Joseph Brodsky sinh năm 1940 ở Leningrad và định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1972 sau khi bị chính quyền Liên Xô trục xuất. Ông được trao giải phê bình của Hiệp hội Nhà Phê bình Sách Quốc gia Mỹ năm 1986 và giải Nobel văn chương năm 1987, sau đó được bổ nhiệm làm Poet Laureate của Hoa Kỳ từ năm 1991 đến năm 1992. Ông qua đời ở New York City năm 1996.
gửi Fausto Malcovati
Thuở xưa nơi đây một ngọn núi lửa sôi sục.
Sau này, một con bồ nông rỉa ngực.
Virgil đã sống gần đây
và W. H. Auden nhấm nháp rượu tây.
Giờ thạch cao của các cung điện tróc,
giá cả hóa đơn cũng không còn như trước.
Song bằng cách nào đó tôi vẫn kiếm sống đủ,
giữa tất cả những thay đổi.
Một người đánh cá đi vào thẳm xanh
từ chăn lông phơi trên ban công,
và mùa thu xô vào dãy núi
một cơn sóng khác với bãi biển hoang vắng.
Từ lan can, vợ và con gái tôi nhìn ra
cái nắp đàn piano đằng xa
của một cánh buồm, hoặc khinh khí cầu
của tiếng chuông xa khỏi buổi chiều.
Không thể đến nếu đi bộ,
hòn đảo như một kiểu số phận
chỉ phù hợp với gió Sirocco. Song
chúng ta cũng không
bị cấm sập cửa chớp. Và một cơn gió
bỗng thổi bay giấy tờ, và đó –
hãy mau quay đầu! – chính là bằng chứng
rằng chúng ta không đơn độc.
Cái vỏ trứng cứng, gắn chặt,
chịu đựng dưới áp lực của trán,
muối, cái búa lỏng của sóng,
lộ ra ba lòng đỏ lúc chạng vạng.
Nét nguệch ngoạc của hoa giấy bện xoắn
giúp mảnh đất có giới hạn
này che đậy sự xấu hổ của mình một chút,
trả thù không gian bằng chữ viết.
Rất ít người, và nghe thấy tiếng “bạn”
làm các đường nét người ta trở nên sắc nét,
như thể lời nói, như những ống kính,
ngăn cách cảnh quan khỏi các khuôn mặt.
Và ngón tay khi ai đó nói “nhà,”
sẽ sẵn sàng, thay vì hướng đất liền,
chỉ về phía những đỉnh mây tích
nơi các thế giới sụp đổ và phát triển.
Chúng tôi có ba người ở đây và tôi cá
cái chúng tôi đang nhìn thấy cùng nhau đã
xanh và không địa chỉ gấp ba lần
hơn những gì mà Aeneas từng nhìn.
Joseph Brodsky, “Иския в октябре” (1993).
Nguyễn Huy Hoàng & Phạm Hà Anh dịch.