Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

“Cuốn băng cuối cùng của Krapp” – Samuel Beckett

Samuel Beckett sinh năm 1906 ở Foxrock, gần Dublin, Ireland. Sau khi tốt nghiệp trường Trinity College năm 1927, ông đến Paris và bắt đầu sáng tác cả thơ lẫn các tác phẩm văn xuôi. Cho đến năm 1945 ông vẫn viết bằng tiếng Anh nhưng sau đó chuyển sang viết bằng tiếng Pháp, và hầu hết các tác phẩm lớn của ông, trong đó có vở kịch Chờ Godot (1953), đều được viết bằng thứ tiếng này. Ông được trao giải Nobel văn chương năm 1969 và qua đời ở Paris năm 1989.

Cuốn băng cuối cùng của Krapp

Một tối muộn trong tương lai.

Cái lán của Krapp.

Chính diện đặt một chiếc bàn nhỏ, hai ngăn kéo hướng về phía khán giả.

Ngồi ở bàn, quay mặt về trước, tức đối diện với các ngăn kéo, một lão già tàn tạ: Krapp.

Quần âu chật, đen phếch, quá cộc đối với hắn. Áo ghi lê đen phếch, bốn túi rộng. Đồng hồ quả quýt và dây đeo bạc nặng. Sơ mi cổ tàu màu cháo lòng để hở cổ. Bất ngờ một đôi bốt trắng bẩn, ít nhất cỡ mười, rất hẹp và nhọn.

Mặt trắng. Mũi tím. Tóc bạc, rối. Râu không cạo.

Cận nặng (nhưng không kính). Lãng tai.

Giọng vỡ. Ngữ điệu đặc biệt.

Bước đi khó nhọc.

Trên bàn có một máy ghi âm với micrô và một số hộp các tông chứa các cuộn băng đã ghi âm.

Bàn và khu vực liền kề dưới ánh sáng trắng mạnh. Sân khấu còn lại trong bóng tối.

Krapp bất động một lúc, hắt ra một tiếng thở dài, nhìn đồng hồ, lần mò các túi, lấy ra một phong bì, bỏ nó lại, lần mò, lấy ra một chùm chìa khóa nhỏ, đưa lên mắt, chọn một chìa, đứng dậy và di chuyển đến trước bàn. Hắn khom lưng, mở khóa ngăn thứ nhất, dòm vào trong, sờ soạng bên trong, lấy ra một cuộn băng, dòm vào nó, bỏ nó lại, khóa ngăn kéo, mở khóa ngăn thứ hai, dòm vào trong, sờ soạng bên trong, lấy ra một quả chuối to, dòm vào nó, khóa ngăn kéo, bỏ chìa vào túi. Hắn quay lại, tiến đến rìa sân khấu, dừng lại, vuốt quả chuối, bóc vỏ, bỏ vỏ dưới chân, cho đầu quả chuối vào miệng và bất động, nhìn chằm chằm vào khoảng trống trước mặt. Cuối cùng hắn cắn miếng chuối, quay sang một bên và bắt đầu đi đi lại lại ở rìa sân khấu, dưới ánh sáng, tức là không quá bốn đến năm bước chân về cả hai bên, ăn chuối một cách tư lự. Hắn giẫm phải vỏ, trượt, suýt ngã, tự lấy lại thăng bằng, cúi người dòm vỏ chuối và cuối cùng gạt nó đi, vẫn cúi người, một chân giơ qua rìa sân khấu xuống dưới. Hắn tiếp tục đi đi lại lại, ăn nốt chuối, quay lại bàn, ngồi xuống, bất động một lúc, hắt ra một tiếng thở dài, lấy chìa khóa trong túi ra, đưa lên mắt, chọn chìa, đứng dậy và di chuyển đến trước bàn, mở khóa ngăn thứ hai, lấy ra một quả chuối to nữa, dòm vào nó, khóa ngăn kéo, cất chìa vào túi, quay lại, tiến đến rìa sân khấu, dừng lại, vuốt quả chuối, bóc vỏ, ném vỏ xuống dưới, cho đầu quả chuối vào miệng và bất động, nhìn nhìn chằm chằm vào khoảng trống trước mặt. Cuối cùng hắn nảy ra một ý, bỏ chuối vào túi ghi lê, đầu thò ra, và đi hết tốc lực vào hậu trường trong bóng tối. Mười giây. Nghe rõ tiếng bật nút chai. Mười lăm giây. Hắn quay trở lại ánh sáng, cầm theo một cuốn sổ cũ và ngồi xuống bàn. Hắn đặt cuốn sổ lên bàn, lau miệng, chùi tay vào vạt trước áo ghi lê, chắp hai tay lại và xoa.

KRAPP

[hào hứng] Ah! [Hắn cúi xuống cuốn sổ, lật các trang, tìm mục hắn muốn, đọc.] Hộp… bba… băng năm. [Hắn ngẩng đầu lên và nhìn chằm chằm về phía trước. Thích thú.] Băng! [Dừng.] Bănggggg! [Mỉm cười hạnh phúc. Dừng. Hắn cúi xuống bàn, bắt đầu dòm và chọc những cái hộp.] Hộp… bba… baa… bốn… hai… [ngạc nhiên] chín! tốt lắm!… bảy… ah! thằng nhãi này! [Hắn cầm hộp lên, dòm vào nó.] Hộp bba. [Hắn đặt nó xuống bàn, mở hộp ra và dòm vào những cuộn băng bên trong.] Ống… [hắn dòm vào sổ]… năm… ah! thằng ranh này! [Hắn lấy ra một cuộn băng, dòm vào nó.] Băng năm. [Hắn đặt nó xuống bàn, đóng hộp ba lại, bỏ nó vào với những hộp khác, cầm cuộn băng lên]. Hộp bba, băng năm. [Hắn cúi xuống cái máy, nhìn lên. Thích thú.] Bănggggg! [Mỉm cười hạnh phúc. Hắn cúi xuống, đặt băng vào máy, xoa tay.] Ah! [Hắn dòm vào sổ, đọc mục cuối trang]. Cuối cùng thì bà già đã yên nghỉ… Hm… Quả bóng đen… [Hắn ngẩng đầu lên và nhìn chằm chằm về phía trước. Bối rối.] Quả bóng đen?… [Hắn lại dòm vào sổ, đọc.] Cô y tá sẫm… [Hắn ngẩng đầu lên, ngẫm nghĩ, lại dòm vào sổ, đọc.] Cải thiện nhẹ tình trạng ruột… Hm… Đáng nhớ… cái gì? [Hắn dòm sát hơn.] Ngày phân, ngày phân đáng nhớ. [Hắn ngẩng đầu lên và nhìn chằm chằm về phía trước. Bối rối.] Ngày phân đáng nhớ?… [Dừng. Hắn nhún vai, lại dòm vào sổ, đọc.] Giã biệt—[hắn lật sang trang]—tình yêu.

[Hắn ngẩng đầu lên, ngẫm nghĩ, cúi xuống cái máy, bật và lấy tư thế nghe, tức nghiêng người về trước, khuỷu tay đặt lên bàn, bàn tay khum lấy tai hướng về phía máy, mặt hướng về phía trước.]

BĂNG

[giọng bạo, khá vênh vang, rõ là giọng Krapp ở một thời điểm sớm hơn nhiều] Tròn ba chín hôm nay, khỏe như một—[Để ngồi thoải mái hơn hắn đẩy một cái hộp ra khỏi bàn, chửi thề, tắt máy, gạt những cái hộp và cuốn sổ xuống đất một cách thô bạo, tua băng lại từ đầu, bật máy, lấy lại tư thế.] Tròn ba chín hôm nay, khỏe như một con voi, ngoại trừ sự yếu đuối cũ, và về mặt trí tuệ mà nói bây giờ tôi có mọi lý do để nghi ngờ ở… [ngập ngừng]… đỉnh ngọn sóng—hoặc gần đó. Ăn mừng một dịp khủng khiếp, như những năm gần đây, lặng lẽ trong quán rượu. Không một ai. Ngồi nhắm mắt trước lò sưởi, tách cái hạt ra khỏi vỏ trấu. Ghi lại vài ghi chép, trên mặt sau của một phong bì. Thật tốt được trở lại cái lán này trong bộ đồ cũ nát của mình. Vừa ăn xong tôi rất tiếc phải nói là ba quả chuối và rất khó mới kiềm chế được không ăn quả thứ tư. Những thứ chết người đối với một người mang căn bệnh này như tôi. [Gay gắt.] Bỏ nó đi! [Dừng.] Ngọn đèn mới trên bàn là một cải tiến lớn. Với toàn bộ bóng tối này xung quanh, tôi cảm thấy bớt cô đơn. [Dừng.] Một cách nào đó. [Dừng.] Tôi thích đứng dậy và đi lại trong đó, rồi quay lại đây [ngập ngừng]… tôi. [Dừng.] Krapp.

[Dừng.]

Cái hạt, bây giờ tôi tự hỏi tôi nói thế ý là gì, ý tôi là… [ngập ngừng]… tôi nghĩ ý tôi là những thứ đáng có khi tất cả cát bụi đã—khi tất cả cát bụi của tôi đã lắng xuống. Tôi nhắm mắt lại và cố và hình dung chúng.

[Dừng. Krapp nhắm mắt lại trong chốc lát.]

Tối nay im ắng lạ thường, tôi căng tai mà không nghe thấy một tiếng động nào. Bà McGlome già luôn luôn hát vào giờ này. Nhưng đêm nay thì không. Những khúc hát của thời con gái, bà nói. Khó mà nghĩ về bà thời còn con gái. Người phụ nữ tuyệt vời, mặc dù. Connaught, tôi tưởng tượng. [Dừng.] Tôi có hát khi bằng tuổi bà, nếu có bao giờ bằng? Không. [Dừng.] Tôi có hát hồi còn nhỏ? [Dừng.] Tôi có bao giờ hát? Không.

[Dừng.]

Vừa nghe lại một năm cũ, những đoạn ngẫu nhiên. Tôi không tra lại trong sổ, nhưng hẳn là mươi, mười hai năm trước. Lúc đó tôi nghĩ mình thỉnh thoảng vẫn còn sống với Bianca trên phố Kedar. May mà thoát khỏi nó, Chúa ơi, phải! Một chuyện vô vọng. [Dừng.] Không có gì nhiều về cô ấy, ngoài một lời khen ngợi đôi mắt. Rất ấm. Bỗng nhiên tôi lại nhìn thấy chúng. [Dừng.] Không gì sánh nổi! [Dừng.] Ôi chao… [Dừng.] Những giảo nghiệm xưa này thật khủng khiếp, nhưng tôi lại thường thấy nó—[Krapp tắt, ngẫm nghĩ, bật]—có ích trước khi bắt tay vào một… [ngập ngừng]… hồi tưởng mới. Khó mà tin tôi từng là một thằng nhỏ như thế. Cái giọng! Chúa ơi! Và những khát vọng! [Tiếng bật cười ngắn, Krapp cười theo.] Và những quyết tâm! [Tiếng bật cười ngắn, Krapp cười theo.] Nhất là bớt uống đi. [Tiếng bật cười ngắn của một mình Krapp.] Thống kê. Một ngàn bảy trăm giờ, không kể tám ngàn giờ có lẻ trước đó, tính riêng ở các cơ sở được cấp phép. Hơn 20%, cứ cho là 40% cuộc đời lúc tỉnh của hắn. [Dừng.] Những kế hoạch cho một… [ngập ngừng]… đời sống tình dục bớt mất thời giờ hơn. Cơn bệnh cuối cùng của ông già hắn. Cuộc mưu cầu hạnh phúc đằng đẵng. Sự thả lỏng không thể có được. Khinh rẻ cái mà hắn gọi là tuổi trẻ của mình và tạ ơn Chúa vì nó đã qua đi. [Dừng.] Cái giọng giả dối. Những cái bóng của đại… kiệt tác. Kết thúc bằng một—[tiếng bật cười ngắn]—tiếng kêu trước sự Quan phòng của Chúa. Còn lại gì sau biết bao nhiêu là khốn nạn ấy? Một cô gái áo khoác xanh tồi tàn, trên sân ga? Không?

[Dừng.]

Khi tôi nhìn—

[Krapp tắt, ngẫm nghĩ, nhìn đồng hồ, đứng dậy, đi vào hậu trường trong bóng tối. Mười giây. Tiếng nút chai. Mười giây. Nút thứ hai. Mười giây. Nút thứ ba. Mười giây. Tiếng hát run rẩy vang lên ngắn gọn.]

KRAPP

[hát] Ngày đã qua đi rồi,
Đêm đang kéo tới gần-ần,
Những cái bóng…

[Ho rũ rượi. Hắn quay trở lại ánh sáng, ngồi xuống, lau miệng, bật máy, lấy lại tư thế nghe.]

BĂNG

—lại năm đã qua đi, với cái tôi hy vọng có lẽ là một ánh mắt xưa sẽ đến, tất nhiên là có ngôi nhà bên kênh nơi bà già nằm hấp hối vào cuối mùa thu, sau một thời gian dài tang ngẫu [Krapp giật mình], và cái—[Krapp tắt đi, tua lại một lúc, dỏng tai vào gần cái máy, bật]— hấp hối vào cuối mùa thu, sau một thời gian dài tang ngẫu, và cái—[Krapp tắt đi, ngẩng đầu lên, nhìn chằm chằm về phía trước. Môi hắn cử động theo những âm tiết của từ “tang ngẫu.” Không tiếng động. Hắn đứng dậy, quay vào sân khấu trong bóng tối, quay lại với một cuốn từ điển khổng lồ, đặt nó xuống bàn, ngồi xuống và tra.]

KRAPP

[đọc từ điển] Trạng thái—hay tình cảnh là—hay vẫn là—một người vợ góa—hay một người chồng góa. [Nhìn lên. Bối rối.] Là—hay vẫn là?… [Dừng. Hắn lại dòm vào từ điển. Đọc.] “Bộ cánh tang ngẫu”… Cũng nói về một loài vật, nhất là một loài chim… chim góa bụa hay chim thợ dệt… Bộ lông đen của con đực… [Hắn nhìn lên. Thích thú.] Con chim góa bụa!

[Dừng. Hắn gấp từ điển lại, bật máy lên, lấy lại tư thế nghe.]

BĂNG

—ghế băng cạnh con đập, nơi tôi có thể thấy cửa sổ phòng bà. Tôi ngồi đó, trong gió buốt, ước gì bà đã ra đi. [Dừng.] Hầu như chẳng có ai, chỉ một vài người thường qua lại, bảo mẫu, trẻ con, người già, lũ chó. Tôi biết họ khá rõ—ồ, dĩ nhiên là qua ngoại hình! Một cô gái trẻ, đẹp, sẫm, tôi đặc biệt nhớ, bộ ngực trắng và chắc nịch, không gì so được, với một cái xe nôi to bự màu đen có mái che đầu, thứ tang tóc nhất. Lúc nào tôi nhìn về phía cô ta, cô ta cũng đều để mắt đến tôi. Ấy thế mà khi tôi đủ dạn dĩ để bắt chuyện—khi chưa được giới thiệu—cô ta lại dọa sẽ gọi cảnh sát. Cứ như tôi định lấy cái ngàn vàng của cô ta vậy! [Bật cười. Dừng.] Khuôn mặt cô ta! Đôi mắt! Như… [ngập ngừng]… chrysolite! [Dừng.] Ôi chao… [Dừng.] Tôi đã ở đó khi—[Krapp tắt đi, ngẫm nghĩ, bật lại]—tấm rèm hạ xuống, một trong những tấm rèm cuốn bẩn thỉu màu nâu ấy, ném một quả bóng cho một con chó nhỏ màu trắng, tình cờ là thế. Tôi tình cờ nhìn lên và như vậy đó. Mọi chuyện rốt cuộc cũng đã kết thúc. Tôi ngồi một lúc với quả bóng trong tay và con chó kêu và nhảy xổ vào tôi. [Dừng.] Một lúc. Một lúc của bà, một lúc của tôi. [Dừng.] Một lúc của con chó. [Dừng.] Cuối cùng tôi đưa quả bóng cho con chó và con chó ngậm nó vào miệng, nhẹ nhàng, nhẹ nhàng. Một quả bóng cao su nhỏ, cũ, màu đen, cứng, đặc. [Dừng.] Tôi sẽ cảm thấy nó, trong tay tôi, cho đến ngày hấp hối. [Dừng.] Tôi có thể giữ lại nó. [Dừng.] Nhưng tôi đã đưa nó cho con chó.

[Dừng.]

Ôi chao…

[Dừng.]

Một năm u ám và bần cùng sâu tận, về mặt tinh thần, cho đến cái đêm tháng Ba đáng nhớ ở cuối cầu cảng, trong gió hú, không bao giờ quên, khi bỗng nhiên tôi thấy mọi sự. Tầm nhìn, rốt cuộc. Đây tôi hình dung là cái chủ yếu tôi có để ghi lại tối nay, chống lại cái ngày mà công việc của tôi đã hoàn thành và có lẽ không còn chỗ trong ký ức, dù ấm hay lạnh, cho cái điều kỳ diệu đã… [ngập ngừng]… cho ngọn lửa đã đốt cháy nó. Cái mà tôi bỗng thấy là đây, rằng cái niềm tin mà tôi đã đi trên cả cuộc đời, ấy là—[Krapp sốt ruột tắt đi, tua đi, bật lại]—những tảng đá granit vĩ đại bọt bay lên dưới ánh hải đăng và phong tốc kế quay như một cánh quạt, cuối cùng tôi cũng thấy rõ rằng cái bóng tối mà tôi luôn đã cố gắng đè nén trên thực tế là—[Krapp chửi thề, tắt đi, tua đi, bật lại]—sự liên kết không thể tan vỡ cho đến khi sự hóa giải cơn bão và màn đêm bằng ánh sáng của sự hiểu biết và ngọn lửa của tôi—[Krapp chửi thề to hơn, tắt đi, tua đi, bật lại]—mặt úp lên ngực nàng và tay tôi đặt lên nàng. Chúng tôi nằm đó không nhúc nhích. Nhưng dưới chúng tôi, tất cả đều lay động, và lay động chúng tôi, khẽ khàng, lên xuống, và từ bên này sang bên kia.

[Dừng.]

Quá nửa đêm. Chưa bao giờ biết đến sự im lặng như vậy. Trái đất có thể còn chẳng có người.

[Dừng.]

Đây tôi kết thúc—

[Krapp tắt đi, tua lại, bật lại.]

—thượng hồ, với con thuyền, đậu ngoài bờ, rồi bị đẩy vào dòng chảy và trôi. Nàng nằm dài trên boong, hai tay gác dưới đầu và nhắm mắt. Mặt trời rọi xuống, một chút gió nhẹ, làn nước đẹp và sống động. Tôi nhận thấy một vết xước trên đùi nàng và hỏi làm sao mà nàng có nó. Hái lý gai, nàng nói. Tôi nói lần nữa là tôi nghĩ nó vô vọng và chẳng tốt đẹp gì mà tiếp tục, và nàng đồng ý, không buồn mở mắt. [Dừng.] Tôi bảo nàng nhìn tôi và một lúc sau—[dừng]—một lúc sau nàng nhìn, nhưng đôi mắt chỉ nheo lại vì ánh sáng chói. Tôi nghiêng người qua để che mắt nàng và chúng mở ra. [Dừng. Hạ giọng.] Cho anh vào. [Dừng.] Chúng tôi trôi dạt giữa những lá cờ và mắc kẹt. Cách chúng rủ xuống, thở dài, ngay trước đuôi tàu! [Dừng.] Tôi nằm xuống vắt qua nàng, mặt úp lên ngực nàng và tay tôi đặt lên nàng. Chúng tôi nằm đó không nhúc nhích. Nhưng dưới chúng tôi, tất cả đều lay động, và lay động chúng tôi, khẽ khàng, lên xuống, và từ bên này sang bên kia.

[Dừng.]

Quá nửa đêm. Chưa bao giờ biết—

[Krapp tắt đi, ngẫm nghĩ. Cuối cùng hắn lần mò các túi, thấy quả chuối, lấy nó ra, dòm vào nó, bỏ nó lại, lần mò, lấy phong bì ra, lần mò, bỏ phong bì lại, nhìn đồng hồ, đứng dậy và đi vào hậu trường trong bóng tối. Mười giây. Tiếng chai va vào ly, rồi tiếng xi phông ngắn. Mười giây. Chỉ có tiếng chai va vào ly. Mười giây. Hắn trở lại hơi loạng choạng vào ánh sáng, đi đến trước bàn, lấy chìa khóa ra, giơ lên mắt, chọn chìa khóa, mở khóa ngăn thứ nhất, dòm vào nó, sờ soạng bên trong, lấy cuộn băng ra, dòm vào nó, khóa ngăn kéo lại, bỏ chìa vào túi, đi và ngồi xuống, lấy cuộn băng ra khỏi máy, đặt nó lên cuốn từ điển, đặt cuộn băng trắng vào máy, lấy phong bì trong túi ra, xem mặt sau, đặt xuống bàn, bật máy lên, hắng giọng và bắt đầu ghi âm.]

KRAPP

Vừa nghe lại tên khốn ngu ngốc kia mà tôi đã tưởng là mình ba mươi năm trước, khó mà tin tôi đã từng khốn nạn như thế. Dẫu sao cũng tạ ơn Chúa là nó đã qua. [Dừng.] Đôi mắt cô ta! [Ngẫm nghĩ, nhận ra mình đang ghi âm sự im lặng, tắt máy, ngẫm nghĩ. Cuối cùng.] Mọi thứ ở đó, mọi thứ, tất cả cái—[Nhận ra đang không ghi âm, bật máy lên.] Mọi thứ ở đó, mọi thứ trên cái quả bóng bẩn tưởi xưa cũ này, cả ánh sáng và bóng tối rồi nạn đói và tiệc tùng của các thời đại! [Gào lên.] Phải! [Dừng.] Bỏ nó đi! Lạy Chúa! Bỏ bài tập về nhà của hắn khỏi tâm trí hắn đi! Lạy Chúa [Dừng. Mệt.] Ôi chao, có lẽ hắn đã đúng. [Dừng.] Có lẽ hắn đã đúng. [Ngẫm nghĩ. Nhận ra. Tắt máy đi. Xem lại phong bì.] Mẹ! [Vò và ném nó đi. Ngẫm nghĩ. Bật máy lên.] Chẳng có gì để nói, một tiếng rít cũng không. Một năm là cái gì bây giờ? Cái bã chua và cái ghế băng sắt. [Dừng.] Say sưa trong cái từ băng. [Thích thú.] Bănggggg! Khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong nửa triệu qua. [Dừng.] Mười bảy bản bán ra, trong đó mười một bản với giá thương mại cho các thư viện lưu hành tự do bên kia biển. Được biết đến. [Dừng.] Một đồng sáu và cái gì đó, tám tôi chẳng nghi ngờ. [Dừng.] Bò ra ngoài một hai lần, trước khi mùa hè trở nên lạnh giá. Ngồi run rẩy trong công viên, chìm trong những giấc mơ và khao khát cháy bỏng được biến mất. Không một ai. [Dừng.] Những ảo tưởng cuối. [Gay gắt.] Giấu nó đi. [Dừng.] Lột mắt ra đọc lại Effir, mỗi ngày một trang, lại nước mắt. Effie… [Dừng.] Có thể đã hạnh phúc với nàng, ở đó trên Baltic, và những cây thông, và những cồn cát. [Dừng.] Có thể không? [Dừng.] Còn nàng? [Dừng.] Mẹ! [Dừng.] Fanny đến vài lần. Bóng ma già xương xẩu của một con đĩ. Chẳng làm được gì nhiều, nhưng tôi cho là vẫn tốt hơn là chẳng có gì. Lần trước không quá tệ. Ông làm kiểu gì, ả nói, ở tuổi của ông? Tôi bảo ả tôi đã nhịn cả đời vì ả. [Dừng.] Đi buổi Kinh chiều một lần, như khi tôi mặc quần cộc. [Dừng. Hát.]

Ngày đã qua đi rồi,
Đêm đang kéo tới gần-ần,
Những cái bóng—[ho, sau đó gần như không nghe được]—của buổi chiều
Đi lẻn qua bầu trời.

[Hổn hển.] Đi ngủ và ngã khỏi ghế nhà thờ. [Dừng.] Đôi khi tự hỏi trong đêm rằng liệu một cố gắng cuối có lẽ nào không—[Dừng.] Ah thôi uống nốt rượu rồi lên giường đi. Sáng rồi tiếp tục cái nhảm nhí này sau. Hoặc bỏ nó đó. [Dừng.] Bỏ nó đó. [Dừng.] Nằm tựa trong bóng tối—và lang thang. Một lần nữa ở Dingle vào một đêm Giáng sinh, hái nhựa ruồi, những quả mọng đỏ. [Dừng.] Một lần nữa ở Croghan vào một sáng Chủ nhật, trong sương mù, với con mụ già, dừng và nghe tiếng chuông. [Dừng.] Và cứ thế. [Dừng.] Một lần nữa, một lần nữa. [Dừng.] Tất cả những khốn nạn xưa. [Dừng.] Một lần không đủ cho mày. [Dừng.] Nằm xuống vắt qua nàng. [Dừng một lúc lâu. Bỗng hắn cúi xuống tắt máy, tháo băng, ném nó đi, bỏ cuộn băng kia vào, tua tới đoạn hắn muốn, bật lên, lắng nghe nhìn chằm chằm về phía trước.]

BĂNG

—lý gai, nàng nói. Tôi nói lần nữa là tôi nghĩ nó vô vọng và chẳng tốt đẹp gì mà tiếp tục, và nàng đồng ý, không buồn mở mắt. [Dừng.] Tôi bảo nàng nhìn tôi và một lúc sau—[dừng]—một lúc sau nàng nhìn, nhưng đôi mắt chỉ nheo lại vì ánh sáng chói. Tôi nghiêng người qua để che mắt nàng và chúng mở ra. [Dừng. Hạ giọng.] Cho anh vào. [Dừng.] Chúng tôi trôi dạt giữa những lá cờ và mắc kẹt. Cách chúng rủ xuống, thở dài, ngay trước đuôi tàu! [Dừng.] Tôi nằm xuống vắt qua nàng, mặt úp lên ngực nàng và tay tôi đặt lên nàng. Chúng tôi nằm đó không nhúc nhích. Nhưng dưới chúng tôi, tất cả đều lay động, và lay động chúng tôi, khẽ khàng, lên xuống, và từ bên này sang bên kia.

[Dừng. Môi Krapp mấp máy. Không tiếng động.]

Quá nửa đêm. Chưa bao giờ biết đến sự im lặng như vậy. Trái đất có thể còn chẳng có người.

[Dừng.]

Đây tôi kết thúc cuốn băng này. Hộp—[dừng]—ba, băng—[dừng]—năm. [Dừng.] Có lẽ những năm tháng đẹp nhất đời tôi đã qua đi. Khi còn có cơ hội hạnh phúc. Nhưng tôi không muốn có lại nó nữa. Không, với ngọn lửa trong tôi bây giờ. Không, tôi sẽ không muốn có lại nó nữa.

[Krapp bất động nhìn chằm chằm trước mặt. Cuốn băng chạy trong im lặng.]

HẠ MÀN

Samuel Beckett, “Krapp’s Last Tape,” Krapp’s Last Tape, and Embers (Faber and Faber, 1959). This play was first published in Evergreen Review, Vol. 2, No. 5 (Summer 1958) and was first performed at the Royal Court Theatre, London, on October 28, 1958.

Copyright © 1958 by Samuel Beckett | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on September 5, 2020 by in Kịch and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: