Czesław Miłosz (1911–2004) là nhà văn, nhà thơ, và dịch giả người Ba Lan. Ông được trao giải văn chương quốc tế Neustadt năm 1978 và giải Nobel văn chương năm 1980.
Nếu Chúa nhập thể vào con người, chết và sống lại từ cõi chết,
Thì mọi cố gắng của con người chỉ đáng được chú ý
Đến mức độ mà chúng phụ thuộc vào điều đó,
Tức là, có được ý nghĩa nhờ sự kiện này.
Chúng ta nên nghĩ về nó cả ngày lẫn đêm
Hằng ngày, nhiều năm, mạnh hơn và sâu sắc hơn.
Và hơn hết, về lịch sử loài người thiêng liêng như thế nào
Và mọi hành động của chúng ta đều trở thành một phần của nó,
Được viết xuống mãi mãi, và không gì bị mất.
Bởi giống loài chúng ta đã được nâng lên rất cao
Chức tư tế nên là ơn gọi của chúng ta
Ngay cả khi chúng ta không mặc lễ phục phụng vụ.
Ta nên công khai làm chứng cho sự vinh hiển của Chúa
Bằng từ ngữ, âm nhạc, vũ điệu và mọi dấu hiệu.
Nếu những gì mà Kitô giáo tuyên bố là hư cấu
Và những gì mà họ dạy chúng ta ở trường,
Trên báo và TV là thật:
Rằng sự tiến hóa của sự sống là tình cờ,
Và nhờ tình cờ mà có sự tồn tại của con người,
Và lịch sử của anh ta đi từ hư không đến hư không,
Thì nhiệm vụ của chúng ta là rút ra kết luận
Từ suy nghĩ của mình về vô số thế hệ
Đã sống và chết tự lừa dối mình,
Sẵn sàng từ bỏ nhu cầu tự nhiên một cách vô cớ,
Đợi một bản án sau khi chết, lo sợ mỗi ngày
Rằng vì liếm một lọ mứt họ sẽ phải chịu hình mãi mãi.
Nếu một loài vật thoái hóa đáng thương
Có thể với xa đến thế trong những tưởng tượng
Và nhét đầy không khí những hữu thể rạng rỡ,
Những vực đá sâu với đám đông quỷ dữ,
Thì hệ quả của nó thực là rất nghiêm trọng.
Chúng ta nên đi và bố cáo không ngừng
Và nhắc nhở người ta ở mỗi bước rằng chúng ta là ai:
Rằng khả năng tự lừa dối của chúng ta là không có giới hạn
Và bất cứ ai tin vào bất cứ gì thì đều là sai lầm.
Cử chỉ duy nhất đáng tôn trọng là phàn nàn về sự nhất thời của chúng ta,
Về một kết thúc duy nhất cho mọi lưu luyến và hy vọng,
Như thể bằng cách đe dọa cái bầu trời hỡ hững,
Chúng ta đã hoàn thành cái phân biệt giống loài của chúng ta.
Không hề! Sao phải hoặc-hoặc?
Con người và các vị thần đã cùng sống trong nhiều thế kỷ,
Đã có những lời cầu xin sức khỏe hay một cuộc hành trình thành công.
Không phải ta nên liên tục suy ngẫm xem Giêsu là ai.
Chúng ta, những người bình thường, thì biết gì về cái Bí ẩn?
Không tệ hơn những người hàng xóm và họ hàng,
Chúng ta tôn vinh nó vào mỗi Chủ nhật.
Tốt hơn là không phải ai cũng được gọi đến chức tư tế.
Một số là cho những lời cầu nguyện, số khác cho tội lỗi của họ.
Thật tiếc khi những bài giảng của họ luôn luôn nhàm chán
Như thể chính họ đã không còn hiểu nữa.
Cứ để các nhà khoa học mô tả nguồn gốc của sự sống.
Có thể nó đúng, nhưng có cho tất cả con người?
Ngày nối đêm, cây cối nở hoa vào mùa xuân—
Những khám phá ấy chắc chắn không gây tổn hại gì.
Mong chúng ta không quan tâm cái chờ đợi mình sau khi chết
Mà ở đây, trên trái đất, đi tìm sự cứu rỗi,
Cố gắng làm điều tốt trong những giới hạn của mình,
Tha thứ cho sự bất toàn của người phàm. Amen.
Czesław Miłosz, “Either-Or,” Provinces: Poems 1987-1991, trans. author and Robert Hass (Ecco Press, 1991).
Copyright © 1991 by Czesław Miłosz | Nguyễn Huy Hoàng dịch.