Czesław Miłosz (1911–2004) là nhà văn, nhà thơ, và dịch giả người Ba Lan. Ông được trao giải văn chương quốc tế Neustadt năm 1978 và giải Nobel văn chương năm 1980.
Thoạt đầu
Thoạt đầu, một phần rìa của tầng lớp quý tộc chăm chút văn học và nghệ thuật, thanh lịch, thoát khỏi những mê tín thô thiển hơn. Các nhà thờ chật những kẻ ngoan đạo, mùi hương khói và những lời cầu nguyện. Họ sẽ đi đến một khung tâm trí chung. Điều đó sẽ mất 150 năm.
Thuốc phiện của nhân dân
Tôn giáo, thuốc phiện của nhân dân. Đối với những người phải chịu đau đớn, ô nhục, bệnh tật, và chế độ nông nô, nó hứa hẹn một phần thưởng ở thế giới bên kia. Và giờ chúng ta đang chứng kiến một sự biến đổi. Thuốc phiện thực sự đối với người dân là niềm tin vào hư vô sau cái chết – niềm an ủi to lớn của ý nghĩ rằng bất chấp những sự phản bội, tham lam, hèn nhát, những sự sát hại lẫn nhau của mình, chúng ta sẽ không bị phán xét.
Tôn giáo và chính trị
Có thể hiểu được việc có những người thà thích không gì hơn là tôn giáo, nhất là những tôn giáo với hành trang chủ nghĩa dân tộc (Bosnia, Bắc Ireland). Có nhiều kinh nghiệm cho thấy con người bao bọc mình trong những mục tiêu cao cả, sự thuần khiết và sự cao quý của của một miền tinh thần cao cả giả tạo, để giả vờ như họ không biết bàn tay mình đang làm gì.
Các tôn giáo
Mọi tôn giáo lớn – Kitô giáo, Phật giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo – đều có một viễn cảnh về con người bị phán xét sau khi chết, đặc biệt ưa hình ảnh về cuộc tranh luận giữa Kẻ buộc tội và Kẻ biện hộ. Đôi khi có một cái cân để cân đo tội lỗi và việc thiện. Trong Phật giáo Tây Tạng, thẩm phán là Diêm La và trước khi đưa ra phán quyết, ông được trợ giúp bởi những viên sỏi, sỏi đen được đặt lên cân bởi Kẻ buộc tội, sỏi trắng bởi Kẻ biện hộ. Mọi tôn giáo đều công nhận rằng việc làm của chúng ta là tồn tại mãi mãi; trong Phật giáo đây được gọi là nghiệp.
Sau khi thành hiện thực
Một nhà tiên tri, như ông tự gọi, của chủ nghĩa hư vô châu Âu, Nietzsche từng hãnh diện nói “chúng tôi, những người theo chủ nghĩa hư vô” và định nghĩa cái sẽ là “hình thức trắng trợn nhất của chủ nghĩa hư vô.” Đó sẽ là “một cái nhìn mà theo đó, bất kỳ niềm tin, bất kỳ lòng tin nào cũng tất yếu là sai, đơn giản bởi vì không có thế giới thực.” Ông gọi đây là “lối tư duy thần thánh.” Về sư phụ và người thầy của mình, Schopenhauer, ông có một từ: “suy đồi.”
Có lẽ ông sẽ không hài lòng lắm với cách người ta sử dụng công trình của ông suốt một trăm năm sau khi ông chết. Suy cho cùng, cái ông đề cao là lòng dũng cảm. Và ngày nay thì cần phải có lòng dũng cảm để phản bác những quan điểm của ông.
Schopenhauer tội nghiệp
Tại sao ông phải là nhà triết học có tên xuất hiện bất cứ lúc nào cần soạn ra một phả hệ cho chủ nghĩa hư vô châu Âu? Ông không xứng phải chịu điều đó. Nếu không vì lý do nào khác, thì chỉ vì vị trí mà triết học của ông đã gán cho sự thánh thiện và nghệ thuật.
Trong chừng mực chịu ảnh hưởng của tôn giáo châu Á, sự giải thoát đối với ông có nghĩa là trút bỏ gánh nặng của nghiệp. Chỉ trong văn hóa dân gian của các quán cà phê Niết bàn mới được đồng nhất với hư vô. Theo Schopenhauer, Niết bàn không thể được diễn đạt trong ngôn ngữ của Luân hồi, của thế giới huyễn hoặc: nó ngụ ý điều ngược lại.
Trục tung
Lên và xuống. Người ta có thể băn khoăn về hình ảnh Thăng Thiên trong Tân Ước, nhưng trục tung cai trị mọi nơi trong thế giới phi thực thể. Bởi vậy mà có Hades dưới lòng đất của người Hy Lạp và Sheol của người Do Thái. Trong Dante, Địa ngục ở dưới, Luyện ngục cao hơn một chút, Thiên đường ở trên; trong Tử thư Tây Tạng, Bardo, trạng thái trung gian sau khi chết, cho phép những hóa thân tốt hơn được đi lên, hoặc những hóa thân thấp kém hơn phải đi xuống.
Tiên đoán
Vladimir Solovyov kể trong tác phẩm Ba cuộc trò chuyện, 1900, về một giáo phái những người sùng bái lỗ ở Nga. Họ sẽ đục một lỗ trên tường túp lều và cầu nguyện với nó: “Hỡi lỗ thánh!”
Một đoạn trích
từ “Cuộc trốn chạy của Lot” của Aleksander Wat
“Balzac, Stendhal, các thế hệ tiểu thuyết gia đã phơi bày ra cái hậu trường thảm hại của động cơ và hành động của con người, những người lục ra mọi bằng chứng về sự suy thoái của bản tính con người, mò xuống tận đáy những giấc mơ của con người” – Lot nghĩ, và trở nên sợ hãi. Anh được phú cho một sự ngưỡng mộ bẩm sinh đối với mọi thứ được thực hiện tốt, được viết tốt, có tầm cỡ phù hợp – và anh càng thấy sợ hãi hơn khi nhận ra không còn ai quan tâm đến “cái gì,” mà chỉ “như thế nào,” rằng chúng ta đã trở nên thờ ơ với nội dung và phản ứng, thậm chí với hình thức cũng không, mà chỉ với kỹ thuật, với bản thân sự hiệu quả về mặt kỹ thuật.
Czesław Miłosz, “Discreet Charm of Nihilism,” Road-side Dog, trans. author and Robert Hass (Farrar, Straus and Giroux, 1998).
Copyright © 1996 by Czesław Miłosz | Nguyễn Huy Hoàng dịch.