Czesław Miłosz (1911–2004) là nhà văn, nhà thơ, và dịch giả người Ba Lan. Ông được trao giải văn chương quốc tế Neustadt năm 1978 và giải Nobel văn chương năm 1980.
Những năm tám mươi của thế kỷ hai mươi, ở Roma, via Condotti
Chúng tôi ngồi với Turowicz ở Caffè Greco
Và tôi nói ít nhiều những lời này:
– Chúng ta đã thấy rất nhiều, đã hiểu rất nhiều.
Các nhà nước sụp đổ, các quốc gia suy vong.
Những con Chimera của tâm trí con người bao vây chúng ta
Và khiến người ta mất mạng hoặc chìm vào cảnh nô lệ.
Những con én ở Roma đánh thức tôi lúc bình minh
Và rồi tôi cảm thấy sự ngắn ngủi, cái nhẹ
Của sự tách biệt bản thân. Tôi là ai, tôi từng là ai
Không quá quan trọng. Bởi những người khác,
Cao quý, vĩ đại, đã nâng đỡ tôi
Bất cứ khi nào tôi nghĩ về họ. Về thứ bậc của chúng sinh.
Những người làm chứng cho đức tin của họ,
Những người mà tên của họ đã bị xóa sổ hoặc chà đạp xuống đất,
Vẫn đến thăm chúng ta. Từ họ chúng ta có thước đo,
Thẩm mỹ, tôi sẽ nói, cho các công việc, kỳ vọng, kế hoạch.
Văn chương có thể cứu lấy mình bằng gì
Nếu không bằng một bản tụng ca, một bản thánh ca,
Ngay cả không chủ đích? Và anh có sự ngưỡng mộ của tôi,
Bởi anh làm được nhiều điều hơn những người bạn đồng hành của tôi,
Những kẻ từng ngồi ở đây, những thiên tài kiêu ngạo.
Vì sao họ dày vò vì sự thiếu đức hạnh của mình,
Sao họ thấy những cắn rứt lương tâm, bây giờ tôi hiểu.
Với tuổi tác và với sự suy tàn của thời đại này
Người ta học được cách trân trọng trí tuệ, và lòng tốt giản đơn.
Maritain, người chúng ta từng đọc đã lâu
Sẽ có lý do để mừng. Và đối với tôi: sự ngạc nhiên
Rằng thành Roma vẫn đứng, rằng chúng ta gặp lại nhau,
Rằng tôi vẫn tồn tại một chốc, cả tôi và chim én.
Roma, 1986
Czesław Miłosz, “Caffè Greco,” The Collected Poems 1931-1987, trans. author and Robert Hass (Ecco Press, 1988).
Copyright © 1988 by Czesław Miłosz | Nguyễn Huy Hoàng dịch.