Colm Tóibín (1955–) là nhà văn người Ireland và tác giả của mười cuốn tiểu thuyết. Ông là giáo sư hàm Irene and Sidney B. Silverman ngành nhân văn học tại Đại học Columbia.
Tôi viết nhật ký trong đợt lockdown. Bắt đầu bằng ngày cá nhân tôi bắt đầu đóng cửa—11 tháng 3, 2020—và địa điểm, Highland Park, Los Angeles. Ngày đầu tiên, tôi chép lại tấm biển trên một chiếc camper van mà tôi thấy sáng hôm đó: “Cười lên. Bạn đang bị quay phim.”
Sau mục đầu tiên, tôi không nghĩ được gì nữa. Hầu như chẳng có gì diễn ra sau đó.
Ước gì tôi có thể nói tôi thức dậy mỗi sáng để viết một chương mới, nhưng tôi lại nằm ườn trên giường. Rồi khi ngày dần trôi, tôi lại bận khám phá gu âm nhạc của bạn trai, càng thêm hãi hùng bởi bộ loa mới mà H. đã mua, xập xình một cách rõ ràng cái đã từng xập xình một cách mơ hồ.
Nhân loại chia thành những người bắt đầu nghe Bach và Beethoven ở cuối độ tuổi thiếu niên và những người không. H. thì không; thay vào đó, anh có một bộ sưu tập đĩa than đồ sộ, hầu như chẳng có cái nào là nhạc cổ điển và cũng không có nhiều cái tôi thích.
Và cả H. lẫn tôi đều chẳng đọc cuốn sách nào giống nhau. Tiếng mẹ đẻ của anh là tiếng Pháp, đầu óc anh thì thuộc kiểu suy đoán. Bởi vậy mà ở phòng này anh bận rộn với Jacques và Gilles trong khi ở phòng khác tôi đọc Jane và Emily.
Anh đọc Harry Dodge; tôi đọc David Lodge.
*
Có một nhà văn ở một thành phố nhỏ miền Trung Tây. Tôi đã ngấu hết hai cuốn sách của anh ta và thích cách anh ta trở nên bộc lộ về mặt cảm xúc. Tuy chưa từng gặp anh ta nhưng tôi thực sự muốn anh ta được hạnh phúc. Tôi rất vui khi đọc trên mạng thấy nhà văn này đã có bạn trai và xem một số bài viết của anh ta về cuộc sống gia đình hạnh phúc mà họ đang sống.
H. thật ra đã gặp anh ta và cũng hài lòng vì nhà văn ấy đã yên bề gia thất với người mà anh ta yêu.
Chẳng mấy chốc, chúng tôi bắt đầu xem các bài viết của anh ta. Bạn trai anh ta sắp hoa chờ anh ta về nhà. Chúng tôi nhìn một bức ảnh chụp hoa.
Còn gã tiểu thuyết gia thì làm bánh quy, hoặc bài viết nói là như thế, và hằng đêm anh ta và bạn trai xem những bộ phim đích thực là một sự mặc khải đối với cả hai.
*
Với tất cả chúng ta đều có những con người bóng, những nơi chốn bóng, những chuyện bóng. Đôi khi chúng chiếm nhiều không gian hơn sự nhợt nhạt của những gì thực sự xảy ra.
Sự nhợt nhạt ấy làm tôi rùng mình, nhưng những cái bóng khiến tôi băn khoăn.
Tôi thích nghĩ về gã tiểu thuyết gia cái bóng và bạn trai anh ta.
Và tôi đã cố hình dung một câu chuyện về niềm hạnh phúc gia đình, chia sẻ không gian và âm nhạc, tiểu thuyết và phim ảnh, đăng lên mạng tình yêu của chúng tôi.
Nhưng tôi có mơ thế nào đi nữa thì chúng tôi cũng không thực sự thống nhất được xem phim nào vào ban đêm. Khi chúng tôi quyết định, Tuần 1, xem các phim lấy bối cảnh ở Los Angeles, thì có “Mulholland Drive” và “Body Double,” phim đầu tiên quá chậm đối với tôi và phim thứ hai thì lời lẽ quá gở. H. không chỉ thích cả hai bộ phim mà còn, vì anh biết nhiều về phim ảnh, muốn thảo luận xem làm thế nào những hình ảnh từ bộ phim này có thể dẫn sang bộ phim khác, rồi bao nhiêu tham chiếu ẩn và cử chỉ bí mật chứa đựng trong một bộ phim.
Tôi chưa bao giờ đến rạp xem phim để giải trí. Giờ trước khi đi ngủ trở nên căng thẳng khi H. đi theo tôi quanh nhà với thông tin về ý nghĩa thực sự của các bộ phim.
Đấy là lúc tôi yêu anh nhất: Anh rất sốt sắng và hào hứng với phim ảnh, với những ý tưởng và hình ảnh tạo ra trên màn hình, rất háo hức giữ cuộc trò chuyện ở mức nghiêm túc.
Nhưng những đêm tồi tệ, tôi không kìm được. Tôi chỉ có thể đáp: “Phim đấy thật ngớ ngẩn! Nó xúc phạm trí thông minh của em!” trước những câu dẫn Godard và Godot và Guy Debord chi tiết và đích đáng của anh.
*
Tôi điểm qua tên của các cặp gay vĩ đại trong lịch sử—Benjamin Britten và Peter Pears, Gertrude Stein và Alice B. Toklas, Christopher Isherwood và Don Bachardy. Tại sao họ luôn nấu ăn cùng nhau, hoặc vẽ hình nhau, hoặc người này viết bài hát cho người kia hát?
Sao mỗi chúng tôi là như thế này?
Có thể đây là thời điểm thích hợp để tôi và H. thay đổi, cư xử như những người lớn và rốt cuộc, một cách vui vẻ, bắt đầu đọc những cuốn sách yêu thích của nhau.
Thay vào đó chúng tôi đọc lại nhiều thêm những cuốn sách yêu thích của riêng mình. Văn hóa mà nói, anh là Jack Sprat, không ăn được mỡ, còn tôi là vợ anh ta, không ăn được nạc.
*
Tôi thích nhất là khi cái mà tôi xem là nghiêm túc thì người khác lại cười, hoặc khi cái mà tôi nghĩ là ngớ ngẩn thì tất cả những người khác lại xem là nghiêm túc.
Khi bắt đầu lockdown, tôi nghĩ sông L.A. và tất tật các nhánh của nó đều tức cười. Sớm thôi tôi sẽ biết được sự thật. Và khi toàn bộ cuộc giãn cách xã hội đã qua đi được một nửa, tôi hy vọng sẽ không bao giờ nghe thêm một nốt, nếu nốt là lời, của một bài hát tên là “Little Raver,” của Superpitcher, mà H. rất thích và bật rất to.
Tôi không biết lái xe và không biết nấu ăn. Tôi không biết khiêu vũ. Tôi không biết scan một trang giấy hay gửi một bức ảnh qua email. Tôi chưa bao giờ sẵn lòng dùng máy hút bụi hay chủ đích gấp chăn màn.
Thật khó để biện minh tất tật những chuyện này với một người mà bạn sống trong ngôi nhà của họ. Tôi bóng gió rằng mọi thất bại của tôi đều xuất phát từ một tuổi thơ thiếu thốn, và khi điều đó không tác dụng cho lắm, tôi gợi ý, mà chẳng có bằng chứng nào, rằng sự bết bát thuộc về các nhà tư tưởng sâu sắc, những người sẵn sàng thay đổi thế giới. Marx thì lôi thôi; Henry James là một kẻ biếng nhác; chẳng có bằng chứng nào là James Joyce đã từng tự mình dọn dẹp; Rosa Luxemburg thì thực sự bừa bộn, ấy là còn chưa nói đến Trotsky.
Tôi đã cố gắng cư xử. Chẳng hạn, hằng ngày tôi lấy bát ra khỏi máy rửa. Và vài lần một ngày, tôi pha cà phê cho H.
Nhưng một hôm, khi H. nói là đã đến lúc hút bụi căn nhà, tôi trả lời là công việc này có thể đợi đến khi tôi đã đi đâu đấy đọc sách hay giảng dạy thì tốt.
“Đọc báo đi,” H. nói. “Ra khỏi nhà là dĩ vãng rồi.”
Trong giây lát nó nghe như một lời buộc tội, và rồi, khi H. nhìn tôi theo kiểu của người Pháp, nó bắt đầu nghe như một lời đe dọa.
Ngay sau đó máy hút bụi chạy ầm ầm quanh nhà.
*
Tôi thích những ngày mà chúng tôi chẳng có gì để làm, nhiều ngày sau đó cũng thế, và chúng tôi giống như một cặp tình già đã trở nên dễ tính và khôn ngoan và có thể kết thúc các đoạn diễn văn của nhau. Vấn đề duy nhất là có nhiều chuyện chúng tôi không thể đồng ý được.
Chúng tôi đã hạnh phúc trong cuộc lockdown, hạnh phúc hơn chúng tôi của một thời gian trước. Nhưng tôi ước chúng tôi có thể hạnh phúc theo những cách dễ dàng, mãn nguyện mà gã tiểu thuyết gia và bạn trai anh ta hạnh phúc và những cặp đồng tính khác hạnh phúc.
Tôi tìm được một chỗ trong vườn để ngồi và đọc. Thường thì tôi ở ngoài khi nhạc xập xình trong nhà. Nhạc House, bạn có thể gọi nó như thế; nhưng cũng là nhạc loud.
Một hôm, khi tôi vào nhà, tôi thấy H. đang nhấc chiếc kim ra khỏi đĩa nhạc. Anh làm thế, anh nói, vì không muốn nhạc làm phiền tôi. Tôi thấy rất có lỗi và cố gắng giả vờ là nhạc thật ra chẳng làm tôi khó chịu chút nào.
“Sao anh không bật lại đi?” tôi hỏi.
Một giây, rồi hai giây, tôi cảm thấy âm nhạc thật phấn khích. Cậu thiếu niên trong tôi đã thức dậy trong một phút. Nhạc của Kraftwerk. Tôi dừng lại và bắt đầu lắng nghe. Tôi mỉm cười gật gù với H. Tôi gần như đã thích nó, rồi tôi mắc sai lầm là thử nhảy theo nhạc.
Thứ duy nhất tôi biết về khiêu vũ là trong “Saturday Night Fever,” bộ phim tôi buộc phải xem năm 1978 khi tôi phụ trách một nhóm sinh viên Tây Ban Nha ở Dublin. Tôi ghét bộ phim và càng thù nó khi một đồng nghiệp, một nhà ký hiệu học mật mã, giải thích các cơ chế hoạt động bên trong của nó cho tôi bằng tiếng Anh rất chậm.
Nhưng tất cả những gì tôi biết về khiêu vũ đều đến từ bộ phim đó. Năm tháng qua đi, tôi quả là có đi chơi vũ trường, nhưng tôi quan tâm hơn đến những căn phòng hậu, những ánh nhìn bên và đồ uống trước mặt hơn là những sự tinh vi của khiêu vũ.
Dẫu sao, tôi đã cố, trong khi H. nhìn. Tôi đưa chân theo nhịp nhạc và quơ tay.
H. cố không nhăn mặt.
Lặng lẽ, như một thứ tội lỗi, tôi lượn đi. Tôi thấy mình như Mr. Jones trong bài “Có chuyện gì đó đang xảy ra ở đây, nhưng anh không biết là gì, phải không, Mr. Jones?”
Tôi hiểu, thay vì tôi chế giễu Kraftwerk, như tôi vẫn làm cho đến giờ, thì chính Kraftwerk đang chế giễu tôi.
“Anh làm gì đủ cool mà nghe chúng tôi,” Kraftwerk thì thầm.
Trong vườn, trên chiếc võng mắc trên cây lựu, tôi vùi đầu vào Henry James.
*
Chúng tôi đặt xe đạp trên mạng. Tôi mơ thấy chúng tôi phóng vèo vèo qua những con phố ngoại ô, đi qua những căn bungalow sợ hãi, mọi người co ro bên trong, lướt hết kênh này đến kênh khác, hy vọng được cứu chuộc và rửa tay với lòng sốt sắng như cầu nguyện.
Qua cửa sổ, tôi tưởng tượng, họ có thể nhìn thấy chúng tôi thả líp lượn qua, như ảnh bìa của một chiếc đĩa than bị lãng quên.
Hàng đến sớm hơn dự kiến vài ngày. Vấn đề duy nhất là chúng phải tự lắp.
Trong khi H. bắt đầu nghiên cứu sách hướng dẫn, tôi cố gắng chuồn đi. Khi anh nói rõ là anh cần tôi ở cạnh khi anh bắt đầu cái nhiệm vụ ma mút này, tôi khăng khăng là tôi có email khẩn cần gửi. Nhưng vô ích. Anh bắt tôi phải đứng đó và ra vẻ lo lắng khi anh nằm dưới sàn, vã mồ hôi và chửi thề, hỏi Chúa trên trời sao nhà sản xuất gửi sai bu lông và đai ốc, và không đủ ốc vít.
Tôi tưởng tượng gã tiểu thuyết gia trên mạng, gã tiểu thuyết gia vui vẻ, cùng gánh vác nhiệm vụ này với bạn trai anh ta, cả hai cùng lúc tìm đúng những con ốc vít và nhận ra, như tôi đã còn H. thì không, rằng các thanh kim loại mỏng mà H. nói là bị gói nhầm, trên thực tế là dùng để ổn định bánh trước. Tôi nghĩ đến Benjamin Britten, Gertrude Stein, Christopher Isherwood và những người bạn đời của họ. Họ sẽ biết làm thế nào để trông như có liên quan.
Bởi H. đang trong một cơn cáu kỉnh, không chỉ với các chiếc xe và nhà máy chế tạo ra chúng mà còn với tôi, kẻ nghĩ ra tất tật những chuyện này, nên tôi quyết định tốt nhất là triệu hồi một phiên bản của chính mình mà lần cuối tôi dùng là ở trường khi tôi không biết thế nào mà x bằng lại y.
Tôi làm ra vẻ đần độn, nhưng cũng buồn và khiêm tốn, hơi trầm, nhưng rất tập trung.
Chẳng mấy chốc, sau nhiều vật lộn và thở dài, hai chiếc xe đạp đã xong, và đội mũ bảo hiểm và khẩu trang, chúng tôi lên đường, lao xuống một ngọn đồi với niềm vui sướng hân hoan và biết chừng biết mực, như hai người đàn ông trong một quảng cáo xà phòng loại xịn.
Bao nhiêu năm rồi tôi mới đi xe đạp. Có chuyện gì đó đã xảy ra với cái tinh thần đang cuộn lên của tôi khi tôi để chiếc xe lướt qua Adelante đến con đường có tên tuyệt đẹp Easy Street rồi đến York, rồi đến Marmion Way rồi Công viên Arroyo Seco. Khi không xuống dốc thì đường bằng phẳng. Không có xe cộ, chỉ một vài người đi bộ ngơ ngác trên vỉa hè, đeo khẩu trang.
Tôi không biết là một nhánh sông L.A. chảy qua công viên và có một làn dành cho xe đạp ở một bên bờ. Thật khó để dùng những từ ngữ bình thường về cái gọi là dòng sông này. Nó được đặt tên là Arroyo Seco, có nghĩa là “dòng suối cạn,” và nó thực sự cạn, hoặc đủ cạn, và nó không thực sự có bờ, bởi vì nó không thực sự là một con sông.
Los Angeles sẽ rất đáng yêu khi họ hoàn thành nó.
Tuy trời vừa mưa, nhưng cái mương được rào lại mà chẳng mấy chốc sẽ hòa vào dòng sông có cái tên hùng vĩ này vẫn không có nước. Dòng sông L.A. và nhánh sông nhỏ của nó đang phải chịu đau đớn, tôi đã luôn tin, và kêu gọi lòng thương xót.
Nhưng giờ, khi dấn xe vào con đường, tôi cảm thấy mình đã tìm được một yếu tố bị che giấu khỏi tôi của thành phố. Chẳng có chiếc ô tô nào có thể đến đây. Chẳng có hình ảnh nào của cảnh tượng kỳ lạ, buồn bã này bị đưa ra thế giới. Sẽ không có: “Hãy đến L.A.! Đạp xe bên sông!” Chẳng có ai đầu óc bình thường mà lại ở đây.
Nhưng nó gần như là đẹp đẽ. Đáng lẽ tôi không nên cười vào sông L.A.
Trong lúc tôi ấp ủ những suy nghĩ sâu sắc và phóng khoáng này, H. vượt qua tôi. Nhìn đằng sau, tôi thấy gã tiểu thuyết gia và bạn đời của anh ta, những kẻ hạnh phúc, những kẻ trên mạng, trong hình dạng những bóng ma, theo sau là tất cả các cặp đồng tính hạnh phúc trong lịch sử, đang đạp hết sức có thể. Tôi đổi số và bỏ họ xa hơn, theo sau H., cố hết sức để đuổi kịp.
Colm Tóibín, “Tales from the L.A. River,” in The New York Times, The Decameron Project: 29 New Stories from the Pandemic (Scribner, 2020).
Copyright © 2020 by Colm Tóibín | Nguyễn Huy Hoàng dịch.