đích của cuốn sách ấy khá hạn chế: nó trình bày các thực hành tình dục trong ánh sáng hấp dẫn nhất có thể và có thể đóng vai trò là chất kích thích cho những người tình buồn chán và những cặp vợ chồng chậm chạp. Hơn nữa, thời gian trôi qua đã cho cuốn tiểu thuyết của Cleland những đặc điểm gần như là thôn dã. Người ta đọc nó với nỗi hoài niệm bởi chủ nghĩa hiện thực nhân tạo một cách trắng trợn và sự khẳng định của nó về những lạc thú đơn giản được hưởng mà không có sự thù hận với thế giới.

Các tác phẩm của Hầu tước de Sade, bao gồm Triết lý trong phòng ngủ, cũng có ấn bản bìa mềm, và điều khiến tôi quan tâm là sự đối lập bản năng của mình. Tôi cho phép hai khả năng ở đây: hoặc là tâm trí tôi, được định hình bởi Công giáo, chủ nghĩa Marx, hoặc đơn giản là bởi những cơn co giật lịch sử của châu Âu, có phần toàn trị và âm thầm chấp nhận cái ý tưởng nên kiểm soát sự nuôi dưỡng tinh thần cho “quần chúng”; tức là, nó nắm giữ kiến thức về cái gì lành mạnh và không lành mạnh đối với họ. Hoặc là nhờ khoảng cách của tôi với những đạo đức đang lên ngôi xung quanh, tôi dám phát hiện ra một vấn đề mà người khác không dám bởi vì như thế sẽ là bất tiện. Triết lý trong phòng ngủ chắc chắn là tác phẩm văn học bất nhã nhất từng được viết, và không phải vì nó mô tả một vòng tròn quý tộc thử một cách tập thể mọi hình thức giao hoan, với sự thích thú nổi trội với sự kê gian. Hình thức đối thoại cho tác phẩm một phẩm tính nhại, tính opera buffa, và người ta đọc nó với một nụ cười, dẫu là một điệu cười sớm nhường chỗ cho sự nhàm chán, bởi những mô tả bất tận về sự điên cuồng dâm đãng ở đây là đơn điệu.

Nhưng Sade cũng đề xuất một đạo đức mới và do đó là tiền thân của các nhà siêu thực đã xuất bản thơ để vinh danh kẻ đầu độc người, Violette Nozière. Các luật lệ thiêng liêng và con người được tạo ra để tước đi những đặc quyền tự nhiên khỏi cá nhân. Giải phóng bản thân khỏi những sự dối trá và đạo đức giả, con người tự do hoàn hảo coi niềm vui của chính mình là tiêu chuẩn duy nhất của thiện và ác. Tuy nhiên, các luật lệ thiêng liêng và con người không thể bị lật đổ một cách căn bản cho đến khi nó bị tấn công tại chính căn cứ của nó, nơi mà nó được mọi người chấp nhận một cách tự động. Ngay cả những triết gia táo bạo nhất cũng rùng mình trước khi vượt qua một lằn ranh nhất định. Chỉ có sự sẵn sàng giết người vì niềm vui của chính mình mới chứng minh rằng các Điều răn, những trói buộc hoàn toàn nhân tạo ấy, đã bị bỏ lại phía sau. Triết lý trong phòng ngủ là một khảo luận về sự giết người. Cô bé Eugenie mười sáu tuổi được dạy bảo dần dần; thoạt đầu là tình dục, nhưng sau này khi cô được khích lệ để bắt đầu phá bỏ những điều cấm đoán được truyền đạt cho cô ở nhà, cô háo hức với những bài học tiếp theo. Cô học được rằng người ta được tự do giết người. Nhưng người ta thường cho là có một điều tồi tệ hơn là giết một con người, và Eugenie đã vượt qua bài kiểm tra của mình theo một cách khác: cô thừa nhận cô ghét người mẹ bảo thủ của mình và vui vẻ đồng ý với kế hoạch trừng phạt bà. Cô nhìn, vỗ tay thích thú, khi mẹ mình bị dụ vào tòa lâu đài và bị hãm hiếp, không chỉ để làm nhục mà còn để lây bệnh giang mai cho bà.

Số phận của Hầu tước de Sade cho chúng ta thấy rằng một dư luận gắn buộc với một quy tắc đạo đức xác định thì rất thù địch với những đề xuất triết học như vậy và nó thể hiện sự tự tin rất lớn trong việc chống lại chúng. Trong khi việc in các tác phẩm như Triết lý trong phòng ngủ cho công chúng tiêu dùng có thể được giải thích như một sự suy yếu của các tiêu chuẩn đánh giá, một yếu tố khác có lẽ có sức nặng hơn ở đây: cái giả định ngầm rằng ảnh hưởng của chữ viết lên các thiết chế và đạo đức là nhỏ hoặc không tồn tại.

Mọi thứ mà tôi viết cho đến nay về kiểm duyệt đều có vẻ hoàn toàn lỗi thời đối với tôi, lỗi thời như các chế độ mà nhà nước trả lương cho một số lượng lớn quan lại chỉ để gạch bỏ toàn bộ các câu văn khỏi các cuốn tiểu thuyết hoặc, khi cần, cải thiện những câu thơ của nhà thơ. Người ta phải có khả năng nhìn thấy trang giấy in cùng với mọi thứ khác bao quanh chúng ta với số lượng có thể làm tổ tiên ta bối rối. Vô số người, ý tưởng, phương tiện truyền thông, hàng hóa được công nghệ sản xuất và bị ném ra mà chưa dùng hết! Hầu tước de Sade là một nhà cách mạng toàn diện, cấp tiến nhất trong các nhà cách mạng cấp tiến, và ông bắt đầu cái công cuộc triết lý của mình một cách nghiêm túc. Nhưng những cuốn sách của ông, giống như những cuốn sách nói chung, giờ đây đã điền vào một chức năng khác so với cái mà chúng từng làm. Chúng là những vật trưng bày trong một bảo tàng khổng lồ, không ngừng mở rộng, trong đó các tác phẩm nghệ thuật từ mọi nền văn minh và thời đại—cổ thư, Kinh thánh, Kinh Koran—là những người hàng xóm trong một cuộc hỗn loạn hổ lốn. Các mệnh lệnh cực đoan nhất trung hòa và tiêu diệt lẫn nhau, ngay lập tức biến thành “văn hóa.” Bộ máy kỹ thuật sản xuất ra ngôn ngữ nói, viết và ngôn ngữ hình ảnh chặn và chiếm dụng mọi cuộc nổi dậy cho mục đích riêng, bao gồm cả cuộc nổi dậy chống lại nó. Chương trình của các nhà vô chính phủ, những dự đoán về ngày tận thế, những tiếng khóc cho vụ ám sát chính trị, những hô hào chạy trốn vào núi rừng để dành thời gian chiêm nghiệm, những quảng cáo về các hội nhóm mà các thành viên của họ trần truồng gặp nhau và “trải nghiệm bản chất của người khác,” tuyên truyền ma túy, những bản thánh ca tôn vinh các chế độ toàn trị—tất cả đều có quyền bình đẳng và thỏa mãn những nhu cầu của thị trường. Một chút tận thế hoặc cách mạng sẽ làm sôi động thị trường, và nếu như không có nó thì sẽ cần phải phát minh ra nó cho những mục đích thương mại.

Kiểm duyệt trong vai trò cấm đoán đánh mất raison d’être của nó khi thế giới vật chất, hữu hình vẫn chống lại mọi thứ được nêu dưới dạng “như thể”; tức là với ngôn ngữ, khái niệm, biểu tượng. Thế giới vật chất, hữu hình có thể tồn tại mà không cần có những ý tưởng, thứ được thay thế bằng nhu cầu ở mọi nơi. Con người như một sinh vật kinh tế hành xử theo cách này thay vì cách khác, không phải vì những khái quát triết học nảy sinh trong đầu, mà vì anh ta phải thỏa mãn nhu cầu của mình và chỉ có thể làm thế bằng cách tuân thủ những luật lệ độc lập với ý chí của anh ta. Đó ít nhất dường như là tiền đề ẩn cho phép người ta nhìn văn hóa, nhìn bảo tàng với sự khoan dung hơn là sự thù địch, coi đó như một thứ “thỏa mãn sự tò mò trí tuệ” và cũng làm dịu đi sự nghiêm trọng của đời sống. Đây là một tiền đề có phần mơ hồ, bởi vì các phương tiện truyền thông đại chúng—cụ thể là ngôn ngữ—là động lực của một nền kinh tế không ngừng tạo ra những nhu cầu mới với sự trợ giúp của quảng cáo. Hơn nữa, không chắc là các ý tưởng bị khóa trong kho “văn hóa” có luôn luôn bằng lòng nằm trong đó hay không.

Hầu tước de Sade, bị làm cho gây sốc ít hơn bởi vị thế của ông như một kinh điển văn học và bởi phong cách cổ xưa của ông, cũng bị trung hòa hơn nữa bởi các đối thủ mới trong sự cực đoan luôn xuất hiện mỗi ngày. Tình dục và bạo lực trong các tác phẩm của ông hơi quá thông thường, không đủ gợi hình. Không mấy khi người ta vượt qua được sự thờ ơ của công chúng, kết quả của sự bắn phá liên tục, và giành được chút tiếng tăm. Sự thẳng thừng, ngắn gọn và tàn bạo của diễn đạt, cũng như những ý tưởng đơn giản hóa, được đánh giá cao bởi chúng có thể được truyền đạt bởi những “sự thật” rõ ràng và hữu hình nhất mà không liên quan đến bất kỳ lý do phức tạp nào. Những yêu cầu này hoàn toàn trái ngược với những yêu cầu được tìm thấy trong các hệ thống mà thị trường bị khinh miệt, nơi ngôn ngữ trở thành một mê cung của những ý nghĩa biến đổi, nơi kiểm duyệt són ra những “sự thật,” dẫu để diễn giải chúng phải mất rất nhiều nỗ lực. Ngôn ngữ của sự mô tả tự nhiên, gần như là đơn giản, dường như có hiệu quả rõ rệt trong cuộc đấu tranh giành sự chú ý và tiền bạc, trong khi sự diễn giải của một tác phẩm nhất định thì được xây vào trong chính cấu trúc của nó, được che giấu; tức là, hiện tượng được mô tả có xu hướng được xem như thực tế hiện thực. Điều này phải ủng hộ cho sự ồn ào và sặc sỡ; tức là tình dục và bạo lực có sân khấu trung tâm. Hơn nữa, từ ngữ cũng phải cạnh tranh với những bức tranh tĩnh và động, thứ đang giành chiến thắng trong cuộc đua giành quyền lực biểu đạt và đến lượt nó phải làm theo những đòi hỏi của người trả giá cao nhất.

Mắt chúng ta không được chừa lại một cái gì. Những cảnh mà cách đây không lâu chỉ có thể tìm thấy trong những cuốn tiểu thuyết của Cleland hay Sade đang ở ngay trước tôi trên màn hình. Sự đau khổ con người gây ra cho nhau, giết người, tàn sát hàng loạt, chiến tranh, có thể thấy trong khi chúng ta đang ngồi ở nhà (trên màn ảnh màu). Xem người ta giết người hay bị giết cũng không khác gì nhau: bạn đều xem. Không quan trọng tác giả, đạo diễn hay nhiếp ảnh gia muốn kích thích hay cảnh báo, vì các phương tiện được dùng đều như nhau. Có thể lấy bộ phim Bonnie và Clyde làm ví dụ cho sự mơ hồ này. Câu chuyện về một cặp tội phạm được trình bày như “lịch sử thực tế,” với độ chính xác tự nhiên, hoàn toàn không có nghĩa là nó không có “khuynh hướng,” nói theo một cách diễn đạt cũ. Người xem được đưa ra một bức tranh không tô hồng về các thị trấn nhỏ của vùng Trung Tây nước Mỹ vào những năm 1930. Sự trống rỗng tinh thần khủng khiếp, sự vô nghĩa của cuộc sống chỉ chạy theo sinh kế, chỉ để lại cho cá nhân có trí tưởng tượng lớn hơn một lối thoát, tội ác, bản anh hùng ca của những tâm hồn bị chà đạp. Có thể toàn bộ nước Mỹ đều như vậy khi ấy, mặc dù người ta ngờ rằng một sự thay đổi từ ngày hôm nay sang ngày hôm qua đã diễn ra ở đây, bởi vì đây chính xác là cách mà những người Mỹ trẻ, có học thức nhìn cuộc sống trong một thị trấn nhỏ—còi cọc, thấp hèn, vô nghĩa—và họ sẽ chạy trốn đến bất cứ nơi nào, thậm chí là Hollywood. Bộ phim Bonnie và Clyde, trái ngược với Bonnie và Clyde thực sự, hai kẻ dường như là những tên cướp tầm thường hơn, kể về những người nghèo bị tước đi di sản con người, đi bắn người khác bởi vì đó là cách duy nhất họ có thể lấy lại nhân phẩm, quyền được hy vọng của họ. Sự bất lực tình dục của nam chính rõ ràng là mang tính tượng trưng, cho thấy sự chối bỏ nghèo đói và thiếu thốn cơ bản bên trong của anh ta. Do đó, đây là một bộ phim phê phán xã hội, khác với những bộ phim phê phán xã hội được làm trước Thế chiến II, như The Grapes of Wrath: chúng nhấn mạnh sự bất công và nghèo nàn vật chất, trong khi ở đây, để phù hợp với xu hướng trí tuệ khác, sự chú trọng được đặt lên sự xa lánh, nghèo khổ tinh thần. Không kém quan trọng và thậm chí còn là khía cạnh thiết yếu nhất của bộ phim là những khối máu thịt, đau đớn, màu sắc, tất cả những gì mà camera sẽ không dám thể hiện vài thập niên trước. Chưa kể đến ảnh hưởng giáo dục của bộ phim: đối với các sinh viên ở Berkeley, Bonnie và Clyde là một cảnh tượng khơi dậy sự thương hại và hãi hùng, một bộ phim chống lại bạo lực và gián tiếp chống chiến tranh Việt Nam. Nhưng chắc chắn nhiều người khác xem phim đã bị kích thích theo những cách khác, thích thú trong thơ ca của nổi loạn và những phát súng ngắn trúng đích. Vấn đề là cả hai đều không thể xóa được những khối máu thịt đó ra khỏi trí tưởng tượng của họ.

Trí tưởng tượng của chúng ta có năng lực lớn hơn trí tưởng tượng của thế hệ trước. Sự hãi hùng khi đó cũng như bây giờ là một phần của sự tồn tại, nhưng trước đây mọi thứ đã được sắp xếp sao cho sự hãi hùng ấy được lọc ra khỏi cuộc sống hàng ngày. Ngay cả ở những nước hiểm ác nhất—chẳng hạn như nước Anh công nghiệp hóa, nơi truyền cảm hứng cho cơn thịnh nộ của Karl Marx—vẫn có những khu vực dịu dàng và yên bình. Ở Nga, các thuộc địa tội phạm vùng Siberia vẫn còn là mối đe dọa mơ hồ, và ngay cả Dostoevsky trong Ngôi nhà chết cũng đã bỏ đi rất nhiều. Câu chuyện về sự nghèo đói của nông dân dường như là tin tức từ một quốc gia xa lạ. Việc săn lùng người da đen ở châu Phi và vận chuyển nô lệ chắc chắn đã gây nhức nhối cho các cư dân châu Âu, nhưng không phải là tất cả, vì nó xảy ra ở rất xa và đôi mắt của họ không bị phơi bày trước sự đau khổ. Người ta bị giết trong chiến tranh, nhưng không ai quay phim trực tiếp. Nhân loại được chia thành những người nói nhưng biết hoặc muốn biết ít, và những người biết rất nhiều nhưng im lặng.

Tất cả các phòng ngủ, tất cả các chiến trường! Các Phật tử tự thiêu để phản đối chiến tranh đã chết trong một đấu trường lớn hơn bất kỳ đấu trường nào ở Roma cổ đại. Và ở Việt Nam, cũng là lần đầu tiên, kẻ thù đã bị bắn và người ta đã ngã xuống khi đang bị quay phim. Người châu Âu, có khuynh hướng tự thương hại, với ký ức giữ lại được những cảnh đáng kinh ngạc, có thể cảm thấy mình bị cướp đoạt, vì hiểu biết về những đặc điểm ảm đạm nhất định của bản chất con người đã không còn là tài sản độc quyền của những người trực tiếp tham gia sự kiện. Có phải chúng ta không thấy, trong khi uống bia, cảnh sát trưởng Sài Gòn giết một sĩ quan Việt Cộng, một tù nhân chiến tranh, bằng cách bắn vào thái dương anh ta? Có phải chúng ta không thấy Oswald, bị Ruby bắn, ôm bụng? Có phải chúng ta không thấy trẻ em bị bom napalm làm bỏng? Và Robert Kennedy ngã xuống ngay giây Sirhan bắn anh ta?

Nhiều năm trước, ngay sau cuộc chiến, trong lần đầu tiên đến Mỹ, tôi đã có một cuộc trò chuyện với một nhà văn nổi tiếng, không nghi ngờ gì là một nhà nhân văn chủ nghĩa, về các khu ghetto của người da đen. Từ anh ta tôi đã nghe rằng, bất chấp tất cả, mọi thứ đang ngày càng tốt hơn. Sự ngạc nhiên đã ở lại với tôi trong một thời gian dài sau cuộc trò chuyện: tại sao anh ta lại nói như thế, anh ta người có những có tác phẩm, được dịch sang nhiều ngôn ngữ, giống như những bi kịch cổ đại được kể trong văn xuôi? Anh ta thậm chí có phải sắp xếp mọi thứ để sự thật được xóa bỏ khỏi tâm trí anh ta, giống như nhiều người châu Âu tôi biết, những người không muốn biết về các nhà tù và trại tập trung, vì điều đó sẽ làm suy yếu niềm tin của họ vào đảng hoặc lãnh đạo của họ? Mọi thứ đã không được đơn giản hóa cho những người liberal hiền lành thuộc dạng nhà văn đó, vì ánh hào quang địa ngục của các ghetto và những trại lao động nông nghiệp đã phát ra từ tivi, lắng đọng như một màn sương độc trên đồ nội thất phòng khách.

Sẽ là ngây thơ nếu quên đi sự nghèo nàn lớn của thông tin hiện tại và các chỉnh sửa khác nhau được một nền kiểm duyệt hoạt động sau hậu trường thực hiện, nhưng cũng thường là ở ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Tuy nhiên, đó không phải là sự nghèo nàn của những “sự thật”; nó càng gây sốc thì càng kiếm được thị trường. Và như vậy, trí tưởng tượng phải chứa đựng nỗi đau, sự hạ thấp, bạo lực, nghèo đói, sự phi lý của những niềm tin và đạo đức trên toàn thế giới, không gì được xoa dịu, không gì được chế ngự bởi suy nghĩ, mà, suy cho cùng, sẽ chữa cho nỗi lo lắng của chúng ta một chút nếu, hỏi “Tại sao,” chúng ta nhận được một câu trả lời bắt đầu bằng “Bởi vì.” Thế giới dộng vào chúng ta như một hóa thân phi lý trí, như tạo tác của một bộ não điên khổng lồ. Liệu người ta có thể chấp nhận toàn bộ gánh nặng đó và đồng ý rằng cái gì là thì đơn giản là là, và chỉ thế? Người ta có thể, nhưng chỉ bằng cách nhai lại trong một trạng thái chiêm nghiệm tàn bạo như một con bò. Nếu chúng ta có khả năng có lòng trắc ẩn và đồng thời bất lực, thì chúng ta sống một trong trạng thái giận dữ tuyệt vọng. Đây chắc chắn là một trong những nguyên nhân của sự tàn ác mà tôi đã gọi ở nơi khác là tân Manichaean.

Czesław Miłosz, “On Censorship,” Visions from San Francisco Bay, trans. Richard Lourie (Farrar, Straus and Giroux, 1982).

Copyright © 1969 by Czesław Miłosz | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on April 4, 2020 by in Văn chương & Phê bình and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: