Joseph Brodsky sinh năm 1940 ở Leningrad và định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1972 sau khi bị chính quyền Liên Xô trục xuất. Ông được trao giải phê bình của Hiệp hội Nhà Phê bình Sách Quốc gia Mỹ năm 1986 và giải Nobel văn chương năm 1987, sau đó được bổ nhiệm làm Poet Laureate của Hoa Kỳ từ năm 1991 đến năm 1992. Ông qua đời ở New York City năm 1996.
Verrà la morte e avrà i tuoi occhi. —Cesare Pavese
I
Vật và người vây chặt
chúng ta. Và cả vật
lẫn người đều giày vò con mắt.
Sống trong bóng tối là nhất.
Tôi ngồi trên ghế đá hoa
trong công viên, ngắm
các gia đình đi qua.
Tôi đã chán với ánh sáng.
Giờ là tháng Một.
Nhằm vào mùa đông theo lịch.
Khi đã chán với bóng tối
tôi sẽ bắt đầu nói.
II
Đã đến lúc, tôi sẵn sàng bắt đầu.
Không quan trọng ở đâu.
Mở miệng. Tôi có thể không nói.
Nhưng tốt hơn là tôi nên nói.
Về cái gì? Về ngày. Về đêm.
Hoặc về không gì.
Hoặc về các thứ, chỉ nên
Nói về các thứ, bỏ đi
Con người. Họ sẽ chết.
Tất cả. Kể cả tôi.
Đây là việc không có kết quả.
Như viết trong gió mà thôi.
III
Máu tôi lạnh. Cái lạnh ấy
nó còn dữ dội hơn
các dòng sông đóng băng tận đáy.
Tôi không thích con người.
Diện mạo họ không phải
dành cho tôi. Mặt họ ghép
vào đời, một cái nếp
cứ ở đấy mãi mãi.
Có gì đó gớm ghiếc
với tâm trí trên gương mặt họ.
Cái gì như nịnh bợ
những kẻ không ai biết.
IV
Vật tốt đẹp hơn. Chúng
không thiện cũng không ác
bên ngoài. Kể cả muốn
vào sâu trong ruột.
Trong đồ vật là bụi.
Bột. Sâu đục gỗ.
Các bức tường. Giun máu khô.
Không dễ chịu khi sờ.
Bụi. Bật đèn sáng,
chỉ có bụi sáng lên.
Cũng vậy, kể cả khi đồ vật
được bít kín như bưng.
V
Cái tủ gỗ cũ,
ngoài cũng như trong,
làm tôi nhớ
đến nhà thờ Notre-Dame.
Trong tủ là bóng tối.
Chổi, dây linh mục
cũng không thể phủi sạch bụi.
Vật, đã thành quy tắc,
không cố rũ bỏ nó,
không cố căng mày quét.
Vì bụi là xác thịt của
thời gian, là máu và thịt.
VI
Gần đây tôi hay ngủ
dưới ánh sáng ban ngày.
Cái chết có vẻ
như đang kiểm tra tôi,
mang, cả khi tôi thở,
tấm gương đến bên miệng,
xem, làm sao tôi chịu đựng
hư vô trong ánh sáng.
Tôi bất động,
hai đùi lạnh như băng.
Các nhánh tĩnh mạch xanh
trên da cẩm thạch trắng.
VII
Mang tất cả góc cạnh
như một sự bất ngờ,
vật rơi ra khỏi
thế giới của ngôn từ.
Vật không đứng. Hay chuyển động.
Đó là điều ngớ ngẩn.
Vật là không gian, mà ngoài nó
không còn có đồ vật.
Vật có thể bị đập, đốt,
bị moi ruột, và dập nát.
Nhưng vật, bị vứt,
cũng không kêu: “Mẹ kiếp!”
VIII
Một cái cây. Bóng mát. Đất
cho rễ cây dưới gốc.
Các chữ lồng, rối rắm.
Đất sét. Và một dãy đá gộc.
Rễ. Sự bó buộc của nó.
Một hòn đá, mà sức nặng riêng
giải phóng nó
khỏi hệ thống liên kết.
Nó bất động. Không thể bị
xê dịch hoặc mang đi.
Bóng. Bao lấy con người
như cá mắc trong lưới.
IX
Một vật. Cái sắc nâu
của nó. Đường nét
mờ của nó. Hoàng hôn. Không
còn gì. Ngoài nature morte.
Cái chết đến và sẽ thấy
cái xác, sự mịn màng phản chiếu
sự ghé thăm của cái chết,
hệt như một phụ nữ.
Sự vô lý, một lời dối trá:
bộ xương, lưỡi hái, sọ người.
“Cái chết, khi nó tới,
nó sẽ mang đôi mắt của ngươi.”
X
Đức Mẹ nói với Đấng Kitô:
– Người là Chúa hay là con ta đó?
Người bị đóng lên thập tự giá.
Sao ta có thể về nhà?
Sao ta bước được qua cửa, không biết,
vẫn chưa hiểu được ra:
Người là Chúa hay là con ta?
Người còn sống, hay người đã chết?
Đến lượt mình, Đấng Kitô đáp:
– Dù đã chết hay còn sống trên đời,
thì cũng vậy, thưa bà, không khác.
Con hay Chúa, vẫn của bà mà thôi.
Joseph Brodsky, “Натюрморт” (1971).
Nguyễn Huy Hoàng & Phạm Hà Anh dịch.